Phân tích truyện cổ tích Thạch Sanh

Đề bài: Phân tích truyện cổ tích Thạch Sanh

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Bài văn Phân tích truyện cổ tích Thạch Sanh


I. Dàn ý Phân tích truyện cổ tích Thạch Sanh (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về truyện cổ tích Thạch Sanh

2. Thân bài

a. Xuất thân và quá trình trưởng thành của Thạch Sanh
- Vốn là thái tử con nhà trời
- Đầu thai vào gia đình người tiều phu, cha mẹ mất sớm.
- Mồ côi cha mẹ, sống bằng nghề đốn củi
- Được thần dạy võ nghệ lại khỏe mạnh, chăm chỉ, lao động giỏi.
- Bị mẹ con Lí Thông lợi dụng để kiếm tiền và lừa Thạch Sanh đi thế mạng cho Lí Thông.

b. Những thử thách và chiến công
- Diệt chằn tinh, nhặt được cung tên vàng nhưng bị Lí Thông lừa mất.
- Bắn đại bàng cứu công chúa nhưng bị Lí Thông cướp công, lấp cửa hàng hãm hại.
- Cứu con trai vua Thủy Tề, được tặng cây đàn thần.
- Đánh đuổi quân chư hầu bằng cây đàn thần, dùng niêu thần để thiết đãi kẻ thua trận.

c. Đạt được hạnh phúc trọn vẹn
- Nhà vua gả công chúa cho Thạch Sanh
- Lên ngôi vua

3. Kết bài

Khát quát giá trị nội dung, nghệ thuật.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích truyện cổ tích Thạch Sanh

Tuổi thơ của tôi trôi qua thật êm đềm và đẹp đẽ, tôi sống trong những lời ru thân thương của mẹ của bà, nghe từng câu chuyện cổ tích lý thú, hấp dẫn mà đi vào giấc ngủ mơ màng. Mỗi một câu chuyện đều đem đến cho tôi những bài học hay và quý giá, từ Tấm Cám, Sọ Dừa, đến Sự tích Hồ Gươm, và Thạch Sanh cũng là một trong số những câu chuyện cổ tích đặc sắc gắn liền với tuổi thơ tôi.

Nhân vật Thạch Sanh có nhiều điểm tương đồng với các nhân vật chính trong các truyện cổ tích khác, là kiểu người thật thà tốt bụng, có một lai lịch bất thường, ở chàng hội tụ đủ các phẩm chất đẹp không chỉ về ngoại hình mà còn cả tâm hồn. Xuyên suốt câu chuyện là những tình tiết lý thú, gay cấn, thêm vào các yếu tố thần kỳ làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, hút người đọc. Đây là một câu chuyện khá dài, kể về cuộc đời của Thạch Sanh từ khi sinh ra cho đến khi đã thành gia lập thất, cuộc đời chàng gặp rất nhiều nguy khốn, nhưng may thay đều vượt qua được, cuối cùng có một cuộc sống viên mãn.

Kể về gốc gác của Thạch Sanh, ngay từ lúc ban đầu đã có nhiều sự lạ, bởi vốn dĩ chàng là thái tử do Ngọc Hoàng phái xuống đầu thai làm con của cặp vợ chồng hiếm muộn, nhưng ăn ở tốt. Người mẹ mang thai ròng rã mấy năm trời, đến nỗi khi người chồng lâm bệnh qua đời mà Thạch Sanh vẫn chưa chịu ra đời, đến khi chào đời vừa lớn khôn cậu đã phải chịu cuộc sống mồ côi cha mẹ. Tình cảnh hết sức khó khăn, nghèo túng, gia sản chỉ có túp lều và lưỡi rìu người cha để lại, tuy nhiên Thạch Sanh đã sớm tự lập, nối nghiệp của cha mẹ ngày ngày lên rừng kiếm củi. Ngọc Hoàng lại phái thiên thần xuống dạy cho các phép thần thông, từ đó Thạch Sanh trở thành người tinh thông võ nghệ, nhưng không vì thế mà sinh kiêu, chàng vẫn ngày ngày kiếm củi sống cuộc sống giản dị chân chất, không hề có ý bon chen. Sống ẩn dật và mang trong mình một sức mạnh phi thường, dự báo trước một cuộc đời vẻ vang với nhiều chiến công lừng lẫy của chàng về sau này.

 Cuộc đời chàng bắt đầu rẽ sang hướng khác khi gặp Lý Thông, và kết nghĩa anh em. Thực chất Lý Thông chẳng phải hạng tốt lành gì, hắn chỉ nhắm vào sức khỏe phi thường của Thạch Sanh hòng lợi dụng chàng làm việc cho mẹ con hắn. Nhưng vốn thật thà, chất phác, lại sớm mồ côi cha mẹ, nay lại có người hỏi thăm, muốn kết nghĩa anh em, quả thật không gì hạnh phúc bằng nên Thạch Sanh đã nhận lời và dọn về cùng Lý Thông. Và tại nơi này Thạch Sanh đã chịu lần hãm hại đầu tiên, mà kẻ thủ phạm không ai khác chính là người anh em gian ác Lý Thông, hắn lợi dụng lòng tin của Thạch Sanh nhờ chàng đi canh miếu giùm, thực chất là đưa Thạch Sanh vào chỗ chết. Quả là một kẻ nham hiểm, xảo trá, sẵn sàng hy sinh mạng sống của anh em không từ thủ đoạn. Thạch Sanh vì tin tưởng anh, nên ra đi mà không hề biết có nguy hiểm phía trước, khi gặp xà tinh ban đầu chàng có hơi hoảng loạn, nhưng bằng sự gan dạ, dũng cảm và võ nghệ đã học được, Thạch Sanh cuối cùng cũng chiến thắng quái vật. Cây cung vàng chính là phần thưởng cho sự anh dũng, khi diệt quái thú của Thạch Sanh. Thạch Sanh đem đầu xà tinh về nhà, lúc này chàng vẫn không mảy may nghi ngờ người anh Lý Thông, cứ nghĩ mọi chuyện chỉ là trùng hợp. Mẹ con nhà Lý Thông, có tật giật mình nghe tiếng gõ cửa tưởng hồn Thạch Sanh hiện về, nhưng không ngờ lại thấy Thạch Sanh còn sống nguyên vẹn trở về, với bản tính tham lam, hám lợi Lý Thông lại một lần nữa lừa Thạch Sanh hòng đuổi chàng đi, để chiếm hết công lao và thành Quận công. Còn Thạch Sanh vốn chất phác, càng không có suy nghĩ danh lợi lại lầm lũi trở về túp lều trước kia tiếp tục kiếm sống qua ngày.

Mạch truyện hấp dẫn hơn khi lần nữa Thạch Sanh dùng mũi tên bắn bị thương đại bàng bắt công chúa, và tìm thấy nơi ẩn nấp của nó. Lúc này tên Lý Thông vốn vô năng, không thể cứu được công chúa như lệnh của hoàng đế, bất ngờ gặp lại Thạch Sanh, và hắn lập tức lợi dụng chàng thêm lần nữa. Khi đã giải cứu được công chúa, để giành hết công lao và che giấu tội lỗi hắn từng gây ra, Lý Thông bèn lập kế lấp miệng hang hòng thủ tiêu Thạch Sanh, vô cùng tàn nhẫn và độc ác. Sau ba lần bị lừa, giờ đây cuối cùng Thạch Sanh cũng nhận ra bộ mặt thật của tên Lý Thông gian ác, đánh dấu bước chuyển biến mới trong tư duy của Thạch Sanh, biết phân biệt người tốt kẻ xấu, dự báo một ngày tàn của Lý Thông sẽ không còn xa nữa. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo nguy khốn, Thạch Sanh lại ra tay nghĩa hiệp cứu được thái tử của vua Thủy Tề và may mắn thoát khỏi hang động bị lấp kín đá. Với tâm hồn thanh bạch không màng danh lợi, vật chất, khi được biếu tặng nhiều vàng bạc Thạch Sanh không nhận và chỉ xin một cây đàn, rồi trở về gốc đa tiếp tục cuộc sống ẩn dật, chàng vẫn không có ý định trả thù tên Lý Thông, bởi sâu trong thâm tâm chàng là người lương thiện, sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện. Có một chi tiết rất lạ, là nàng công chúa sau khi được cứu về lại hóa câm, qua mạch truyện hẳn đây là tâm bệnh, có lẽ nàng quá căm tức trước hành động vô liêm sỉ của Lý Thông và thương xót cho Thạch Sanh mà thành ra như thế. Chi tiết này phần nào tố cáo Lý Thông và những tội ác, những lời gian dối hắn có nhiều nghi vấn, đây là nút thắt chính của câu chuyện, cũng là nút thắt hóa giải tất cả mọi việc.

Những tưởng đã được yên thân, thì Thạch sanh lại bị hồn cả xà tinh và đại bàng trả thù, bị hàm oan phải chịu cảnh giam trong ngục tối. Trong lúc quẫn bách chàng đã trút hết tâm sự vào tiếng đàn, những âm thanh trầm bổng ai oán, như một thứ ngôn ngữ, một thứ thuốc tiên diệu kỳ, lọt vào tai công chúa, nàng liền hết câm. Chính tiếng đàn đã cứu chàng ra khỏi ngục tối, từ đây chàng vạch trần tội ác của mẹ con Lý Thông, giải oan cho bản thân mình. Dù được trao quyền xử tội mẹ con Lý Thông, nhưng với tấm lòng khoan dung độ lượng, lại nhớ tình nghĩa cũ nên chàng đã rộng lòng tha cho bọn chúng. Nhưng kẻ ác buộc phải nhận trừng phạt, Lý Thông đã gây quá nhiều thị phi, sao có thể thoát khỏi lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt? Thiên Lôi giáng sét, biến chúng thành bọ hung, đời đời kiếp kiếp sống trong nhơ bẩn để chuộc lại tội lỗi của mình, âu cũng là sự trừng phạt xứng đáng cho những lỗi lầm mà chúng đã gây ra.

Về phần Thạch Sanh, chàng cưới công chúa và có cuộc sống hạnh phúc, nhưng chẳng may đất nước bị xâm lược. Lần nữa tiếng đàn thần kỳ, nhân nghĩa của chàng lại vang lên thánh thót, cứu nhân dân khỏi cảnh lầm than, đau khổ, cảm hóa những quân sĩ bừng bừng dã tâm chém giết, chàng đã thắng một cuộc chiến sa trường mà không đổ một giọt máu nào, một chiến thắng vừa phi thường vừa đậm tính nhân văn sâu sắc. Lòng nhân hậu của Thạch Sanh càng thể hiện khi chàng thiết đãi cơm nước để tiễn quân địch về nước trong hòa bình, một niêu cơm nhỏ xíu ăn mãi không hết, lần nữa khẳng định sức mạnh phi thường của Thạch Sanh, nhằm răn đe những kẻ còn dã tâm nhòm ngó, đồng thời cũng là niêu cơm nhân nghĩa thể hiện ước mong được ăn no mặc ấm cùng khao khát hòa bình muôn đời của nhân dân ta. Cuối cùng người tốt xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp, Thạch Sanh trở thành vua, cai trị đất nước thái bình, thịnh trị, xứng với câu “Ở hiền gặp lành” từ bao đời nay.

Bằng những chi tiết truyện độc đáo, xen lẫn yếu tố thần kỳ, mạch truyện dài, tràn đầy cảm xúc, với những diễn biến đầy gay cấn hồi hộp, lôi cuốn, cách xây dựng nhân vật điển hình, nhưng vẫn có những nét riêng biệt đã góp phần tạo nên một câu chuyện cổ tích đặc sắc trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Truyện không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn mang đến cho chúng ta những bài học có giá trị nhân văn sâu sắc, về lòng nhân hậu, khoan dung, đặc biệt là ý nghĩa cốt lõi luôn xuất hiện trong các truyện cổ tích “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”, chính nghĩa luôn chiến thắng gian tà.

-------------------HẾT---------------------

Để củng cố thêm những hiểu biết, kiến thức bổ ích về truyện cổ tích Thạch Sanh, bên cạnh bài Phân tích truyện cổ tích Thạch Sanh, các em có thể tham khảo thêm: Soạn bài Thạch Sanh, Đóng vai Thạch Sanh kể lại chiến công giết chằn tinh, Phân tích nhân vật Thạch Sanh, Phát biểu cảm nghĩ về truyện Thạch Sanh

 


Bài văn mẫu phân tích truyện cổ tích Thạch Sanh sẽ cùng các em phân tích chiến công diệt chằn tinh, đại bàng, vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa và chống giặc ngoại xâm để thấy được vẻ đẹp của người dũng sĩ Thạch Sanh, qua đó thấy được ước mơ, niềm tin về cái thiện, sự công bằng và tư tưởng nhân đạo, yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta.
Kể lại truyện Thạch Sanh bằng lời kể của Lý Thông
Sơ đồ tư duy truyện Thạch Sanh
Phân tích nhân vật Lý thông trong truyện Thạch Sanh
Tả dũng sĩ Thạch Sanh
Đoạn văn cảm nhận về nhân vật Thạch Sanh
Cảm nhận về truyện cổ tích Thạch Sanh

ĐỌC NHIỀU