Laptop Workstation hay còn gọi là Mobile Workstation, máy trạm di động có lẽ đã quá quen thuộc với các nhà thiết kế đồ họa, kỹ sư hay những người cần thiết bị hiệu suất cao để xử lý những công việc nặng như phân tích dữ liệu, chỉnh sửa video... Tuy nhiên, nhiều người dùng lại không biết Laptop Workstation là gì và có nên mua không? Chính vì vậy, Taimienphi.vn sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin cần biết về loại thiết bị cao cấp trông giống như laptop thông thường nhưng sở hữu sức mạnh siêu việt này.
Laptop Workstation là máy tính xách tay ở cấp độ cao nhất về cả sức mạnh CPU và GPU để xử lý bộ dữ liệu khổng lồ và tăng tốc đồ họa cực kỳ phức tạp, được thiết kế để thực hiện các tác vụ sử dụng nhiều tài nguyên như kết xuất, tạo mô hình 3D, phân tích dữ liệu, edit video... đòi hỏi hiệu suất cao, bộ nhớ lớn và làm việc trên nhiều quy trình cùng một lúc. Ngày nay, Laptop Workstation được sử dụng rộng rãi bởi các kỹ sư, nhà khoa học, kiến trúc sư, nhà thiết kế đồ họa...
Trong khi đó, máy tính xách hay laptop được thiết kế để sinh viên và người đi làm sử dụng cho các tác vụ cơ bản như soạn thảo văn bản, nhập liệu, lướt web, chơi game, ... không đòi hỏi quá nhiều tốc độ, hiệu năng và bộ nhớ lớn.
Laptop Workstation hay Mobile Workstation của các hãng khác nhau sẽ có cấu hình khác nhau nhưng dưới đây là một số điểm chung của các mẫu Laptop Workstation, đồng thời cũng là những đặc điểm chỉ rõ sự khác biệt giữa Laptop Workstation và laptop thông thường.
1. Bộ xử lý nhanh hơn
Rất nhiều mẫu Laptop Workstation xuất xưởng với bộ xử lý nhanh hơn so với Core i5 và i7 mà chúng ta thường thấy trên máy tính xách tay. Trong thị trường Laptop Workstation cao cấp, bạn có thể tìm thấy bộ vi xử lý Core i9 thế hệ mới nhất và thậm chí Xeon với nhiều lõi và luồng nhất có thể. Đây là những CPU thường được sử dụng trên các server hoặc máy trạm. Với bộ vi xử lý nhiều lõi, bạn có thể chạy các phần mềm CAD, thiết kế đồ họa không chỉ nhanh hơn mà còn ít khả năng xảy ra lỗi hơn trong quá trình hoạt động. CPU Xeon cũng đã có mặt trên nhiều mẫu laptop hiện nay.
2. Bộ nhớ ECC
Mã sửa lỗi hoặc RAM ECC là thứ mà bạn có thể chưa bao giờ nghe đến trước đây nếu chỉ sử dụng laptop thông thường. Một trong những điều quan trọng nhất đối với người dùng chuyên nghiệp là cần phải ngăn chặn việc mất dữ liệu khi chạy các ứng dụng chuyên dụng cho công việc của họ.
Bộ nhớ ECC giảm nguy cơ xảy ra sự cố mất mát hoặc hỏng dữ liệu nghiêm trọng bằng cách tự động phát hiện và sửa lỗi dữ liệu. Taimienphi.vn sẽ không đi sâu vào chi tiết về cách thức hoạt động chính xác của nó, nhưng đối với người dùng chuyên nghiệp, bộ nhớ ECC là rất cần thiết.
3. GPU cao cấp
Hầu hết các máy trạm di động được trang bị dòng GPU Quadro của Nvidia, AMD Radeon Pro hoặc AMD FirePro. Những GPU này có tốc độ xung nhịp cao, nhiều lõi CUDA và VRAM hơn, cũng như hỗ trợ nhiều màn hình. GPU trên Laptop Workstation đi kèm với rất nhiều tính năng tuyệt vời, có thể xử lý nhiều tác vụ một lúc và có sức mạnh xử lý đồ họa cao, nhằm mang đến cho người dùng trải nghiệm sử dụng mượt mà nhất có thể khi họ làm việc với phần mềm chuyên nghiệp như Solidworks CAD, AutoCAD, Autodesk 3DS Max, Autodesk Maya, Unity 3D, Unreal Engine...
4. Khả năng lưu trữ lớn với hệ thống RAID
Chủ sở hữu máy trạm di động làm việc với các tệp dữ liệu lớn, vì vậy máy trạm di động cần có dung lượng lưu trữ lớn. Điều đó thường có nghĩa là một hoặc hai ổ SSD kết hợp với một hoặc hai ổ HDD, tổng dung lượng lên đến 3TB hoặc 4TB.
Để có thêm dung lượng lưu trữ, Laptop Workstation không còn gọi là Laptop Workstation nếu nó không có ít nhất một cổng Thunderbolt 3 để kết nối tốc độ cao với ổ đĩa ngoài và hệ thống RAID, cũng như một hoặc nhiều màn hình độ phân giải cao.
Hệ thống RAID sử dụng nhiều ổ cứng để lưu trữ thông tin, làm giảm khả năng xảy ra sự cố sẽ xóa sạch hệ thống của bạn. Nhờ đó, việc xử lý và lưu trữ dữ liệu trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
5. Nhiều cổng kết nối
Các nhà sản xuất laptop đang có xu hướng giảm dần số lượng các cổng trên máy tính xách tay để làm cho chúng mỏng nhẹ nhất có thể. Tuy nhiên, các máy trạm di động thì không đi theo xu hướng này bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến khả năng sử dụng của chúng. Không có gì lạ khi bạn tìm thấy một số cổng trên một máy trạm di động mà bạn có thể chưa từng thấy trước đây.
Đây là danh sách một số cổng mà bạn có thể tìm thấy trên một máy trạm di động và thường có nhiều hơn một cổng trong số đó:
6. Màn hình hiển thị màu sắc trung thực
Những người thực hiện công việc chỉnh sửa video và nhiếp ảnh gia cần có một máy trạm di động sở hữu màn hình hiển thị màu sắc trung thực bởi nếu Laptop Workstation không thể hiển thị màu sắc thực của hình ảnh hoặc video mà bạn đã quay, thì sau đó, bạn sẽ có nguy cơ mắc phải các lỗi như phơi sáng quá mức hoặc quá bão hòa.
Vì vậy, các thông số kỹ thuật như độ bao phủ 100% của chuẩn màu Adobe RGB hoặc DCI-P3 và độ sáng 500+ nits là phổ biến trên các máy trạm di động cao cấp. Một số mô hình mới nhất thậm chí có thể được trang bị màn hình OLED.
Chẳng hanh như sản phẩm Laptop Workstation HP ZBook 15 G5 có cấu hình như sau:
Việc mua hay không mua Laptop Workstation hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của bạn, bạn đang làm công việc gì và sử dụng những phần mềm nào.
Như đã nói ở trên, Laptop Workstation được thiết kế với khả năng xử lý nhiều chương trình và quy trình cùng một lúc mà không cản trở tốc độ và hiệu suất của hệ thống, đặc biệt phù hợp để xử lý khối lượng công việc lớn tại một thời điểm, đòi hỏi bộ xử lý tốc độ cao, màn hình xuất sắc và dung lượng đĩa lớn. Vì vậy, nếu bạn thực hiện các tác vụ như thiết kế 3D, chỉnh sửa video, phát triển trò chơi, hay phân tích dữ liệu, việc mà ngay cả một chi tiết nhỏ cũng rất quan trọng, thì bạn có thể cân nhắc đến việc mua Laptop Workstation. Trong khi đó, đối với mục đích học tập, làm việc văn phòng hay vui chơi giải trí như xem phim, lướt web, trò chuyện với bạn bè trên mạng xã hội..., thì một chiếc laptop thông thường là quá đủ để xử lý những tác vụ cơ bản như vậy.
Tuy nhiên, một chiếc máy trạm di động nguyên đai nguyên kiện có giá bán cao, chưa kể đến giá bán cực khủng của những mẫu Mobile Workstation dòng cao cấp. Vì vậy, nhiều người dùng thường tìm đến các máy Laptop Workstation đã qua sử dụng bởi chúng có mức giá dễ chịu trong khi vẫn sở hữu cấu hình ấn tượng. Tại Việt Nam, Laptop Workstation hàng cũ cũng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Bạn vẫn có thể mua được một máy trạm di động cấu hình cao với mức giá tốt nếu biết chọn máy, test máy, cũng như tìm đến địa chỉ bán hàng uy tín.
Taimienphi.vn đã từng chia sẻ kinh nghiệm mua laptop cũ trong một số bài viết trước đây. Bạn có thể tham khảo thêm để mua được chiếc máy tính với giá mềm mà đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của mình.
Như vậy, bài viết đã cung cấp cho bạn những điều cần biết về Laptop Workstation và đối tượng sử dụng phù hợp với Laptop Workstation. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu rõ thế nào là Laptop Workstation, cũng như giúp bạn lựa chọn cho mình thiết bị phù hợp nhất.