Phân tích hình tượng con ếch trong truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng

Đề bài: Phân tích hình tượng con ếch trong truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng

Mục lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Phân tích hình tượng con ếch trong truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng


I. Dàn ý Phân tích hình tượng con ếch trong truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng và hình tượng con ếch.

2. Thân bài

* Con ếch khi ở dưới đáy giếng:

- Môi trường sống: Dưới một đáy giếng cạn, hàng xóm là những loài cua, ốc nhỏ bé

- Thái độ, hành động của ếch:
+ Huênh hoang, kiêu ngạo, cho mình là nhất.
+ Cất lên những tiếng kêu ộp ộp khiến các con vật khác phải khiếp sợ

- Nhận thức:
+ Coi mình là loài vật lớn nhất, là chúa tể muôn loài
+ Bầu trời chỉ nhỏ như chiếc vung

- Bài học:
+ Hình ảnh con ếch kiêu ngạo, thiếu hiểu biết cũng chính là hình ảnh phản chiếu của những con người sống kiêu căng, ngạo mạn, tầm hiểu biết hạn hẹp nhưng không chịu tiếp thu, học hỏi.
+ Luôn cho bản thân là nhất không chỉ làm nảy sinh những ảo tưởng không thật về bản thân mà còn gây ra những hậu quả khôn lường.

* Khi ra khỏi đáy giếng:
- Hoàn cảnh: Mưa lớn, nước dâng cao à Ếch ra khỏi giếng.
- Nghênh ngang đi lại mà không chút đề phòng → Bị một con trâu đi qua giẫm bẹp.
- Nhận xét: Kết cục bi thảm nhưng thích đáng cho những kẻ thiếu hiểu biết nhưng lại luôn tỏ ra hơn người, coi thường mọi người, mọi thứ xung quanh.

- Bài học:
+ Thế giới vô cùng rộng lớn nên mỗi người cần không ngừng học hỏi, trau dồi vốn hiểu biết. Nếu chỉ biết kiêu ngạo, không chịu tiếp thu, học hỏi sẽ phải trả cái giá đắt.
+ Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta cần đặt mình trong nhiều mối quan hệ, cần nhìn nhận thế giới bằng con mắt khách quan và tinh thần ham học hỏi để có thể thích nghi và phát triển trong cuộc sống ấy.

3. Kết bài

Rút ra kết luận chung


II. Bài văn mẫu Phân tích hình tượng con ếch trong truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng (Chuẩn)

Ếch ngồi đáy giếng là câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Thông qua hình tượng con ếch kiêu ngạo, huênh hoang cùng những tình tiết hài hước, tác giả dân gian gửi gắm được nhiều bài học và thông điệp sâu sắc về cách nhận thức cuộc sống và lối ứng xử của con người trong quan hệ với những người xung quanh.

Con ếch trong câu chuyện là một kẻ huênh hoang, thiếu hiểu biết. Ếch ta sống trong một cái giếng cạn, không gian sống hạn hẹp cùng với những người hàng xóm nhỏ bé là cua, ốc nên ếch ảo tưởng rằng mình là con vật lớn nhất, là chúa tể nơi đây. Hàng ngày ếch cất lên những tiếng kêu ộp ộp khiến các con vật khác phải khiếp sợ, bởi vậy mà ếch càng tỏ ra huênh hoang, coi thường mọi người xung quanh mình. Từ đáy giếng nhìn lên, bầu trời trong nhận thức của ếch cũng chỉ nhỏ như cái vung, điều đó càng làm cho suy nghĩ mình là chúa tể muôn loài của ếch thêm phần chắc chắn. Hình ảnh con ếch kiêu ngạo, thiếu hiểu biết cũng chính là hình ảnh phản chiếu của những con người sống kiêu căng, ngạo mạn, tầm hiểu biết hạn hẹp nhưng không chịu tiếp thu, học hỏi. Luôn cho bản thân là nhất không chỉ làm nảy sinh những ảo tưởng không thật về bản thân mà còn gây ra những hậu quả khôn lường.

Vào một năm trời mưa lớn, nước mưa dâng cao, ếch lần đầu tiên được ra khỏi miệng giếng chật hẹp để ngắm nhìn cuộc sống rộng lớn bên ngoài. Bên ngoài đáy giếng là một thế giới rộng lớn, cảnh vật đều mới lạ, bầu trời cũng to lớn hơn rất nhiều so với nhận thức trước đó của ếch. Thế nhưng, bản tính vốn kiêu ngạo, vốn hiểu biết lại nông cạn nhưng ếch ta vẫn chứng nào tật ấy luôn cho mình là nhất. Khi ra khỏi miệng giếng, ếch đi lại nghênh ngang mà không chút đề phòng, kết quả là bị một con trâu đi ngang qua giẫm bẹp. Có thể nói, kết cục của ếch thật bi thảm, chỉ vừa bước ra khỏi thế giới nhỏ bé nơi đáy giếng thì đã bị giẫm bẹp, thế nhưng đây cũng là kết quả thích đáng cho những kẻ thiếu hiểu biết nhưng lại luôn tỏ ra hơn người, coi thường mọi người, mọi thứ xung quanh.

Đằng sau kết cục thảm thương của con ếch, tác giả dân gian muốn gửi gắm một thông điệp: Thế giới vô cùng rộng lớn nên mỗi người cần không ngừng học hỏi, trau dồi vốn hiểu biết. Nếu chỉ biết kiêu ngạo, không chịu tiếp thu, học hỏi sẽ phải trả cái giá đắt như cái chết của con ếch. Câu chuyện còn là bài học về sự thích nghi với hoàn cảnh sống xung quanh. Khi sống quá lâu trong môi trường nhỏ hẹp mà không có sự kết nối với bên ngoài có thể làm cho nhận thức của con người trở nên hạn hẹp, trì trệ, mất đi khả năng đánh giá khách quan. Bởi vậy, trong cuộc sống hiện đại, chúng ta cần đặt mình trong nhiều mối quan hệ, cần nhìn nhận thế giới bằng con mắt khách quan và tinh thần ham học hỏi để có thể thích nghi và phát triển trong cuộc sống ấy.

Thông qua hàng loạt những ẩn dụ sáng tạo như "con ếch", "bầu trời", "con trâu", truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng đã mang đến cho chúng ta một câu chuyện dân gian thú vị, sâu sắc hơn cả là qua câu chuyện ấy, chúng ta có thêm những bài học quý giá về cách nhận thức, đánh giá sự vật cùng thái độ sống cần có của con người trong cuộc sống.

---------------HẾT----------------

Tìm hiểu thêm về những đặc sắc nội dung và nghệ thuật của truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng, Bài học rút ra từ truyện Ếch ngồi đáy giếng, Nêu suy nghĩ của em về chú ếch trong truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng, Kể lại câu chuyện Ếch ngồi đáy giếng và cho biết em đã rút ra bài học gì từ câu chuyện ấy.

Bài văn Phân tích hình tượng con ếch trong truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng giúp các em thấy được tính cách huênh hoang, kiêu ngạo, bản chất thiết hiểu biết nhưng không chịu học hỏi của con ếch, qua đó rút ra được bài học sâu sắc về cách nhìn nhận cuộc sống và thái độ sống cần có cho bản thân.
Phân tích truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng
Bài học rút ra từ truyện Ếch ngồi đáy giếng
Sơ đồ tư duy Ếch ngồi đáy giếng
Đoạn văn nêu lên bài học từ câu chuyện Ếch ngồi đáy giếng
Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc truyện Ếch ngồi đáy giếng
Soạn bài Đẽo cày giữa đường, Ếch ngồi đáy giếng, Con mối và con kiến ngắn gọn

ĐỌC NHIỀU