Đề bài: Phân tích bài Về luân lí xã hội ở nước ta
Phân tích bài Về luân lí xã hội ở nước ta
- Giới thiệu khái quát về tác giả Phan Châu Trinh (những nét chính về tiểu sử, con người, các tác phẩm chính, đặc điểm sáng tác,...).
- Giới thiệu khái quát về bài "Về luân lí xã hội ở nước ta" (vị trí đoạn trích, những đặc sắc về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,...).
2. Thân bài
a. Nêu vấn đề: Khẳng định nước ta chưa có ai biết đến luân lí
- Tác giả cho rằng "Xã hội luân lí thuật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến"
- Nêu lên vấn đề chưa có luân lí ở nước ta.
- Phủ nhận vấn đề xuyên tạc, ngộ nhận luân lí ở nước ta của một số người...(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích bài Về luân lí xã hội ở nước ta tại đây
Phan Châu Trinh là một nhà cách mạng, một nhà yêu nước sớm giác ngộ cách mạng và có tư tưởng cách tân táo bạo trong lịch sử dân tộc. Không chỉ là nhà cách mạng, ông còn là nhà văn có nhiều sáng tác bằng cả chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ với những áng văn chính luận đanh thép, sâu sắc và những sáng tác thơ mang đậm tinh thần dân chủ và tinh thần yêu nước. Và có thể nói, đoạn trích "Về luân lí xã hội ở nước ta" trích từ phần ba của bài "Đạo đức và luân lí Đông Tây" là một trong số những sáng tác đặc sắc, biểu biểu của ông.
Trước hết, trong phần mở đầu bài "Về luân lí xã hội ở nước ta", tác giả Phan Châu Trinh đã nêu lên một cách rõ ràng vấn đề bàn luận, đó chính là việc ở nước ta chưa có ai biết đến xã hội luân lí thật. Tác giả đã nêu lên vấn đề cần bàn luận ngay từ câu văn mở đầu đoạn trích "Xã hội luân lí thật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến". Như vậy, tác giả đã nêu lên một vấn đề, một thực trạng ở nước ta lúc này đó chính là chưa có ai biết đến luân lí nhưng đồng thời, trong phần còn lại của đoạn văn mở đầu, tác giả còn phủ nhận vấn đề xuyên tạc, ngộ nhận luân lí ở nước ta của một số người. Tác giả Phan Châu Trinh đã chỉ ra rằng "một tiếng bạn bè không thể thay cho xã hội luân lí được" hay tác giả nêu lên hiện tượng những người làm quan thường nhắc tới từ "thiên hạ" vốn xuất phát từ một câu trong sách Nho giáo "Sửa nhà trị nước rồi mới yên thiên hạ" nhưng lại chẳng mấy ai hiểu rõ, hiểu đúng nghĩa của từ đó. Như vậy, với cách vào vấn đề một cách trực tiếp và lời khẳng định vấn đề, tác giả Phan Châu Trinh không những đã khẳng định nước ta không có luân lí mà hơn thế nữa còn phủ nhận, bác bỏ những cách hiểu đơn giản, nông cạn, hời hợt, sai lệch về vấn đề luân lí xã hội ở nước ta.
Hơn thế nữa, trong bài viết của mình, tác giả Phan Châu Trinh còn nêu lên thực trạng luân lí xã hội ở nước ta trong sự so sánh tương quan với các nước ở châu u và nêu lên nguyên nhân của thực trạng ấy. Trước hơn hết, tác giả đã chỉ ra rằng, ở bên châu u không những đã có xã hội luân lí mà nó còn rất thịnh hành và một minh chứng rõ ràng được tác giả nêu ra đó chính là ở nước Pháp, nếu như trong trường hợp người dân bị đè nén quyền lợi chính đáng của mình thì người ta sẽ bằng mọi cách - từ kêu nài, chống cự, thị oai cho đến vận dụng đến khi nào được công bằng mới chịu dừng lại. Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra nguyên nhân để có được điều đó chính là do họ có tinh thần đoàn kết, có tinh thần dân chủ, có trình độ văn hóa và biết nhìn xa trông rộng. Nêu lên thực trạng luân lí ở châu u làm cơ sở để so sánh, tác giả đã chỉ ra thực trạng luân lí xã hội ở nước ta. Như đã nói ở trên, ở nước ta "tuyệt nhiên không ai biết đến" xã hội luân lí thật,đó là lối sống không biết đến tập thể. Không chỉ nêu lên thực trạng ấy, tác giả còn đi sâu làm rõ những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên. Với tác giả, nguyên nhân đầu tiên đó chính là do con người nước ta "không biết đến đoàn thể, không trọng công ích", ý thức dân chủ kém. Đồng thời, một trong số những nguyên nhân đó chính là sự "ham quyền tước, ham bả vinh hoa" của học trò, của vua quan trong các triều đại phong kiến. Điều đó đã khiến cho họ "muốn giữ túi tham của mình được đầy mãi, địa vị của mình được vững mãi" nên rồi đến cuối cùng họ đã "kiếm cách thiết pháp luật, phá tan tành đoàn thể quốc dân". Những điều đó xét đến cùng cũng xuất phát từ chế độ vua quan chuyên chế bảo thủ, lạc hậu kéo dài. Như vậy, tác giả đã chỉ ra một cách rõ ràng thực trạng của luân lí xã hội ở nước ta và nguyên nhân của thực trạng đó với một thái độ đau xót, phẫn uất cho tình cảnh của người dân.
Trên cơ sở phân tích thực trạng và nguyên nhân của luân lí xã hội ở nước ta, đoạn kết thúc văn bản đã nêu lên giải pháp, chủ trương truyền bá xã hội chủ nghĩa cho người Việt. Muốn cho xã hội nước ta có luân lí trước hết dân ta cần phải có đoàn thể, có đoàn thể để tạo nên sức mạnh và khối đoàn kết sâu rộng trong tập thể nhân dân. Đồng thời, còn cần phải "truyền bá xã hội chủ nghĩa trong dân Việt Nam", điều đó sẽ góp phần giúp cho nhân dân ta biết và hiểu đúng, hiểu sâu sắc về xã hội chủ nghĩa, về luân lí xã hội.
Tóm lại, với cách lập luận chặt chẽ, giọng văn đa dạng, câu văn sinh động, "Về luân lí xã hội" của Phan Châu Trinh đã vạch trần thực trạng của xã hội lúc bấy giờ và đề cao tư tưởng đoàn thể. Đồng thời, qua bài viết cũng giúp chúng ta cảm nhận được tinh thần yêu nước, dũng khí và tư tưởng tiến bộ của Phan Châu Trinh.
-------------------HẾT--------------------
Về luân lí xã hội ở nước ta là tác phẩm bàn về luân lí xã hội của tác giả Phan Châu Trinh, sau khi tìm hiểu bài Phân tích bài Về luân lí xã hội ở nước ta, các em có thể tham khảo thêm: Tấm lòng và tầm nhìn của Phan Châu Trinh qua đoạn trích Về luân lí xã hội ở nước ta, Soạn bài Về luân lí xã hội ở nước ta (Phan Châu Trinh), Cảm nhận khi đọc về Luân lí xã hội ở nước ta, trong tài liệu những bài văn hay lớp 11 để củng cố cho vốn kiến thức của mình.