Lí tưởng sống của Phan Bội Châu trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương

Đề bài: Lí tưởng sống của Phan Bội Châu trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Phân tích Lí tưởng sống của Phan Bội Châu trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương hay, đặc sắc


I. Dàn ý Phân tích Lí tưởng sống của Phan Bội Châu trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương

1. Mở bài

-Trước tình hình đất nước có nhiều biến động, phong trào cứu nước kiểu cũ đã không còn phù hợp, Phan Bội Châu trở thành người đầu tiên nuôi ý tưởng cứu nước theo con đường tư sản.
- Năm 1905 trước lúc lên đường sang Nhật Bản, hướng đến một con đường tươi sáng và đầy hy vọng, ông đã sáng tác bài thơ Lưu biệt khi xuất dương, nội dung bài thơ là tráng chí rộng lớn và lý tưởng cao đẹp của một nhà trí thức yêu nước lỗi lạc bậc nhất thời bấy giờ.

2. Thân bài

* Tác giả, tác phẩm:
- Phan Bội Châu (1867-1940), là một nhà yêu nước, một nhà cách mạng lớn và lỗi lạc nhất đầu thế kỷ XX, thành lập ra hội Duy Tân, tổ chức yêu nước theo đường lối dân chủ tư sản. Không chỉ là nhà cách mạng lớn, ông còn được biết đến với tư cách là tác giả thơ văn lớn giai đoạn đầu thế kỷ XX.
- Lưu biệt khi xuất dương viết vào năm 1905, lời thơ là những lời nhắn nhủ động viên tinh thần cho người lên đường và cả những người ở lại...(Còn tiếp)

>> Xem Dàn ý Phân tích Lí tưởng sống của Phan Bội Châu trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương đầy đủ tại đây.

 

II. Bài văn mẫu Phân tích Lí tưởng sống của Phan Bội Châu trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương

Mẹo Phương pháp phân tích đoạn thơ hay, thu hút

Vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các phong trào chống Pháp trong nước liên tiếp thất bại, thực dân Pháp ngày càng ngang ngược hoành hành, triều đình phong kiến đứng trước ngưỡng cửa diệt vong, không quyết liệt chống Pháp, nhân dân sống trong cảnh áp bức, điêu tàn. Nhận thấy sự bế tắc của con đường cứu nước theo tư tưởng phong kiến, nhất thiết phải vẽ ra một con đường cứu quốc mới hoàn toàn so với trước đây, Phan Bội Châu đã trở thành người đầu tiên nuôi ý tưởng cứu nước theo con đường tư sản, mà đất nước ông hướng đến học tập chính là Nhật Bản. Năm 1905 trước lúc lên đường sang Nhật Bản, hướng đến một con đường tươi sáng và đầy hy vọng ông đã sáng tác bài thơ Lưu biệt khi xuất dương, nội dung bài thơ là tráng chí rộng lớn và lý tưởng cao đẹp của một nhà trí thức yêu nước lỗi lạc bậc nhất thời bấy giờ.

Phan Bội Châu (1867-1940), tên thuở nhỏ là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, những năm tháng bị giam lỏng ở Huế người ta còn gọi ông là Ông già Bến Ngự. Quê ở Nam Đàn, Nghệ An, ông là một nhà yêu nước, một nhà cách mạng lớn và lỗi lạc nhất đầu thế kỷ XX. Là người thành lập ra hội Duy Tân, tổ chức yêu nước theo đường lối dân chủ tư sản, chủ trương đưa thanh niên ưu tú của Việt Nam sang Nhật Bản học tập, gọi là phong trào Đông Du. Không chỉ là nhà cách mạng lớn, ông còn được biết đến với tư cách là tác giả thơ văn lớn giai đoạn đầu thế kỷ XX, với số lượng sáng tác đồ sộ gồm cả chữ Hán và chữ Nôm, mục đích chính là để cổ vũ tinh thần yêu nước, ủng hộ phong trào cách mạng đang dần lớn mạnh trong nước. Ông được đánh giá là một cây bút xuất sắc, người mở đường cho thể loại thơ trữ tình cách mạng trong văn học Việt Nam.

Lưu biệt khi xuất dương viết vào năm 1905, lời thơ là những lời nhắn nhủ động viên tinh thần cho người lên đường, cũng là những lời động viên nhắn nhủ cho người ở lại, cho các thế hệ thanh niên tiếp nối tráng chí, tinh thần cách mạng. Bài thơ viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

Hai câu thơ đầu là quan niệm mới của Phan Bội Châu về chí hướng của nam chi trong thời đại mới.

"Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời"

Đối với Phan Bội Châu làm đấng nam nhi sống ở trên đời phải "lạ", phải có lẽ sống, có lý tưởng sống cao đẹp, lớn lao, dám mưu đồ những việc phi thường hiển hách, không chấp nhận cái sự nhợt nhạt tầm thường, chôn mình trong "cái ao đời phẳng lặng". Mà như Xuân Diệu từng nói "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm". Cái lý tưởng ấy được thể hiện một cách cụ thể trong câu thơ "Há để càn khôn tự chuyển dời", Phan Bội Châu muốn giành lấy thế chủ động để tạo nên thời thế trong trời đất, để tự quyết định số phận của mình chứ không phải phụ thuộc vào vũ trụ, để tạo hóa sắp đặt. Đọc cả câu thơ ta còn ngầm hiểu rằng Phan Bội Châu khích lệ tráng chí nam nhi phải dám đặt mình sánh ngang với trời đất, vũ trụ bao la bằng một khẩu khí mạnh mẽ, táo bạo dựa trên cơ sở một tâm hồn tự tin, quyết đoán. Cái khẩu khí ấy và quan niệm về chí làm trai của Phan Bội Châu cũng có điểm tương đồng với các nhà thơ thế hệ trước, ví dụ như Nguyễn Công Trứ có câu "Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây/Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể". Trong ca dao xưa cũng thấy có những câu nói về chí nam nhi với khẩu khí rất ngang tàn và tự tin ví như "Làm trai cho đáng nên trai/Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên" hay "Làm trai cho đáng nên trai/Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng".

Từ quan niệm mới mẻ về chí làm trai ở hai câu đề thì Phan Bội Châu đã nêu lên quan niệm về ý thức, trách nhiệm của đấng nam nhi trước thời cuộc.

"Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở, há không ai?"

Phan Bội Châu tự tin khẳng định trong vòng một trăm năm chắc hẳn phải cần có sự có mặt, sự góp sức của bản thân mình. "Trăm năm" ở đây trước hết là khoảng thời gian tồn tại, là vòng đời cơ bản của một con người theo quan niệm cổ điển, ngoài ra hai từ "trăm năm" ấy nó không chỉ nói về quãng thời gian thi sĩ tồn tại trên đời mà còn ngụ ý về một thế kỷ XX đầy những biến động lịch sử, đất nước có nhiều đổi thay dữ dội, mà bản thân tác giả là người phải tận mắt chứng kiến những cảnh tượng suy vi, biến đổi ấy của đất nước. Điều đó nhằm khẳng định sự tồn tại mang tính chất cần thiết của thời đại, thời đại ấy nhất định phải có một người như Phan Bội Châu, đó là sự sắp đặt sẵn, không phải là ngẫu nhiên. Từ nhưng khẳng định tự tin như thế tác giả đã xác định và nhấn mạnh trách nhiệm và lý tưởng của người làm trai, làm sao để cống hiến cho xứng đáng với từ "trăm năm" ấy, làm sao để cho không hoài phí cuộc đời, không uổng công sắp đặt của thời đại. Từ những ý thức trách nhiệm của cá nhân, Phan Bội Châu đã chuyển hướng nhằm lay tỉnh thế hệ thanh niên đương thời, và cũng là cả các thế hệ thanh niên tiếp nối bằng câu hỏi"Sau này muôn thuở há không ai?". Những con người đang đứng trước sự hoang mang, bế tắc không tìm được con đường sáng khi phong trào chống Pháp trong nước đều lần lượt bị dìm trong bể máu, Phan Bội Châu có điều lo lắng rằng các thế hệ này sẽ lùi bước, không còn ai nối gót ông làm cách mạng giải phóng dân tộc. Thế nên những vần thơ này chính là sự cổ vũ lòng yêu nước, là lời kêu gọi động viên, khuyến khích cái ý chí nam nhi đang bị sự bế tắc, chán nản nhất thời che lấp của thanh niên Việt Nam, khiến họ tỉnh táo lại để bước tiếp con đường cách mạng gian khó, nhưng tràn đầy hy vọng về một tương lai đất nước hòa bình, tự do.

"Non sông đã chết sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài"

Phan Bội Châu đã nhận thức một cách sâu sắc về thực trạng đất nước rằng "Non sông đã chết", đất nước mất chủ quyền, đã rơi và tay giặc Pháp, chỉ còn lại cái vỏ rỗng với cái chính quyền phong kiến yếu hèn nhu nhược. Từ đó bộc lộ cảm xúc của tác giả, của một người dân chịu cảnh nô lệ, đó là nỗi nhục mất nước, là lẽ nhục vinh trong tư tưởng truyền thống của dân tộc, thể hiện thái độ không cam chịu, dẫn đường cho tác giả đến với những hành động quyết liệt. Tác giả phủ nhận nền học vấn Nho học đã lỗi thời, lạc hậu không còn phù hợp nữa, bản thân tác giả vốn là con đẻ của nền học vấn này thế nên khi nhận thức được sự thật phũ phàng ấy Phan Bội Châu cũng rất đau xót. Thế nhưng càng đau xót, thì ông lại càng kiên quyết, mạnh mẽ phủ nhận nó để mở ra một lối đi mới cho bản thân ông và cho cả dân tộc.

Lối đi ấy được thể hiện bằng những khát vọng hành động mạnh mẽ và tư thế trước khi lên đường đi tìm lý tưởng trong hai câu thơ kết bài.

"Muốn vượt bể Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi"

Những khát vọng hành động của Phan Bội Châu được dựng lên thông qua những hình ảnh kỳ vĩ "ngọn gió dài", "biển Đông" và "ngàn đợt sóng bạc", chúng cộng hưởng với nhau tạo nên một bối cảnh không gian khoáng đạt, rộng lớn và mạnh mẽ, chí khí ngút ngàn. Tư thế của con người trong buổi lên đường hiện lên một cách lẫm liệt trong hình ảnh "nhất tề phi" tức là cùng bay lên với "ngàn đợt sóng bạc", con người ở tư thế sánh ngang với vũ trụ, vượt thoát khỏi cái hiện thực khốc liệt, tam tối để vươn tới một lý tưởng cao đẹp, lý tưởng ở phía trước. Đồng thời từ tư thế hào hùng ấy, chúng ta còn nhận thấy được khát vọng hành động mãnh liệt, ra đi tìm đường cứu nước, để thỏa chí làm trai, để lập lên sự nghiệp lẫy lừng thiên hạ, lưu danh sử sách muôn đời.

Lưu biệt khi xuất dương đã khắc họa vẻ đẹp lãng mạn, hào hùng của nhà chí sĩ cách mạng những năm đầu thế kỷ XX, đó là những con người với tư tưởng mới mẻ, táo bạo, cùng một bầu nhiệt huyết sôi trào, một khát vọng cháy bỏng trong buổi lên đường thực hiện lý tưởng cao đẹp. Để truyền tải xuất sắc nội dung của bài thơ Phan Bội Châu đã tinh tế sử dụng các thủ pháp phóng đại nâng tầm vóc của con người sánh ngang tầm vóc vũ trụ, lời thơ tràn đầy tâm huyết, sục sôi ý chí cách mạng tạo nên sức lay động mạnh mẽ, chất trữ tình chính trị cho cả bài thơ.

------------------ HẾT----------------

Trên đây là chi tiết bài văn mẫu phân tích Lí tưởng sống của tác giả Phan Bội Châu trong bài Lưu biệt khi xuất dương hay do Taimienphi.vn biên soạn, tổng hợp. Tiếp theo, để học tốt môn Văn lớp 11 và đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi, các em cần tham khảo bài văn mẫu Bình giảng bài thơ Lưu biệt khi xuất dương, Phân tích chí làm trai trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu, Phân tích hình tượng người chí sĩ yêu nước trong bài Lưu biệt khi xuất dương, Dàn ý phân tích hình tượng người chí sĩ yêu nước trong bài Lưu biệt khi xuất dương,...

Lưu biệt khi xuất dương là bài thơ thể hiện rõ chân dung tâm hồn, lí tưởng và ý khí mạnh mẽ của người trí thức cách mạng. Sau khi học xong tác phẩm, em có cảm nhận như thế nào về lí tưởng sống của Phan Bội Châu trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương, cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Phân tích bài Lưu biệt khi xuất dương
Cảm nhận bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu
Soạn bài Lưu biệt khi xuất dương, Ngữ văn lớp 11
Vẻ đẹp lãng mạn và hào hùng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương
Phân tích hình tượng người chí sĩ yêu nước trong bài Lưu biệt khi xuất dương
Sơ đồ tư duy Lưu biệt khi xuất dương

ĐỌC NHIỀU