Phân tích nhân vật tri huyện trong đoạn trích Huyện đường

Đề bài: Phân tích nhân vật tri huyện trong đoạn trích Huyện đường

Phân tích nhân vật tri huyện trong đoạn trích Huyện đường
 

I. Dàn ý phân tích nhân vật tri huyện trong đoạn trích Huyện đường:

1. Mở bài: Giới thiệu về vở tuồng, đoạn trích, nhân vật.
2. Thân bài:
a. Phân tích nhân vật:
- Địa vị: người đứng đầu nha môn.
- Hoàn cảnh sống: đủ đầy, có được lợi lộc nhờ chức vụ.
- Tính cách:
+ Trăng hoa, quan hệ trai gái lăng nhăng, không đứng đắn.
+ Xu nịnh: làm quan nhờ miệng, nhờ tài nịnh hót.
+ Tham lam: cậy quyền lực để vơ vét của cải của nhân dân.
+ Hống hách: người dân nếu không nể sợ sẽ bị bỏ xuống nhà lao.
+ Không trung thực, thiếu nghiêm túc: làm quan nhưng phân xử bừa bãi.
=> Thông qua lời giới thiệu, người đọc đã có được cái nhìn khái quát về tên tri huyện. Hắn là kẻ gian manh, tham lam, xấu xa.
- Cách xử án:
+ Xử án không nghiêm túc, thiếu công bằng, không giải quyết dứt khoát, cố tình trì hoãn nhằm nhũng nhiễu: "Tôi thì tôi nghĩ cứ để đu đưa như vậy đã. Thằng Sò này giàu lắm, chúng mình có thể "ấy" được."; "Thị Hến thì cũng có thể cho về nhưng chưa nên xử vội, vì xử Hến thì phải xử Sò. Thầy hiểu chứ?".
+ Sung sướng, tự mãn khi tự "thưởng thức" những mưu mô, toan tính của mình: cười khoái trá; "nắm đứa có tai ai nắm tóc kẻ trọc đầu".
b. Đánh giá nhân vật:
* Đánh giá về nội dung:
- Tri huyện là kẻ mưu mô, xảo quyệt, tham lam.
- Thông qua nhân vật tri huyện, tác giả dân gian thể hiện thái độ phê phán, châm biếm những kẻ đứng đầu bộ máy cai trị tham lam, chuyên bày trò nhũng nhiễu nhân dân.
* Đánh giá về nghệ thuật:
- Tính cách của nhân vật được khắc họa thông qua lời nói và hành động.
3. Kết bài: Khẳng định ý nghĩa, giá trị của nhân vật đối với đoạn trích và toàn bộ vở tuồng.

Phân tích nhân vật tri huyện trong Huyện đường
 

II. Bài văn mẫu phân tích nhân vật tri huyện trong đoạn trích Huyện đường:

Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" là một trong những vở tuồng nổi bật, được mọi người vô cùng yêu thích. Thuộc cảnh I của hồi thứ II, đoạn trích "Huyện đường" đã phơi bày những mưu mô, toan tính của tri huyện và đề lại nhằm vơ vét của cải của những người thưa kiện. Thông qua nhân vật tri huyện, tác giả dân gian thể hiện thái độ châm biếm, phê phán những tên quan tham lam ở xã hội xưa.

Ngay phần đầu đoạn trích, người đọc đã có được những hình dung khá cụ thể về nhân vật qua lời tự giới thiệu:

"Quyền trọng trấn nha môn

Bản chức xưng tri huyện

Đỉnh chung đà đủ miếng

Hoa nguyệt cũng quen mùi

Lấy của cậy ngọn roi

Làm quan nhờ lỗ khẩu

Sự lí thường phân ẩu

Được thua tự đồng tiền

Dân xã nếu không kiêng

Bỏ xuống lao giam kĩ"

Nhân vật không xưng tên cụ thể mà chỉ xưng danh dựa trên địa vị xã hội. Có thể thấy, nhân vật giữ vị trí quan trọng, uy thế lớn ở chốn công đường. Vì làm quan nên tên tri huyện có hoàn cảnh sống đủ đầy hơn người thường "đỉnh chung đà đủ miếng". Mặc dù là quan "phụ mẫu" nhưng tính cách, phẩm chất lại không hề xứng đáng với chức vụ mà hắn đảm nhận. Nhân vật thường sa đà vào thói ăn chơi, hưởng lạc, quan hệ trai gái lăng nhăng, không đứng đắn "hoa nguyệt cũng quen mùi". Đã vậy, hắn còn là người tham lam, hống hách, cậy quyền lực để vơ vét của cải của nhân dân "Lấy của cậy ngọn roi", "Được thua tự đồng tiền". Người dân nếu không nể sợ sẽ bị đưa xuống nhà lao giam kĩ. Trong quá trình phân xử, hắn làm việc không trung thực, thiếu nghiêm túc, thường phân xử bừa bãi "Sự lí thường phân ẩu". Thế nhưng, hắn vẫn bảo toàn chức vụ của mình nhờ tài ăn nói, nịnh hót. Như vậy, thông qua lời giới thiệu, người đọc có được cái nhìn khái quát về tên tri huyện. Hắn quả là kẻ gian manh, xấu xa.

Tính cách, đặc điểm của tên tri huyện càng được khắc họa rõ nét thông qua cảnh xử án. Khi đề lại hỏi về vụ Thị Hến, Nguyễn Sò, thay vì trả lời dứt khoát, tên tri huyện ỡm ờ, không rõ: "Tôi thì tôi nghĩ cứ để đu đưa như vậy đã. Thằng Sò này giàu lắm, chúng mình có thể "ấy" được.". Câu nói của tên tri huyện mang ẩn ý về toan tính bòn rút tiền từ tên Trùm Sò. Biết được Trùm Sò là địa chủ giàu có trong làng nên hắn muốn gây khó dễ để vòi tiền. Tên tri huyện muốn nhân cơ hội này kiếm chác, làm giàu cho bản thân. Mục đích hắn không kết tội Thị Hến là để có thêm thời gian nhận hối lộ từ Trùm Sò "Thị Hến thì cũng có thể cho về nhưng chưa nên xử vội, vì xử Hến thì phải xử Sò, thầy hiểu chứ?". Hắn làm quan nhưng lại không công bằng, không giải quyết dứt khoát, cố tình trì hoãn nhằm nhũng nhiễu người kêu kiện.

Hành động cười khoái trá càng lột tả bản chất tham lam, xấu xa của tên tri huyện. Hắn bày ra kế hoạch rồi tự hả hê, sung sướng trước những mưu mô, thủ đoạn của mình: "Phải nắm đứa có tóc, ai nắm kẻ trọc đầu"; "Ăn thua là những chỗ khó đấy đấy, lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, nói thế nào lại chả được.". Thành ngữ: "Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo/ Miệng không vành méo mó tứ tung" trong câu nói này càng làm nổi bật sự tráo trở, lật lọng ở hắn ta. Ngoài ra, câu thành ngữ còn ẩn dụ cho tài ứng biến nhanh lẹ, tùy vào hoàn cảnh, vấn đề mà có thể nói nhiều kiểu khác nhau. Quả đúng là tên tri huyện "làm quan nhờ lỗ khẩu".

Như vậy, tên tri huyện đã hiện lên một cách chân thực với vẻ xấu xa, xảo quyệt. Nhân vật tri huyện trong tác phẩm mang tính biểu tượng, đại diện cho giai cấp thống trị trong xã hội xưa. Bởi thế, tác giả dân gian không đặt cho nhân vật một cái tên cụ thể mà chỉ gọi chung là tri huyện nhằm phê phán, châm biếm những kẻ đứng đầu bộ máy cai trị tham lam, chuyên bày trò nhũng nhiễu nhân dân. Đồng thời, để khắc họa tính cách, phẩm chất, tác giả dân gian còn xây dựng nhân vật chủ yếu thông qua lời nói và hành động.

Có thể nói, nhân vật tri huyện là nhân vật trung tâm trong toàn bộ đoạn trích "Huyện đường". Hiểu về nhân vật, ta càng đồng cảm với nỗi niềm của nhân dân. Những chiêu trò, mánh khóe mà tên tri huyện đưa ra cũng là mưu mô, toan tính của một số quan lại chốn nha môn phong kiến.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Thông qua nhân vật trong đoạn trích Huyện đường, tác giả dân gian đã châm biếm sâu sắc nhiều thói hư tật xấu trong xã hội. Đồng thời, lật tẩy bộ máy xấu xa của những kẻ đứng đầu bộ máy cai trị trong xã hội xưa. Bên cạnh bài viết trên, Taimienphi.vn còn biên soạn rất nhiều bài văn mẫu lớp 10 như:
Soạn bài Huyện đường
- Phân tích Xúy Vân giả dại
- Phân tích tâm trạng Xúy Vân trong đoạn trích Xúy Vân giả dại
- Phân tích Huyện đường

Các em cùng tham khảo nhé!

Thông qua nhân vật tri huyện, tác giả dân gian đã tố cáo những thói hư, tật xấu nơi quan trường trong xã hội phong kiến. Để có những gợi ý khi Phân tích nhân vật tri huyện trong đoạn trích Huyện đường, Ngữ văn 10, Kết nối tri thức với cuộc sống, học kì I, em hãy tham khảo dàn ý và bài văn mẫu dưới đây.
Link tải Sách giáo khoa lớp 4 Kết nối tri thức PDF
Giải bài tập trang 65 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải Toán lớp 7 sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 95 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 91, 92 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 30, 31, 32, 33, 34 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống

ĐỌC NHIỀU