1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về hình tượng người bà.
2. Thân bài:
a) Hình ảnh người bà chịu thương, chịu khó:
- "Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/Một bếp lửa ấp iu nồng đượm": Những bếp lửa được bà nhóm lên bằng tất cả yêu thương dành cho cháu.
- "Cháu thương bà biết mấy nắng mưa":
+ "thương": thể hiện tình cảm người cháu dành cho bà.
+ "nắng mưa": hình ảnh ẩn dụ gợi lên những vất vả, khó khăn mà bà phải trải qua.
- Cuộc đời đầy những lam lũ, vất vả nhưng bà vẫn luôn nhóm lên những bếp lửa thân thương cho cháu: "Bà vẫn giữ đói quen dậy sớm/Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm/Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi/Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui/ Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ".
=> Cuộc đời bà là những gian truân, khó khăn tưởng như không bao giờ dứt. Bà cũng chính là hình ảnh đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ luôn hết lòng vì gia đình.
b) Bà là chỗ dựa tinh thần cho con cháu:
- Trong gian khó, bà vẫn vững lòng dặn cháu: "Mày có viết thư chớ kể này kể nọ/ Cứ bảo ở nhà vẫn được bình yên".
=> Bà không muốn con ở chiến khu phải lo lắng, bà luôn là hậu phương vững chắc cho con nơi chiến trường.
- Bà luôn chăm lo cháu từng li từng tí: "Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa", "Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe", "Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học".
- Ngọn lửa yêu thương luôn thường trực trong trái tim bà: "Rồi sớm chiều bếp lửa bà nhen/ Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn/ Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng".
=> Bà đã truyền cho cháu ngọn lửa của tình yêu thương, của nghị lực sống, một ngọn lửa mãnh liệt để thắp lên cho cháu niềm hi vọng về một tươi lai sáng.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật:
+ Giá trị nội dung: Hình tượng người bà lam lũ, vất vả chăm lo cho người cháu.
+ Giá trị nghệ thuật: Sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ, hình ảnh thơ đặc sắc, giọng thơ chân thành, sâu lắng.
- Liên hệ mở rộng.
Bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt giúp người đọc cảm nhận được sâu sắc hình tượng người bà chịu thương, chịu khó. Bà đã dành cả cuộc đời mình để nhóm lên những bếp lửa ấm áp cho cháu. Bà nhóm "bếp lửa ấp iu nồng đượm", "niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi", "nồi xôi gạo mới sẻ chung vui". Điệp từ "nhóm" xuất hiện nhiều lần đã góp phần nhấn mạnh sự liên tục trong hành động của bà. Không chỉ vậy chi tiết "nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui" còn giúp người đọc cảm nhận được tình làng xóm gắn bó, thân thiết. Trong khó khăn, hoạn nạn, bà sẵn lòng giúp đỡ mọi người xung quanh. Bà không chỉ chịu thương, chịu khó mà còn luôn là chỗ dựa tinh thần cho cháu trong mọi hoàn cảnh.Bà từng trải, thấu hiểu lẽ đời. Vì sợ con ở chiến khu phải lo lắng nên người phụ nữ kiên cường ấy đã dặn cháu: "Mày có viết thư chớ kể này kể nọ", "Cứ bảo ở nhà vẫn được bình yên". Qua đây, người đọc có thể cảm nhận được bà là đại diện cho những con người ở hậu phương vững chắc cho con yên tâm đánh giặc. Bên cạnh đó, bà còn luôn chăm lo cháu từng li từng tí "Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học". Chính bà là người đã truyền cho cháu ngọn lửa của tình yêu thương, của nghị lực sống. Một ngọn lửa mãnh liệt để thắp lên cho cháu niềm hi vọng về một tươi lai sáng. Bằng việc sử dụng biện pháp tu từ đặc sắc kết hợp với giọng điệu thơ tha thiết, chân thành, Bằng Việt đã giúp độc giả cảm nhận được hình ảnh người bà với rất nhiều phẩm tốt đẹp. Bà chính là đại diện cho những người phụ nữ trong xã hội xưa, vừa kiên cường, mạnh mẽ, vừa tràn đầy tình yêu thương và đức hi sinh.
------------------------
Mời em tham khảo thêm các bài viết liên quan trên Taimienphi.vn như: Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa, Phân tích 2 khổ cuối bài thơ Bếp lửa; Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa, Cảm nhận về tình bà cháu trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt; Ý nghĩa nhan đề bài thơ Bếp lửa.
Bằng Việt là nhà thơ xuất sắc của nền thơ ca Việt Nam. Với giọng thơ trong sáng, chân thành, ông đã sáng tác rất nhiều tác phẩm ý nghĩa. Tiêu biểu phải kể đến bài "Bếp lửa". Tác phẩm đã giúp người đọc cảm nhận được hình ảnh người bà chịu thương, chịu khó, yêu thương và luôn chăm lo cho gia đình.
Mở đầu bài thơ, độc giả được thấy hình ảnh của bếp lửa gắn với những kỉ niệm bên người bà kính yêu:
"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa".
Câu thơ đầu gợi lên hình ảnh bếp lửa thân thương, quen thuộc vào buổi sớm mai. Đôi bàn tay khéo léo của bà vẫn ngày ngày nhóm lên bếp lửa yêu thương để nuôi nấng cháu. Những câu thơ trên không chỉ thể hiện tình cảm chân thành người cháu dành cho bà mà "nắng mưa" còn là hình ảnh ẩn dụ gợi lên những vất vả, khó khăn mà bà phải trải qua.
Vất vả là vậy, nhưng bà không bao giờ kêu than mà vẫn luôn nhóm lên bếp lửa yêu thương nuôi nấng cháu:
"Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ"
Bà vẫn giữ đói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ".
Từ "mấy chục năm" đã giúp người đọc biết được quãng thời gian dài, vất vả bà đã trải qua. Dường như, bà đã dành cả cuộc đời để chăm lo cho gia đình. Bà kính yêu luôn thức dậy sớm, nhóm lên bếp lửa để nuôi nấng cháu nên người. Bằng việc sử điệp từ "nhóm" được nhắc lại ở đầu mỗi câu thơ, tác giả đã nhấn mạnh hành động nhóm lửa quen thuộc hàng ngày của bà. Bà không chỉ chăm lo cho gia đình mà luôn dành sự quan tâm tới những người hàng xóm xung quanh. Chi tiết "Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui" thể hiện tình làng nghĩa xóm thân thiết, sẵn sàng chia sẻ cho nhau những điều tưởng như nhỏ bé nhất. Vậy chỉ bằng vài câu thơ, người đọc có thể cảm nhận được cuộc đời bà phải trải qua biết bao khó khăn nhưng bà vẫn luôn cố gắng dành tất cả những điều tốt nhất cho cháu. Qua đây, nhà thơ như muốn gửi gắm thật nhiều yêu thương dành cho người bà kính yêu.
Bà không chỉ chịu thương, chịu khó mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu:
"Mày có viết thư chớ kể này kể nọ
Cứ bảo ở nhà vẫn được bình yên".
Và:
"Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa",
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc".
Bà là hậu phương vững chắc cho con an tâm chiến đấu.Trong khoảng thời gian khó khăn, bà vẫn cố gắng lo liệu chu toàn mọi việc. Người phụ nữ đó không muốn con ở chiến khu phải lo lắng chuyện nhà nên đã dặn cháu đừng có kể cho cha chuyện giặc đốt làng. Không chỉ vậy, bà còn luôn chăm lo cho cháu từng li từng tí, từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học. Chính bà đã truyền cho cháu ngọn lửa của tình yêu thương, của nghị lực sống. Một ngọn lửa mãnh liệt để thắp lên cho cháu niềm hi vọng về một tươi lai sáng.
Bằng việc sử dụng những biện pháp tu từ đặc sắc kết hợp với giọng thơ chân thành, tha thiết, nhà thơ Bằng Việt đã làm nổi bật hình ảnh người bà tần tảo, chịu khó. Qua đây, tác giả muốn ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội thời kì chiến tranh. Họ không những tần tảo, vun vén chuyện gia đình mà còn là hậu phương vững chắc cho người lính nơi chiến trường.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Khi phân tích hình tượng người bà trong bài Bếp lửa, các em cần chú ý đến những câu thơ làm nổi bật những vất vả, khó khăn mà bà phải trải qua để bài văn đủ ý, đạt điểm cao.