Phân tích khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương ngắn gọn, hay nhất

Đề bài: Phân tích khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Đoạn văn mẫu.
III. Bài văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.

Việt đoạn văn ngắn cảm nhận khổ 1 bài Viếng lăng Bác


I. Dàn ý Phân tích khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác

1. Mở bài

Giới thiệu về bài thơ Viếng lăng Bác và khái quát nội dung, cảm xúc chủ đạo của khổ 1 bài thơ.

2. Thân bài

- Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Sáng tác năm 1976 khi lăng Bác vừa được khánh thành, tác giả lần đầu được ra thăm Bác.

- Lời thông báo mộc mạc nhưng chứa đựng bao yêu thương, xúc động của người con miền Nam.
+ Sử dụng từ “thăm” để giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát, đồng thời cũng gợi sự gần gũi, gắn bó.
+ Trong trái tim, khối óc của hàng triệu con người Việt Nam Bác vẫn sống mãi.

- Hình ảnh hàng tre bát ngát bên lăng Bác mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc:
+ Ẩn dụ "hàng tre xanh xanh Việt Nam" để chỉ con người, dân tộc Việt Nam
+ Thành ngữ "bão táp mưa sa" và nghệ thuật nhân hóa "đứng thẳng hàng" gợi ra vẻ đẹp thanh cao, ý chí bất khuất kiên cường của con người Việt Nam.
+ Hàng tre ấy còn như một đội quân anh dũng đứng canh bảo vệ giấc ngủ của Bác.

3. Kết bài

Cảm nhận chung

 

II. Đoạn văn phân tích khổ thơ đầu bài thơ Viếng lăng Bác ngắn gọn, hay: 

Bài thơ "Viếng lăng Bác" của tác giả Viễn Phương là bài thơ xúc động, làm nổi bật dòng tâm trạng của tác giả khi đến thăm lăng Bác. Ở khổ thơ đầu tiên, đó là cảm xúc của tác giả khi đứng trước lăng. Trong câu thơ đầu tiên, tác giả đã giới thiệu mình ở  "miền Nam" xa xôi ra thăm Bác. Câu thơ giản dị nhưng lại khiến ta có cảm giác bùi ngùi, xúc động. Sau 30 năm bị chiến tranh chia cắt, giờ đây Bác và người dân miền Nam cũng đã được gặp nhau. Thế nên Viễn Phương sử dụng động từ "thăm" chứ không phải từ "viếng". Tác giả như muốn làm vơi bớt đi sự thật đau thương rằng Bác đã ra đi mãi mãi. Ngoài ra, việc sử dụng cặp đại từ nhân xưng "con - Bác" đã cho người đọc cảm giác ấm áp, thân thiết như những người thân trong gia đình đến thăm hỏi nhau. Ấn tượng đầu tiên của người con trên đường đi vào lăng được thể hiện ở câu thơ thứ hai về hình ảnh "hàng tre". Đó là bóng tre quen thuộc của làng quê Việt Nam mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp. Hàng tre mang ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng cho sức sống bền bỉ, mãnh liệt và phẩm chất của con người Việt Nam trong chiến đấu. Tre vẫn luôn đứng thành hàng dù cho có gặp mưa bão, cũng như dân tộc Việt Nam vẫn luôn đoàn kết để vượt qua mọi phong ba. Dường như qua đây, tác giả bộc lộ niềm xúc động, tự hào đối với cả dân tộc. Câu đặc biệt "Ôi" thể hiện cảm xúc ngỡ ngàng, tự hào của nhà thơ về sắc màu xanh tươi của dân tộc. Chỉ bằng bốn câu thơ đầu ngắn gọn, súc tích, Viễn Phương đã  cho người đọc thấy được cảm xúc của mình khi đứng trước lăng Bác. Qua đây, chúng ta phần nào cảm nhận được tấm lòng yêu thương vô hạn của nhà thơ dành cho Người cha đáng kính. 

 

III. Bài văn phân tích khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác hay nhất: 


1. Bài văn mẫu Phân tích khổ 1 Viếng lăng Bác ngắn gọn hay - Mẫu 1

1.1. Dàn ý Phân tích khổ 1 bài thơ Viếng lăng Bác:

a. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu khái quát nội dung khổ đầu bài thơ "Viếng lăng Bác".

b. Thân bài: 
*) Hoàn cảnh sáng tác:
- Bài thơ được viết năm 1976, khi đó lăng Bác vừa được khánh thành, tác giả từ miền Nam ra thăm lăng Bác. 

*) Khổ thơ đầu: 
- "Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác": một lời thông báo về sự việc người con từ miền Nam ra thăm Bác.
- Từ ngữ xưng hô: "con - bác" tạo cảm giác gần gũi, yêu thương.
- Động từ "thăm": nói giảm nói tránh để giảm bớt sự đau buồn rằng Bác đã ra đi.
- Hình ảnh "hàng tre": vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa ẩn dụ:
+ Tả thực: bóng tre của làng quê, gần gũi với cuộc sống của người nông dân. 
+ Ẩn dụ: cho sức sống bền bỉ, khí phách của con người dù gian nan vẫn kiên trung, bất khuất.
- "Ôi": câu đặc biệt thể hiện cảm xúc ngỡ ngàng với vẻ đẹp của hàng tre xanh.

c. Kết bài: Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

1.2. Bài văn mẫu phân thích khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương ngắn gọn, hay nhất - Mẫu 1

Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đất nước và dân tộc Việt Nam không gì có thể đong đếm được. Nhà thơ Viễn Phương đã có những vần thơ chất chứa tình cảm, tâm tư chân thành dành cho Bác qua bài "Viếng lăng Bác". Đó không chỉ là cảm xúc của riêng tác giả mà còn của chung toàn thể dân tộc. Ở khổ thơ đầu, nhà thơ nêu lên tâm trạng của mình khi đứng trước lăng Bác. 

Bài thơ "Viếng lăng Bác" được sáng tác vào tháng 4 năm 1976, một năm sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc. Lúc này hai miền Bắc, Nam đã được thống nhất, nối liền một giải. Nhân sự kiện lăng Bác được khánh thành, Viễn Phương đã từ miền Nam ra thăm Người. Cảm xúc bao trùm cả bài thơ đó là niềm xúc động, kính yêu, xót thương của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác. 

Khổ thơ đầu tiên, đó là những xúc cảm chân thành của Viễn Phương khi đứng trước lăng Bác:

"Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác"

Câu thơ đầu giống như một câu văn xuôi để giãi bày, thông báo sự việc người con từ miền Nam ra thăm lăng Bác. Nhà thơ đã thể hiện nỗi xúc động, bồi hồi của chính mình. Cặp từ xưng hô "con" với "Bác" gợi sự thân mật, gần gũi, ấm áp như tình cảm của người con ra thăm cha sau bao nhiêu năm tháng mong mỏi, nhớ thương. Bởi lúc sinh thời, miền Nam chính là khúc ruột, mảnh đất đau đáu trong trái tim của Bác. Bác ra đi trong nỗi nuối tiếc chưa được thấy miền Nam  được hưởng độc lập, thương nhân dân vẫn đang phải chịu cảnh bom rơi, bão đạn. Giờ đây, đất nước đã được hòa bình, người con ra thăm Bác với lòng biết ơn vô hạn. Ở câu thơ đầu, ta còn thấy tác giả sử dụng từ "thăm" chứ không phải từ "viếng" như ở nhan đề. Lối viết này nhằm làm vơi đi phần nào đau thương của dân tộc, cũng nhấn mạnh rằng Bác vẫn sẽ còn sống mãi trong trái tim của muôn dân Việt Nam. 

Những câu thơ tiếp là ấn tượng của Viễn Phương với hình ảnh hàng tre trước lăng:

"Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

  Ôi ! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

  Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng."

Đến với lăng Bác, hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng đối với nhà thơ chính là hàng tre trong buổi sương sớm trải dài bát ngát một màu xanh, khiến cho lăng Bác vừa trang nghiêm, lại vừa gần gũi như xóm làng Việt Nam. Lũy tre từ xưa vốn đã được coi là biểu tượng của làng quê Việt Nam: 

"Tre xanh Xanh tự bao giờ?

  Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh

  Thân gầy guộc, lá mong manh

  Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?". 

Hàng tre không chỉ mang nét nghĩa tả thực, mà còn ẩn dụ để thể hiện vẻ đẹp của con người. Những cây tre xanh dù bão táp mưa sa vẫn đứng thẳng hàng khiến ta liên tưởng đến cả dân tộc Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ trường kì có biết bao nhiêu gian nan, hiểm nguy nhưng tất cả mọi người vẫn đoàn kết cùng nhau chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Niềm tự hào về quê hương mình được Viễn Phương trực tiếp bày tỏ qua từ "ôi". Đó là sự xúc động, xen lẫn tự hào về một đất nước dũng cảm, hiên ngang trước bao bom đạn chiến tranh.

Bằng việc sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ độc đáo, Viễn Phương đã giúp cho người đọc cảm nhận được những xúc cảm chân thành khi đứng trước lăng Bác. Đó có lẽ cũng chính là những tình cảm, suy ngẫm chung của cả dân tộc Việt Nam khi nghĩ về vị cha già kính yêu. 

 

2. Bài văn mẫu Phân tích khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác siêu hay - Mẫu số 2

Khi nhắc đến hai tiếng Bác Hồ, mỗi người dân Việt Nam chúng ta luôn cảm thấy thân thương và gần gũi hơn bao giờ hết. Vẻ đẹp của một vị lãnh tụ hết lòng vì dân vì nước, một trái tim tràn ngập yêu thương và bản lĩnh phi thường ấy đã trở thành cảm hứng để các nhà thơ sáng tạo nên những tác phẩm song hành cùng thời gian. Viếng lăng Bác của Viễn Phương là bài thơ như thế, đặc biệt khổ thơ đầu của văn bản đã để lại trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ và liên tưởng sâu xa:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.

Viếng lăng Bác được sáng tác vào năm 1976, khi công trình lăng Bác vừa được khánh thành. Lần đầu tiên từ miền Nam hòa vào dòng người vào lăng viếng Bác, Viễn Phương chất chứa cảm xúc vừa trân trọng, vừa xúc động nghẹn ngào. Đặc biệt, khổ thơ đầu tiên khái quát cảm xúc của tác giả khi đứng trước lăng Bác.

Câu thơ đầu như lời thông báo mộc mạc mà chất chứa biết bao cảm xúc thân thương của người con ở miền Nam lần đầu được vào lăng viếng Bác: " Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác". Chữ "con" cất lên sao mà ngọt ngào, ấm áp nhưng cũng không vơi bớt lòng thành kính, trân trọng đến thế. Khoảng cách về không gian địa lí được thu hẹp và khoảng cách giữa lãnh tụ và nhân dân cũng trở nên thân mật như tình cha con một nhà. Nghệ thuật nói giảm nói tránh được Viễn Phương sử dụng rất khéo léo, tác giả không dùng chữ "viếng" mà lại sử dụng từ "thăm" để giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát, đồng thời cũng gợi sự gần gũi, gắn bó giữa Bác với "con". Bác dường như vẫn còn sống mãi trong muôn triệu trái tim, khối óc của người con đất Việt. Câu thơ đã khái quát được hoàn cảnh và cảm xúc của tác giả, đó cũng là cảm xúc của tất cả người dân Việt Nam dành cho Bác - vị cha già của dân tộc.

Đứng trước lăng Bác, hình ảnh đầu tiên để lại ấn tượng sâu đậm với tác giả đó chính là hàng tre bát ngát:

"Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng".

Có phải ngẫu nhiên không mà trước bao nhiêu loài cây, loài hoa rực rỡ sắc màu trước lăng Bác, Viễn Phương lại chỉ ấn tượng với cây tre giản dị? Câu trả lời là không, bởi cây tre là hình ảnh thân thuộc gắn với làng quê đất Việt, nó vừa gợi lên sự trang nghiêm nhưng cũng không kém phần gần gũi. Thế nhưng, không chỉ dừng lại ở nghĩa tả thực, cây tre còn mang ý nghĩa biểu tượng sâu xa. Ẩn dụ "hàng tre xanh xanh Việt Nam" để chỉ con người, dân tộc Việt Nam kết hợp với thành ngữ "bão táp mưa sa" và nghệ thuật nhân hóa "đứng thẳng hàng" biểu tượng cho vẻ đẹp thanh cao, ý chí bất khuất kiên cường của mỗi công dân nước Việt. Dù trải qua bao thăng trầm chống giặc ngoại xâm nhưng nhân dân ta vẫn chung một ý chí quyết tâm chiến thắng, giành lại độc lập cho dân tộc. Hàng tre ấy còn như một đội quân anh dũng đứng canh bảo vệ giấc ngủ của Bác. Thán từ "ôi" ở đầu câu thơ đã trở thành phương tiện chuyển tải cảm xúc xúc động của người con miền Nam xa xôi ra thăm người.

Chỉ với bốn câu thơ ngắn ngủi, người đọc đã hình dung được cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác. Đó cũng là cảm xúc của nhân dân ta khi đứng trước lăng Bác, đứng trước người cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

---------------HẾT----------------

Việc phân tích khổ thơ đầu bài thơ "Viếng lăng Bác" đã giúp chúng ta hiểu về những cảm xúc chân thành của tác giả khi đứng trước lăng. Viếng Lăng Bác là một trong số những bài thơ nổi bật của nhà thơ Viễn Phương trong ngữ văn lớp 9, bên cạnh bài làm văn Phân tích khổ 1 bài thơ Viếng lăng Bác, học sinh, giáo viên thường làm các bài văn như Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác, Những nét đặc sắc trong bài thơ Viếng lăng Bác, Cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác, Suy nghĩ của em về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương, hay bài Lập dàn ý phân tích bài thơ Viếng lăng Bác hay cả phần Soạn bài Viếng lăng Bác.

Lăng Bác là địa điểm mà hàng triệu học sinh, người dân trên cả nước Việt Nam muốn tới thăm quan và vào viếng Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại, tuy nhiên, để không phải quay về vì không biết lịch viếng Lăng Bác, nên mọi người cần nắm rõ thông tin về lịch viếng và giờ mở cửa Lăng Bác nhé.

 

Bài thơ Viếng lăng Bác chứa đựng tình yêu chân thành, thiết tha của Viễn Phương dành tặng cho vị cha già của cả dân tộc. Để hiểu hơn về ý nghĩa của bài thơ cũng như làm được bài và viết bài Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác , các em có thể tham khảo bài Phân tích khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn nhé!
Phân tích khổ hai bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương hay, ngắn gọn
Phân tích khổ 3 4 bài Viếng lăng Bác
Đoạn văn cảm nhận khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác hay nhất, ngắn gọn
Phân tích khổ ba bài thơ Viếng lăng Bác
Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động của Viễn Phương
Những nét đặc sắc trong bài thơ Viếng lăng Bác

ĐỌC NHIỀU