Nghị luận về Bảo tàng liệu có nhàm chán như suy nghĩ của một số người?

Đề bài: Nghị luận về Bảo tàng liệu có nhàm chán như suy nghĩ của một số người?

Nghị luận về Bảo tàng liệu có nhàm chán như suy nghĩ của một số người?

Nghị luận về Bảo tàng liệu có nhàm chán như suy nghĩ của một số người thuộc chủ đề Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống Ngữ văn 6.
 

I. Dàn ý trình bày ý kiến về vấn đề: Bảo tàng liệu có nhàm chán như suy nghĩ của một số người?

1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận.
2. Thân bài:
* Nêu ra ý kiến, bày tỏ quan điểm của bản thân: Bảo tàng không nhàm chán như suy nghĩ của một số người.
* Đưa ra các bằng chứng để chứng minh cho ý kiến của mình và thuyết phục người khác:
- Nguyên nhân khiến mọi người không hứng thú với bảo tàng:
+ Mọi người không có niềm hứng thú hoặc không có điều kiện, thời gian để đi đến những viện bảo tàng.
+ Một bộ phận người Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến việc tìm hiểu các vấn đề về lịch sử, xã hội, văn hóa.
+ Chương trình học ở trên trường, lớp chưa đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn đối với học sinh. Cách giảng dạy, truyền đạt khô khan khiến người học không mấy mặn mà với lịch sử.
+ Cách bài trí, trưng bày thiếu hợp lí, làm xao nhãng sự tập trung của người xem. Chưa có phương thức quảng bá phù hợp, rộng rãi đến mọi người.
- Lí do nên tham quan bảo tàng:
+ Bảo tàng là nơi lưu giữ những hiện vật có giá trị, phản ánh một thời đại lịch sử, góp phần giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống.
+ Bảo tàng đem đến cho người xem cảm giác chân thực, giúp mọi người tiếp cận với lịch sử một cách sinh động, trực quan. Đồng thời, cung cấp những kiến thức không được giảng dạy trong nhà trường.
+ Hiện nay, để nâng cao chất lượng quản lí và lan tỏa những giá trị xa xưa đến với mọi người, một số bảo tàng đã áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ - thông tin.
3. Kết bài:
- Khẳng định vấn đề cần bàn luận.

 

II. Bài văn mẫu trình bày ý kiến về vấn đề: Bảo tàng liệu có nhàm chán như suy nghĩ của một số người?
 

1. Nghị luận về Bảo tàng liệu có nhàm chán như suy nghĩ của một số người? - mẫu số 1:

Ngày nay, khoa học công nghệ phát triển khiến cho những giá trị văn hóa xưa kia dần bị mai một và đánh mất. Trong nỗ lực gìn giữ nét đẹp truyền thống của cha ông, nhà nước, cộng đồng luôn cố gắng bảo vệ, phục chế hiện vật và lưu giữ chúng trong các bảo tàng. Tuy nhiên, rất nhiều người có suy nghĩ phiến diện, một chiều, cho rằng bảo tàng vô cùng khô khan, nhàm chán. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm.

Lí do khiến mọi người cảm thấy như vậy là bởi mọi người không có niềm hứng thú hoặc không có điều kiện, thời gian để đi đến những viện bảo tàng. Do cuộc sống mưu sinh và gánh nặng "cơm áo gạo tiền" nên họ luôn trong trạng thái bận rộn, không còn thời gian để quan tâm đến những giá trị văn hóa, tinh thần xung quanh mình. Tiếp đến, thật không khó để nhận thấy một bộ phận người Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến việc tìm hiểu các vấn đề về lịch sử, xã hội, văn hóa. Họ thờ ơ, lãnh đạm trước các thông tin về lịch sử, xã hội, cho rằng đó thuộc về trách nhiệm của những người đứng đầu bộ máy nhà nước chứ không phải của mình. Chính bởi tâm lí này mà rất nhiều người không mấy "mặn mà" với việc tham quan các khu di tích lịch sử và bảo tàng. Ngoài ra, việc xây dựng các chương trình học, đào tạo trong nhà trường quá khô khan, nặng về lí thuyết khiến cho học sinh không còn hứng thú. Các bạn chỉ được học trong một môi trường khép kín, nghe, viết và học thuộc như một chiếc máy mà không đọng lại gì trong đầu. Thiếu những buổi thực hành, điền dã tại các bảo tàng đã khiến học sinh rơi vào trạng thái chán chường. Từ đây, việc thúc đẩy học sinh đam mê, yêu thích lịch sử và lui tới những viện bảo tàng lại càng khó khăn hơn.

Có lẽ, vì bảo tàng là nơi tĩnh lặng nên rất ít người lui tới, song chúng ta không thể phủ nhận những vai trò, ý nghĩa mà nó đem lại cho đời sống con người. Thứ nhất, bảo tàng lưu giữ những hiện vật có giá trị. Mỗi bảo tàng đều có một chủ đề khác nhau, đều gắn liền với một đối tượng cụ thể nào đó. Những hiện vật trưng bày trong bảo tàng không chỉ phản ánh một thời đại, giai đoạn lịch sử mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc. Thứ hai, bảo tàng đem đến cho người xem cảm giác chân thực, giúp mọi người tiếp cận với lịch sử một cách sinh động, trực quan. Đồng thời, cung cấp những kiến thức không được giảng dạy trong nhà trường. Đặc biệt, hiện nay, để nâng cao chất lượng quản lí và lan tỏa những giá trị xa xưa đến với mọi người, một số bảo tàng đã áp dụng thành tựu khoa học công nghệ - thông tin. Ban quản lí rất tích cực vận động, đổi mới cách tiếp cận với nhiều đối tượng khác nhau thông qua mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok,...

Từ những lí do trên, tôi cho rằng, bảo tàng không hề nhàm chán như suy nghĩ của một số người. Bảo tàng chính là sự tổng hợp tất cả tinh hoa của các nền văn hóa, thể hiện ý thức của con người. Sẽ thật lãng phí nếu chúng ta không biết cách khai thác nguồn tri thức từ địa điểm bổ ích này.

Nghị luận về Bảo tàng liệu có nhàm chán như suy nghĩ của một số người?
 

2. Nghị luận về Bảo tàng liệu có nhàm chán như suy nghĩ của một số người? - mẫu số 2:

Trong đời sống hiện đại, thật không khó để bắt gặp cảnh tượng những khu vui chơi, trung tâm thương mại luôn tấp nập, đông đúc còn những viện bảo tàng lại vắng lặng, ít người vào thăm. Đây là một thực trạng đáng buồn, bởi rất nhiều người cho rằng, bảo tàng vô cùng khô khan, nhàm chán.

Có một điều đáng để lưu tâm hiện nay là cả học sinh, phụ huynh đều không mấy mặn mà với hai chữ "bảo tàng". Nhằm đổi mới phương pháp dạy cũng như tạo sự hứng thú cho học sinh, một số nhà trường đã tăng cường các tiết học thực hành, trải nghiệm trong các viện bảo tàng. Theo như báo điện tử VOV.vn cho biết: "Cô Ngô Minh Loan, giáo viên của một trường Trung học trên địa bàn Hà Nội thừa nhận: "Đúng là việc giáo dục truyền thống ở Việt Nam còn rất non kém, chưa thực sự đi sâu vào tiềm thức của học sinh, nhiều lúc chỉ mang tính phong trào, mang tính hình thức. Có sự kiện gì đó mới tổ chức. Ở nước ngoài, đến một nước nào đó, người ta sẽ đi đến bảo tàng để tìm hiểu truyền thống văn hóa của nước đó. Còn ở ta, học sinh bây giờ không hứng thú và thậm chí nó không biết đi vào bảo tàng để làm gì"." Còn đối với phụ huynh, khi được hỏi về việc họ có thường xuyên đưa con đến bảo tàng hay không, cô Đỗ Hồng Nhung ở quận Ba Đình trả lời với phóng viên báo VOV.vn: "Đúng là muốn con biết nhiều về lịch sử, nhưng ngay cả mình còn chưa một lần đến bảo tàng nói gì đến con trẻ. Nói thật là cũng rất ngại đưa con đến tham quan, thà cho con vào khu vui chơi còn thích hơn". Như vậy, chán nản, không hào hứng là tâm lí chung của rất nhiều phụ huynh, học sinh. Chính điều này đã khiến cho việc đến thăm các viện bảo tàng trở nên nhàm chán.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải thay đổi cách nhìn nhận này bởi bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật có giá trị, phản ánh một thời đại lịch sử mà còn góp phần giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống. Đặc biệt, thông qua những hiện vật, người xem sẽ cảm thấy chân thực, hào hứng hơn. Ngoài ra, bảo tàng cung cấp rất nhiều những kiến thức mà sách vở hoặc nhà trường không giảng dạy.

Có thể nói, việc đến tham quan bảo tàng không đơn thuần để xem các hiện vật mà chúng còn mang đến những hiểu biết nhất định. Sự đa dạng, phong phú của bảo tàng đã cho chúng ta thấy bảo tàng không hề nhàm chán như suy nghĩ của một số người.

 

3. Nghị luận về Bảo tàng liệu có nhàm chán như suy nghĩ của một số người? - mẫu số 3:

Ngày nay, với nền kinh tế phát triển, xã hội xuất hiện muôn vàn địa điểm thú vị, sầm uất để con người vui chơi, khám phá. Mọi người dần quên đi những nơi tĩnh lặng và mang đậm tính học thuật, trong đó có bảo tàng. Nhiều người cho rằng bảo tàng là nơi nhàm chán, không đáng quan tâm. Đây là những suy nghĩ sai lệch, cần phải thay đổi ngay từ bây giờ.

Đến với bảo tàng, chúng ta được tiếp cận với lịch sử và văn hóa của đất nước. Nơi đây như một "cuốn bách khoa toàn thư" sinh động, đem tới trải nghiệm hết sức thú vị cho mọi người. Với mỗi bảo tàng, con người lại được trải nghiệm một chủ đề khác nhau. Đó có thể là sự ra đời và phát triển của các loài sinh vật, những câu chuyện về chiến tranh, văn học hay hội họa,... Tất cả đều là nguồn kiến thức khổng lồ đã được chọn lọc và xác minh. Như vậy, bảo tàng chính là địa điểm cung cấp cho chúng ta những thông tin vô cùng bổ ích.

Điểm thu hút của bảo tàng còn đến từ các câu chuyện, bài thuyết minh. Mọi người thường nghĩ bảo tàng là nơi nhàm chán. Nó chỉ có la liệt hiện vật tĩnh lặng, tấm bảng chú thích khô khan không khác gì những trang sách mà ta thấy trên trường. Nhưng bằng sự khéo léo của mình, người hướng dẫn viên sẽ giúp trải nghiệm của ta thêm nhiều màu sắc. Họ tái hiện lại sự kiện lịch sử một cách sinh động, oai hùng, kể cho ta vô số tập tính, thói quen của các loài sinh vật kì lạ,... Chính điều đó đã góp phần không nhỏ trong việc tăng thêm sức hấp dẫn cho bảo tàng.

Không những vậy, việc tham quan bảo tàng sẽ giúp chúng ta thu nạp thông tin chính xác và hiệu quả hơn. Lúc này, con người tiếp nhận kiến thức một cách chủ động chứ không phải chỉ đọc sách hay nghe giảng. Chúng ta vừa nghe những câu chuyện vừa tận mắt chứng kiến các hiện vật, mô hình, tiêu bản y như thật. Việc đó kích thích sự tò mò, ham muốn khám phá, khiến ta chủ động tiếp cận và tìm kiếm nhiều dữ kiện hơn. Chính vì vậy, nguồn thông tin đến sẽ được lưu lại lâu bền hơn.

Nhìn chung, bảo tàng tuy không sầm uất, đông vui được như các địa điểm vui chơi - giải trí, trung tâm thương mại nhưng lại mang vẻ đẹp riêng đậm tính tri thức. Hiện nay, nơi đây cũng đang dần trở thành địa điểm trải nghiệm yêu thích đối với giới trẻ. Quá trình hội nhập cùng sự phát triển công nghệ thông tin đã thay đổi cái nhìn của con người, khiến bảo tàng trở nên gần gũi hơn với mọi thế hệ. Đây quả thực là một tín hiệu vô cùng tích cực, đem lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

 

4. Nghị luận về Bảo tàng liệu có nhàm chán như suy nghĩ của một số người? - mẫu số 4:

Trong suy nghĩ của nhiều người, bảo tàng là một nơi nào đó xa vời, tẻ nhạt mà không bao giờ họ sẽ đặt chân đến. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với quan điểm đó. Trên thực tế, bảo tàng có thể đem đến cho con người nhiều điều bổ ích và thú vị theo những cách rất riêng.

Đầu tiên, có thể thấy, bảo tàng là nơi để chúng ta tìm hiểu về lịch sử và văn hóa. Ở mỗi bảo tàng, chúng ta lại được thấy vô số hiện vật, mô hình hay tiêu bản khác nhau. Những thứ này được gìn giữ và bảo quản rất cẩn thận. Đó là bảo tàng mỹ thuật với những bức tranh giá trị. Hay còn là bảo tàng văn học với thông tin, tiểu sử và sự nghiệp của vô số tác gia nổi tiếng; bảo tàng lịch sử quân sự với mô hình những chiếc máy bay, xe tăng, đại bác,... Tất cả đều khơi gợi sự hứng thú và niềm yêu thích trong mỗi người.

Không chỉ vậy, khi tham quan bảo tàng, chúng ta còn được mở rộng vốn kiến thức của bản thân qua phần thuyết minh. Các câu chuyện lí thú, hấp dẫn sẽ được hướng dẫn viên kể trực tiếp hoặc ghi âm, tạo thành audio tiện lợi. Nhờ đó, chúng ta dễ dàng theo dõi hiện vật bằng cách vừa nghe, vừa nhìn và cảm nhận. Với sự đầu tư nghiêm túc và những kiến thức chuyên sâu mà bảo tàng mang lại, con người sẽ được cung cấp vô số thông tin mới mẻ, thú vị. Từ ấy, mỗi cá nhân đều có thể áp dụng vào việc học tập trên trường lớp, nâng cao thành tích của bản thân.

Ngoài ra, việc tham quan, khám phá bảo tàng còn là cách để con người thu thập thông tin, trau dồi kiến thức nhanh, chính xác và dễ dàng hơn. Khi học trên lớp, học sinh chỉ được đọc các câu chuyện lịch sử trong trang sách hoặc qua lời giảng của thầy cô. Nhưng khi đến bảo tàng, họ sẽ trực tiếp nhìn thấy hiện vật. Đó là mũi giáo, nỏ, súng,... được nhân dân ta sử dụng trong công cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Đó là tiêu bản, mô hình về vô số loài sinh vật tồn tại từ thời xa xưa, sự tiến hóa của con người trong từng thời kì,... Tất cả những thứ ấy không chỉ kích thích sự thích thú, ham muốn khám phá trong mỗi người mà còn giúp các cá nhân ghi nhớ kiến thức lâu và chi tiết hơn rất nhiều.

Tựu chung lại, bảo tàng không phải là nơi nhàm chán như một số người vẫn tưởng tượng. Nơi đây mang theo vẻ đẹp của tri thức đang đợi chờ con người khám phá. Hiện nay, các bảo tàng đang ngày đổi mới, tiếp cận gần hơn với thị hiếu của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Đây là một tín hiệu về sự phát triển, tiến bộ không ngừng của xã hội.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Bên cạnh sách vở, bảo tàng cũng chứa đựng một kho tri thức khổng lồ mà các em có thể học hỏi, tham khảo. Ngoài bài viết trên, em có thể tham khảo thêm văn mẫu lớp 6 khác: Nghị luận về Trò chơi điện tử: lợi hay hạichúc các em học tốt môn Ngữ văn 6. Đừng bỏ lỡ những bài văn mẫu hay trên trang Taimienphi.vn nhé!

Chắc chắn mỗi chúng ta đều đã ít nhất một lần ghé thăm bảo tàng? Các em có những cảm nhận như thế nào về địa điểm này? Cùng tham khảo bài nghị luận về Bảo tàng liệu có nhàm chán như suy nghĩ của một số người, Ngữ văn 6, Chân trời sáng tạo, học kì II dưới đây để học cách thuyết phục người khác từ bỏ suy nghĩ này.
Nghị luận về Thành lập một câu lạc bộ đọc sách trong nhà trường: nên hay không nên?
Nghị luận về ứng xử trên không gian mạng
Link tải Sách giáo khoa lớp 4 Chân trời sáng tạo PDF
Nghị luận về một vấn đề trong đời sống Ngữ văn 7
Link tải Sách giáo khoa lớp 3 Chân trời sáng tạo
Link tải Sách giáo khoa lớp 8 Chân trời sáng tạo

ĐỌC NHIỀU