Hình ảnh người anh hùng cứu nước qua bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

Mục Lục bài viết:
1. Bài mẫu số 1
2. Bài mẫu số 2
3. Bài mẫu số 3

Đề bài: Hình ảnh người anh hùng cứu nước qua bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

3 bài văn mẫu Hình ảnh người anh hùng cứu nước qua bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

 

1. Hình ảnh người anh hùng cứu nước qua bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, mẫu số 1:

Côn Đảo - nơi trước kia được mệnh danh là "địa ngục trần gian", nơi mà thực dân Pháp đã lập nên nhà tù giam cầm những người chiến sĩ yêu nước và cách mạng với tất cả những kiểu đày ải, tra tấn con người tàn nhẫn nhất. Chúng quyết tâm làm lung lay, tiêu tan ý chí, lý tưởng của những người tù yêu nước. Chúng nhầm tưởng rằng sẽ dễ dàng khuất phục được lòng yêu nước của những người tù An Nam.

Nhưng những con người ấy với dòng máu nóng của hồn Việt, với tinh thần quả cảm, ý chí kiên cường luôn tỏ rõ được thế đứng bất khuất trước kẻ thù. Dù lúc nào họ cũng phải đối mặt với những đày ải, lao động khổ sai nặng nhọc, dã man nhất. Dù phải chống chọi với cái khắc nghiệt giữa nơi đảo xa trơ trọi, giữa biển khơi, giữa cái ngột ngạt nơi nhà tù kìm hãm, bó buộc thể xác con người, những người tù yêu nước như Phan Chu Trinh vẫn luôn dõng dạc thể hiện chính mình trước kẻ thù, trước trời đất:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non

"Làm trai" - Phan Chu Trinh đầy tự hào khi được là một đấng nam nhi đứng giữa trời đất. Rất kiêu hãnh, người anh hùng đã tự khẳng định mình với tất cả khát vọng mãnh liệt được cống hiến cho đời. Hình ảnh người trai sừng sững đứng giữa đất Côn Lôn, đầu đội trời chân đạp đất, hiên ngang ngẩng mặt trước thiên nhiên rộng lớn làm ta chợt gặp lại một Nguyễn Công Trứ cũng với ý chí ấy:

Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.

Bài văn Cảm nhận về Hình ảnh người anh hùng cứu nước qua bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

Tiếp nối với quan niệm truyền thống, Phan Chu Trinh đã thể hiện rõ bản lĩnh của những con người đất Việt anh hùng. Vẻ đẹp hùng tráng của ông còn được thể hiện qua hành động, qua sức mạnh của kẻ làm trai: "Lừng lẫy làm cho lở núi non".,

Đấng nam nhi không hề e ngại trước công việc đập đá nặng nề, mệt nhọc mà quyết chí làm cho "lở núi non", quyết chí thể hiện cái tôi bản lĩnh, cái chí làm trai mong mỏi, khao khát được "lừng lẫy", vang danh trong trời đất. Người anh hùng ấy với tư thế chủ động vượt lên cả thân phận của người tù để thể hiện chính mình, khẳng định sức mạnh bản thân:

Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn

Đập đá giờ đây không còn là công việc khổ sai, không còn là nỗi ám ảnh nặng nề trong công việc của người tù. Đập đá đối với Phan Chu Trinh bỗng chốc trở thành một cuộc chiến đấu chinh phục thiên nhiên. Và hiện ra trong cuộc chiến đấu ấy là tư thế hùng dũng của người anh hùng trong thần thoại, lẫm liệt, phi thường. Vận dụng lối khoa trương trong văn chương truyền thống, việc đập đá thể hiện một sức mạnh ghê gớm "đánh tan năm bảy đống" - "đập bể mấy trăm hòn" với hành động hết sức dứt khoát, nhanh lẹ, nhẹ nhàng "xách búa" - "ra tay". Hai câu thực đã thật sự làm choáng ngợp trong tâm trí người đọc hình ảnh người tù yêu nước thật đẹp, thật kỳ lạ trong cái tư thế ngạo nghễ hiên ngang giữa vũ trụ đất trời với tất cả lòng ngưỡng mộ và kính phục.

Bên trong con người anh hùng đầy hiên ngang đầy kiêu hãnh, bên trong cái giọng điệu hùng dũng hào sảng là cả một con người son sắt niềm tin, bền gan vững chí, một con người mang đầy tâm trạng trước thời cuộc với giọng điệu lãng mạn:

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng càng bền dạ sắt son

Đã bước vào con đường cứu nước, giải phóng dân tộc nghĩa là người anh hùng Phan Chu Trinh đã chấp nhận chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, vậy thì sá gì tháng ngày - mưa nắng, sá gì thử thách cuộc đời. Để rồi càng vất vả, càng thử thách thì người anh hùng càng chịu đựng dẻo dai, càng kiên cường bất khuất. Và việc chịu cảnh tù đày, lao động khổ nhọc chỉ làm cho phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cứu nước được khắc hoạ rõ nét hơn mà thôi. Lời khẳng định đầy khí phách, đầy rắn rỏi của người tù khiến ta hiểu thêm, yêu thêm, phục thêm cho một con người xem thường mọi gian lao thử thách và luôn vững niềm tin, vững lòng vững dạ không nguôi đi ý chí chiến đấu của mình.

Không phải ai cũng như Phan Chu Trinh, giữa hoàn cảnh đầy khắc nghiệt như vậy mà lại có khẩu khí ngang tàng:

Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể việc con con

Thần thoại Trung Quốc đã có một bà Nữ Oa đội đá vá trời thì trong công việc cứu nước ngày nay, có những con người gan dạ, anh hùng đã tự nhận, tự khẳng định mình là "những kẻ vá trời" để nói lên chí lớn của bản thân trước những thử thách gian nan trên đường chiến đấu. Phan Chu Trinh đã biến công việc "đập đá" khổ sai trở thành một hình tượng thơ thật đẹp, thật ý nghĩa. Đập đá đối với ông là cuộc chiến đấu chinh phục thiên nhiên, còn là công việc gian nan chiến đấu, thực hiện lý tưởng cách mạng, một hành trình đầy chông gai.

Tự nhận là những kẻ vá trời còn là thể hiện một chỗ đứng quyền uy, một công việc chính nghĩa để đối chọi với kẻ thù. Và khi sa vào chốn đầy ải tù đày, thì người anh hùng chỉ xem là lúc lỡ bước thường tình, là việc con con thì có gì đáng kể. Người anh hùng đã xem thường hoàn cảnh, không chịu khuất phục trước "gian nan" tầm thường để giữ vững được ý chí, niềm tin, để cất lên câu thơ đầy tự hào mang khẩu khí ngang tàng đáng nể phục. Ta thấy được, cảm nhận được một tâm hồn thật đẹp của người tù yêu nước, một tâm hồn thanh cao, kiên cường, quyết chí vì công cuộc cách mạng, vì tự do của dân tộc.

Vẻ đẹp tâm hồn và vẻ đẹp của tầm vóc Phan Chu Trinh đã làm nên một hình tượng người anh hùng vừa oai phong lẫm liệt vừa sâu sắc tình cảm. Bài thơ vừa mang cái không khí hào hùng sôi nổi của người chiến sĩ cách mạng, vừa chứa đựng cả một tấm lòng, một tinh thần đẹp đẽ, giàu xúc cảm. Vì vậy mà hình ảnh người tù yêu nước Phan Chu Trinh đã hằn sâu vào tâm trí người đọc tự nhiên, nhẹ nhàng, trong niềm cảm phục khôn nguôi.

Đập đá ở Côn Lôn - nói đến chuyện đập đá mà không chỉ là đập đá, nói đến chuyện đày ải cực nhọc mà không thấy chút tiều tụy khổ sở của người tù khổ sai. Bài thơ hiện lên trước mắt ta là một bức chân dung rất thực về ý chí, tinh thần người làm trai không nề hà gian nguy, vất vả, luôn đặt mình lên trên cái ngột ngạt, khổ sở chốn "địa ngục trần gian" để khẳng định một tư thế hiên ngang của người anh hùng Việt Nam.

----------------HẾT BÀI 1------------------

Hình ảnh người anh hùng cứu nước qua bài thơ Đập đá ở Côn Lôn là một nội dung, bài học hay trong SGK Ngữ Văn 8. Sau phần học này chúng ta tiếp tục chuẩn bị trả lời câu hỏi, Em hãy nhận xét về giọng điệu bài thơ Đập đá ở Côn Lôn cùng với phần Em hãy phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn để học tốt môn Ngữ Văn lớp 8 hơn.

 

2. Hình ảnh người anh hùng cứu nước qua bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, mẫu số 2:

Phan Châu Trinh là một nhà nho yêu nước sớm có tinh thần dân chủ. Ông người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kì, tỉnh Quảng Nam. Thân sinh ông là Phan Văn Bình, một võ quan từng tham gia hoạt động chống Pháp trong phong trào cần Vương. Năm 1885, thân phụ mất khi ông mới 13 tuổi.

Năm 1892, ông đi học và nổi tiếng học giỏi, là bạn học chung với Huỳnh Thúc Kháng. 1900, ông đỗ cử nhân, đồng khoa với Ngô Đức Kế và Nguyễn Sinh sắc. Được bố làm thừa biện bộ Lễ một thời gian, nhưng ông bỏ làm quan, hoạt động cứu nước. Hoạt động yêu nước của ông đã góp phần làm dấy lên phong trào đấu tranh cách mạng đầu thế kỉ XX. Cũng như nhiều nhà cách mạng khác, Phan Châu Trinh còn sáng tác thơ văn để thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân.

Nói về Côn Lôn, nay là Côn Đảo, đó là một hòn đảo nước ta, nằm ở tận cùng tổ quốc, bốn bề sông nước, bị Pháp chiếm đóng từ 1861 đến 1945 để giam giữ những phạm nhân chính trị, có những câu thơ từ nhà tù ấy truyền tụng rằng:

Núi Côn Lôn được pha bằng máu
Đất Côn Lôn năm sáu lớp xương người
Mỗi buớc chân che lấp một cuộc đời.

Hình ảnh người anh hùng cứu nước qua bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, văn mẫu tuyển chọn

Bài thơ Đập đá ở Côn Lôn được Phan Châu Trinh ông làm tại nơi bị tù khổ sai ở đảo Côn Lôn do bị kết tội khởi xướng phong trào chống thuế ở Trung Kì:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan nam bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Tháng ngày bao quản thêm sành sỏi,
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể việc con con!

Đọc lại bài thơ, ta càng hiểu sâu tấm lòng và khí phách của nhà cách mạng yêu nước vào đầu thế kỉ này.

Ngoại trừ hai tiếng Côn Lôn, bài thơ không còn từ nào nói về việc tù đày, giam hãm. Tác giả tả cảnh người tù đập đá ở Côn Lôn với tư thế của những người đập đá vá trời, dời non lấp bể. Người đọc không còn cảm thấy sự nặng nhọc của công việc khổ sai mà chỉ thấy những động tác lớn lao mạnh mẽ sảng khoái như đang dốc sức làm thay đổi giang sơn đất nước. Bài thơ là dạng một bài thơ "khẩu khí" luôn có hai nghĩa: một nghĩa tả thực và một nghĩa hàm ẩn. Nghĩa tả thực miêu tả cảnh tác giả bị thực dân Pháp bắt làm tù khổ sai tại Côn Đảo, nghĩa thứ hai thể hiện chí khí của người anh hùng.

Hai câu đầu:

"Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lờ núi non"

Nếu hiểu theo nghĩa tả thực thì đó là hoàn cảnh thật cực nhọc của những người tù khổ sai nơi đất Côn Lôn: Một vùng đất bốn bề là biển, tội nhân toàn là những chí sĩ yêu nước, bị Pháp bắt đem đến hải đảo này hoặc bắt làm những việc lao động cực nhọc, hoặc bị bắn chết mà không có một tòa án công bằng nào lập ra. Vậy mà Phan Chu Trinh vẫn hiên ngang viết: "Từng lẫy làm cho lở núi non".

Đó là tư thế đối mặt với kẻ thù, ở ngay nơi mà kẻ thù giam cầm đày đọa. Đối với người trai đó chỉ là chuyện bình thường. Câu thơ còn toát lên niềm tự hào, kiêu hãnh: người chiến sĩ ấy đang làm những chuyện vang dội lừng lẫy tiếng tăm.

Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.

Hình ảnh đập đá thể hiện sức mạnh và khí thế của con người. Đá tượng trưng cho những trở ngại khó khăn nhất - chân cứng đá mềm. Câu thơ mô tả cụ thể năm bảy đống, mấy trăm hòn khiến ta hình dung được công việc khổ sai nặng nhọc của người tù: xách búa, ra tay đập bể. Núi đá cao chất ngất, người tù phải làm việc liên tục mới đạt mức tan năm bảy đống, bể mấy trăm hòn. Câu thơ còn có một ý nghĩa ẩn dụ. Đó là hành động cách mạng, đập tan ách áp bức thống trị của kẻ thù. Sự nghiệp cứu nước, hành động cách mạng không bị gián đoạn bởi sự giam hãm của kẻ thù. Các động từ xách búa, ra tay thật mạnh mẽ, khỏe khoắn. Các số lượng năm bảy và mấy trăm càng làm rõ sức mạnh ấy. Hai cảu thơ đầy khí thế tiến công, tưởng như sức mạnh vô địch của người anh hùng ấy sẽ đập tan bất cứ những trở ngại, khó khăn nhất.

Quả là tư tưởng của hai nhà cách mạng họ Phan đã gặp nhau:

Chạy mỏi chân thì hẵng ở tù.

Nhà tù càng tỏ rõ chí khí kiên cường, phẩm chất anh hùng của hai nhà cách mạng ấy:

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son.

Trong lúc ấy, cảnh Côn Lôn là một cảnh tượng dễ làm lung lay chí khí con người. Có một tù nhân đã viết:

Côn Lôn hải đảo giữa vời,
Tội nhơn ra đó trăm ngàn,
Chịu cơ hàn nỗi nằm, nỗi ăn
Thương thay cực khổ khôn ngăn
Sớm đi làm, tối về trối trăn
Đất trời thấu chăng, đã năm ba phen loàn
Nao thở than
Bởi rủi ro khiến xui vận hạn
Nghĩ lại thêm càng
Tuôn giọt luỵ chứa chan
Tứ vi nước mênh mông
Đã xa rời vợ con
Tối khôn cùng thương nhớ....
Lặn biển, trèo non
Biết thuở nao vuông tròn... ??

Ngược lại, mang hoài bão lớn, có hành động cách mạng, bản thân chí sĩ họ Phan, là người chiến sĩ đâu kể gì đến tấm thân dày dạn phong trần, sẵn sàng chấp nhận gian khổ hiểm nguy. Miễn sao họ giữ được tấm lòng kiên trung với sự nghiệp cách mạng: đó như son, thủy chung, bền vững. Ý thơ đi sâu vào phẩm chất cách mạng của người chiến sĩ, vừa như một lời thề kiên trung nhất với non sông:

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son
Những kẻ vá trời khi lở bước,
Gian nan chi kể việc con con!

Câu thơ gợi nhớ sự tích Nữ Oa vá trời, khắc đậm hình ảnh và ý nghĩa của công việc đập đá, làm lở núi non kia là đang làm công việc lớn lao đầy ý nghĩa như vá trời, như đang đỡ lây vận mệnh của đất nước. Tầm vóc lớn lao ấy thật đối lập với chuyện con con. Quả thực, gian nan là chuyện thường tình của những bậc anh hùng khi lỡ bước.

Bằng cảm xúc mãnh liệt, chân thật, hình ảnh nhân vật đã biểu hiện tâm hồn, khí phách, nhiệt tình cách mạng của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh trong hoàn cảnh lỡ bước. Đó cũng là khí phách và hình tượng tiêu biểu cho cả một thế hệ yêu nước, vào đầu thế kỉ XX ở nước ta như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Đình Phùng v.v...

 

3. Hình ảnh người anh hùng cứu nước qua bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, mẫu số 3:

Đập đá ở Côn Lôn là khẩu khí của một người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang. Khẩu khí ấy rắn rỏi như chính khí phách của tác giả - một nhà chí sĩ yêu nước trên bước đường bôn ba cách mạng bị giam cầm, đày ải. Có thể nói rằng, với Đập đá ở Côn Lân nhà chí sĩ Phan Châu Trinh đã khẳng định rằng, có một dòng thơ ca yêu nước chống ngoại xâm loát lên khí phách kiên cường bất khuất.

Trước hết tác giả đã dựng lên một tượng đài hiên ngang, lẫm liệt về người anh hùng cứu nước. Dẫu đó là một người tù nhưng hình ảnh thơ lại khiến ta liên tưởng đến tư thế của người đang làm chủ mình, làm chủ cuộc sống, muôn dùng sức mạnh và nghị lực của bản thân để hoán cải càn khôn, vũ trụ:

Lùm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lỡ núi non.

Thật hào hùng, thật lẫm liệt ở cái tư thế "đứng giữa đất Côn Lôn". ở đây, vị trí của kẻ làm trai là vị trí trung tâm. Đất Côn Lôn như là toàn bộ hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống đầy cam go khủng khiếp. Với tư thế ấy, kẻ làm trai như muôn khẳng định sức mạnh dời non lấp biển của mình, sức mạnh ấy sánh ngang cùng trời đất, ở chính giữa trời đất. Họ lin rằng vị trí ấy, sức mạnh đó sẽ "làm cho lở núi non". Đi liền với tư thế là hành động.

Xách búa đánh tan năm bảy đống
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.

Hai câu thơ vận dụng nhiều động từ mạnh, hay nói cách khác động từ chi phối toàn bộ ý tưởng của câu thơ: "xách", "đánh tan", "ra tay", đập bể"... Hình ảnh, ý thơ đối nhau chan chát vừa tạo lớp nghĩa tả thực người tù đang cầm búa để đập đá trong những buổi lao động khổ sai, vừa tạo nghĩa bóng thể hiện khí phách hào hùng của người có chí lớn.

Hình ảnh người anh hùng cứu nước qua bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh

Cùng với dụng ý sử dụng động từ, cách ngắt nhịp của hai câu thơ khiến hình ảnh thơ trở nên cứng cỏi, mãnh liệt:

Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.

Nhịp thơ 2/2/3 tạo nên hành động mạnh mẽ, ý chí quyết tâm của kẻ có chí vá trời lấp biển.

Và tiếp theo, hai câu luận (5-6) thể hiện nghị lực phi thường của kẻ làm trai trong một hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã:

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nấng chi sờn dạ sắt son.

"Tháng ngày", "mưa nắng", những thử thách của thời gian và hoàn cảnh không làm cho người chiến sĩ sờn lòng, nản chí, trái lại, lời thơ khẳng định một quyết tâm vượt qua mọi gian lao, khổ hận để giữa trọn tấm lòng son sắt.

Hai câu thơ kết, tác giả bộc lộ trực tiếp tâm tư tình cảm của "những kẻ vá trời khi lỡ bước". Nếu nói rằng âm hưởng chủ đạo của bài thơ là khẩu khí anh hùng của một người tuy thất thế nhưng vẫn nuôi mộng lớn dời non lấp bể thì ở hai câu kết ý tưởng đó được thể hiện nổi bật nhất:

Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể việc con con!

Hình tượng kì vĩ "những kẻ vá trời" làm ta liên tưởng đến bà Nữ Oa trong câu chuyện thần thoại, sức mạnh của Nữ Oa là sức mạnh biến cải cả trời đất, vũ trụ. Khí phách của người anh hùng trong bài thơ được tỏa sáng, tạo nên sức truyền cảm góp phần động viên tinh thần những người yêu nước trong những giờ phút nguy nan nhất.

Đọc xong bài thơ hai hình ảnh đậm nét đọng lại trong tâm trí em. Đó là hình ảnh một người bị kẻ thù đày đọa nhưng vẫn coi thường gian khổ, chết chóc, dáng vẻ vẫn hiên ngang hào hùng. Người chí sĩ xem thực tế khổ ải của lao tù thực dân như một hoàn cảnh để tôi rèn khí phách. Một hình ảnh khác vượt lên hoàn cảnh tù đày, không gian, thời gian, một kẻ "làm trai" nguyện đem tâm huyết và nghị lực để cải tạo thế giới, biến cải cuộc sống thực tại hướng tới một chân trời sáng tươi của đất nước, dân tộc. Hai hình ảnh đó liên kết, đan xen bổ sung cho nhau để dựng nên một tượng đài anh hùng rực rỡ trong dòng văn học yêu nước chông ngoại xâm.

-------------------HẾT--------------------

Cùng với Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu cũng là một nhà cách mạng, nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam. Các em cùng tham khảo bài Phân tích bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác- một trong những tác phẩm nổi bật của cụ Phan để hiểu hơn về chí khí, tinh thần của nhà cách mạng.

Các em hãy cùng phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn để cảm nhận được Hình ảnh người anh hùng cứu nước qua bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, qua đó để thấy được tư tưởng tình cảm của nhà cách mạng Phan Châu Trinh trong việc khắc họa, xây dựng chân dung người anh hùng mang tầm vóc lớn lao phi thường, qua đó thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng góp phần vào việc cổ vũ phong trào yêu nước của thanh niên lúc bấy giờ.
Cảm nhận về bài thơ Đập đá ở Côn Lôn
Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh
Sơ đồ tư duy bài Đập đá ở Côn Lôn
Dàn ý hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Đập đá ở Côn Lôn
Dàn ý phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn
Khái quát đặc sắc Nội dung, nghệ thuật bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

ĐỌC NHIỀU