Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Đề bài: Anh/chị hãy viết bài Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Mục Lục bài viết:
1. Dàn ý chi tiết
2. Bài mẫu số 1
3. Bài mẫu số 2
4. Bài mẫu số 3
4. Bài mẫu số 4
5. Bài mẫu số 5

Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
 

I. Dàn ý Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu trích đoạn nghị luận: Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.

2. Thân bài

a. Nỗi lòng đau đớn, tủi hờn của người chinh phụ
- Không gian: chật hẹp: nơi hiên nhà, trong căn phòng lạnh lẽo,..
- Hành động:
+ “dạo hiên vắng”, "thầm gieo từng bước”: bóng hình lẻ loi, cô độc, nỗi u hoài nặng trĩu tâm can nơi tâm hồn chinh phụ.
+ Hành động cứ lặp lại lặp lại trong vô thức, nỗi mong ngóng, chờ đợi chồng đã bao trùm lấy tâm trí...(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ


1. Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, mẫu số 1 (Chuẩn):

Tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn là một kiệt tác văn học của nước nhà. Bài thơ được viết bằng chữ Hán, theo thể trường đoản cú với 467 câu thơ. Sau khi ra đời, Chinh phụ ngâm được nhiều người dịch lại, song bản dịch thành công nhất có lẽ là bản dịch của Đoàn Thị Điểm. Trích đoạn Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ được trích ra từ tác phẩm với 24 câu thơ đầy xót xa, diễn ra tâm trạng buồn tủi, nỗi cô đơn, thương nhớ và nỗi khát khao hạnh phúc của người vợ có chồng ra trận. 

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen”

Chồng ra chiến trận, người vợ một mình cô lẻ nơi không gian chật hẹp. Hình ảnh bóng người phụ nữ cô độc dạo trước hiên nhà vắng vẻ khiến ta không khỏi xót xa. Nỗi hiu quạnh bao trùm lấy không gian tịch liêu nhỏ bé, bước chân đi "thầm gieo từng bước" đầy mệt mỏi trong tĩnh lặng như muốn nói lên nỗi u hoài nặng trĩu tâm can nơi tâm hồn chinh phụ. Bước đi rồi lại ngồi, những hành động cứ lặp lại lặp lại trong vô thức, nỗi mong ngóng, chờ đợi chồng đã bao trùm lấy tâm trí. Đôi tay gầy guộc cứ cuốn lấy chiếc rèm, nâng lên rồi hạ xuống, như một sự mệt mỏi, hiu quạnh đến chán chường. 

Các động từ "dạo", "ngồi" kết hợp với các từ chỉ sự ít ỏi "trống trải", "hiên vắng" cùng nhịp thơ chầm chậm càng càng bộc bạch rõ nỗi lòng khắc khoải, ngậm ngùi trong tâm khảm người chinh phụ. Xa chồng, buồn tủi, thương nhớ ngập tràn, nỗi ngóng trông chồng nơi biên ải trở về ngày một lớn thêm, trong chờ tiếng chim thước mang niềm vui tới những chim thước cũng “bặt vô âm tín”: 

"Ngoài rèm thước chẳng mách tin"

Niềm hy vọng nhỏ bé được chim thước báo tin lành cũng chẳng có, nỗi buồn người chinh phụ càng thêm nặng bội phần: 

"Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?

Đèn đã được thắp sáng, bóng đêm cũng bao phủ không gian,  đây là thời điểm mà con người ta dễ cô đơn, buồn tủi nhất. Câu hỏi tu từ cất lên trong thanh âm của nỗi buồn "Trong rèm dường đã có đèn biết chăng”? Ngọn đèn kia xua đi không gian của màn đêm tăm tối nhưng nào có thể xua tan những u sầu trong lòng kẻ tri âm. Ánh đền vô tri sao có thể hiểu thấu nỗi lòng, sao có thể rọi sáng tâm can, nỗi ưu phiền nơi đấy lòng chinh phụ. 

"Đèn có biết dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi"

Phép điệp ngữ bắc cầu "Đèn biết chăng-đèn có biết" lại càng gợi nỗi buồn, nỗi cô đơn như trải dài thêm ra, khắc khoải thêm ra. Một nỗi bi thiết, u hoài chỉ lòng nàng thấu, chỉ mình nàng chịu đựng: 

"Buồn rầu nói chẳng nên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương"

 Nỗi buồn tái tê đến nghẹn ngào, lời thốt ra cũng chẳng đặng. Đêm thêm dài, hoa đèn ngày càng rực mà lòng chinh phụ nào được nguôi ngoai. Bóng người vẫn ngồi đó, bên bức đèn khuya ngỡ ấm áp mà nào ngờ lạnh lẽo, cô đơn khôn cùng. Câu thơ gợi nhớ đến hình ảnh nàng Vũ Nương cùng chiếc bóng in trên tường trong nỗi nhớ nhung chồng nơi chiến trận trong Chuyện người con gái Nam Xương. Có lẽ, những người chinh phụ chọn cách gửi gắm nỗi nhớ nhớ thương chồng trong chiếc bóng của mình để vơi bớt đi phần hờn tủi. Ánh đèn ngày một lụi tàn hay chính thanh xuân người thiếu phụ ngày một ngắn lại, héo mòn theo thời gian đợi chờ, trông ngóng. 

Nàng thương nhớ chồng rồi đến thương cả chính mình đang cô độc, tuyệt vọng càng diễn tả sự vận động cảm xúc trong nội tâm của nhân vật trữ tình: thương người lại xót cho mình nhưng bất lực, không thể làm gì được đành ngậm ngùi ôm nỗi đắng cay. Những dòng thơ đượm buồn như  tiếng nấc nghẹn ngào trong từng hơi thở, nỗi khát vọng sum vầy của người thiếu phụ càng mãnh liệt lại càng xa xôi, thật xót xa, ngang trái.

Lòng buồn nên cảnh vật nào được tươi vui, thiên nhiên mang cả màu tâm trạng, tất cả đều buồn hiu giữa màn đêm: 

"Gà eo óc gáy sương năm trống
Hòe phất phơ rủ bóng đòi phen"

 Tiếng gà gáy, bóng cây đều vốn là những sự vật gợi nét thanh bình, yên cả của cuộc sống thôn quê , dưới ánh nhìn cô đơn của người chinh phụ, cảnh vật trở nên hoang lạnh, đến lạ thường. Những tính từ láy "eo óc", "phất phơ" cực tả sự hoang vu, thưa thớt, hiu hắt đến ớn lạnh của cảnh vật. Thiên nhiên như đang mòn mỏi, mệt nhoài, sầu tư chìm vào đêm tối quanh hiu. 

"Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa"

Suốt năm canh của đêm dài trôi qua, người thiếu phụ vẫn thao thức chẳng thể nào ngủ được, nỗi sầu thì nhân lên gấp bội. Hình ảnh so sánh kết hợp với lối nói quá quen thuộc "Khắc giờ đằng đẵng như niên" càng tô đậm nỗi cô đơn trong lòng, với người thiếu phụ, mỗi khoảnh khắc của thời gian đều thật dài, thật buồn khôn tả. Những tính từ láy "dằng dặc", "đằng đẵng" kết hợp với các danh từ chỉ thời gian, tâm trạng càng làm nổi bật nỗi sầu muộn triền miện bên trong nhân vật trữ tình. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh để khắc họa không gian, thời gian nhằm diễn tả nỗi buồn của lòng người được tác giả sử dụng thật tinh tế. Người đọc như đau cùng nỗi đau của nhân vật, nhớ cùng nỗi nhớ của nhân vật trong từng tiếng thơ bi ai.

"Hương gượng đốt hồn đà mê mải
Gương gượng soi lệ lại châu chan
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn
Dây uyên kinh đứt, phim loan ngại chùng"

Nỗi cô đơn giằng xé tâm can, người chinh phụ tìm đến những thú vui để trốn chạy nỗi cô đơn trong lòng, nhưng dường như đều vô nghĩa. Điệp từ “gượng” cho thấy sự mệt mỏi, chán chường nơi nàng. Hương đốt thì hồn đà mê mải, gượng soi thì nước mắt tuôn rơi, ngay đến cả dàn cầm cũng đứt gãy, tất cả đều như đang chống lại nàng hay chính lòng nàng đang trĩu nặng, chẳng thể vượt thoát được nỗi cô đơn, trống vắng ngay lúc này.

“Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Non yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời”

Nỗi thương nhớ chồng da diết khôn nguôi, không một ai thấu hiểu cùng nàng trút bầu tâm sự, nàng đành gửi gắm lòng mình đến người thương nơi biên ải xa xôi. Những hình ảnh tượng trưng “non Yên” , “gió đông” càng khắc hoạ khoảng cách xa xôi vô ngần của nàng chinh phụ và người chinh phu. Gom hết những thương nhớ, đau xót, tủi hờn gửi vào gió đông để đến với chàng, nhưng nào có thấu, càng nhớ, khoảng cách lại càng xa xôi, vô tận. Nỗi nhớ cứ thế ngày một dài thêm, rộng thêm “nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời”.

Trang thơ khép lại mà nỗi xót xa, đớn đau của người chinh phụ vẫn còn đó. Chiến tranh thực tàn khốc, đã đẩy con người vào những nỗi đau tinh thần khôn xiết. Niềm khát khao hạnh phúc của người chinh phụ trong tác phẩm thật đáng trân trọng, đó cũng là niềm khao khát của con người trong mọi thời đại.

--------------------HẾT BÀI 1----------------------

Nhằm hỗ trợ các em trong quá trình học tập và tìm hiểu bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, bên cạnh bài Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, các em có thể tham khảo thêm: Soạn bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Ngữ văn lớp 10, Thuyết minh về Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Cảm nhận đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Viết lại nội dung đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ theo lời của người chinh phụ.
 

2. Bài văn Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, mẫu số 2 (Chuẩn)

Trong nửa đầu thế kỉ XVIII, trước tình cảnh rối ren, loạn lạc cùng những cuộc nội chiến diễn ra liên miên khiến nhiều gia đình rơi vào bi kịch chia li, tác phẩm “Chinh phụ ngâm” ra đời đã tái hiện thành công nỗi khát khao hạnh phúc của con người, đồng thời thể hiện tiếng nói lên án đối với những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Trích đoạn “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” đã diễn tả nhiều cung bậc trạng thái cảm xúc khác nhau của người chinh phụ.

Nỗi niềm tâm trạng của người chinh phụ được khắc họa qua ngoại cảnh với hiên vắng, rèm thưa:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?

Hình ảnh “hiên vắng” - không gian vắng vẻ, tịch liêu và sự cô lẻ của lòng người cùng căn phòng chật hẹp, tù túng “trong rèm, ngoài rèm”. Các tính từ vắng, thưa gợi sự trống vắng, quạnh hiu. Thời gian đêm khuya được gợi lên từ hình ảnh ngọn đèn - tín hiệu quen thuộc tăng thêm sự hoang vắng, rợn ngợp của không gian. Đêm khuya là khoảng thời gian con người đối diện với tiếng lòng sâu thẳm nhất của lòng mình. Với biện pháp ngụ tình đặc sắc kết hợp biện pháp đối lập, những câu thơ đã thể hiện âm điệu tha thiết, buồn thương, tâm trạng cô đơn của người chinh phụ đã thấm vào cảnh vật. Trong tâm trạng đó, nàng chỉ biết “Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước”. Đó là hành động thể hiện trạng thái lặp đi lặp lại, nhấn mạnh sự bồn chồn, lo lắng. Tác giả đã sử dụng nhịp thơ chậm rãi, khoan thai để tái hiện bước đi âm thầm, lặng lẽ, nặng nề, chất chứa đầy tâm trạng của  người chinh phụ. Và rồi, nàng hết buông rèm xuống lại kéo lên nhiều lần. Qua những hành động lặp đi lặp lại đó, chúng ta có thể thấy được tâm trạng bồn chồn, khắc khoải không yên thường trực, quẩn quanh trong tâm hồn người chinh phụ. Ngày ngày, nàng ngồi bên chiếc rèm thưa, trông ra bên ngoài ngóng chờ tin chim thước: “thước chẳng mách tin” , cũng là mong tin chồng nhưng không có hồi âm. Đặc biệt, tác giả đã sử dụng thành công biện pháp nghệ thuật ẩn dụ thông qua hình ảnh ngọn đèn:

“Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết”

Những bài Nghị luận về đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ tuyển chọn

Hình ảnh ngọn đèn là một tín hiệu thẩm mĩ quen thuộc để khắc họa nội tâm của nhân vật trữ tình. Trong ca dao, chúng ta đã bắt gặp nỗi nhớ thương của cô gái được gửi gắm thông qua chi tiết ngọn đèn: “Đèn thương nhớ ai/ Mà đèn không tắt”. Ở đây, người chinh phụ đối diện với ngọn đèn trong đêm cô quạnh, trong lòng nàng vang lên câu hỏi tu từ tha thiết: “Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?”. Và rồi, nàng tự trả lời trong sự bế tắc: “Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?”. Câu hỏi tu từ “đèn biết chăng” nhấn mạnh nỗi nhớ da diết khắc khoải trong sự xót xa. Đồng thời, điệp ngữ bắc cầu “đèn biết chăng - đèn có biết” đã nhấn mạnh sự cô đơn, chán chường, tuyệt vọng đến khôn cùng của người chinh phụ. Dường như không thể kìm nén được nỗi đau, nàng đã trực tiếp bộc lộ nỗi niềm: “Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi / Buồn rầu nói chẳng nên lời”. Đó là nỗi cô đơn, sầu tủi đến bi thương, thảm thiết không nói  nên lời của người chinh phụ, chỉ riêng mình nàng biết và chịu đựng. Nỗi đau “buồn rầu” như cứa vào trái tim đang tê tái của nàng. 

Dường như, càng gắng gượng vượt thoát khỏi nỗi cô đơn thì người chinh phụ càng chìm sâu vào bi kịch tâm trạng đó:

“Hương gượng đốt hồn đà mê sải
Gương gượng soi lệ lại châu chan
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn
Duyên ương kinh đứt, phím loan ngại chùng.”

Động từ “gượng” thể hiện hành động đầy gượng gạo được điệp lại ba lần đã nhấn mạnh nỗi cô đơn, sầu tủi không lối thoát của người chinh phụ. Nàng cố đốt hương để tìm kiếm lại hương vị hạnh phúc lứa đôi nhưng “hồn càng mê mải” - tâm trạng càng chìm đắm mê man trong  nỗi buồn; gượng soi gương để sửa soạn lại nhan sắc nhưng “lệ lại châu chan”, không thể ngăn được dòng lệ tuôn rơi vì xót xa tủi phận. Nàng gảy đàn nhưng nỗi sầu lại càng thêm chồng chất và lo sợ những điều chẳng lành về hạnh phúc lứa đôi: “phím loan ngại chùng”. Dù tâm trạng xoáy sâu vào bi kịch của sự cô đơn, của những dự cảm chẳng lành nhưng nàng vẫn một lòng hướng về người chinh phu nơi biên ải xa xôi với sự trông  ngóng, mong chờ:

“Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
...
Cánh buồm người thiết tha lòng
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.”

Không gian ngoại cảnh được mở rộng theo chiều kích cao rộng của miền non Yên, gợi nên khoảng cách địa lí xa xôi. Đồng thời, đó cũng chính là không gian tràn ngập nỗi nhớ trong tâm tưởng của nhân vật trữ tình. Tác giả đã sử dụng hàng loạt từ láy như “thăm thẳm”, “đau đáu”, “thiết tha” kết hợp cùng biện pháp điệp ngữ: “non Yên - non Yên”, “đường lên bằng trời - trời thăm thẳm” để nhấn mạnh nỗi đau đớn khôn nguôi cùng nỗi sầu tủi luôn thường trực trong tâm hồn người chinh phụ. Lúc này, cảnh vật cũng mang nặng tâm trạng và chất chứa sự buồn thương: “cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun”. Bút pháp tả cảnh ngụ tình - một trong những bút pháp đặc trưng của thơ ca trung đại đã được tác giả vận dụng thành công để khắc họa nỗi lòng của nhân vật. Đối diện với không gian tĩnh mịch, tịch liêu, dường những giọt sương đêm không chỉ thấm đẫm cành cây kẽ lá mà còn thấm đượm cả tâm hồn giá buốt của nàng. Tiếng côn trùng được khắc họa qua bút pháp “lấy động tả tĩnh” đã nhấn mạnh sự cô quạnh, hiu hắt của cảnh vật. Phải chăng đó cũng chính là tiếng lòng yếu đuối đang vang lên trong sự sầu tủi bất lực của nàng. Tâm trạng sầu thảm của nàng đã hòa cùng tiếng mưa và cảnh vật.

Như vậy, thông qua việc sử dụng những hình ảnh ước lệ tượng trưng, bút pháp tả cảnh ngụ tình, tác giả đã tái hiện thành công bức tranh tâm trạng đầy phức tạp nhưng thống  nhất của người chinh phụ. Các cung bậc khác nhau của nỗi nhớ đã được khắc họa một cách sinh động nhưng đều thể hiện tiếng lòng thiết tha của trái tim người phụ nữ thủy chung, khao khát hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình. Qua đó, chúng ta có thể thấy được tiếng  nói đồng cảm, xót thương của tác giả đối với bi kịch của người phụ nữ cùng sự lên án, phê phán những cuộc chiến tranh phi nghĩa trong thời buổi xã hội phong kiến rối ren, loạn lạc.

 

3. Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, mẫu số 3 (Chuẩn)

Chiến tranh đã qua đi từ rất lâu nhưng những câu chuyện, tàn dư vẫn còn kéo dài mãi đến tận hôm nay. Những bài học lịch sử. những giai thoại văn học vẫn nhuốm đầy mùi đau thương. Tôi chợt nhớ đến người chinh phụ - chinh phu trong tác phẩm "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn. Người chinh phụ ngày nhớ đêm mong người chồng nơi chiến trường đã ngậm ngùi thốt lên những lời ngâm xót xa. Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ ấy đột nhiên làm tôi giật mình xót thương...

"Chinh phụ ngâm" có thể nói là một tác phẩm nổi tiếng của Đặng Trần Côn được Đoàn Thị Điểm dịch (bản dịch trong sách Ngữ văn 10). Tác phẩmlà lời độc thoại nội tâm của người vợ có chồng tham gia cuộc chiến do triều đình phong kiến khởi xướng. Người vợ đã khuyên chồng ra phò vua giúp nước mong muốn gây dựng công danh. Tuy nhiên khi tiễn đưa người chồng đi rồi người vợ nơi quê nhà cô quạnh nhớ thương, khúc ngâm là những nhớ thương, tưởng tượng của người vợ về hình ảnh chồng nơi chiến trường. Đoạn trích "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ" diễn tả tâm trạng trăn trở, lo lắng của người chinh phụ khi đã quá hạn mà chồng vẫn chưa về, nàng gửi trọn tất cả niềm nhớ vào cảnh vật, vào từng hành động mỗi ngày.

Chúng ta đều biết những người yêu nhau sẽ luôn muốn ở cạnh nhau, đặc biệt là khi mới vừa lập gia đình. Và người chinh phụ cũng không ngoại lệ, tình cảm vợ chồng chưa bao lâu mà chàng đã phải ra chiến trường. Ngày đưa tiễn, nàng dặn lòng sẽ chờ nhưng rồi trở về căn phòng trống vắng chỉ có cảnh không còn người, nàng tự trách, tự hỏi cớ sao đôi lứa phải chia lìa nhau? Bao nhiêu nỗi cô đơn, buồn tủi, than trách tuôn trào khi phải chịu cảnh lẻ loi...

"Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước"

Cứ ngỡ "dạo hiên" ấy nàng đang thảnh thơi chẳng lo nghĩ nhưng thực chất là đang lo lắng, bồn chồn, lòng chẳng yên. Nàng đi đi lại khắp hiên nhà như để giết thời gian đang chậm chạp trôi qua:

"Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen
Ngoài rèm thước chẳng mách tin"

Tấm rèm được kéo lên rồi lại buông xuống như tâm trạng đang rối như tơ vò, day dứt, bồn chồn của nàng. Nếu dạo hiên thì "hiên vắng" - sự cô đơn, lẻ bòng thì khi ngồi trước rèm nàng lại chọn rèm thưa, tại sao? Bởi lẽ chỉ thưa nàng mới có thể mong ngóng tin chồng trở về, nàng hy vọng mong manh rằng qua chút khe hở ấy có thể thấy bóng dáng người chồng thân thương. Tâm trạng u uất, chất chứa nhưng chẳng một ai để chia sẻ, người chinh phụ như tự nhốt mình vào thế giới riêng:

"Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi."

Chinh phụ ngồi trước đèntâm sự với ngọn đèn nhưng cũng chính là tự nàng độc thoại với nỗi lòng. Nàng cô độc, nàng khao khát mãnh liệt sẽ có người cùng trò chuyện, cùng lắng nghe tâm tư của nàng nhưng sao mờ mịt, không gian vắng lặng vẫn chỉ một mình nàng. Cuối cùng nàng mượn đèn để gửi gắm nỗi lòng của mình. Ta đã từng thấy hình ảnh đèn xuất hiện nhiều trong ca dao như "Đèn thương nhớ ai/ Mà đèn không tắt?" Ngọn đèn tượng trưng cho nỗi nhớ, cho những đêm thức trọn mong chờ tin của người ở lại đối với người phương xa. Nhưng càng hỏi người chinh phụ càng lui vào bế tắc, ngọn đèn ấy vốn dĩ chỉ là vật vô tri vô giác làm sao hiểu được? Nàng càng tủi cho phận mình "Hoa đèn kia với bóng người khá thương" - tự xót thương, tự hờn trách thân mình bẽ bàng, cô liêu giữa đêm khuya tĩnh mịch. Người chinh phụ giờ chỉ còn là "bóng người" tàn lụi như hình ảnh hoa đèn lụi tàn khi ngọn dầu đã cạn, một nỗi trống trải, một thân xác không còn sức sống.

Bài văn Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ hay nhất

Người ta nói "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" có lẽ là đúng! Khi tâm trạng chinh phụ đang trào dâng thì cảnh vật quanh nàng dường như càng sầu bi hơn:

"Gà eo óc gáy sương năm trống
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên.
Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.
Hương gượng đốt hồn đà mê mải,
Gương gượng soi lệ lại châu chan
Sắt cầm gượng gãy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng."

Tiếng gà gáy "eo óc" gợi sự thê lương, sầu thảm. Hòe trong đêm chẳng buồn khoe sắc mà xuôi bóng ủ rủ. Cảnh vật bên ngoài nhuốm màu tang thương, vô hồn càng làm cho người chinh phụ thêm lẻ loi, tủi thân. Nàng ngóng trông chỉ mong khắc giờ trôi qua thật nhanh nhưng thời gian cứ trôi chậm chạp, cứ kéo dài "đằng đẳng" khiến nỗi sầu cũng dày thêm, như một tiếng thở dài buông thả cho tất cả. Một giờ với nàng như một năm dài triền miên, nỗi sầu nhớ chồng thì gửi tận miền biển xa, sâu rộng không bờ bến. Nghệ thuật so sánh dường như tô đậm, khắc họa rõ hơn, sâu hơn nỗi nhớ bao trùm lên cả thời gian, không gian của người chinh phụ. Nàng cô đơn giữa màn đêm, nàng "gượng" người làm những hành động quen thuộc để giết chết thời gian nhưng dường như không còn tâm trí. Nàng đốt hương để tìm chút lòng thanh thản nhưng càng mê mải, chìm đắm trong mộng mị. Nàng soi gương thì "lệ lại châu chan" - nỗi buồn rơi vào cực điểm. Nàng gãy đàn, mượn tiếng đàn để giải tỏa nỗi lòng nhưng buồn thay dây đứt, phím chùng - khát khao hạnh phúc bỗng chốc như điềm báo gở, nàng lại âu lo, lại suy nghĩ và buồn sầu hơn. Thực chất ta thấy người chinh phụ khi thực hiện những hành động ấy đều là "gượng" - tự ép bản thân lừa dối cảm xúc nên sầu càng thêm sầu, tự mình nhốt mình trở lại với tâm trạng chán chường, mệt mõi. Mười sáu câu đầu, hình ảnh người chinh phụ hiện lên lẻ loi, cô đơn với nỗi nhớ thương sâu nặng đến mức nàng quên mất thực tại, chìm vào chiêm bao. Cũng đúng thôi, người vợ nào chẳng thế khi bóng dáng người chồng cứ mù mịt, bặt tin suốt ngần ấy năm...

Nếu những dòng thơ đầu hình ảnh người chinh phụ hiện lên với từng nỗi nhớ chỉ thoáng thấy qua cảnh vật thì tám câu cuối nỗi nhớ đã tuôn trào, bật ra thành tiếng, thành hình. Chinh phụ đem nỗi nhớ ấy gửi cho gió đông, nhờ gió đem đến cho người chồng của mình nơi chiến trường:

"Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên"

Người chinh phụ giờ vẫn bặt vô âm tín, nàng chỉ biết chàng ở biên ải xa xôi mà chỉ có gió mới giúp nàng mang nhớ thương gửi đến nơi chàng. Nỗi nhớ dày hơn, nhạy hơn khi nhịp thơ, điệp từ liên tục lặp lại, đồn dập, tha thiết:

"Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong."

Từ láy gợi độ sâu, độ rộng của nỗi nhớ xuất hiện liên tục "thăm thẳm", "đau đáu" - thời gian, không gian lúc này như một đơn vị để đo lường cho nỗi nhớ. "Thăm thẳm đường lên bằng trời" - có ai biết đường lên trời ấy dài bao nhiêu? Nỗi nhớ cứ kéo dài mãi không biết là bao lâu, bao xa, thậm chí chuyển sang hòa vào trời xanh rộng lớn. Nếu thời gian là độ dài của nỗi nhớ, không gian là độ rộng thì lòng chinh phụ chính là độ sâu của nỗi nhớ. "Đau đáu" là khát vọng nhưng cũng chính là vô vọng, bao nỗi nhớ nhờ gió gửi tận trời cao nhưng đổi lại chỉ là sự lo sợ rằng chàng nơi biên cương liệu có biết lòng nàng đang ngày đêm mong nhớ? Và nếu biết có lẽ chàng đã trở về...

Nhớ thương gửi trọn vào cảnh vật, tâm trạng con người cũng hòa chung vào cảnh vật. Người chinh phụ nhìn cảnh vật mà chạnh lòng hay ta tự hỏi chính lòng chinh phụ đang sầu nên nhìn cảnh chỉ nhuốm màu đau thương? "Cảnh buồn người thiết tha lòng" hay lòng người gieo rắt nỗi sầu cho cảnh? Có lẽ chỉ lòng người chinh phụ mới hiểu rõ. Hay lòng nàng giờ đã buốt giá:

"Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun"

Đêm đã vê khuya, sương rơi thấm đẫm những cành cây trong đêm, thấm cả tâm hồn đã nguội của chinh phụ, làm tâm hồn nàng trở nên giá buốt hơn. Tiếng côn trùng bật lên trong đêm càng gợi sự cô quạnh, nhưng cũng chính là tiếng lòng nàng đang rung lên hồi chuông buông xuôi bất lực, Nỗi sầu nhớ lúc này hòa vào tiếng mưa, vào tự nhiên, lẫn vào âm thanh sầu thảm của đêm tối. Con người, tâm trí nàng đã tan theo làn mưa đêm...

Thiết nghĩ để khắc họa hình ảnh người chinh phụ cùng nỗi nhớ sâu nặng ấy tác giả đã rất tinh tế trong việc lựa chọn từ ngữ, hình ảnh. Từng từ như ghim vào tâm can người đọc, từng hình ảnh như vẽ ra một chinh phụ "dạo bước hiên vắng", "gượng gãy ngón đàn",...Kết hợp với nhịp thơ dào dạt của thể thơ song thất lục bát càng làm người đọc như cuốn vào từng cung bậc cảm xúc, trôi theo tâm trạng của người chinh phụ. Bút pháp nghệ thuật tài hoa, ngôn từ giản dị mà sâu sắc, cảnh - tình như hòa trộn vào nhau, điều này đã giúp tác giảthành công trong việc chiếm trọn cảm xúc của độc giả.

Người chinh phụ ấy khao khát sự đồng cảm mãnh liệt nhưng đến cuối cùng vẫn chỉ một mình. Nàng còn quá trẻ, nàng vẫn còn sự nồng cháy trong tình yêu đôi lứa, mặn nồng của hạnh phúc vợ chồng, Ấy thế mà chiến tranh đã cướp đi điều tưởng chừng đơn giản đó để rồi bỏ lại nàng cô đơn, lẻ bóng, ngóng trông tin người thương trong vô vọng. Mượn hình ảnh người chinh phụ không chỉ để nàng nói lên nỗi nhớ thương, tình cảnh lẻ loi mà qua đó còn là tiếng nói lên án chiến tranh phi nghĩa, đấu tranh đòi quyền hạnh phúc lứa đôi trong tình yêu. Và quan trọng là khát khao được sống hạnh phúc giữa thời bình.

Khép lại bài thơ nhưng hình ảnh người chinh phụ ngồi trước gương lệ châu chan vẫn cứ ám ảnh tâm trí tôi mãi. Tôi thương nàng, thương cho số phận lẻ bóng, thương cho kiếp phụ nữ đang ở lứa tuổi xuân thì đã chịu cảnh đơn chiếc. Giật mình, tôi chợt nghĩ có lẽ xã hội phong kiến còn rất nhiều nữa những người chinh phụ như nàng. Những suy nghĩ cho số phận của họ cứ thường trực trong tôi...

"Khắc giờ đằng đẳng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa"


4. Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, mẫu số 4 (Chuẩn):

Chiến tranh - hai từ nghe sao mà đau thương, nó đã để lại bao hậu quả, về sự chia li, sự mất mát. Từ thời xa xưa, chiến tranh luôn xảy ra vì muốn giành lại độc lập hoặc xâm chiếm. Dù vì mục đích gì, nó đã làm cho bao gia đình đau khổ trong cảnh chia li, từng ngày ngóng trông lo lắng. Hiểu được nỗi lòng đó, ở thế kỉ XVIII, tác giả Đặng Trần Côn đã sáng tác bài thơ “Chinh phụ ngâm” về sự mất mát, cô đơn của người phụ nữ, gia đình có chồng đi lính. Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” đã làm nổi bật lên nỗi buồn, lẻ loi, ngày ngày lo lắng cho chồng, và mong rằng có một tương lai hạnh phúc.

Mở đầu đoạn trích, người đọc đã có thể cảm nhận ngay được một bóng hình lẻ loi, cô đơn trong một không gian tĩnh mịch, yên ắng:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen
Ngoài rèm thước chẳng mách tin
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?”

Các câu thơ không có một từ chỉ người nhưng ta có thể cảm nhận ngay ra một hình ảnh người phụ nữ quá lẻ loi, cô độc trong cảnh đêm “hiên vắng”. Nàng đi đi lại lại, từng bước, từng bước, của sự lo lắng, trông mong. Những hành động luôn vô thức lặp lại, buông rèm, rồi kéo rèm, nàng hướng ra xa, lòng nàng từng giờ phút chỉ hướng tới chồng mình, trông tin lành. Nhịp thơ chậm, đều đều, như ngưng tụ lại, hình ảnh hiện lên thật rõ nét, sự sáng tác ấy đã mang lại sự đồng của người đọc. Với câu hỏi tu từ, nàng thực muốn biết tin tức của chồng ra sao, lòng bồn chồn khắc khoải với những câu hỏi không có lời đáp.

Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ để thấy được số phận người phụ nữ trong xã hội xưa

Nỗi cô đơn ấy, có ai hiểu cho nàng, nàng mong muốn được chia sẻ, nàng chỉ có thể chia sẻ với những vật vô tri, vô giác:

“ Đèn có biết dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiếp mà thôi
Buồn rầu chẳng nói nên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.”

Trong cảnh đêm tĩnh mịch, còn mỗi ngọn đèn kia làm bạn, nàng hỏi, như để tự trấn an lòng mình. Nhưng càng đối mặt với ngọn đèn, thì nàng chỉ thấy hiện rõ lên hình bóng lẻ loi của bản thân, nàng càng nhận ra “lòng thiếp riêng bi thiếp mà thôi”, rằng chẳng ai, ngoài nàng, đang bị sự cô đơn gặm nhấm từng giây, từng giờ. Hình ảnh ngọn đèn được sử dụng nhiều trong văn thơ, và hình ảnh ẩn dụ của ngọn đèn trong đoạn trích này đang soi lòng của người phụ nữ trông chồng, một nỗi buồn rầu đến thương cảm.

Dường như nỗi cô đơn của người chinh phụ đã dần thấm trong từng không gian:

“Gà eo óc gáy sương năm trống
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên”

Tiếng gà gáy đến eo óc, bóng cây hòe rủ phất phơ trong đêm. Ở đây, tác giả đã sử dụng biện pháp tả cảnh ngụ tình, cảnh vật nhuốm màu bi thương vô tận khó mà nắm bắt. Không chỉ về cảnh vật, thời gian của nàng như càng chậm trôi:

“Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền ải xa”

Từng câu thơ thấm đầy tâm trạng. Với từ láy “đằng đẵng” kết hợp với “ dằng dặc” đã làm nổi bật len một nỗi buồn không chỉ kéo dài, mà còn nặng trĩu. Tác giả đang nhấn mạnh thêm về mặt thời gian cũng như không gian, so sánh một giờ bằng một năm, mối sầu bằng biển lớn mênh mông với hai từ láy, như cho thấy tiếng thở dài đáng thương của người thiếu phụ đắm chờ chồng.

Người phụ nữ ấy đang chiến đấu từng giờ với sự cô đơn:

“Hương gượng đốt hồn đà mê sải
Gương gượng soi lệ lại châu chan
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn
Duyên ương kim đứt, phím loan ngại chùng.”

Điệp từ “gượng” được lặp lại tới ba lần, một từ chỉ sự hành động đầy ngượng ngạo, cố gắng làm một cái gì đó. Nỗi buồn của nàng dường như rơi vào đỉnh điểm. Cố đốt hương, rồi chính nàng mê sảng, không tỉnh táo được. Gượng soi gương để chỉnh lại nhan sắc, mà giọt lệ lại càng châu chan. Nàng gảy đàn, mà lòng sợ kim đứt, rồi bao kỉ niệm lại ùa về. Cứ tưởng làm việc gì đó để quên đi nỗi buồn, nhưng không nỗi sầu ấy lại càng thêm chồng chất.

Sống trong sự cô đơn, lo lắng vậy, nhưng lòng nàng vẫn luôn hướng về miền đất xa xôi kia, luôn gìn giữ tấm lòng thủy chung của mình:

“Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên

……

Cánh buồm người thiết tha lòng
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.”

Không gian dường như được mở rộng hơn, xa hơn đến tận núi Non Yên. Nàng gom lại những nỗi nhớ, lòng yêu thương sâu sắc tận tâm mình, nhờ gió đông gửi tới cho người biên ải xa xôi. Một hình ảnh ước lệ đã gợi lên khoảng cách địa lí giữa hai con người, nỗi nhớ tràn ra cả không gian rộng lớn, kết hợp với hình ảnh hơi khoa trương về nỗi nhớ nhung rằng nó dài đằng đẵng, và rồi dường như chỉ có kích thước của vũ trụ ấy mới đo được lòng nàng vậy. Giữa cảnh người và vật có sự tương đồng bởi “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Người chinh phụ nhìn cảnh vật bằng đôi mắt chất chứa buồn thương. Các câu thơ dù đi từ tả tâm trạng đến tả cảnh hay ngược lại thì ta càng thấy sự luẩn quẩn trong lòng người phụ nữ cô đơn, lẻ loi. Từ láy “thiết tha” cho thấy sự dai dẳng không thôi, nó đeo bám người chinh phụ, như muốn cắt da cắt thịt bằng nỗi nhớ mong ấy. Cảnh vật càng cây, sương, mưa, các hình ảnh đều bé nhỏ, mong manh cũng như nàng vậy, khiến nàng càng thêm sầu não.

Dưới ngòi bút của mình, tác giả đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật trong việc diễn tả tâm trạng của người chinh phụ. Ông đã sử dụng các từ láy rất độc đáo kết hợp với biện pháp điệp ngữ, khéo léo trong việc lấy hình ảnh ẩn dụ, các bút pháp ước lệ tượng trưng. Đặc biệt, ông đã rất thành công trong việc “tả cảnh ngụ tình” đã làm nổi bật các cung bậc cảm xúc của người phụ nữ. Thể thơ song thất lục bát với âm điệu réo rắt đã khiến cho người đọc không khỏi đồng cảm, yêu thương người chinh phụ nhiều hơn.

Những vần thơ trong đoạn trích đã vẽ lên một nỗi buồn tâm can của người phụ nữ có chồng đi chinh chiến. Qua đó, tác giả muốn lên án tố cáo chiến tranh phong kiến đã làm phá hủy hạnh phúc lứa đôi của con người, đồng thời ông muốn khẳng định quyền được hạnh phúc của con người. Ông đồng cảm với người phụ nữ và luôn mong muốn họ cũng có được hạnh phúc, cho thấy ông là một người có một tư tưởng nhân đạo thật sâu sắc: yêu thương, trân trọng con người.


5. Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, mẫu số 5 (Chuẩn):

Cảnh chinh chiến binh đao trong xã hội cũ khiến cho bao kẻ khóc không thành tiếng, loạn lạc xảy ra làm bao gia đình tan tác, lâm vào cảnh chia li từ biệt. Hiểu thấu được những niềm đau và dòng tâm trạng của những người phụ nữ có chồng ra trận, Đặng Trần Côn đã viết nên tác phẩm Chinh phụ ngâm như một khúc ngân xé lòng về nỗi đau về khát khao hạnh phúc của người chinh phụ xưa khi phải rời xa người thương.

Nỗi cô đơn của người con gái ấy hiện lên thật buồn, thật lẻ loi biết bao:

“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.”

Vẫn những bước đi quen thuộc đấy thôi, vẫn dạo hiên như mỗi ngày mà lòng thật buồn, bước chân như nặng trĩu nỗi lòng bởi hiên " vắng" bóng chàng, vắng bóng người thương. Bước đi đầy thẫn thờ, mỗi bước chân mang nặng nỗi sầu bi, chẳng thiết tha gì với mọi sự xung quanh, phải chăng nỗi lòng nàng giờ đây chỉ có bóng hình chàng trai nơi chiến trận xa xôi. Ngồi nơi rèm thưa mà lòng chẳng chịu yên, mong chờ tiếng chim thước báo tin chàng trở về cho thỏa lòng mong mỏi, vậy mà chẳng một tiếng kêu.

 Giờ đây chỉ mình nàng với ngọn đèn khuya bầu bạn, ngọn đèn thắp lên cho vơi nỗi nhớ chàng mà lại càng nhớ thêm, đèn có biết nỗi lòng của nàng không? Hãy chẳng bao giờ hiểu thấu được nỗi cô đơn rợn ngợp nơi trái tim nàng.

“Đèn có biết dường bằng chẳng biết

Hoa đèn kia với bóng người khá thương”

Thực tại quá đỗi phũ phàng, đèn sao có thấu được nỗi lòng này .

Nỗi cô đơn , mong ngóng này chỉ mình nàng thấu, mình nàng chịu đựng mà thôi, chẳng ai có thể chia sẻ, không một ai hiểu được lòng này. Nỗi buồn khổ thốt chẳng nên lời, xót thương cho bóng người sầu muộn bên hoa đèn cô đơn, ủ rũ, buồn thương.

“Khắc chờ đằng đẵng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.”

 
 
Bài Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, trích Chinh phụ ngâm
 

Nỗi nhớ mênh mang chiếm lấy tâm trí người chinh phụ khiến nàng chẳng yên giấc. Cảnh vật giờ đây cũng như tâm trạng của nàng vậy, thật ảm đạm, hiu hắt, hoang vắng. Tiếng gà eo ốc càng gợi lên sự tĩnh mịch của không gian, bóng hoè phất phơ rủ bóng giữa khoảng không vắng lặng. Thời gian đằng đẵng như nỗi sầu dằng dặc vô tận của người thiếu nữ.

“Hương gượng đốt hồn đà mê mải,
Gương gượng soi lệ lại châu chan.
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng.”

Muốn vượt thoát sự cô đơn nhưng lại càng nặng nề hơn bao giờ hết. Gượng gạo soi gương thì chỉ buông những giọt lệ trĩu nặng buồn thương mà thôi. Gảy tiếng đàn  mang khúc nhạc tình yêu  thì phím loan cũng đứt mất rồi. Càng gắng gượng thoát khỏi nỗi cô đơn bao nhiêu thì nỗi cô đơn lại càng bủa vây chiếm lấy cả tâm hồn nàng.

“Lòng này gửi gió đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời”.

Chia ly cách trở càng ngày càng lớn, càng ngày càng xa. Thiếp biết làm sao cho vơi nỗi nhớ chàng đầy. Chỉ muốn mượn cơn gió đông kia gửi đến chàng những lời yêu thương thắm thiết nhất nơi đáy lòng mình. Một tấm lòng thủy chung son sắt của người chinh phụ gửi đến người thương đầy sâu sắc, cao thượng, nàng luôn lo lắng khát khao đau đáu được gặp chàng. Nơi biên ải đầy hiểm nguy vẫn mong chàng hãy nhớ chốn hậu phương có một người ngày đêm mong ngóng đợi chàng.

Trong tình yêu, ai cũng khao khát được hạnh phúc vẹn tròn, được sống cùng người mình thương trong hạnh phúc vui vầy. Nhưng không phải ai cũng có được niềm hạnh phúc ấy, đặc biệt là trong xã hội cũ với đầy rẫy những cuộc nội chiến lại càng hiếm hoi. Tác phẩm đã nói lên tiếng lòng của bao người phụ nữ trong xã hội đồng thời là tiếng nói tố cáo bao cuộc chiến tranh phi nghĩa đã làm chia lìa  hạnh phúc lứa đôi.

Tác phẩm mang tầm tư tưởng lớn lao với giá trị nhân văn đầy sâu sắc, khẳng định quyền sống và quyền được hưởng hạnh phúc của con người,  có ý nghĩa trong mọi thời đại.

---------------HẾT------------------
 
Người phụ nữ trong xã hội xưa phải chịu những bất công, bị tước đoạt quyền tự do, quyền hạnh phúc. Để thấy rõ hơn cuộc sống và số phận của họ, các em có thể tham khảo thêm những tác phẩm đặc sắc khác như: Phân tích đoạn trích Trao duyên, Phân tích bài thơ Bánh trôi nước, Phân tích bài Độc tiểu thanh kí của Nguyễn Du.
 
Bài văn mẫu Phân tích bài tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ dưới đây sẽ giúp các em học sinh hiểu rõ nỗi nhớ cùng tấm lòng thủy chung và khao khát hạnh phúc của người phụ nữ trong nỗi cô đơn sầu tủi khi người chồng đang chinh chiến nơi biên ải xa xăm.
Tuyển tập Văn mẫu lớp 10
Soạn bài Lập dàn ý bài văn nghị luận, Ngữ văn lớp 10
Học trực tuyến môn Ngữ văn lớp 10 ngày 30/3/2020, Tình cản lẻ loi của người chinh phụ (Tiết 2)
Soạn bài Đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận, Ngữ văn lớp 7
Soạn bài Nghị luận về một vấn đề xã hội, Ngữ văn lớp 10, Cánh Diều
Soạn bài Trao duyên trích Truyện Kiều, Ngữ văn lớp 10

ĐỌC NHIỀU