Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu

Đề bài: Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu

Mục lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu


I. Dàn ý Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về nhà thơ Hữu Thỉnh, bài thơ Sang thu và khổ thơ thứ hai.

2. Thân bài

a. Bức tranh thiên nhiên êm dịu khi đất trời chuyển mình sang thu

- Dòng sông "dềnh dàng": dòng sông chảy nhẹ nhàng, thư thả, không còn vội vã như những trận sau cơn mưa xối xả mùa hè.
- Những cánh chim "vội vã" bay về phương Nam tránh rét.
=> Hình ảnh đối lập "sông dềnh dàng" - "chim vội vã" tạo nên sự đối lập đầy độc đáo trong thời khắc giao mùa.
- Hình ảnh đám mây mùa hạ " vắt nửa mình sang thu": biểu hiện của sự giao mùa, vương vấn còn sót lại của mùa hạ.
- Bầu trời, mây và gió đang dần chuyển mình từ mùa hạ sang mùa thu, nhưng vẫn còn lưu luyến, níu kéo chưa muốn sang thu.

b. Cảm xúc của tác giả trước khoảnh khắc giao mùa:

- Mong chờ, lưu luyến

3. Kết bài

Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của khổ thơ thứ hai.


II. Bài văn mẫu Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu (Chuẩn)

Thời điểm giao mùa hạ - thu ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ luôn có một nét đẹp gì đó khiến con người ta xao xuyến, bùi ngùi. Chính nhà thơ Hữu Thỉnh cùng tâm hồn tinh tế và tình cảm thiết tha đã viết nên một bài thơ về khoảnh khắc giao mùa ấy, chính là bài thơ Sang thu. Nếu như ở khổ thơ đầu, chúng ta được gặp gỡ những dấu hiệu, biểu hiện đầu tiên của mùa thu sang thì đến khổ thơ thứ hai ta đã cảm nhận được sự biến chuyển trong không gian cũng như vẻ đẹp của đất trời khi sang thu.

"Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu"

Sau khi nhà thơ nhận ra những biểu hiện, dấu hiệu thu về, cái nhìn của Hữu Thỉnh không còn cảm giác mơ hồ "hình như" nữa mà nhìn vào cảnh vật có thể chắc chắn một điều rằng thu đã về. Trước hết là hình ảnh con sông, con sông mỗi mùa dòng chảy mỗi khác nhau, lúc đầy lúc vơi, lúc êm đềm lúc lại cuộn trào. Vào thời khắc đất trời chuyển mình sang thu, con sông đã không còn hối hả, chảy xiết suốt một mùa hè nhiều mưa bão khiến nước sông dồi dào. Thu đến thời tiết êm dịu, bình lặng hơn, dòng chảy được ổn định và hài hòa, hai từ "dềnh dàng" khiến ta liên tưởng tới sự thong dong, thanh thản và thư thái của một con sông. Giống như đã làm xong nhiệm vụ của mình, dòng sông chảy như chỉ đang dạo chơi qua những mảnh đất. Sông thì dềnh dàng nhưng chim trên trời lại "vội vã", cái vội vã, tất bật của chim có thể hiểu như đang buổi hoàng hôn chim phải vội vã bay trở về tổ, cũng có thể hiểu là chim vội vã cho chuyến hành trình dài đi về phương Nam tránh cái rét mùa đông ở miền Bắc. Quả là một bức tranh thiên nhiên chưa hẳn là thu nhưng tuyệt đẹp, bởi vì chưa hẳn thu nên cách tả thu của Hữu Thỉnh không rõ ràng như Nguyễn Khuyến nói về thu "xanh ngắt mấy tầng cao". Không chỉ nhìn trời sang thu bằng ánh mắt, nhà thơ còn cảm giác được sự giao mùa qua hình ảnh đám mây trên trời, đám mây mùa hạ với một tư thế rất đặc biệt, độc đáo "vắt nửa mình sang thu". Phải nhấn mạnh đó là đám mây của mùa hạ nhưng lại đang vắt mình sang bầu trời thu, tác giả diễn tả thật thú vị, một đám mây nhưng lại có đến hai mùa, mang nỗi vấn vương lưu luyến nửa muốn sang thu nửa muốn níu kéo mùa hè. Những biến chuyển nhẹ nhàng của đất trời từ cuối hạ sang thu gợi cho con người ta ý thức về cái đẹp xung quanh cuộc sống bình dị, mỗi giây phút trong cuộc sống đều có ý nghĩa, là thời khắc quan trọng của cuộc đời, giống như việc ta trân trọng, nâng niu và chìm đắm trong từng khoảnh khắc đất trời chuyển mình sang thu.

Những vần thơ trong khổ hai của bài thơ Sang thu mang nỗi niềm bâng khuâng, vấn vương trước cảnh đất trời trong trẻo đang chuyển biến một cách nhẹ nhàng. Những hình ảnh giàu sức biểu cảm trong khổ thơ là minh chứng cho một tầm hồn tinh tế, giàu xúc cảm của nhà thơ Hữu Thỉnh. Mỗi độ hè qua thu về, người ta sẽ lại nhớ đến vẻ đẹp thời khắc giao mùa trong chính khổ thơ này hay cả bài thơ để rồi phải gật gù khen ngợi rằng Hữu Thỉnh là một hồn thơ đầy tinh tế.

----------------HẾT------------------

Bài thơ Sang thu khá ngắn, chỉ có ba khổ thơ với 12 câu thơ, tuy nhiên lại có rất nhiều nội dung đặc sắc có thể khai thác và phân tích ở bài thơ này. Mời các em cùng đọc thêm một số bài có liên quan đến phân tích và cảm nhận về bài thơ Sang Thu như: Phân tích hai khổ đầu bài thơ Sang thu, Cảm nghĩ của em về 2 câu thơ cuối bài Sang thu, Cảm nhận bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa trong bài Sang Thu, Phân tích cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế của Hữu thỉnh trong bài Sang thu.

Các em hãy cùng tham khảo bài văn mẫu Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu để thấy được những thay đổi của thiên nhiên, đất trời khi sang thu qua những cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh.
Phân tích khổ bốn trong bài Đây mùa thu tới (Xuân Diệu)
Phân tích đoạn thơ trong bài Sang thu Bỗng nhận ra hương ổi... Vắt nửa mình sang thu
Đoạn văn cảm nhận khổ thơ 2 bài thơ Sang thu
Phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, top bài văn hay nhất
Bình giảng hai khổ thơ đầu bài Sang thu
Viết đoạn văn để làm rõ nhận định về hai câu thơ cuối trong bài thơ Sang thu

ĐỌC NHIỀU