Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương hay, ngắn gọn

Đề bài: Phân tích khổ 4 bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Đoạn văn mẫu.
III. Bài văn mẫu.
  1. Bài mẫu số 1.
  2. Bài mẫu số 2.

Bài văn mẫu Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác


I. Dàn ý Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác

1. Mở bài: 
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu khái quát nội dung khổ cuối bài thơ “Viếng lăng Bác”.
2. Thân bài: 
a) Câu thơ đầu: 
- Đó là lời thông báo về sự việc tác giả sẽ phải rời xa lăng Bác, trở về miền Nam. 
- “Thương trào nước mắt”: tình cảm dành cho Bác không thể diễn tả thành lời, bùi ngùi mà rơi những giọt nước mắt.
b) Ba câu tiếp theo:
- Ước nguyện chân thành của tác giả: 
+ Làm con chim: để vang lên lời ca yêu Bác mỗi ngày.
+ Làm cây tre: ước muốn được ở bên cạnh, cùng xây dựng, bảo vệ Tổ Quốc với Bác
+ Làm bông hoa: để tỏa hương thơm ngát, tô điểm cho nơi đây.
- Điệp ngữ “muốn làm”: nhấn mạnh khát khao chân thành của nhà thơ. 
3. Kết bài: 
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật.


II. Đoạn văn 200 chữ Cảm nhận khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác:

Khổ thơ cuối bài thơ “Viếng lăng Bác” đã làm nổi bật cảm xúc nghẹn ngào của tác giả khi phải chia xa Bác. Tác giả đã trực tiếp bày tỏ tình cảm của mình qua cụm từ “thương trào nước mắt”. Đó là giọt lệ của tình yêu, sự kính trọng dành cho vị lãnh tụ đã dành cả cuộc đời lo cho dân, cho nước. Bằng việc sử dụng điệp ngữ “muốn làm” được lặp đi lặp lại ba lần, tác giả đã nhấn mạnh những khát khao chân thành của mình. Đó là: muốn làm con chim, cây tre, đóa hoa. Đầu tiên, nhà thơ muốn làm chú chim để ngày ngày mang đến tiếng hót lảnh lót ca ngợi Bác. Tiếp theo tác giả ao ước được làm cây tre trung hiếu để mãi gắn bó bên Người. Không chỉ vậy, Viễn Phương còn ước mong làm “bông hoa tỏa hương thơm” say lòng người. Những ước nguyện ấy đều xuất phát từ một tình yêu tha thiết, chân thành, dành cho Hồ Chủ tịch. Đặc biệt hình ảnh cây tre mở đầu và cũng kết thúc bài thơ một cách thật tự nhiên. Nếu như ở khổ thơ thứ nhất, hình cây tre mang vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam kiên cường, ngay thẳng thì ở khổ thơ cuối nó gắn liền với ước nguyện của tác giả. Viễn Phương muốn được làm cây tre để mãi canh giấc ngủ bình yên cho Bác. Khổ thơ cuối tràn đầy cảm xúc của tác giả đã khép lại tác phẩm. Đó không chỉ là tiếng lòng riêng của nhà thơ mà còn là nỗi lòng chung của con người Việt Nam. Cả dân tộc luôn dành một tình yêu thương, kính trọng cho Bác. Bằng việc sử dụng điệp ngữ đặc sắc, Viễn Phương đã minh chứng cho người đọc một tình cảm thiết tha sâu nặng gửi tới vị cha già kính yêu của dân tộc. 


III. Bài văn phân tích khổ thơ cuối bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương hay, ngắn gọn: 


1. Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác ngắn gọn - Mẫu 1

Viễn Phương là một cây bút có mặt sớm của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước. Ông có đóng góp to lớn cho sự nghiệp văn chương của nước nhà với nhiều tác phẩm đặc sắc. Tiêu biểu phải kể đến bài thơ “Viếng lăng Bác”. Và khổ thơ cuối, đã bộc lộ chân thực tâm trạng người con khi phải nói lời tạm biệt cha:   

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt”

Lúc này tác giả đang đứng trước lăng, vẫn đang bên Bác, nhưng dường như nỗi nhớ càng lớn thêm khi nghĩ đến việc ngày mai phải chia xa người cha vĩ đại của dân tộc. Vì biết phải rời xa Bác, nên nỗi buồn ngập tràn trong lòng thi nhân. Tác giả đã trực tiếp bày tỏ tình cảm của mình qua cụm từ “thương trào nước mắt”. Nỗi niềm nhà thơ dành cho Bác không thể diễn tả thành lời, bùi ngùi mà rơi những giọt nước mắt. Đó là giọt nước mắt đau lòng của người con quá yêu và thương Bác. Tình cảm của tác giả quá lớn mà hóa thành những ước nguyện dẫu tưởng chừng phi lí: làm chim, làm hoa, làm cây tre:

“Muốn làm con chim hót quanh Bác

  Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

  Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”

Bằng việc sử dụng điệp ngữ “muốn làm”, tác giả đã nhấn mạnh những khát khao chân thành của mình: mong làm chú chim trên bầu trời tự do để ngày ngày ca vang lời yêu Bác sâu đậm; mong được làm “bông hoa tỏa hương thơm” để làm say lòng người. Đặc biệt, chúng ta càng thấy thấm thía tấm lòng của tác giả qua một ao ước chân thành, giản dị: làm “cây tre trung hiếu”. Nhà thơ muốn nhập vào hàng tre xanh trước lăng để ngày ngày tỏa bóng mát. Không chỉ vậy, ước nguyện muốn làm cây tre còn thể hiện khát vọng được ở bên canh giấc ngủ ngàn thu cho Người, được bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với vị cha già của dân tộc. Ước ao được làm “cây tre trung hiếu” ở cuối khổ thơ đã tạo nên một kết cấu tương ứng cho cả bài thơ. Hình ảnh cây tre với những đức tính tốt đẹp mở đầu và cũng kết thúc bài thơ một cách thật tự nhiên. Cây tre mang bao vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam muôn đời. Khổ thơ cuối khép lại lắng đọng thật nhiều cảm xúc của tác giả. Ước nguyện chân thành của Viễn Phương khiến ta nhớ đến lời thơ của Thanh Hải trong bài “Mùa xuân nho nhỏ”: 

“Ta làm con chim hót

  Ta làm một cành hoa

  Ta nhập vào hòa ca

  Một nốt trầm xao xuyến”.

Nếu Thanh Hải nguyện ước được làm một tiếng chim, một cành hoa để góp phần điểm tô cho vẻ đẹp của mùa xuân đất nước thì Viễn Phương lại muốn hóa thân vào cảnh vật để bên Bác suốt đời.

Với việc sử dụng phép tu từ điệp ngữ kết hợp cùng những hình ảnh thơ giàu sức biểu cảm, Viễn Phương đã cho người đọc cảm nhận được tình cảm chân thành, thiết tha dành cho Bác. Những ước nguyện chân thành đó dành không chỉ là tấm lòng của tác giả mà đó là của cả dân tộc Việt Nam dành cho vị cha già kính yêu muôn đời. 

 

2. Bài văn mẫu Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác hay nhất - Mẫu 2

Bài thơ Viếng lăng Bác đã thể hiện nỗi niềm xúc động, lòng biết ơn sâu sắc của Viễn Phương - một nhà thơ miền Nam lần đầu ra Hà Nội và hòa vào dòng người vào lăng viếng Bác. Cấu trúc của bài thơ như một hành trình miêu tả khoảnh khắc khi tác giả đứng trước lăng, khi xếp hàng và khi đứng trước di hài của Bác. Khổ thơ kết thúc bài thơ là một dấu lặng kết thúc hành trình ấy, bộc lộ niềm lưu luyến của Viễn Phương khi tạm biệt Bác trở về miền Nam:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Dòng thơ đầu tiên cất lên bỗng trào dâng mãnh liệt cảm xúc nghẹn ngào, như rưng rưng hàng lệ nơi khóe mắt: "Mai về miền Nam thương trào nước mắt". Chỉ một chữ "thương" quen thuộc gắn với câu nói của người miền Nam mà như gói trọn biết bao thương yêu, xót xa và kính trọng. Câu thơ cất lên mà như nghẹn lại, xót xa đến vô cùng.

Tiếc nuối có, thương nhớ có, bởi vậy mà nhân vật trữ tình giã biệt mà vẫn khắc khoải bịn rịn, bày tỏ ước nguyện cá nhân:

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Điệp ngữ "muốn làm" được nhắc đi nhắc lại đến ba lần cùng nhịp thơ dồn dập thể hiện khao khát chân thành, tha thiết của tác giả. Muốn làm con chim, đóa hoa tỏa hương, cây tre trung hiếu, tất cả đều là những sự vật đời thường giản dị, gắn liền với thiên nhiên gần gũi. Muốn làm con chim để để mang tiếng hót vui vẻ đến với Bác, làm đóa hoa để tỏa hương tô điểm cuộc đời, đặc biệt là cây tre gần gũi ẩn dụ cho vẻ đẹp thủy chung, son sắt của người Việt. Hình ảnh cây tre xuất hiện ở đầu bài thơ được nhấn mạnh với kết cấu đầu cuối tương ứng như một lời thề sắt son của nhà thơ nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung nguyện đi theo con đường của Bác. Mai trở về miền Nam nhưng tấm lòng chân thành đã được gửi lại trọn vẹn nơi lăng Bác. Ba câu thơ khuyết chủ ngữ ấy như là lời thay mặt cho triệu triệu đồng bào Việt Nam bày tỏ cảm xúc thành kính, tha thiết tới lãnh tụ.

Cả bài thơ là tiếng lòng của người con ra thăm lăng Bác, đặc biệt cảm xúc ấy được kết tinh trong khổ thơ cuối. Dù Bác đã ra đi nhưng Bác sẽ còn sống mãi trong trái tim của Viễn Phương nói riêng, nhân dân Việt Nam ta nói chung. Ước nguyện cao đẹp được hóa thân để được bên Bác cũng là ước nguyện đẹp nhất, chất chứa trọn vẹn tấm lòng trân quý của nhân dân ta.

--------------------HẾT-------------------

 - - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Khổ thơ cuối đã giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu tha thiết, chân thành Viễn Phương dành cho Bác. Tìm hiểu chi tiết về nội dung từng đoạn thơ trong bài Viếng lăng Bác, bên cạnh bài Phân tích khổ thơ cuối bài Viếng lăng Bác trên đây, các em không nên bỏ qua: Phân tích khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác, Suy nghĩ về tình cảm tha thiết, chân thành của nhân dân đối với Bác Hồ qua bài thơ Viếng lăng Bác, Phân tích khổ hai bài thơ Viếng lăng Bác, Phân tích khổ ba bài thơ Viếng lăng Bác.

Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc, dù Bác đã đi xa nhưng tình cảm mỗi người dân Việt Nam dành cho Người vẫn còn mãi. Các em có thể tham khảo bài Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác trên Taimienphi.vn, để hiểu hơn về tình yêu tác giả Viễn Phương dành cho Bác cũng như dễ dàng phân tích thơ Viếng lăng Bác hay, đạt điểm cao.
Phân tích khổ hai bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương hay, ngắn gọn
Phân tích khổ 3 4 bài Viếng lăng Bác
Phân tích khổ ba bài thơ Viếng lăng Bác
Đoạn văn cảm nhận khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác hay nhất, ngắn gọn
Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động của Viễn Phương
Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác

ĐỌC NHIỀU