1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích, nhân vật.
2. Thân bài:
a. Nêu một số đặc điểm của nhân vật:
- Ông Quơn-cơ là một người ưa thích, theo đuổi sự hoàn hảo, biến những điều không tưởng thành sự thật:
+ Ông là chủ của nhà máy sô-cô-la. Quơn-cơ rất chú trọng vào hình thức và cái đẹp, không chấp nhận bất kể một thứ xấu xí nào.
+ Khi giới thiệu về không gian nhà máy, ông luôn bày tỏ sự tự hào, hãnh diện về những gì mình đã làm được.
+ Cảnh tượng bên trong nhà máy rất đỗi li kì, hấp dẫn với con thác lớn, đường ống kếch xù, dòng sông sô-cô-la thượng hạng,...
- Ông Quơn-cơ là một người lịch sự với mọi người:
+ Nhắc nhở mọi người phải bình tĩnh trước những gì mình chuẩn bị chứng kiến.
+ Lần lượt giới thiệu cho mọi người về vai trò của mỗi bộ phận trong xưởng sô-cô-la.
+ Lời nói lịch thiệp, mời những người tham quan nếm thứ cỏ bạc hà mình vừa sáng chế ra.
b. Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn:
- Nhân vật được khắc họa thông qua lời nói, hành động.
- Ngôn ngữ tinh tế, hình ảnh hấp dẫn.
c. Ý nghĩa của hình tượng nhân vật:
- Ông Quơn-cơ đại diện cho những con người dám mơ ước, dám thực hiện, có thể làm được những điều phi thường, ngoài sức tưởng tượng của người khác.
- Thúc đẩy sự sáng tạo, trí tưởng tượng ở người đọc.
3. Kết bài:
- Nêu ấn tượng và đánh giá về nhân vật.
Là một nhà sử học chuyên về lịch sử Sô-cô-la, Rô-a-đan đã sử dụng sự hiểu biết cũng như trí tưởng tượng của mình để sáng tạo nên tác phẩm vô cùng hấp dẫn mang tên "Charlie và nhà máy Sô-cô-la". Tác phẩm đã ghi dấu trong lòng người đọc bởi ngôn từ trau chuốt cùng những hình ảnh sáng tạo. Nằm trong chương 15, "Xưởng Sô-cô-la" kể lại hành trình các nhân vật khám phá xưởng sản xuất sô-cô-la trong nhà máy. Bên cạnh cậu bé Charlie, em đặc biệt ấn tượng, yêu thích ông Quơn-cơ.
Đặc điểm, tính cách của ông Quơn-cơ được bộc lộ trực tiếp thông qua lời nói, hành động. Ngay từ đầu đoạn trích, ông Quơn-cơ đã hiện lên với sự nghiêm chỉnh, luôn ưa thích, đam mê cái đẹp. Ông đưa mọi người tới vị trí trọng yếu, được coi là "trung tâm thần kinh của tòa nhà". Từ đây, ông thú nhận bản thân "rất chú trọng làm cho các xưởng của ta phải đẹp! Ta không thể chịu được sự xấu xí trong nhà máy!". Ông đã lặp lại hai lần câu nói này trong tác phẩm. Một lần trước khi đi vào nhà máy và một lần ở bên trong. Ông luôn nhấn mạnh "ta đã nói với các cháu là ta ghét sự xấu xí mà". Từ câu nói này, ta có thể nhận thấy ông Quơn-cơ là con người đi theo chủ nghĩa hoàn hảo.
Không những vậy, ta còn thấy được sự tài ba của Quơn-cơ khi ông có thể biến được những điều không thể thành có thể. Những chi tiết trong không gian nhà máy đã chứng thực điều đó. Hình ảnh "thung lũng rất đẹp với những đồng cỏ xanh rờn hai bên", dòng sông nấu cuộn chảy dưới đất thung lũng, những ống thủy tinh kếch xù cùng màu sắc rực rỡ của hàng liễn, trắc, những bụi đỗ quyên cao đã vẽ nên một cách tượng kinh ngạc trước mắt người tham quan. Đây là những chi tiết không tưởng, khác hẳn với không gian của một nhà máy sản xuất thông thường. Chỉ có người tài giỏi mới có thể làm nên một cơ sở sản xuất "đặc biệt", lạ lùng đến thế.
Qua lời giới thiệu của ông Quơn-cơ, người đọc còn nhận ra được sự lịch thiệp, nhã nhặn toát ra từ con người ấy. Ông nhắc nhở mọi người phải bình tĩnh trước những gì mình chuẩn bị chứng kiến bằng lời lẽ hết sức nhẹ nhàng: "Vậy chúng ta vào nào! Nhưng phải cẩn thận đấy, các cháu thân mến của ta! Đừng có mất tỉnh táo! Đừng quá phấn khích! Hãy bình tĩnh!". Tiếp đó, ông lần lượt giới thiệu cho mọi người về vai trò của mỗi bộ phận trong xưởng sô-cô-la một cách hết sức tỉ mỉ, chi tiết: "Từng giọt của con sông này đều là sô-cô-la nóng chảy thượng hảo hạng", "Chúng hút sô-cô-la lên và tải đến tất cả các xưởng khác trong nhà máy, bất cứ nơi nào cần.", "Con thác là quan trọng bậc nhất.[..] Nó khuấy đảo sô-cô-la. Nó đập và giã sô-cô-la. Nó làm cho sô-cô-la nhẹ tơi và ngầu bọt.",... Ngay cả lời mời những người tham quan nếm thứ cỏ bạc hà mình vừa sáng chế ra của ông cũng chứa đựng đầy sự lịch thiệp, nho nhã: "Thử nếm một cọng cỏ coi. Xin mời. Rất ngon.".
Như vậy, với ngôn ngữ tinh tế cùng cách xây dựng nhân vật, thông qua lời nói, hành động, nhà văn Rô-a-đan đã để lại tình cảm sâu đậm về nhân vật Quơn-cơ trong lòng độc giả. Ông Quơn-cơ đại diện cho những con người dám mơ ước, dám thực hiện, có thể làm được điều phi thường, ngoài sức tưởng tượng của người khác. Đồng thời, nhân vật còn thúc đẩy sự sáng tạo ở trẻ em.
Nhân vật Quơn-cơ chứa đựng biết bao phẩm chất tốt đẹp mà chúng ta có thể noi gương học hỏi. Ngoài nét đặc sắc về ngôn từ, hình ảnh, cốt truyện, nhân vật cũng là yếu tố then chốt, làm nên thành công của tác phẩm cũng như tên tuổi nhà văn.
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích, nhân vật.
2. Thân bài:
a. Nêu một số đặc điểm của nhân vật:
- Đan-kô là một chàng trai dũng cảm, lạc quan, không đầu hàng trước hiểm nguy:
+ Đường đi khó khăn, u tối, ẩn chứa nhiều nguy hiểm nhưng Đan-kô vẫn xông xáo, hăng hái, đi đầu dẫn đoàn người.
- Đan-kô có sự bao dung, nhân ái, tình thương bao la dành cho mọi người:
+ Bị mọi người mắng chửi, oán trách, Đan-kô dù rất tức giận nhưng đã nhanh chóng kìm nén, dập tắt cơn giận ấy.
+ Trái tim Đan-kô bùng lên ngọn lửa nhiệt thành, chỉ muốn cứu mọi người khỏi hiểm nguy.
+ Đan-kô sẵn sàng hi sinh tính mạng của bản thân bằng hành động xé toang lồng ngực, dứt trái tim và giơ cao trên đầu để soi sáng đường đi cho mọi người.
b. Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn:
- Nhân vật được khắc họa thông qua lời nói, hành động.
- Ngôi kể thứ ba với điểm nhìn khác nhau đã tô đậm phẩm chất của người anh hùng Đan-kô.
c. Ý nghĩa của hình tượng nhân vật:
- Đan-kô là biểu trưng cho tấm lòng bao dung, nhân hậu, vị tha.
- Trái tim nhiệt huyết và tình yêu thương của Đan-kô đã xua tan đi u tối, trở thành ngọn lửa dẫn đầu, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
3. Kết bài:
- Nêu ấn tượng và đánh giá về nhân vật.
Marxim Gorki đã có câu nói nổi danh cho nhân loại: "Nơi lạnh nhất không phải Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình yêu thương". Lấy tình yêu thương làm cốt lõi, tác giả đã viết nên tác phẩm "Bà lão I-dec-ghin". Thuộc phần cuối của truyện, đoạn trích "Trái tim của Đan-kô" đã thể hiện những suy nghiệm, triết lí sâu xa của nhà văn về cách ứng xử và tình thương trong cuộc sống. Nổi bật trong văn bản là hình tượng nhân vật Đan-kô.
Trước hết, Đan-kô là một chàng trai dũng cảm, lạc quan, không đầu hàng trước hiểm nguy. Bộ lạc vì quá sợ hãi đầm lầy u tối nên họ không dám tiến lên phía trước. Nhưng Đan-kô thì không như vậy. Đan-kô khuyên họ không nên đứng yên mà cần can đảm cùng nhau vào rừng tìm con đường sống. Cuối cùng, Đan-kô đã thuyết phục được mọi người. Đan-kô trở thành người dẫn đầu, giúp đỡ mọi người tìm nơi ở mới. Quãng đường đến nơi cư ngụ mới chứa đựng đầy nguy hiểm "Rừng tối om, cứ bước một bước, đầm lầy lại há cái mõm tham lam hôi thối ra nuốt mất người, và cái cây cối sừng sững chặn đường như một bức thành kiên cố. Cành cây quấn quýt lấy nhau; rễ bò lan khắp nơi như đầu rắn, và cứ mỗi bước đi, họ lại phải tốn bao nhiêu mồ hôi và máu". Song, người anh hùng Đan-kô không chùn bước, đầu hàng. Chỉ vừa có chút khó khăn, mọi người đã nản chí, oán trách còn Đan-kô vẫn giữ được sự xông xáo, hăng hái, tươi tỉnh.
Điều kiện bên ngoài càng lúc càng khắc nghiệt "giông bão gầm thét trên rừng, cây cối ào ào ghê rợn", "ánh chớp bay trên các ngọn cây, lóe ánh lửa xanh lạnh lẽo, rọi sáng trong khoảnh khắc". Đám người thấy vậy thì hoảng hốt, xuống tinh thần, trở thành những kẻ yếu đuối hèn nhát. Bọn họ tự biến mình thành đám đông nổi giận, bực tức, chửi mắng Đan-kô. Nghe những lời chửi rủa, kết tội của đám người, Đan-kô "cũng bùng lên niềm phẫn nộ sục sôi, nhưng lòng thương hại mọi người đã dập tắt ngọn lửa uất giận ấy. Anh yêu họ và nghĩ rằng không có anh, có lẽ họ chết mất". Sự cao thượng và suy nghĩ xuất phát từ tình yêu thương đã giúp Đan-kô vượt lên khỏi ích kỉ cùng những tầm thường, nhỏ bé. Trái tim Đan-kô bùng lên ngọn lửa nhiệt thành, chỉ muốn cứu mọi người khỏi hiểm nguy "Trong trái tim anh bùng lên ngọn lửa nhiệt thành, thiết tha muốn cứu họ, đưa họ lên con đường dễ dàng, và những tia lửa của niềm mong muốn mãnh liệt ấy lại lóe lên trong mắt anh...". Anh sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình, xé toang lồng ngực, dứt trái tim và giơ cao trên đầu để soi sáng đường đi. Trái tim ấy cháy sáng như mặt trời, cả khu rừng bừng tỉnh dưới ngọn đuốc của tình yêu thương vĩ đại, cao cả. Tự nhiên đã phải cúi đầu, "giãn ra nhường lối cho anh". Cuối cùng, sự hi sinh ấy được đền đáp khi đoàn người đã tìm ra nơi tránh trú, sinh sống an toàn. Từ những chi tiết ấy, ta hoàn toàn có thể khẳng định Đan-kô là một người có trái tim nhân hậu, giàu lòng bao dung, trắc ẩn đối với con người.
Ngôi kể thứ ba với điểm nhìn khác nhau đã tô đậm phẩm chất của người anh hùng Đan-kô. Tính cách của Đan-kô được bộc lộ rõ nét thông qua lời nói và hành động. Trái tim nhiệt huyết và tình yêu thương của Đan-kô đã xua tan đi u tối, trở thành ngọn lửa dẫn đầu, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Đan-kô chính là biểu trưng cho tấm lòng vị tha.
Từ nhân vật, ta càng nhận ra được vai trò, tầm quan trọng của sự dũng cảm cùng tình yêu thương trong cuộc sống. Tình thương sẽ giúp cho con người có thêm động lực để giúp đỡ những người xung quanh.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Ngoài những nhân vật trong các tác phẩm nêu trên, còn nhân vật nào khiến em đặc biệt yêu thích, ấn tượng hay không? Hãy tự mình viết một bài văn phân tích đặc điểm nhân vật hoàn chỉnh từ các gợi ý mà Taimienphi.vn cung cấp nhé! Mời các em tham khảo và đón đọc thêm các bài văn mẫu lớp 7 khác: Bài văn bày tỏ cảm xúc về một người bạn tốt đã lâu chưa gặp lại, Nêu ý kiến về: Ăn mặc, sinh hoạt hằng ngày giản dị là biểu hiện của lối sống lạc hậu, Đoạn văn giới thiệu khái quát về các từ loại hoặc các thành phần câu, Phân tích một nhân vật văn học yêu thích trong cuốn sách đã đọc, Tóm tắt văn bản Ghe xuồng Nam Bộ và các bài văn mẫu khác.