1. Mở đầu:
- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: vai trò của tình cảm và giáo dục trong gia đình.
2. Triển khai:
- Giải thích: Tình cảm gia đình, giáo dục là gì?
- Biểu hiện của tình cảm gia đình.
- Nêu ý nghĩa, vai trò của tình cảm và giáo dục trong gia đình.
- Phê phán một số người hoặc gia đình thiếu đi tình yêu thương giữa các thành viên với nhau.
3. Kết luận:
- Khẳng định, khái quát lại vấn đề.
1. Bài nói mẫu số 1:
Chào cô và các bạn, hôm nay, em xin trình bày những suy nghĩ của bản thân về vai trò của tình cảm và giáo dục trong gia đình. Mời các bạn cùng lắng nghe.
Các bạn thân mến! Như các bạn biết thì gia đình chính là nơi chúng ta được sinh ra, lớn lên và trưởng thành, trở thành một phần quan trọng không thể thiếu đối với mỗi người. Nơi đó, chúng ta được sống gần gũi với những người thân yêu, máu mủ ruột rà của mình. Bởi vậy, theo mình tình cảm và giáo dục trong gia đình có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống mỗi người chúng ta.
Tình cảm gia đình là tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia mà mỗi người trong gia đình dành cho nhau. Bố mẹ quan tâm con cái, ông bà yêu thương, lo lắng cho con cháu, anh chị em giúp đỡ, bảo ban nhau học hành. Con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ, chăm sóc người thân khi họ ốm đau mệt mỏi,... Có thể nói tình cảm gia đình được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau nhưng đều hướng đến sự thấu hiểu, chia sẻ.
Còn giáo dục chính là quá trình tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm, thói quen, phong tục, kĩ năng thông qua hình thức giảng dạy, nghiên cứu, đào tạo. Chính vì vậy, tình cảm và giáo dục của gia đình đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi cá nhân.
Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng, quý giá mà mỗi người trong chúng ta may mắn có được. Nó nuôi dưỡng tâm hồn mỗi chúng ta là liều thuốc tinh thần quý giá để chúng ta thấy bình yên khi trở về. Nhà là nơi ta sẵn sàng trao yêu thương và được yêu thương. Chính tình cảm gia đình là sợi dây kết nối mỗi thành viên với nhau, tạo nên một gia đình ấm áp và hạnh phúc.
Hơn thế, những tình cảm đẹp đẽ ấy góp phần giáo dục mỗi chúng ta về để mỗi người hoàn thiện hơn về nhân cách. Gia đình là một trường học thu nhỏ, mà ở đó, chúng ta được học những bài học về cách đối nhân xử thế, bài học về lòng biết ơn, sự bao dung, tha thứ; bài học về lòng hiếu thảo và trách nhiệm,... Những bảo ban, dạy dỗ từ bà, từ mẹ là bài học đầu đời giúp các con tự uốn nắn, điều chỉnh chính mình. Có thể nói, giáo dục trong gia đình không hề gò bó, khiên cưỡng. Những bài học về lẽ sống, về chuẩn mực đạo đức nhẹ nhàng bước vào cuộc đời mỗi người, là hành trang để mọi người trưởng thành và tiến bước.
Tình cảm và giáo dục trong gia đình còn là bàn đạp giúp mỗi đứa trẻ bước vào thế giới vững vàng và bản lĩnh hơn. Song, đáng buồn thay, đâu đây vẫn còn những gia đình thiếu đi hơi ấm của tình thương. Những ích kỉ, nhỏ nhen vô tình gây ra những thương tổn cho chính người thân yêu của họ. Đâu đây vẫn còn những người mẹ, người cha chửi mắng, đánh đập con cái, những đứa trẻ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Đâu đây vẫn còn cảnh chồng đánh vợ, con cái đánh đập mẹ cha,... Đau lòng quá phải không các bạn?
Mình nghĩ rằng, khi chúng ta nhận thức được vai trò của gia đình, của tình cảm và giáo dục trong gia đình thì mỗi người cần biết trân trọng ngôi nhà của mình hơn. Hãy sẵn sàng sẻ chia, lắng nghe và thấu hiểu mọi người, nâng niu và vun vén tổ ấm nhỏ. Để nơi đó, mỗi khi trở về, chúng ta thấy thật sự thanh thản và bình yên.
Phần trình bày của em đến đây là kết thúc, em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe!
2. Bài Nói và nghe Trình bày ý kiến của em về vai trò của tình cảm và giáo dục trong gia đình mẫu số 2:
Thưa cô và các bạn, mỗi chúng ta chắc hẳn ai cũng có một gia đình nhỏ cho riêng mình. Gia đình là điều gì đó quen thuộc nhưng lại vô cùng thiêng liêng, là món quà vô giá mà thượng đế ban tặng cho loài người. Hôm nay, mình xin trình bày ý kiến của bản thân để cùng các bạn trao đổi về vấn đề: Vai trò của tình cảm và giáo dục trong gia đình. Các bạn cùng lắng nghe nhé!
Theo các bạn, thế nào là tình cảm và giáo dục trong gia đình? Với riêng mình, tình cảm gia đình là những yêu thương, quan tâm của người thân dành cho nhau. Giáo dục trong gia đình là những bài học thường ngày chúng ta được đúc rút qua những lời dạy dỗ, khuyên bảo của từng thành viên trong gia đình. Tình cảm và giáo dục trong gia đình có ý nghĩa lớn đối với cuộc sống mỗi người.
Thưa các bạn, ngày ngày, chúng ta đều cảm nhận được những tình cảm tốt đẹp trong gia đình. Đó là sự săn sóc ân cần của mẹ, là những hỏi thăm, chia sẻ lo lắng của ông bà hay sự quan tâm của anh chị em trong gia đình,...Tình cảm gia đình được biểu hiện thật bình dị, là khi mẹ nấu cho chúng ta một món ăn ngon; ba dạy con tập bơi, đá bóng; ngoại thủ thỉ kể những câu chuyện cổ tích cho ta nghe mỗi khi màn đêm buông xuống. Và hơn thế là những lần mẹ lo âu, trằn trọc suốt đêm chăm con ốm, ba vất vả ngày đêm làm việc trong phân xưởng, gắng tăng ca để có được đồng lương lo cho gia đình,... Tình cảm gia đình còn là những bao dung, thứ tha mỗi khi ta lầm lỗi, những động viên khích lệ khi ta thất bại và mỉm cười tự hào khi người thân yêu của mình thành công. Chính những tình cảm đẹp đẽ ấy là động lực để mỗi người cố gắng. Là điểm tựa vững vàng để mỗi đứa trẻ tự tin bước vào đời. Gia đình cũng là nơi ta cảm thấy ấm áp, bình yên nhất mỗi khi được trở về, được sống trong tình yêu thương vô bờ bến của những người thân yêu.
Bên cạnh đó, gia đình cũng mang đến cho chúng ta những bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Qua lời dạy của bà của mẹ, ta có được bài học về cách bao dung, về sự lễ phép và lòng biết ơn. Qua những khích lệ của bố, ta học được bài học về cách vượt qua khó khăn, về tinh thần lạc quan khi thất bại. Tình anh em giúp ta biết nhún nhường, chia sẻ, biết giúp đỡ nhau,... Chính gia đình là nơi dạy cho ta những bài học đầu đời về cách đối nhân xử thế, về đạo làm con, về trách nhiệm của bản thân mình với mọi người, cuộc sống. Chính những tình cảm gia đình là bài học giáo dục sâu sắc và bền vững nhất làm hành trang quý giá trong cuộc đời mỗi người.
Các bạn ạ, chúng ta không khỏi buồn lòng khi ngày ngày vẫn còn thấy những hình ảnh con cái chửi mắng mẹ cha, bỏ mặc người sinh ra mình. Không khỏi chua xót khi những đứa trẻ bị đánh đập, sinh ra trong cuộc hôn nhân không tình yêu, chịu tổn thương cả về thể xác và tinh thần. Còn đâu đây nữa những người anh em tệ bạc, đánh đập nhau vì tranh giành quyền lợi riêng,... Phải chăng, họ đang không trân quý hạnh phúc gia đình?
Mình mong rằng tất cả chúng ta hãy yêu thương, trân trọng gia đình mình hơn, hãy mở lòng mình để cho đi, đón nhận những điều tốt đẹp nhất mà cuộc sống gia đình ban tặng. Và đừng bao giờ ngần ngại nói lời yêu thương với những người thân bên mình, các bạn nhé.
Phần trình bày của mình về vai trò của tình cảm và giáo dục trong gia đình đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.
3. Bài Nói và nghe Trình bày ý kiến của em về vai trò của tình cảm và giáo dục trong gia đình mẫu số 3:
Chào các bạn, mình là Thu Hằng, mình xin trình bày quan điểm của bản thân về vai trò của tình cảm và giáo dục trong gia đình.
Các bạn thân mến, gia đình là điều quý giá, thiêng liêng mà chúng ta có được trong đời. Tình cảm gia đình là sợi dây kết nối các thành viên lại với nhau. Giáo dục trong gia đình là những bài học thường ngày chúng ta được đúc rút qua những lời dạy dỗ, khuyên bảo của từng thành viên. Bởi vậy, tình cảm và sự giáo dục của gia đình đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi người.
Tình cảm gia đình được thể hiện qua những hành động quan tâm, bảo vệ, những hỏi han chia sẻ mà mỗi người dành cho nhau. Đó là khi chúng ta cảm nhận được sự bất an, lo lắng của mẹ khi con ốm. Chúng ta thấu hiểu sự hi sinh của cha từng ngày để lo cho con được ăn học đủ đầy. Là khi nhìn cô em gái ăn miếng bánh kem một cách ngon lành cũng không quên dành lại một phần nhỏ cho chị. Đó còn là những động viên của ông khi cháu học xa nhà, là những món ăn ngon được bà nấu tươm tất đợi con cháu về sum họp,... Những điều bình dị ấy thật đáng quý biết bao! Có lẽ chỉ có gia đình là nơi mà chúng ta cảm nhận được tình cảm vẹn tròn, ấm áp nhất. Chính những tình cảm từ gia đình giúp chúng ta có động lực để cố gắng, khiến chúng ta cảm thấy thoải mái và bình yên nhất khi ở bên những người thân yêu. Tình cảm gia đình nuôi dưỡng tâm hồn mỗi chúng ta. Là nơi sẵn sàng bảo vệ, chở che, sẵn sàng hi sinh cho chúng ta mà không nề hà hay tính toán thiệt hơn. Chính những tình cảm gia đình đã tiếp thêm sức mạnh để mỗi người có thể tự tin, bản lĩnh bước vào đời.
Và các bạn biết không? Trong gia đình không chỉ luôn tồn tại những tình cảm trong lành đẹp đẽ mà chúng ta còn nhận được nhiều hơn những bài học về đạo làm người. Giáo dục trong gia đình trở thành một phần không thể thiếu trong việc hình thành nhân cách và lối sống mỗi người. Khi ta sai, mẹ dạy dỗ, chỉ bảo cho ta điều hay lẽ phải. Ngoại dạy cho ta bài học về cách sống lương thiện, ở hiền gặp lành qua những câu chuyện cổ tích. Bên cạnh ba, ta học được bài học về lòng dũng cảm, về trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình. Lời của chị giúp ta hiểu thêm về vai trò của lòng đoàn kết, để ta biết sống không ích kỉ, hẹp hòi. Bên gia đình, ta học được thêm nhiều bài học về lòng biết ơn, hiếu thảo; bài học về sự cho đi, lòng nhân ái, bao dung,... Bên gia đình ta hiểu hơn về giá trị của tình thân, biết trân quý những yêu thương mà mình có được trong đời.
Các bạn thấy đấy, tình cảm và giáo dục trong gia đình góp phần vun đắp cho mỗi người một cuộc đời ý nghĩa. Vì vậy, chúng ta cần trân trọng, biết ơn và bảo vệ mái ấm của mình. Hãy luôn lắng nghe, thấu hiểu, sẵn sàng sẻ chia với những người thân yêu. Phần thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Như các em có thể thấy, tình cảm và sự giáo dục của gia đình đóng vai trò quan trọng đối với mỗi cá nhân cũng như sự phát triển của toàn xã hội. Bên cạnh các bài nói văn mẫu lớp 7 tham khảo này, các em có thể trình bày ý kiến của bản thân và chia sẻ chúng cho mọi người nhé! Trong chương trình học còn rất nhiều bài văn quan trọng, các em chú ý để làm văn hiệu quả:
- Nói và nghe Trao đổi về vấn đề Trẻ em và việc sử dụng các thiết bị công nghệ (ti vi, điện thoại, máy tính,...)
- Nói và nghe Trao đổi về vấn đề Trẻ em với việc học tập