Soạn bài Chí Phèo
Soạn bài Chí phèo - Ngữ văn 11 Cánh diều
* Gợi ý trả lời câu hỏi phần chuẩn bị:
- Nhà văn đã kể câu chuyện về hoàn cảnh, số phận của người nông dân bị tha hóa trong giai đoạn thực dân nửa phong kiến.
- Bối cảnh: Làng quê, nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Khi này, xã hội còn tồn tại nhiều bất công, trái ngang, cuộc sống người dân lầm than, khổ cực.
- Một số sự kiện nổi bật:
+ Chí Phèo là đứa trẻ bị bỏ rơi ở cái lò gạch cũ, được người làng nhặt về rồi chuyền tay nhau nuôi lớn.
+ Chí Phèo lớn lên đi làm thuê cho nhà bá Kiến. Do ghen tuông, bá Kiến đã kiếm cớ đẩy Chí vào tù.
+ Chừng 7-8 năm sau, Chí Phèo ra tù, biến thành một con người hoàn toàn khác và bị bá Kiến lợi dụng làm tay sai. Từ đó, trở thành con quỷ của làng Vũ Đại, chuyên đi rạch mặt ăn vạ.
+ Chí Phèo gặp thị Nở, được thị chăm sóc và dần cảm nhận được tình yêu, muốn trở về làm người lương thiện.
+ Thị Nở bị bà cô cấm cản, đến chia tay với Chí Phèo.
+ Chí Phèo tuyệt vọng, vác dao đi giết Bá Kiến rồi tự sát.
+ Chí Phèo chết, thị Nở nhìn xuống bụng mình và nghĩ đến hình ảnh cái lò gạch bỏ hoang.
- Nhân vật chính: Chí Phèo.
- Mối quan hệ giữa nhân vật chính với các nhân vật khác:
+ Với bá Kiến: Chí từng là người ở cho nhà bá Kiến, sau lại bị chính bá Kiến ghen tuông, kiếm cớ tống vào tù. Sau, Chí Phèo lại bị hắn thao túng, trở thành tay sai chuyên đi đòi nợ thuê cho hắn.
+ Với thị Nở: Thị là người đã thức tỉnh Chí, khơi dậy phần "người" và sự lương thiện bị chôn giấu bao lâu nay của Chí Phèo.
+ Với người dân làng Vũ Đại (lí Cường, bà cô thị Nở, đội Tảo, người dân,...): Ai cũng muốn tránh xa Chí Phèo, coi hắn như không tồn tại.
- Những biện pháp nghệ thuật nổi bật được sử dụng trong truyện:
+ Điển hình hóa tính cách nhân vật.
+ Sử dụng linh hoạt biện pháp so sánh, liên tưởng,...
+ Bút pháp tả thực.
+ Sử dụng nhiều khẩu ngữ, đem đến hơi thở của đời sống dân dã.
- Việc chuyển đổi điểm nhìn diễn ra rất linh hoạt trong tác phẩm. Người kể chuyện đã liên tục thay đổi điểm nhìn từ ngoài vào trong, đặt điểm nhìn vào nhân vật để thấy được vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Qua đó, hiểu rõ hơn về tính cách, hoàn cảnh và số phận con người.
- Lên án, tố cáo chế độ thực dân nửa phong kiến, bọn cường hào ác bá, nhà tù thực dân đã đày đọa, làm tha hóa những con người lương thiện.
- Cất lên tiếng kêu cứu của những số phận bi kịch, khốn khổ, bị tước đi cả quyền lợi cơ bản nhất.
- Sự đồng cảm, xót thương cho những người dân lương thiện bị xã hội xưa chà đạp, làm cho tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính.
a, Nhà văn Nam Cao:
- Thông tin cơ bản:
+ Tên thật là Trần Hữu Tri, sinh ngày 29/10/1915 (hoặc 1917), mất ngày 30/11/2951.
+ Quê hương: làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam".
+ Xuất thân từ một gia đình Công giáo bậc trung, có cha làm thợ mộc, thầy lang còn mẹ vừa nội trợ vừa làm vườn, làm ruộng,...
+ Là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của thế kỉ XX với nhiều đóng góp với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết ở Việt Nam giai đoạn đó.
+ Ngoài việc là một nhà văn, Nam Cao còn là một nhà thơ, nhà báo, chiến sĩ, liệt sĩ.
- Phong cách sáng tác:
+ Đề cao quan điểm "nghệ thuật vị nhân sinh": nghệ thuật phải vì con người.
+ Hướng ngòi bút đến những vấn đề nhỏ nhặt trong xã hội như miếng ăn, cái đói. Từ đó đem đến triết lí nhân sinh sâu sắc.
+ Nhân vật trong các tác phẩm của Nam Cao là những người tri thức tiểu tư sản sống mòn mỏi, những người nông dân bị cái đói, cái nghèo làm cho tha hóa.
b, Bối cảnh ra đời của truyện ngắn "Chí Phèo":
- Ban đầu, truyện có tên là "Cái là gạch cũ". Khi in thành sách lần đầu tiên, nhà xuất bản đã đổi thành "Đôi lứa xứng đôi". Tận lúc in lại trong tập "Luống cày", tác giả Nam Cao mới đặt lại tên tác phẩm là "Chí Phèo".
- Lấy bối cảnh làng quê Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám. Khi này, một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, dần lưu manh hóa, bị vùi dập, đánh mất cả nhân hình và nhân tính.
* Gợi ý trả lời câu hỏi trong khi đọc:
- Những đối tượng mà Chí Phèo chửi: trời, đời, cả làng Vũ Đại, ai không chửi nhau với hắn, ai đẻ ra hắn.
- Từ tiếng chửi của Chí Phèo, có thể thấy đây là một kẻ nát rượu, hay đi phá làng phá xóm. Nhưng đồng thời, hắn cũng là kẻ đáng thương, không cha không mẹ, không có cả một người để giao tiếp cùng.
Ngôn ngữ trong phần 1 là sự kết hợp giữa lời người kể chuyện với lời của nhân vật (người dân làng Vũ Đại, Chí Phèo):
- Lời người kể chuyện: "Hắn vừa đi vừa chửi...", "Hắn nghiến răng chửi ... cũng không ai biết".
- Lời nhân vật:
+ Người dân làng Vũ Đại: "Chắc nó trừ mình ra".
+ Chí Phèo: "Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!", "Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không?...".
- Khái quát: "Hắn về đợt này trông khác hẳn", "Trông đặc như thằng săng đá", "Trông gớm chết".
- Chi tiết:
+ "Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen và rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết".
+ "Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế".
Những hành động của Chí Phèo trong phần 2:
- "Hắn về hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa đến xế chiều".
- Sau khi say, Chí "xách một vỏ chai đến cổng nhà bá Kiến, gọi tận tên tục ra mà chửi".
- Khi tranh chấp với lí Cường, Chí Phèo lấy mảnh chai rạch mặt ăn vạ.
- Dưới sự dỗ ngon dỗ ngọt của bá Kiến, Chí Phèo dần dịu lại. Từ đó, trở thành tay sai cho bá Kiến, lúc nào cũng say xỉn và ngang ngược.
- Những lời nói, cử chỉ của nhân vật bá Kiến:
+ Quát mấy bà vợ: "Các bà đi vào nhà; đàn bà chỉ lôi thôi, biết gì!".
+ Dịu giọng với người làng: "Cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại như thế này?".
+ Trước Chí Phèo đang ăn vạ dưới đất, bá Kiến "khẽ lay mà gọi", "cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm", "đổi giọng", "thân mật hỏi", "xốc Chí Phèo" dậy.
+ Thấy Chí nguôi ngoai, bá Kiến nháy mắt với lí Cường, quát: "Lí Cường đâu! Tội mày đáng chết. Không bảo người nhà đun nước, mau lên!".
- Qua những lời nói, cử chỉ trên, độc giả càng thấy được bá Kiến là một kẻ "cáo già" vô cùng khôn khéo. Đây là nhân vật điển hình cho tầng lớp địa chủ, cường hào, những kẻ nắm quyền ở vùng nông thôn trong giai đoạn bấy giờ: nham hiểm, giả tạo, có thể dùng mọi thủ đoạn để trục lợi cho bản thân.
Diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp thị Nở:
- Chí Phèo cảm thấy thấy buồn và có chút sợ hãi về tương lai sắp tới:
+ Sau khi tỉnh, hắn "bâng khuâng", "lòng mơ hồ buồn".
+ Chí Phèo bắt đầu thấy "sợ rượu" "như những người ốm sợ cơm".
+ Chí nghe thấy những âm thanh "quen thuộc hôm nào chả có" ở bên ngoài, nhưng buồn vì tận hôm nay hắn mới nghe được.
+ Hắn nhớ lại thuở xa xôi, khi hắn ước ao có một gia đình nhỏ "chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng bỏ lại một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm".
+ Chí Phèo "thấy hắn già mà vẫn còn cô độc", ý thức về tuổi tác, sức khỏe của bản thân: "chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đày đọa cực nhọc ... cơ thể đã hư hỏng nhiều".
+ Chí Phèo chìm trong suy nghĩ của mình về "tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc" đến mức "khóc được mất".
- Chí Phèo ngạc nhiên, cảm động khi thấy thị Nở và nồi cháo hành:
+ "Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt".
+ "Vừa vui vừa buồn".
+ Thấy tình yêu làm cho thị Nở có duyên.
+ Nhớ lại hình ảnh của bà ba nhà lí Kiến cùng quá khứ đau khổ.
+ Hắn vừa ăn vừa cười, "thấy lòng thành trẻ con", "muốn làm nũng với thị như với mẹ".
- Nhân tính và khát vọng được yêu, được hạnh phúc trỗi dậy:
+ Thấy ăn năn, "hối hận về tội ác khi không đủ sức mà ác nữa".
+ "Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao".
+ Nói với thị Nở: "Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui".
Những đoạn độc thoại nội tâm của Chí Phèo:
+ "Hắn lại nao nao buồn [...] mua dăm ba sào ruộng làm".
+ "Tỉnh dậy, hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc [...] cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau".
+ "Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. [...] Hắn phải làm cho người ta sợ".
+ "Trời ơi cháo mới thơm làm sao! [...] tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo?".
- Sự thức tỉnh của Chí Phèo về hoàn cảnh thực tại của bản thân.
- Những từ ngữ, câu văn diễn tả tâm trạng của Chí Phèo:
+ "Đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một bàn tay "đàn bà"".
+ "Nó chỉ nghĩ đến sao cho thỏa nó chứ có yêu hắn đâu".
+ "Hắn thấy nhục hơn là thích, huống hồ lại sợ".
+ "Hắn chỉ thấy nhục, chứ yêu đương gì. [...] sao lại chỉ gây kẻ thù?"
- Chí Phèo có sự thay đổi trong suy nghĩ và tâm trạng bởi lúc này, hắn cảm nhận được sự quan tâm của thị Nở. Chính tình yêu thương, sự săn sóc của thị đã khiến lương tâm Chí thức tỉnh, khơi dậy trong hắn khát vọng thiện lương. Từ đó, giúp Chí Phèo dần tỉnh dậy sau một "cơn say" dài suốt những năm qua.
- Thái độ của bà cô thị Nở:
+ Ban đầu: "bật cười", "tưởng cháu bà nói đùa".
+ Lúc sau: "hoảng hốt", "nhục cho ông cha nhà bà", "tủi cho thân bà", "chua xót lắm", "uất ức", "gào lên như con mẹ dại", "xỉa xói vào cái mặt cháu gái bà".
+ Kịch liệt phản đối: "Đã nhịn được đến bằng này tuổi thì nhịn hẳn; ai lại đi lấy thằng Chí Phèo!"
- Thái độ và tâm trạng của thị Nở:
+ Khi nghe bà cô xỉa xói: "lộn ruột", "biết cãi làm sao", "không cãi được thì giận dữ nổi lên đùng đùng", "tức lắm", "cần đổ cái tức ấy lên một người", "lon ton chạy lên nhà nhân ngãi".
+ Khi thấy Chí Phèo uống rượu rồi chửi mình, thị Nở "điên lên", "giẫm chân xuống đất, rồi lại nhảy cẫng lên như thượng đồng".
+ Lúc thấy Chí như đang cười nhạo mình, thị "chống tay vào háng, vênh vênh cái mặt, và dớn cái môi vĩ đại lên, trút vào mặt hắn tất cả lời bà cô".
- Dáng điệu: Chí Phèo mang dáng điệu của một tên say rượu, đi đứng lảo đảo.
- Ngôn ngữ: Vừa đi vừa chửi với sự bực tức, cay cú.
- Hành động: Chửi cả nhà cụ bá.
- Chí Phèo sẽ dùng cách tiêu cực nhất nhưng cũng là cách duy nhất để lấy lại sự lương thiện cho bản thân: giết chết bá Kiến rồi tự sát.
- Những lời bàn tán và thái độ của người dân làng Vũ Đại -> Bày tỏ cái nhìn, sự đánh giá khách quan dành cho sự việc đã diễn ra.
- Thái độ của thị Nở: nhìn xuống bụng, nghĩ về cái lò gạch bỏ hoang -> Hoàn chỉnh kết cấu đầu cuối tương ứng, tạo nên một vòng lặp đầy bế tắc về số phận bi kịch của người nông dân lương thiện trong xã hội xưa.
Soạn bài Chí phèo - Ngữ văn 11 Cánh diều
* Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:
- Phần 1: Giới thiệu sơ lược về Chí Phèo sau khi ra tù và tiếng chửi của hắn.
- Phần 2: Chí Phèo đến nhà bá Kiến rạch mặt ăn vạ. Nhờ sự khôn khéo, cáo già của mình, cụ bá đã biến Chí trở thành tay sai đắc lực, chuyên đi đâm thuê chém mướn cho cụ.
- Phần 3: Sau khi ăn nằm với thị Nở, Chí Phèo tỉnh dậy và nghĩ về cuộc đời mình. Ăn được bát cháo hành thị nấu, nhân tính trong hắn bùng lên mãnh liệt. Hắn khát khao trở về với cuộc sống lương thiện, muốn cùng thị Nở xây dựng một gia đình nhỏ đầm ấm, hạnh phúc.
- Phần 4: Bà cô thị Nở biết chuyện, nhất quyết cấm cản. Thị Nở trút hết nỗi bực tức lên Chí Phèo, mặc cho hắn giữ thế nào cũng không chịu ở lại. Chí Phèo tuyệt vọng, liên tục uống rượu, vác dao đòi đi đâm chết bà cô nhưng thế nào lại sang thẳng nhà bá Kiến.
- Phần 5: Chí Phèo đòi làm người lương thiện, đâm chết bá Kiến rồi cũng cắt cổ tự sát.
- Phần 6: Dân làng Vũ Đại bàn tán về cái chết của cụ bá và Chí Phèo. Thị Nở nghĩ đến đêm ăn nằm với Chí, chợt nhìn xuống bụng mình rồi nghĩ tới cái lò gạch bỏ hoang.
* Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo từ sau khi gặp Thị Nở:
- Chí Phèo cảm nhận được rõ hơn vẻ đẹp của cuộc sống:
+ Tiếng chim hót vui vẻ.
+ Tiếng cười nói của những người đi chợ.
+ Tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá.
+ Tiếng hai người đàn bà trò chuyện về việc buôn bán.
+ Nhớ lại ước mơ từ rất xa xôi về một gia đình nhỏ hạnh phúc, đầm ấm: "Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm".
- Chí Phèo ý thức được hoàn cảnh thực tại của bản thân:
+ Như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài.
+ Cảm thấy nôn nao, sợ rượu và trong lòng mơ hồ buồn.
+ Hắn thấy hắn già mà vẫn cô độc - điều còn đáng sợ hơn cả đói rét.
- Chí Phèo cảm nhận được tình yêu thương:
+ Nhìn thấy thị Nở và nồi cháo hành, Chí vô cùng cảm động.
+ "Hắn thấy vừa vui vừa buồn. Và một cái gì nữa giống như là ăn năn".
+ Hắn cảm nhận được vị ngon của cháo cũng như tình cảm, sự quan tâm của thị Nở.
+ Chí Phèo nhớ về quá khứ đắng cay, tủi nhục: bị bà Ba nhà bá Kiến bắt bóp chân, "thấy nhục hơn là thích, huống hồ lại sợ".
- Chí Phèo khát khao được làm người lương thiện, muốn có một cuộc sống gia đình hạnh phúc cùng thị Nở:
+ Bát cháo hành của thị Nở làm hắn suy nghĩ: "Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây kẻ thù?".
+ Chí Phèo vừa ăn cháo vừa cười. "Hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ".
+ Chí Phèo bắt đầu lo lắng cho tương lai, khi bản thân không thể ác được nữa.
+ Hắn có suy nghĩ muốn làm hòa với mọi người, muốn trở lại làm người lương thiện.
+ Chí Phèo muốn cùng thị Nở xây dựng một gia đình, cố uống ít rượu đi "để tỉnh táo mà yêu nhau".
* Giải thích việc Chí Phèo giết Bá Kiến:
Việc Chí Phèo mang dao đi giết Bá Kiến và tự sát bắt nguồn từ ước muốn, khát khao làm người lương thiện vừa trỗi dậy trong lòng Chí. Những lời của thị Nở đã kéo Chí về với thực tại nghiệt ngã: hắn là "con quỷ" bị người người xa lánh. Hắn đã sống dưới cái lốt một thằng đầu đường xó chợ quá lâu. Dân làng Vũ Đại giờ đây không còn chấp nhận hắn nữa. Và kẻ đã gây ra sự bi kịch ấy chính là bá Kiến. Lão đẩy hắn vào con đường tù tội, biến hắn thành tên chuyên đi đâm thuê chém mướn. Giờ đây, việc Chí trở lại làm người lương thiện gần như là điều không thể. Vậy nên hắn quyết định chọn cách cực đoan nhất: giết bá Kiến, kết thúc mọi ân oán trước đây.
- Theo em, bi kịch lớn nhất của Chí Phèo là bị tước đi quyền làm người. Trong một tập thể, Chí phải nhận sự ghẻ lạnh, cô lập từ phía dân làng. Không ai giao tiếp với hắn, không ai chấp nhận hắn. Mọi người chỉ coi Chí Phèo như một tên vô lại, một thằng đầu đường xó chợ chuyên đi rạch mặt ăn vạ, một "con chó săn" cho nhà lí Kiến. Bị cự tuyệt quyền làm người, Chí Phèo chỉ còn cách lựa chọn cái chết. Đối với hắn, lúc bấy giờ, chết là con đường duy nhất để hắn thoát khỏi lớp vỏ bọc của một "con quỷ".
- Qua hình tượng nhân vật Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã hướng tấm lòng nhân đạo đến người nông dân lương thiện trong xã hội cũ. Ông bày tỏ sự xót xa, thương cảm dành cho những số phận bi kịch bị vùi dập. Đồng thời, lên tiếng tố cáo bọn cường hào ác bá - nguyên nhân chính dẫn đến sự khổ đau cho dân lành. Bên cạnh đó, tác giả cũng cổ vũ người dân đứng lên giành lại quyền lợi để xã hội không còn phải chứng kiến những cái chết thương tâm như Chí Phèo.
- Cách mở đầu truyện:
+ Không theo trình tự thời gian.
+ Bắt đầu với tiếng chửi của Chí Phèo.
Tạo ấn tượng ban đầu về một kẻ không cha không mẹ, nát rượu, bị cả làng Vũ Đại ghẻ lạnh, xa lánh.
- Không gian và thời gian:
+ Không gian quen thuộc, gần gũi của làng quê Việt Nam.
+ Thời gian đan xen giữa quá khứ, hiện tại cùng thời gian hồi tưởng, thời gian tưởng tượng trong tương lai.
Mang đến cái nhìn đa chiều về nhân vật, hoàn cảnh.
- Ngôn ngữ:
+ Sử dụng nhiều khẩu ngữ.
+ Đan xen giữa ngôn ngữ đối thoại và độc thoại.
+ Ngôn ngữ gần gũi, giản dị.
Tạo sự thân thuộc, dễ tiếp cận với mọi thế hệ độc giả.
- Ngôi kể và điểm nhìn trần thuật:
+ Ngôi kể thứ ba - người kể toàn tri.
+ Điểm nhìn linh hoạt, kết hợp điểm nhìn từ bên ngoài vào bên trong, từ khách quan đến chủ quan.
Khéo léo bày tỏ quan điểm, ý kiến, nhận xét, đánh giá về nhân vật, sự việc.
- Kết cấu: Kết cấu vòng tròn, khép kín: Bắt đầu và kết thúc đều bằng hình ảnh cái lò gạch bỏ hoang. Thể hiện vòng lặp bế tắc, không lối thoát của những người dân lương thiện trong xã hội cũ.
- Nhiều chi tiết điển hình: tiếng chửi, bát cháo hành, cái lò gạch cũ. Tạo nên nét đặc trưng riêng biệt, đặc điểm nhận diện cho tác phẩm.
- Theo em, bên cạnh việc phản ánh số phận bi kịch của người nông dân trong xã hội cũ, "Chí Phèo" còn mang đến chủ đề về sức mạnh của tình yêu thương.
- Chủ đề phụ này chính là bước đệm để tác giả thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả dành cho những số phận bất hạnh, khổ đau. Nhà văn muốn nhấn mạnh một điều rằng: dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo, bi kịch đến như nào, con người ta vẫn tỏa sáng rực rỡ với tình yêu thương, sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau. Tình yêu thương chính là chìa khóa để con người thoát khỏi ngục tối của sự đau khổ.
- Những giá trị văn hóa và triết lí nhân sinh được thể hiện qua truyện ngắn "Chí Phèo":
+ Hiện tượng tha hóa, lưu manh hóa của một bộ phận những nông dân lao động lương thiện trong xã hội trước Cách mạng.
+ Lên án mạnh mẽ chế độ nhà tù phong kiến cùng bọn cường hào ác bá đã đày đọa, tàn phá con người cả về thể xác lẫn tâm hồn.
+ Khẳng định bản chất lương thiện, giàu tình yêu thương của con người ngay cả trong những hoàn cảnh éo le, bi kịch nhất.
- Trong cuộc sống ngày nay, những giá trị văn hóa và triết lí nhân sinh ấy vẫn còn giữ nguyên tầm ảnh hưởng vốn có. Đời sống của con người ngày càng phát triển. Điều này mang đến không ít lợi ích, nhưng cũng đồng thời đem lại một số mặt tiêu cực nhất định. Con người dần xa cách nhau hơn. Những giá trị đạo đức tốt đẹp khi xưa đang có chiều hướng mai một dần. Vậy nên thông điệp mà Nam Cao gửi gắm trong "Chí Phèo" lại càng ý nghĩa. Chúng ta phải cố gắng yêu thương, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau, lên án những thế lực chèn ép, biến đổi con người. Có như vậy, xã hội mới không còn những Chí Phèo, bá Kiến, không còn những sự mất mát đáng tiếc, thương tâm.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Qua phần soạn bài phía trên, hi vọng em đã có thêm những hiểu biết sâu sắc, rõ ràng hơn về một tác phẩm kinh điển của nền văn học Việt Nam. Để khám phá nhiều hơn những tác phẩm, câu chuyện khác, mời các em ghé qua Taimienphi.vn để tham khảo các bài mẫu tương tự nhé: Soạn bài Tấm lòng người mẹ, Ngữ văn lớp 11 Cánh Diều; Soạn bài Kép Tư Bền, Ngữ văn lớp 11 Cánh Diều