Bên cạnh các bài phát biểu ngày Doanh nhân Việt Nam thì các bài viết về ngày Doanh nhân Việt Nam sẽ giúp các bạn hiểu hơn về ý nghĩa của ngày này và thể hiện được lòng tôn vinh, ca ngợi các Doanh nhân Việt Nam. Sau đây là một số bài viết về ngày Doanh nhân 13/10, các bạn cùng đón đọc.
Bài viết ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10
Sắp đến ngày 13/10 rồi, bạn hãy chuẩn bị món quà, lời chúc Doanh nhân Việt Nam để gửi đến những người thân yêu đang làm Doanh nhân, tuy nhỏ nhưng những lời chúc ngày Doanh nhân là món quà vô cùng ý nghĩa giúp người nhận có một ngày ý nghĩa hơn, đồng thời tình cảm của bạn và người nhận thêm phần gắn kết hơn.
Từ "con buôn"...
Ước mơ của trẻ thơ cách đây trên 40 năm thường là bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo hoặc cán bộ. Hầu như không em nào mơ làm Doanh Nhân. Thời bao cấp với nhiều ấu trĩ, doanh nhân được gọi một cách miệt thị là con buôn, là dân Phe, là gian thương với vô vàn ác cảm. Chỉ có những thành phần lạc hậu, kém tiến bộ mới làm nghề này. Con buôn được xem là nguồn cơn gây rối loạn xã hội. Khai sơ yếu lý lịch mà cha mẹ là thành phần này thì con cái mấy đời không ngóc đầu lên nổi. Toàn bộ việc kinh doanh, buôn bán là độc quyền của nhà nước, được tổ chức thành hệ thống thương nghiệp và hợp tác xã. Người dân chỉ xé rào buôn bán nhỏ và hình thành thị trường chợ đen, không được thừa nhận.
Thời bao cấp, cả miền Bắc không có quán cơm tư nhân. Các gia đình chính sách, được chiếu cố cũng chỉ cho phép bán duy nhất món phở. Loại thường thì có 1 muỗng cà phê mì chính (bột ngọt). Loại đặc biệt thì được 2 muỗng, mà phải bỏ sống vào tô cho khách thấy. Nghĩ lại mà rùng mình. Mọi nhu yếu phẩm đều được phân phối theo định lượng cụ thể từ hộp diêm, hộp tăm, bàn chải đánh răng, vải mùng (dành cho phụ nữ) cho đến đường, sữa, thuốc lá, cá, thịt... Tôi không hút thuốc nhưng là đàn ông nên vẫn được phân phối. Muốn bán thuốc hoặc đổi thứ khác đều phải lén lút. Bị phát hiện là phải kiểm điểm, nhận kỷ luật vì có tư tưởng con buôn.
Dẫu rằng, trong kháng chiến, rất nhiều thương gia đã đem hết tài sản và trí tuệ của mình phục vụ cách mạng. Thành quả hôm nay là công sức của toàn dân, trong đó có các nhà tư sản và những người buôn bán.
Đến Doanh nhân
Nhà bác học Lê Quí Đôn (1724 - 1784) khẳng định "Phi Công bất phú - Phi Thương bất hoạt - Phi Nông bất ổn - Phi Trí bất hưng". Dân gian thì cụ thể hơn "Phi thương bất phú". Thương ở đây không chỉ là buôn bán mà còn là sản xuất và dịch vụ. Đất nước mở cửa, đổi mới hòa nhập với thế giới và từng bước cởi trói cho DN. Ngày 20/9/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm làm Ngày "Doanh nhân Việt Nam". Đội ngũ doanh nhân được hình thành ngày càng đông đảo, đủ mọi lứa tuổi và thành phần, đang làm nên diện mạo của cuộc sống. Họ không chỉ làm ra của cải mà còn tạo công ăn việc làm, đóng thuế nuôi bộ máy và xây dựng đất nước.
Nói tới doanh nhân là nói tới quản lý, tổ chức và thực hiện. Do đặc thù, xuất thân của doanh nhân Việt Nam rất đa dạng nên phong cách cũng khác biệt. Số ít làm giàu nhanh chóng nhờ luồn lách pháp luật, nhờ quan hệ thì nghênh ngang coi trời bằng vung, tiêu tiền xả láng. Họ luôn lấy tài sản và hàng hiệu để khỏa lấp những hạn chế tri thức và tâm hồn. Đa phần còn lại đều biết làm ra tiền chính đáng, biết tiêu tiền hợp lý, tiết kiệm mà không bủn xỉn, biết hưởng thụ một cách tương xứng và biết chia sẻ trách nhiệm với xã hội. Hàng loạt chương trình xã hội, từ thiện được nhiều doanh nhân khởi xướng, duy trì và phát triển.
Có người khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Có người khởi nghiệp lúc đã về hưu nhưng đều giống nhau ở khát vọng làm giàu chân chính. Trong quá trình kinh doanh, cũng gặp không ít cản trở, không ít lần thất bại nhưng vẫn nỗ lực vượt khó vươn lên, tự khẳng định. Những doanh nhân thứ thiệt, chỉ cần nhìn qua trang phục, nghe cách trò chuyện là hiểu được tầm vóc và văn hóa DN của họ, chứ không cần phải tận mắt nhìn cơ ngơi. Doanh nhân có phong thái riêng, chỉ cảm chứ rất khó diễn đạt. Từ chỗ bị khinh miệt là gian thương, Doanh Nhân trở thành niềm tự hào, là mơ ước của nhiều em nhỏ.Các em cứ ước mơ và người lớn phải giúp các em chuẩn bị cho ước mơ của mình. Dân có giàu thì nước mới mạnh.
Chính quyền, từ chỗ đối nghịch và nghi kỵ năm xưa, giờ trở thành người bạn tin cậy, hỗ trợ và chia sẻ với doanh nhân. Doanh nhân tham gia đầu tư, phát triển kinh tế, là chỗ dựa của nhà nước. Mô hình "Cà phê doanh nhân" từ Đồng Tháp đang lan ra nhiều địa phương khác. Hàng ngày, tại trụ sở Ủy ban và Tỉnh ủy, trước giờ làm việc, tầm 6g30 - 7g30; lãnh đạo tỉnh ủy, ủy ban và các ngành lại ngồi uống cà phê với doanh nhân để tìm hiểu tâm tư, tháo gỡ vướng mắc, trao đổi công việc và chia sẻ trách nhiệm. Văn phòng Ủy ban, Tỉnh ủy luôn rộng cửa đón doanh nhân như đón người thân trong nhà. Hầu như không còn khoảng cách giữa chính quyền và doanh nhân. Cả hai đang hợp lực, chung tay góp sức vì sự tăng tốc và phát triển bền vùng của vùng đất Sen hồng.
Lớp doanh nhân U50 trở lên, nhiều người tay ngang lập nghiệp ngẫu nhiên, kiểu "Nghề chọn minh". Các doanh nhân U40 trở xuống, đa phần được đào tạo bài bản, cả trong và ngoài nước. Có khi làm trái nghề nhưng có nền tảng tri thức, biết ngoại ngữ, thành thạo công nghệ thông tin. Lớp doanh nhân trẻ ngày càng khẳng định tâm thế tự tin hòa nhập, làm chủ và quản lý hiệu quả. CEO của tôi, thuộc thế hệ 8x, là một người như vậy. Các bạn trẻ cầu tiến, sáng tạo, luôn tìm cách đổi mới và đột phá. Người Việt nào cũng ước mơ đất nước mạnh giàu.
Và mong muốn...
Ở đâu cũng vậy, công dân nói chung và doanh nhân nói riêng không sợ khó khăn, chỉ sợ không công bằng. Minh bạch là mong muốn hàng đầu của doanh nhân. Từ các chính sách cho đến từng công việc cụ thể. Minh bạch để không còn lobby, lót tay, đi đêm... để công bằng ngày càng sinh sôi phát triển, trở thành bản chất của cuộc sống. Minh bạch phải đến từ hai phía. Nhà nước minh bạch với DN. DN cũng phải minh bạch với nhà nước.
Mong ước tiếp theo là được toàn tâm toàn ý, tự do làm giàu theo pháp luật. Không phập phồng vì chính sách thay đổi, nay mắng mai mưa hay "đùng một cái".... Không ngán ngại vì đủ thứ thủ tục trói tay buộc chân, bị làm khó dễ bởi nhiều cái không tên. Từ vòi vĩnh quảng cáo, ép mua sách, mua danh hiệu cho đến mua vé ca nhạc, tham gia show từ thiện... Không còn mất ăn mất ngủ vì những trò cạnh tranh bẩn, được chống lưng và bảo kê, triệt hạ các DN chân chính.
Mong ước thứ ba là muốn biết tiền đóng thuế của doanh nhân và DN được sử dụng hợp lý và hiệu quả như thế nào. Tiền này không thể đổ vào những dự án trời ơi cho cán bộ nhũng nhiễu tham ô, lãng phí. Người đóng thuế có quyền biết rõ tiền của mình được làm gì, cho ai và kết quả thế nào. Được vậy thì các doanh nhân sẽ an tâm hoạt động, vui vẻ làm đầy đủ các nghĩa vụ thuế với nhà nước, đóng góp hết sức mình cho sự phồn vinh của đất nước.
Trong thời đại công nghiệp 4.0, có thể nói "Đất nước thịnh suy, doanh nhân quyết định".
Doanh nhân phải đi cùng người dân
Doanh nhân Trần Đức Vinh
Đây là ý tưởng của ông Trần Đức Vinh, để làm mới ý tưởng này và để người dân an tâm về sinh sống tại những dự án bất động sản của mình tại huyện Đức Hòa tỉnh Long An. Mới đây, ông Vinh đã chi 50 tỷ đồng xây dựng một công viên nước ngay trên dự án hơn 50 ha của mình đang xây dựng để cho người dân lao động mua nhà được đầy đủ điều kiện sống tốt nhất với công viên, khu vui chơi thể thao, điện, đường, trường, trạm và giờ là cả khu vui chơi nước.
"Với tôi, doanh nhân phải đi cùng người dân, thấu hiểu được những gì người dân cần mà đáp ứng. Làm doanh nhân không chỉ biết kiếm tiền, mà còn phải biết chi tiền ra cảm ơn những người đã tin tưởng mình và làm khách hàng của mình, chính vì vậy, những dự án bất động sản của Công ty tôi dù đầu tư bài bản, nhưng luôn đưa giá thành rẻ, hỗ trợ khách hàng nhưng tiện ích sống tốt nhất", ông Vinh nói.
Ông Vinh cho rằng, cái khó nhất của doanh nghiệp hiện nay đó là chính sách, Chính phủ cần xem xét lại những chính sách thuế, chính sách đầu tư và đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án từ giao thông tới bất động sản. Đây đang là điểm nghẽn của các doanh nghiệp làm xây dựng, dù đã có chủ trương, quyết định đầu tư nhưng lại không có chế độ cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án thì coi như doanh nghiệp chưa được hỗ trợ bao nhiêu.
Chính phủ cần cởi trói cho doanh nhân khỏi nghiệp
Doanh nhân Trần Quốc Việt
Doanh nhân Trần Quốc Việt cho rằng, Chính phủ đang có sự hỗ trợ đối với các doanh nhân trẻ khởi nghiệp, tuy nhiên lại chưa định hướng được cho doanh nghiệp làm những dự án mới mẻ hay hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp để có thể thực hiện dự án khởi nghiệp.
"Đây là sợi dây trói chân doanh nhân khởi nghiệp hiện nay phát triển, chính vì vậy, tôi mong muốn Chính phủ thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm cho doanh nhân trẻ thực hiện dự án khởi nghiệp, bởi hiện nay Việt Nam thiếu những dự án khởi nghiệp mang tính chất mới mẻ, trong đó trên thế giới thì chính phủ các nước luôn có chính sách tốt hỗ trợ doanh nhân phát triển các dự án khởi nghiệp dù Chính phủ các nước này biết các dự án này sẽ có 80% là thất bại còn 20% là thành công. Và 20% thành công này sẽ giúp đưa đất nước phát triển. Chính vì vậy họ luôn chấp nhận đầu tư để lấy lợi ích lâu dài. Đồng thời Chính phủ cần có nhiều chính sách hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ như ưu đãi thuế cho những doanh nghiệp trẻ lúc đầu thành lập và làm những dự án mới. Bên cạnh đó thủ tục hành chính còn quá rườm rà khiến doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện một dự án hay kêu gọi đầu tư", ông Việt nói.
Nhỏ + nhỏ = lớn
Doanh nhân Nguyễn Văn Chương
Là một doanh nghiệp trong ngành in ấn, dù mới được thành lập, nhưng ông Nguyễn Văn Chương lại có chiến lược đúng đắn cho việc phát triển doanh nghiệp của mình, đơn cử chiến lược nhỏ + nhỏ = lớn của ông đang phát triển hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần In Bách Khoa Hà Nội cho biết chiến lược này ông nghĩ ra khi thực hiện một hợp đồng in ấn trị giá 300 tỷ đồng/năm tại TP.HCM, nhưng cơ sở của ông tại Hà Nội quá nhỏ để thực hiện hợp đồng này, vậy là ông tìm những doanh nghiệp cùng ngành tại phía Nam để cùng bắt tay nhau thực hiện dự án với hình thức nhỏ + nhỏ = lớn. Chính vì vậy, những hợp đồng lớn ông luôn thực hiện thành công và được đối tác đánh giá cao, bên cạnh đó phát triển những hợp đồng mới lớn hơn cũng theo hình thức này.
"Mỗi năm tới Ngày Doanh nhân 13/10, tôi hay ngồi nhìn lại những gì một năm qua tôi làm được cho việc phát triển công ty và đóng góp cho xã hội để tiếp tục tìm con đường mới cho doanh nghiệp tôi phát triển thêm. Nhân đây tôi mong muốn Chính phủ tạo nhiều cơ chế mở và chính sách mở, hợp lý và công bằng cho các doanh nghiệp được tiếp cận nhau và bắt tay phát triển tốt nhất, tạo ra một sân chơi một cách công bằng và cạnh tranh lành mạnh giữa càng doanh nghiệp với nhau cũng như giứa chính quyền và doanh nghiệp", ông Chương nói.
Những tỷ phú Việt Nam không chỉ khiến giới doanh nhân trầm trồ thán phục tài kinh doanh của họ mà còn bởi những câu chuyện khởi nghiệp đầy thăng trầm.
Có lẽ ít ai biết rằng để có được thành công như ngày hôm nay, các doanh nhân Việt đã phải trải qua những tuổi thơ đầy cơ cực. Dưới đây là những gương mặt doanh nhân Việt đáng ngưỡng mộ:
Phạm Nhật Vượng: tỷ phú đô la đi lên từ hai bàn tay trắng
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng
Tạp chí Forbes (của Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2014. Ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục là người Việt Nam duy nhất được vinh danh, đứng ở vị trí 1.092/1.645 tỷ phú.
Giới doanh nhân nói riêng và người Việt nói chung còn trầm trồ thán phục tài kinh doanh của vị lãnh đạo trẻ này hơn nữa khi biết được câu chuyện khởi nghiệp đầy thăng trầm của ông.
Sinh năm 1968, quê gốc ở Hà Tĩnh nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Phạm Nhật Vượng có tuổi thơ không được như các bạn đồng trang lứa khi được sinh ra vào đúng thời bao cấp khó khăn, lại sống trong gia đình đông anh em, cha là bộ đội. Cuộc sống nghèo khó khiến mẹ ông phải bán thêm quán nước chè để có thêm tiền trang trải và nuôi các con ăn học. Khi đỗ điểm cao vào trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội và được chọn đi du học ở Nga năm 1987, ông chỉ có duy nhất một ước mơ đó là làm sao cho gia đình bớt khổ.
Năm 1992, sau khi tốt nghiệp trường Kinh tế địa chất lại Moscow, ông Vượng cưới bà Phạm Thu Hương rồi đôi vợ chồng trẻ quyết định đến Kharkov, Ukraine sinh sống.
Và đây cũng là lúc câu chuyện khởi nghiệp mì gói huyền thoại của chàng trai nghèo bắt đầu. Ông Vượng vay mượn bạn bè được số tiền trị giá khoảng 10.000 USD và mở một nhà hàng tại Kharkov mang tên là Thăng Long.
Sau đó, ông về Việt Nam mua một dây chuyền mỳ ăn liền hai vắt thô sơ và bắt đầu sản xuất mì ăn liền hiệu Miniva, bán cho dân bản địa. Đồng thời, ông thành lập nên công ty thực phẩm LLC Technocom. Sau mỳ ăn liền, Technocom sản xuất bột canh và bằng các chiêu tiếp thị mới lạ với người bản địa đã thuyết phục được những bà nội trợ Ukraine.
Như bất kỳ doanh nghiệp mới khởi nghiệp nào khác, ông Vượng gặp những khó khăn về vốn đầu tư. Thời gian đầu, ông vay mượn gần 100.000 USD từ một số bạn bè người Việt là kinh doanh ở nga với lãi suất lên tới 8% mỗi tháng. Số vốn này sau vài năm mới trả hết. May mắn mỉm cười khi ông Vượng vay được nguồn vốn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từ ngân hàng Tái cấu trúc châu Âu, với lãi suất 12% một năm.
Sau đó, doanh nhân này quyết định đầu tư về Việt Nam. Tháng 9/2009, Tập đoàn Technocom đổi tên thành Tập đoàn Vingroup (tên đầy đủ là: Tập đoàn Đầu tư Việt Nam), chuyển trụ sở từ Kharkov (Ukraine) về Hà Nội, Việt Nam.
Kể từ khi đầu tư về Việt Nam trong suốt hơn 10 năm qua, những bước đi của Vingroup đã phần nào thể hiện quan điểm đầu tư trên: liên tục xây dựng, bán, xây dựng tiếp. Tốc độ phát triển kinh ngạc của Vingroup khiến các nhà đầu tư bất động sản quốc tế đặt Vingroup ngang hàng với những nhà phát triển bất động sản hàng đầu trong khu vực.
Với những thành công này, Phạm Nhật Vượng xứng đáng là tỷ phú giàu nhất Việt Nam.
Bầu Đức: "Trường đại học của tôi chính là đường đời"
Doanh nhân Bầu Đức
Lâu nay bầu Đức không chỉ nổi tiếng với những thương vụ đình đám trong làng bóng đá như mua cầu thủ nổi tiếng Kiatisuk, sở hữu phi cơ... người ta còn biết đến ông với danh hiệu người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2008. Thế nhưng có một bầu Đức khác mà ít ai biết, đó là cậu bé nghèo khổ của mấy chục năm trước, với những trải nghiệm đắng cay đã trở thành ký ức hằn sâu trong con người ông cho đến tận bây giờ.
Bầu Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Mẹ tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ăn học bằng bữa cơm độn sắn, độn khoai. Tuổi thơ của cậu bé Đoàn Nguyên Đức là những ngày dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất...làm đủ mọi thứ để giúp gia đình có bữa cơm no bụng, cái áo ấm để mặc. 10 năm dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, cái nắng cái gió làm cháy tóc sạm da càng khiến cho Đoàn Nguyên Đức nuôi quyết tâm thoát nghèo.
Lớp 12, năm 1982, cậu khăn gói quả mướp vào TP HCM thi đại học, mang theo khát vọng của cả gia đình và những tham vọng từ thuở ấu thơ. Thế nhưng, dường như chàng trai Đoàn Nguyên Đức không có duyên với cánh cửa Đại học khi thi 4 lần đều không đỗ.
Không tiền, không học vấn, con đường đầy mịt mù mở ra trước mắt. Lúc bấy giờ, ông không biết sẽ bắt đầu từ đâu và bằng công việc gì. Ông chỉ nhớ rằng mình đã làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, để tích góp kinh nghiệm và cố sáng tạo để tìm lối đi riêng.
Sau một thời gian làm thuê, Đức tích góp được một khoản tiền đủ để ông mở một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Năm 1990, ông tự tay cưa, bào đục đẽo để làm ra sản phẩm đầu tiên là chiếc bàn cho học sinh. Sau đó ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác. Năm 1993, khi tròn 30 tuổi, bầu Đức thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku và trở thành tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thành công ngày hôm nay.
Chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển
Doanh nhân Đào Hồng Tuyển
Là một trong những người giàu nhất Việt Nam nhưng ít ai biết rằng chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển đã từng là chiến sĩ trong binh đoàn tàu không số thời chống Mỹ. Rời quân ngũ vào những năm 80 với số tiền trợ cấp xin việc ít ỏi, Đào Hồng Tuyển ở lại TP HCM lập nghiệp. Công việc của ông trong những năm đầu là dọn chuồng lợn, bưng bia tại các quán nhậu. Ông cho biết, nhiều lúc phải lang thang khắp Sài Gòn, ngủ trên vỉa hè, gara ô tô, công viên và trên chính ngoài thềm ngôi nhà tại TP HCM của mình bây giờ. Căn nhà đó, sau khi thành đạt, ông đã quyết định mua lại như một lời nhắc nhở bản thân về một thuở hàn vi.
Bằng con mắt tinh đời, ông đã nhìn ra "mỏ vàng quý báu" từ ngày Tuần Châu chỉ là một đảo hoang. Không thể hình dung rằng, cuộc đời một con người chưa bao giờ cầm lá bài lại có thể dốc cả sản nghiệp của mình vào một dự án đầy sự may rủi như một con bạc khát nước.
Ông Tuyển nhớ lại: Một trận gió mùa, một cơn áp thấp nhiệt đới đều có thể tạo nên những cơn sóng thần nhấn chìm sản nghiệp của ông xuống đại dương mênh mông không sủi tăm. Cuối năm 1998, con đường đã chạm tới đảo, đó cũng là lúc mọi nguồn vốn cạn kiệt, không thể vay mượn được ai, nhà cửa, sản nghiệp đã thế chấp hết để vay vốn ngân hàng. Nhiều thứ bán không có người mua, vì thị trường đã đóng băng. Bạn bè xa lánh, mỏi mệt và chán nản tưởng như phải bỏ cuộc dở chừng. Nếu bó tay chỉ có nước là chờ ngân hàng đến xiết nợ rồi vào tù, rồi sẽ được cả nước biết đến như một vụ án... lừa đảo. Thế nhưng chính những lúc đó, nghị lực và bản lĩnh của một doanh nhân như thức tỉnh ông. Động viên anh em cho nợ lương mà vẫn kiên trì triển khai dự án. "Bán non" một số lô đất để lấy ngắn nuôi dài nhằm thực hiện đến cùng con đường vượt biển ra đảo.
Đặng Lê Nguyên Vũ - ông vua café Việt - tuổi thơ bẻ ngô, chăn lợn
Doanh nhân Lê Nguyên Vũ
Là một doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam, Đặng Lê Nguyên Vũ là người sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Cùng nhìn lại những ngày tháng khởi nghiệp đầy lận đận và gian khó của doanh nhân tài ba này.
Sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, bố mang bệnh nặng, gia cảnh sa sút, nên từ nhỏ Đặng Lê Nguyên Vũ đã hình thành ý chí làm giàu. Tuổi thơ thời đi học của anh là những ngày bẻ ngô, chăm lợn và giúp mẹ đóng gạch, lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km trong suốt chín năm, ngày nắng cũng như mưa. Niềm vui trên con đường dài đến trường và về nhà là khi đi ngang qua trạm thuế vụ, thỉnh thoảng có được quả chuối chín hoặc vài củ khoai lang ăn sống của những người buôn bán tốt bụng cho.
Năm 1990, anh thi đậu trường Đại học Y Tây Nguyên và làm thêm kiếm sống. Khi học đại học năm thứ ba, anh mơ về giấc mơ "Mô hình cụm ngành cà phê quốc gia và Mô hình nông thôn tích hợp liên hoàn" tại nhà máy cà phê Trung Nguyên ở Đắk Lắk.
Năm 1996, anh cùng với sự hợp tác ban đầu của 3 người bạn, lập nên "Hãng Cà phê Trung Nguyên", bấy giờ chỉ là một cơ sở rang xay với diện tích vài m2 và chiếc máy rang cà phê thủ công cũ kỹ, một quán cà phê nhỏ ở Buôn Mê Thuột và công việc giao cà phê rang xay cho các quán khác. Ngày ngày, Vũ kỳ cạch giao cafe bằng xe đạp, rồi sau đó mới đổi sang xe máy.
Năm 1998, hãng cà phê của ông Trung Nguyên lần đầu tiên mở quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh, được nhắc đến như là doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh mô hình nhượng quyền thương hiệu và bắt đầu xuất hiện các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên. Với mô hình kinh doanh thành công này, từ năm 2000, thương hiệu Trung Nguyên và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ được nhiều người biết đến.
Thông qua những bài viết về ngày Doanh nhân Việt Nam, chắc hẳn bạn đã có cái nhìn sâu sắc hơn về các doanh nhân Việt Nam.