Đề bài: Phân tích hình tượng người phụ nữ trong Tự tình 2
Phân tích hình tượng người phụ nữ trong Tự tình 2
1. Mở bài:
- Giới thiệu về hình tượng người phụ nữ trong bài thơ "Tự tình II".
2. Thân bài:
a. Giới thiệu về tác giả và bài thơ "Tự tình II":
- Hồ Xuân Hương (sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX) là nhà thơ viết về phụ nữ, có phong cách sáng tác vừa trào phúng vừa đậm chất trữ tình dân gian.
- Bài thơ "Tự tình II" có thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật, nằm trong chùm thơ Tự tình ba bài của Hồ Xuân Hương.
- Bài thơ chính là tiếng nói chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy bất công, ngang trái.
b. Hình tượng người phụ nữ bối rối, cô đơn trước thời gian, cuộc đời và sự rẻ rúng của thân phận:
- Thời gian đêm khuya được nhận biết qua âm thanh của "tiếng trống canh dồn" gợi cảm giác gấp gáp, vội vàng.
- Người phụ nữ lẻ loi, cô độc trong đêm tối "trơ cái hồng nhan" cho thấy sự rẻ rúng của thân phận người phụ nữ.
c. Hình tượng người phụ nữ có mối nhân duyên không trọn vẹn:
- Khi buồn, người phụ nữ tìm đến rượu để quên đi thực tại nhưng lại chẳng ngờ càng uống lại càng tỉnh, càng đau lòng hơn.
- Tuổi xuân của người phụ nữ đã dần phai nhạt nhưng người phụ nữ ấy vẫn còn dở dang chưa được trọn vẹn nên "khuyết chưa tròn".
d. Hình tượng người phụ nữ không chịu an phận mà có sức phản kháng mạnh mẽ:
- Người phụ nữ tuy có chân tay yếu mềm nhưng lại muốn "xiên ngang", "đâm toạc" mặt đất, chân mây cho thấy sự bướng bỉnh, ngang ngạnh của người phụ nữ.
- Trong hoàn cảnh bi thảm nhất, người phụ nữ ấy vẫn vùng lên để đòi lại sự công bằng cho thân phận mình.
e. Hình tượng người phụ nữ khát khao hạnh phúc nhưng hạnh phúc với họ là điều quá đỗi xa xôi:
- Tuổi xuân người phụ nữ dần mất đi theo năm tháng, mỗi một mùa xuân qua đi cũng đồng nghĩa với việc tuổi xuân của người phụ nữ không thể lấy lại được nữa.
- Người phụ nữ không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn bởi thân đi làm lẽ, tình cảm vốn đã ít nay lại còn phải chia sẻ cho nhiều người khác.
f. Đánh giá:
- Bài thơ là tiếng nói đau buồn, phẫn uất của nhà thơ trước duyên phận hẩm hiu của người phụ nữ, họ đã gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch.
- Nhà thơ đã việt hóa thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật, sử dụng nhiều hình ảnh, từ ngữ gần gũi với cuộc sống thường ngày, đảo ngữ, động từ mạnh để diễn tả tâm trạng người phụ nữ ở nhiều thái cực khác nhau.
3. Kết bài:
- Khái quát lại hình tượng người phụ nữ trong bài thơ "Tự tình II".
Hình tượng người phụ nữ vốn là một trong những đề tài quen thuộc của nền văn học Việt Nam. Trong kho tàng văn học trung đại Việt Nam, ta đã bắt gặp một nàng Kiều "hồng nhan bạc phận" hay một Vũ Nương đảm đang, hiền hậu nhưng có cuộc đời đầy bi thương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ. Còn dưới ngòi bút của Hồ Xuân Hương, thì hình tượng người phụ nữ chịu nhiều bất công lại được hiện lên với sự phản kháng quyết liệt qua bài thơ "Tự tình II".
Hồ Xuân Hương (sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX) là nhà thơ viết về phụ nữ, có phong cách sáng tác vừa trào phúng vừa đậm chất trữ tình dân gian. Bài thơ "Tự tình II" có thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật, nằm trong chùm thơ Tự tình ba bài của Hồ Xuân Hương. Bài thơ chính là tiếng nói chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy bất công, ngang trái.
Mở đầu bài thơ, ta bắt gặp hình tượng người phụ nữ "hồng nhan" bối rối, cô đơn trước thời gian, cuộc đời và sự rẻ rúng của thân phận:
"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non."
Phải chăng đêm khuya chính là thời điểm mà con người ta dễ rơi vào khoảng không của tâm trạng nhất. Đêm khuya vốn đã u tối, thanh tịnh mà nay còn có thêm cả tiếng "trống canh" dồn dập gấp gáp, vội vàng "văng vẳng" vọng ra lại càng khiến cho những con người mất ngủ não nề hơn. Không khí nơi đây như trùng xuống một nhịp bởi trong đêm khuya tĩnh lặng ấy lại chỉ có "trơ cái hồng nhan" một mình chống chọi. Người phụ này tuy có nhan sắc nhưng có lẽ "hồng nhan" thì "bạc phận" cho nên nhà thơ đã sử dụng từ "cái" để chỉ "cái hồng nhan" đầy rẻ rúng, tủi hổ và đắng cay. Thời gian đêm khuya vốn đã gợi nỗi buồn nay lại được cộng hưởng thêm nỗi buồn da diết của nhân vật trữ tình khiến cho không khí nơi đây thật ngột ngạt. Người phụ nữ lẻ loi, cô độc trong đêm tối lại "trơ cái hồng nhan" đã cho thấy sự rẻ rúng của thân phận họ. Có lẽ, "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" cho nên dưới đôi mắt của một người phụ nữ cô đơn, lẻ loi, chán chường cuộc sống thì buổi đêm lại càng hóa thê lương hơn.
Người phụ nữ của chúng ta trong xã hội xưa không chỉ cô đơn, lẻ loi mà còn có mối nhân duyên không trọn vẹn:
"Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn."
Khi buồn, người phụ nữ tìm đến rượu để quên đi thực tại nhưng lại chẳng ngờ càng uống lại càng tỉnh, càng đau lòng hơn. Khi rượu càng ngấm vào người khiến cho người phụ nữ ấy chìm vào cơn say mơ màng nhưng say rồi lại tỉnh cũng giống như cuộc sống của người phụ nữ ấy chỉ là một vòng tròn luẩn quẩn trong xã hội "trọng nam khinh nữ" mà không thể thoát ra được. "Vầng trăng bóng xế" có nghĩa là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất trong quãng đời của người phụ nữ đã sắp tàn nhưng oái oăm thay nó vẫn còn "khuyết chưa tròn". Điều nhà thơ muốn gửi gắm ở đây chính là duyên phận dở dang chưa từng được trọn vẹn của người phụ nữ dù tuổi xuân của nàng đã dần qua đi.
Không thể sống mãi trong chiếc vỏ bọc của sự cam chịu, người phụ nữ đấy đã không chịu an phận mà có sức phản kháng mạnh mẽ:
"Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn."
Những động từ mạnh "xiên ngang", "đâm toạc" mặt đất, chân mây đã thể hiện khát khao vượt thoát khỏi tình cảnh éo le hiện tại. Câu thơ trên đã cho thấy sự cá tính mạnh mẽ của người phụ nữ khi họ đã phải chịu uất ức quá lâu. Trong hoàn cảnh bi thảm nhất, người phụ nữ ấy vẫn vùng lên "đâm toạc chân mây" để đòi lại sự công bằng cho thân phận mình. Những sinh vật nhỏ bé như "đá mấy hòn" hay yếu mềm như rêu kia cũng phải vùng mình lên để để tìm sự sống dù mặt đất có cứng đến cỡ nào hay chân mây có rộng lớn đến bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể làm chúng nhụt chí.
Không chỉ muốn "xiên ngang", "đâm toạc" mặt đất hay chân mây, người phụ nữ trong "Tự tình II" cũng khát khao hạnh phúc bởi mưu cầu hạnh phúc vốn là nhu cầu tất yếu của mỗi con người nhưng hạnh phúc với họ lại là điều quá đỗi xa xôi:
"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!"
Thời gian thì vẫn cứ chảy trôi còn tuổi xuân của người phụ nữ cũng ngày càng tàn phai theo năm tháng. Mỗi một mùa xuân qua đi cũng đồng nghĩa với việc tuổi xuân của người phụ nữ không thể lấy lại được vì thời gian thì luôn tuần hoàn còn tuổi xuân thì vốn là thứ không thể tái tạo. Người phụ nữ ấy cũng khát khao được hưởng hạnh phúc trọn vẹn thật sự, được yêu bằng cả con tim để cháy hết mình với tuổi trẻ thế nhưng tuổi trẻ của nàng lại phải chịu cảnh đi làm lẽ. Người phụ nữ không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn vì tình cảm vốn đã ít nay lại còn phải chia sẻ cho nhiều người khác chỉ còn "tí con con" nên khiến nàng càng buồn tủi hơn.
Bài thơ là tiếng nói đau buồn, phẫn uất của nhà thơ trước duyên phận hẩm hiu của người phụ nữ, họ đã gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch. Nhà thơ đã việt hóa thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật, sử dụng nhiều hình ảnh, từ ngữ gần gũi với cuộc sống thường ngày, đảo ngữ, động từ mạnh để diễn tả tâm trạng người phụ nữ ở nhiều thái cực khác nhau.
Hình tượng người phụ nữ trong bài thơ "Tự tình II" đã được nhà thơ Hồ Xuân Hương phác họa lại bằng những tài năng đặc biệt của mình. Dù trong hoàn cảnh éo le, mối nhân duyên không trọn vẹn nhưng người phụ nữ ấy vẫn toát lên những vẻ đẹp phi thường của sự phản kháng, chống chọi quyết liệt.
--------------------HẾT--------------------
Qua bài Phân tích hình tượng người phụ nữ trong "Tự tình II" trên đây, hi vọng các em sẽ có một nền tảng kiến thức vững chắc để viết những bài văn phân tích khác. Ngoài ra, để giúp các em thấu hiểu hơn về thân phận bé nhỏ của người phụ nữ trong xã hội phong kiến thì mời các em cùng tham khảo những bài viết sau: Phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương, Phân tích bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương, Suy nghĩ về ước mơ và hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam qua bài Tự tình 2, Tâm sự của nhân vật trữ tình qua bài thơ Tự tình.