1. Mở bài:
- Giới thiệu về truyện ngắn "Chiếc lược ngà" và nhân vật ông Sáu.
2. Thân bài:
a) Ông Sáu là người lính dũng cảm:
- Ông Sáu đi lính từ khi con gái chưa tròn một tuổi.
- Trong những năm chiến đấu ông đã có một vết thẹo trên mặt -> Minh chứng của chiến tranh và dấu vết của lòng can đảm.
- Tuy rất muốn ở cùng con thêm vài ngày nhưng ông vẫn quay lại chiến trường đúng thời gian quy định.
b) Ông Sáu là người cha rất yêu thương con:
- Khi nhìn thấy con: Ông Sáu háo hức, mong chờ được đến ôm con nhưng chỉ nhận được sự cự tuyệt của bé Thu khiến ông đau đớn, thất vọng.
- Trong những ngày ở nhà:
+ Tuy ông Sáu rất cố gắng để được gần gũi con nhưng bé Thu luôn từ chối khiến ông bất lực, không biết nên làm thế nào.
+ Trong bữa cơm, ông Sáu gắp miếng trứng cá cho con, con bé liền hất đi. Không kiểm soát được cơn giận, ông liền đánh con.
- Trong buổi chia li: Ông Sáu bất ngờ, xúc động, không nén nổi xúc động vì tình cảm con gái dành cho mình.
- Khi ở chiến trường:
+ Ông Sáu rất ân hận vì đã lỡ tay đánh con.
+ Tự tay làm chiếc lược ngà để tặng con.
+ Dồn hết tình cảm thương nhớ con của mình vào chiếc lược ngà.
=> Ông Sáu là một nhân vật cực kì yêu thương con gái của mình
b) Nghệ thuật:
- Xây dựng nhân vật: Nhân vật có rất ít lời thoại nhưng những hành động, biểu cảm, suy nghĩ của nhân vật được tác giả miêu tả rất rõ nét nhằm khắc họa tâm lí nhân vật.
- Sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ giản dị, quen thuộc khiến cho nhân vật trở nên gần gũi hơn,
3. Kết bài:
- Khái quát lại về nhân vật ông Sáu.
Tình phụ tử luôn là đề tài có rất nhiều khía cạnh để khai thác, nhất là trong thơ văn. Tác phẩm "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng hình tượng nhân vật ông Sáu, một người cha với tấm lòng yêu thương con đầy ấm áp, sâu sắc. Ông Sáu đi tập kết từ khi bé Thu còn rất nhỏ. Đến khi được nghỉ phép trở về, con bé đã hơn sáu tuổi. Gặp con, ông vui mừng khôn xiết, vội chạy lại để ôm con nhưng bé Thu lại sợ hãi và chạy vụt đi. Kì vọng vào cuộc gặp gỡ bao nhiêu, ông lại càng thất vọng bấy nhiêu. Con bé tỏ ra chán ghét anh và nhất quyết không chịu gọi "ba". Trong những ngày ở nhà, ông Sáu đã cố gắng để được gần gũi với con hơn nhưng bé Thu vẫn luôn tránh né. Đỉnh điểm, ông đã lỡ tay đánh con vì con bé hất miếng trứng cá mà ông gắp cho. Ngay ngày hôm sau, ông phải quay lại chiến trường. Tưởng như câu chuyện chỉ dừng lại ở đó thì bé Thu bỗng thét gọi ba. Đây là tiếng gọi ông đã mong chờ từ lâu, nó đến vào lúc không ngờ nhất khiến ông cực kì xúc động, không giấu được những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má. Khi ở đơn vị, ông không nguôi nỗi nhớ con và ân hận vì mình đã đánh con. Anh vô tình kiếm được khúc ngà voi và quyết định sẽ tự tay làm cho con một chiếc lược ngà. Anh đã đem hết nỗi thương nhớ con bé Thu của mình đặt trong món quà đó. Mỗi lần nhớ con, anh lại lôi cây lược ra ngắm nghía, mong chờ đến ngày đoàn tụ. Từ đó, ta thấy được tình cảm cha con thiêng liêng, mãnh liệt được thể hiện ở nhân vật này. Dù có phải chịu nhiều nỗi buồn vì chiến tranh chia cắt, vì con khó nhận cha. Nhưng sau cùng, anh vẫn dành cho con gái mình một tình cảm ấm áp, chân thành, đầy cao cả.
--------------------------------
Em có thể tham khảo các bài mẫu khác như: Đoạn văn Phân tích tình cha con trong truyện ngắn Chiếc lược ngà; Đoạn văn phân tích hình ảnh Chiếc lược ngà; Phân tích nhân vật bé Thu trong đoạn trích truyện ngắn Chiếc lược ngà, Đoạn văn nêu cảm nhận của em về tình cảm cha con ông Sáu trong Chiếc lược ngà.
"Chiếc lược ngà" là một truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Câu chuyện về tình cha con trong chiến tranh đã khiến cho người đọc không khỏi cảm động. Nhân vật người cha - ông Sáu trong tác phẩm này đã được nhà văn xây dựng rất thành công. Đó là một người lính gai góc nhưng cũng là người cha hết mực yêu thương con gái mình.
Ông Sáu là một người lính đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Trong những năm khói lửa ác liệt, ông đã bị lính Mỹ bắn bị thương, để lại vết thẹo dài trên mặt. Mỗi lần ông xúc động, vết thẹo lại giật giật trên mặt trông rất đáng sợ, dữ dằn. Đó là minh chứng của chiến tranh để lại, cũng là chiến tích được lưu trên gương mặt của người lính anh dũng, quả cảm. Khi về thăm nhà, tuy rất muốn được ở cùng con thêm vài ngày nhưng cuối cùng ông Sáu quay lại chiến trường đúng thời hạn được giao. Không vì việc riêng mà làm chậm trễ nhiệm vụ của đất nước. Từ đó, ta có thể thấy ông Sáu là người dũng cảm, gan dạ, luôn hết mình vì sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc.
Thế nhưng người lính nào cũng có nỗi niềm riêng. Ông Sáu cũng vậy, ông có một đứa con gái nhưng phải xa con khi bé Thu chưa đầy một tuổi. Khi được nghỉ phép về thăm nhà, ông Sáu nôn nao trong lòng, mong chờ được gặp bé Thu. Xuồng vào bến, ông thấy một bé gái chơi ở trước sân nhà và đinh ninh rằng đó là con mình. Không thể chờ xuồng cập bến, ông vội nhảy lên bờ, chạy về phía con và gọi to tên con. Ông Sáu xúc động, giang tay đưa về phía con giọng run run: "Ba đây con! Ba đây con!". Tưởng rằng con bé sẽ nhận ra ba nó, sẽ chạy lại ôm lấy ba nhưng sự thật khiến ông Sáu hoàn toàn hụt hẫng. Bé Thu có vẻ sợ hãi, chạy đi rồi hét gọi má. Ông Sáu thất vọng, hai tay buông thõng, dường như có gì đó mất đi trong trái tim.
Mấy ngày ở nhà, dù làm thế nào con gái cũng không chịu gọi ông Sáu là ba: Bảo gọi ba ra ăn cơm thì con nói trổng. Có hôm nồi cơm đang nấu phải chắt nước, con bé không là được phải nhờ người lớn. Nó cũng không chịu kêu ba mà chỉ nói: "Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái", "Cơm sôi rồi, nhão bây giờ!". Tuy ông Sáu luôn luôn tìm cách để hai ba con được gần gũi, thân thiết nhưng bé Thu luôn tránh né, khiến cho ông vô cùng buồn rầu. Trong bữa cơm, ông Sáu thấy miếng trứng cá ngon nên đã gắp cho con. Thấy vậy, con bé hất cái trứng ra trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Ông Sáu vừa tức giận, vừa xấu hổ, không nghĩ rằng tình yêu thương mà ông dành cho con bé lại bị đáp trả như thế. Quá giận dữ, ông vung tay đánh vào mông con và hét lên "Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?". Con bé ngồi im, không nói, đầu cúi gằm xuống. Ông Sáu bỗng hối hận, chỉ vì vài giây nóng giận không suy nghĩ mà lỡ đánh con.
Hôm sau, khi ông Sáu phải quay lại chiến trường. Vì vẫn đau đáu chuyện tối qua nên ông Sáu chỉ nhìn con rồi nói khẽ: "Thôi! Ba đi nghe con!". Con bé bỗng thét lên "Ba" rồi chạy đến ôm chặt lấy cổ, không cho ba đi. Ông Sáu vỡ òa trong niềm hạnh phúc, niềm sung sướng, nhớ thương và nỗi ân hận đan xen hóa thành những giọt nước mắt. Ông rút khăn lau nước mắt, hôn lên mái tóc con rồi nói "Ba đi rồi ba về với con". Thật lòng, ông rất muốn ở lại với con bé, tận hưởng một chút tình cảm cha con nhưng chiến trường đang sôi sục, phải lên đường ngay. Ông Sáu đã hứa rằng khi trở về sẽ mua cho con một chiếc lược ngà. Cha con ông chia tay trong sự luyến tiếc, con bé ở lại, ông Sáu ra chiến trường.
Trong những ngày ở rừng, lòng ông Sáu đau đáu nỗi nhớ con và niềm ân hận khôn nguôi vì đã không kìm được tức giận mà đánh bé Thu. Cho đến một ngày, ông Sáu tìm được khúc ngà voi trong rừng. Ông vui sướng quyết định sẽ tự tay làm cho con một chiếc lược. Chiếc lược ngà làm xong, ông nâng niu nó như vật quý không bao giờ rời. Những đêm nhớ con, ông mang lược ra ngắm, trong lòng cũng nguôi đi phần nào nỗi ân hận, chỉ mong ngày thống nhất đến thật nhanh để cha con ông được đoàn tụ. Thế nhưng, số phận trớ trêu, ông Sáu đã hi sinh trong một trận càn của địch. Bé Thu chưa kịp cảm nhận hơi ấm tình cha đã mất đi mãi mãi.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng nhân vật rất thành công nhờ những hành động, cử chỉ cùng ngôn ngữ giản dị, gần gũi với người dân Nam Bộ. Có thể khẳng định rằng, "Chiếc lược ngà" là một truyện ngắn xuất sắc, làm nổi bật lên tình cha con ấm áp giữ bom đạn của chiến tranh.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Hi vọng qua bài mẫu Phân tích nhân vật ông Sáu do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn, em sẽ có thêm những cảm nhận riêng về nhân vật đặc biệt này