Đề bài: Phân tích đoạn trích Sự giàu đẹp của tiếng Việt
Phân tích đoạn trích Sự giàu đẹp của tiếng Việt
- Giới thiệu tác giả Đặng Thai Mai và đoạn trích Sự giàu đẹp của tiếng Việt.
a. Nêu ra vấn đề nghị luận chung, khái quát sự giàu đẹp của tiếng Việt:
- "Người Việt Nam ta ngày nay có lý do đầy đủ và vững chắc để tự hào với tiếng nói của mình. Và để tin tưởng hơn nữa vào tương lai của nó". => khơi gợi cho độc giả những hứng thú, sự tò mò và tự đi tìm câu trả lời trong những trang văn tiếp theo.
- Nhận định "Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay": => cho người đọc một lời giải thích về việc chúng ta có thể tự hào với tiếng Việt và tin tưởng và tương lai của nó, bộc lộ tình yêu mến, trân trọng, cái nhìn khách quan, suy nghĩ sâu sắc của tác giả về tiếng Việt.
- Đưa ra những lý lẽ khái quát nhất để chứng minh cái "đẹp" và "hay" trong tiếng Việt.
+ Đẹp: "sự hài hòa về mặt âm hưởng", tế nhị và uyển chuyển trong cách đặt câu.
+ Hay: Diễn tả đầy đủ những tư tưởng tình cảm của nhân dân và thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa qua nhiều thời kỳ lịch sử.
b. Chứng minh nhận định bằng các biểu hiện về sự giàu đẹp của tiếng Việt thông qua nhiều phương diện.
* Tiếng Việt là một thứ tiếng "đẹp":
- Khéo léo khi đưa vào tác phẩm của mình những lời nhận xét của người ngoại quốc, những người không hiểu tiếng ta rằng: "tiếng Việt là một thứ tiếng giàu chất nhạc".
- Củng cố sự tin cậy bằng những nhận định của các giáo sĩ phương Tây (những người có am hiểu về tiếng Việt và có thẩm quyền về mặt ngôn ngữ) rằng "tiếng Việt là một thứ tiếng "đẹp" và rất rành mạch trong lối nói, rất uyển chuyển trong câu kéo rất ngon lành trong những câu tục ngữ".
- Tiếng Việt của ta "có một hệ thống nguyên âm phụ âm khá phong phú", "lại giàu về thanh điệu" khi có tới tận 6 thanh điệu gồm hai thanh dương bình, âm bình và cả 4 thanh trắc.
- Hình ảnh so sánh "tiếng Việt có thể kể vào những tiếng giàu hình tượng ngữ âm như những âm giai trong âm nhạc trầm bổng"=> giúp cho người đọc có những hình dung cụ thể rõ ràng về nhạc tính của tiếng Việt.
* Tiếng Việt là một thứ tiếng "hay":
- Phát huy được chức năng của mình "là một phương tiện trao đổi tình cảm ý nghĩa giữa người với người".
- "dồi dào về cấu tạo từ ngữ cũng như hình thức diễn đạt" khi qua các thời kỳ lịch sử tiếng Việt ngày càng phong phú về từ vựng.
- Ngày dần hoàn thiện cả về mặt ngữ pháp khiến cho việc diễn đạt trở nên thông suốt, uyển chuyển và dễ dàng hơn.
c. Kết luận:
Khẳng định sức sống của tiếng Việt chính là sức sống của dân tộc "Chúng ta có thể khẳng định rằng...sức sống của nó".
3. Kết bài
Nêu nhận xét chung.
Đặng Thai Mai (1902-1984), là một nhà văn, nhà giáo, nhà phê bình văn học, giáo sư nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam hiện đại, từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ giáo dục đồng thời là Viện trường đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam vào thế kỷ trước. Ông là người có hiểu biết sâu rộng về nền nho học, lại có kiến thức về nền văn học của nhiều quốc gia như văn học cổ điển Pháp, văn học hiện đại Trung Quốc, văn học cận đại Việt Nam, điều đó trở thành nền tảng, cơ sở cho những lý luận phê bình văn học của ông trong nhiều năm với các công trình nghiên cứu văn học nổi tiếng cả của Việt Nam và thế giới ví như Lỗ Tấn (1944), Văn thơ Phan Bội Châu (1958),... cùng nhiều dòng nhận xét về thơ ca của các tác giả Việt Nam hiện đại rất sâu sắc và có giá trị. Nhân buổi Việt Nam ta nổi lên một số công trình nghiên cứu cải cách tiếng việt của các giáo sư trong nước, khiến người ta không khỏi nhớ đến một đoạn trích trong bài nghiên cứu Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống (1967) của Đặng Thai Mai mang tên Sự giàu đẹp của tiếng Việt. Bằng những lí lẽ và chứng cứ toàn diện đoạn trích đã chứng minh được sự giàu đẹp của tiếng Việt thông qua nhiều phương diện, qua nhiều giai đoạn phát triển để hoàn thiện, nó chính là minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của dân tộc.
Trong phần đầu của đoạn trích tác giả Đặng Thai Mai đi vào nêu ra vấn đề nghị luận chung, khái quát sự giàu đẹp của tiếng Việt bằng cách mở đầu bằng những câu văn mang tính chất khẳng định "Người Việt Nam ta ngày nay có lý do đầy đủ và vững chắc để tự hào với tiếng nói của mình. Và để tin tưởng hơn nữa vào tương lai của nó". Từ đó khơi gợi cho độc giả những hứng thú, sự tò mò về lời khẳng định đầy tự tin ấy của tác giả và tự đi tìm câu trả lời trong những trang văn tiếp theo. Đặng Thai Mai tiếp tục đưa ra nhận định tiếp theo "Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay" nhằm cho người đọc một lời giải thích về việc chúng ta có thể tự hào với tiếng Việt và tin tưởng và tương lai của nó. Đồng thời cũng bộc lộ tình yêu mến, trân trọng, cái nhìn khách quan, suy nghĩ sâu sắc của tác giả về tiếng Việt. Sau đó tác giả đi vào đưa ra những lý lẽ khái quát nhất để chứng minh cái "đẹp" và "hay" trong tiếng Việt. Đẹp ở chỗ có "sự hài hòa về mặt âm hưởng", tế nhị và uyển chuyển trong cách đặt câu, hay ở chỗ trở thành phương tiện tuyệt vời để diễn tả đầy đủ những tư tưởng tình cảm của nhân dân và thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa qua nhiều thời kỳ lịch sử. Như vậy có thể thấy trong đoạn đầu của đoạn trích tác giả Đặng Thai Mai đã đưa ra được nhận định khái quát về phẩm chất giàu đẹp của tiếng Việt bằng cách lập luận mạch lạc, văn phong khoa học và hàm súc đi vào lòng người đọc.
Đến phần thứ hai tác giả đã đi vào chứng minh cho nhận định của mình bằng cách đưa ra các biểu hiện về sự giàu đẹp của tiếng Việt thông qua nhiều phương diện với các dẫn chứng rành mạch, được sắp xếp khoa học, dễ hiểu và khách quan. Trước hết tác giả đi vào chứng minh luận điểm tiếng Việt là một thứ tiếng đẹp bằng cách khéo léo khi đưa vào tác phẩm của mình những lời nhận xét của người ngoại quốc, những người không hiểu tiếng ta rằng: "tiếng Việt là một thứ tiếng giàu chất nhạc". Và để củng cố sự tin cậy cho dẫn chứng này tác giả tiếp tục đưa vào những nhận định của các giáo sĩ phương Tây (những người có am hiểu về tiếng Việt và có thẩm quyền về mặt ngôn ngữ) rằng "tiếng Việt là một thứ tiếng "đẹp" và rất rành mạch trong lối nói, rất uyển chuyển trong câu kéo rất ngon lành trong những câu tục ngữ". Rõ ràng đứng ở phương diện khách quan người nước ngoài đã có một cái nhìn rất chuẩn xác về tiếng Việt của ta, và chính bản thân ta cũng thấy điều đó là hoàn toàn đúng khi nghe qua những câu ca dao tục ngữ, những câu thành ngữ hàm súc, lại rất uyển chuyển, giàu hình ảnh. Sự "đẹp" của tiếng Việt còn được tác giả chứng minh thông qua những hiểu biết của bản thân - một nhà lý luận văn học, có sự am hiểu về văn học nhiều nước. Khi Đặng Thai Mai chỉ ra tiếng Việt của ta "có một hệ thống nguyên âm phụ âm khá phong phú", thêm vào đó "lại giàu về thanh điệu" khi có tới tận 6 thanh điệu gồm hai thanh dương bình, âm bình và cả 4 thanh trắc, điều đó thể hiện qua hình ảnh so sánh "tiếng Việt có thể kể vào những tiếng giàu hình tượng ngữ âm như những âm giai trong âm nhạc trầm bổng". Việc so sánh như vậy đã giúp cho người đọc có những hình dung cụ thể rõ ràng về nhạc tính của tiếng Việt.
Với luận điểm thứ hai tiếng Việt là một thứ tiếng "hay", đã góp phần làm nên sự hoàn hảo của một hệ thống ngôn ngữ, bởi một thứ tiếng không những "đẹp" về hình thái, âm sắc mà quan trọng là nó còn phải phát huy được chức năng của mình mà như Đặng Thai Mai nói "nó phải là một phương tiện trao đổi tình cảm ý nghĩa giữa người với người". Và tiếng Việt của ta hoàn toàn thỏa mãn được điều ấy bởi lý lẽ mà tác giả đưa ra đó là tiếng Việt "dồi dào về cấu tạo từ ngữ cũng như hình thức diễn đạt" khi qua các thời kỳ lịch sử tiếng Việt ngày càng phong phú về từ vựng nhờ việc Việt hóa tiếng của các nước bạn, của các dân tộc anh em làm tăng khả năng diễn đạt trong nhiều lĩnh vực phức tạp. Không chỉ vậy tiếng Việt còn từng ngày dần hoàn thiện cả về mặt ngữ pháp khiến cho việc diễn đạt trở nên thông suốt, uyển chuyển và dễ dàng hơn.
Cuối cùng sau khi chứng minh cho luận điểm sự giàu và đẹp của tiếng Việt tác giả đã đi đến nhận định cuối cùng khẳng định sức sống của tiếng Việt chính là sức sống của dân tộc "Chúng ta có thể khẳng định rằng...sức sống của nó".
Có thể thấy rằng trong đoạn trích Sự giàu đẹp của tiếng Việt tác giả Đặng Thai Mai đã rất tinh tế, khéo léo sử dụng hệ thống lập luận chặt chẽ, các lý lẽ dẫn chứng phong phú, vừa mang tính khoa học, vừa mang tính thực tế khách quan. Cách dùng từ, câu cú uyển chuyển, giúp cho người đọc vừa có những hiểu biết về lý thuyết, vừa có những hiểu biết về thực tiễn đời sống, qua đó càng hiểu hơn về tình yêu sự say mê nghiên cứu khoa học, cũng như tấm lòng tha thiết, sâu nặng với tiếng mẹ đẻ của tác giả.
-------------------HẾT--------------------
Cùng với bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Sự giàu đẹp của tiếng Việt, các em có thể chuẩn bị trước một số bài học quan trọng khác như: Soạn bài Đức tính giản dị của Bác Hồ, Phân tích bài Đức tính giản dị của Bác Hồ, Phân tích đoạn trích Sống chết mặc bay, Soạn Sống chết mặc bay.