Đề bài: Hãy phân tích và phát biểu cảm nghĩ về một số nhân vật trong truyện cổ tích
Hãy phân tích và phát biểu cảm nghĩ về một số nhân vật trong truyện cổ tích
Tuổi thơ của đứa trẻ nào mà chẳng gắn liền với cánh diều chao liệng trên bầu trời xanh ngát, với đêm trăng huyền diệu cùng lời kể chuyện dịu êm của bà. Và chắc hẳn, một điều không thể thiếu đó là những câu chuyện cổ tích, những cô Tấm, anh Khoai, Sọ Dừa,... Mỗi nhân vật với những nét tính cách và số phận khác nhau làm đầy thêm, đẹp thêm cho kí ức của con người.
"Bống bống bang bang
Lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người"
Lời Tấm gọi cá bống trong câu chuyện cổ tích Tấm Cám khiến nhiều người cảm động về tấm lòng yêu thương muôn loài của cô Tấm. Khi sinh ra, Tấm đã phải sống cùng mụ dì ghẻ và Cám - cô em gái cùng cha khác mẹ vừa ích kỉ lại nhỏ nhen. Tuy không cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ trong một mái ấm gia đình trọn vẹn nhưng Tấm vẫn là một cô gái có trái tim nhân hậu, hiền lành. Trong truyện có đoạn: "Cám được mẹ nuông chiều, được ăn trắng mặc trơn, suốt ngày quanh quẩn ở nhà không phải làm việc nặng. Còn Tấm thì phải làm lụng luôn canh, hết chăn trâu, gánh nước lại hái khoai, vớt bèo,..". Dù bị đối xử tệ bạc, như "con ở" trong nhà, bị Cám và mụ dì ghẻ nhiều lần hãm hại nhưng Tấm vẫn không một lời oán thán, trách móc mà ngược lại, nàng làm việc rất cẩn thận, chăm chỉ. Vì "ở hiền gặp lành" nên Tấm nhiều lần được Bụt giúp đỡ thoát khỏi những trò quái ác của mẹ con nhà Cám. Trải qua nhiều sự khổ cực, vất vả, cuối cùng Tấm cũng được lọt vào mắt xanh của nhà vua, được phong làm hoàng hậu - bậc mẫu nghi đứng đầu thiên hạ. Đó là thành quả xứng đáng mà dân gian dành tặng cho người con gái tài đức vẹn toàn. Hay nói cách khác, việc Tấm thoát khỏi cảnh nghèo khổ thể hiện được quan niệm của dân gian về nhân - quả trong cuộc đời. Theo đó, những kẻ xấu sẽ gặp ác giả ác báo còn người hiền lành, tốt bụng sẽ gặp được những điều an lành, may mắn. Nếu như phần đầu của tác phẩm, người đọc cảm thấy phẫn nộ vì những hành động ác độc của mẹ con Cám thì đến đây, họ được thở phào nhẹ nhõm vì cô Tấm được đền đáp xứng đáng.
Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng lại ở đó, dân gian còn để cho cô Tấm bộc lộ hết tính cách của mình ở đoạn sau tác phẩm - khi nàng bị mụ dì ghẻ và Cám hãm hại tàn độc. Kiếp luân hồi khiến Tấm phải hóa thân thành khung cửi, thành con chim vàng anh, thành quả thị thơm, thành con gái bà lão bán nước. Điều đó chứng tỏ Tấm là một nhân vật mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp và khát vọng mãnh liệt được sống, được yêu. Thế nhưng khác với những lần trước, lần này, thay vì ôm mặt khóc rưng rức, cô Tấm đã biết tự mình đấu tranh để dành lại hạnh phúc cho bản thân. Và đặc biệt, dù hóa thân vào sự vật nào thì Tấm vẫn một lòng hướng về nhà vua - người trượng phu, người chồng tay ấp tay kề với mình. Dân gian đã một lần nữa đền ơn cho cô Tấm bằng cách để nàng gặp lại nhà vua và trở về hoàng cung trong vinh hoa phú quý. Thế nhưng, liệu lần này cô Tấm có còn để yên cho những kẻ đã hãm hại mình? Chắc chắn là không bởi vì lần này, tội ác của mẹ con Cám là không thể tha thứ. Nhiều người cho rằng, hành động giết mẹ con Cám của Tấm là dã man, độc ác không phù hợp với hình tượng cô Tấm ngoan ngoãn hiền lành. Thế nhưng đó là sự lí giải hợp tình hợp lý và một lần nữa chứng tỏ được quan niệm nhân - quả của dân gian ta thuở xưa.
Hình tượng cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám từ xưa đến nay vẫn luôn là một hình tượng đẹp với nhiều người. Nàng không chỉ là hiện thân của sắc đẹp, của tài đức mà đặc biệt hơn, nàng còn là một con người có khát vọng, biết đấu tranh và biết chắt chiu hạnh phúc bé nhỏ của mình. Nếu như văn học nước ngoài nổi tiếng với Cô bé lọ lem Cinderella thì dân gian Việt Nam tự hào vì có cô Tấm - hiện thân cho vẻ đẹp của người con gái đất Việt.
Không chỉ có cô Tấm mà truyện cổ tích Việt Nam còn được nhiều người yêu thích bởi nhiều nhân vật dũng sĩ, anh hùng. Một trong số đó là nhân vật Thạch Sanh. Mặc dù vẫn được viết theo motip cũ nhưng nhân vật Thạch Sanh vẫn được nhiều độc giả yên mến bởi sức mạnh vượt trội và tình yêu tha thiết dành cho công chúa. Thạch Sanh xuất thân trong một gia đình nghèo ở tầng lớp thấp nhất của xã hội - đó là hoàn cảnh khắc nghiệt mà dân gian đưa ra nhằm thử thách cũng như thể hiện được vẻ đẹp nhân phẩm của nhân vật này. Mặc dù vậy, chàng vẫn không hề oán thán hay trách móc mà ngược lại, hài lòng với cuộc sống của mình. Với bản tính hiền lành, chất phác, Thạch Sanh đã không hề mảy may nghi ngờ Lý Thông - kẻ phản bội với âm mưu độc ác. Nhiều người cho gằng dân gian đã xây dựng hình ảnh Thạch Sanh với tính cách ngây thơ, thậm chí khù khờ. Thế nhưng qua những biến cố sau này của nhân vật đã cho thấy rằng chàng là một con người có trái tim vô cùng nhân hậu. Phần "người" thánh thiện trong Thạch Sanh lớn hơn phần "Con" đê hèn ích kỷ của những kẻ như Lý Thông.
Trong hành trình đi tìm hạnh phúc cho đời mình, Thạch Sanh nhiều lần gặp phải những biến cố. Thế nhưng mỗi lần vượt qua một cửa ải gian nan, thử thách lại là một lần vẻ đẹp của chàng được bộc lộ một cách rõ nét. Thông qua những điều đó, dân gian ta cũng muốn gửi gắm một ý nghĩa nhân văn vô cùng lớn lao: Muốn có được hạnh phúc thì tất yếu phải vượt qua những chông gai bởi nếu không có những chông gai ấy thì con người khó có thể thấu hiểu được ý nghĩa của hạnh phúc. Thạch Sanh tuy xuất thân nghèo hèn, lại không có chỗ dựa nhưng chàng đã biết vươn lên, giành lấy hạnh phúc cho chính bản thân mình. Không giống Lý Thông - vừa hèn nhát lại đê tiện.
Cuộc chiến giữa Thạch Sanh với trăn tinh, đại bàng là cuộc chiến giữa người trần mắt thịt với yêu quái độc ác. Với tất cả lòng dũng cảm cùng sự đa mưu túc trí, Thạch Sanh đã tiêu diệt yêu quái, trả lại sự bình yên cho dân làng. Thạch Sanh là nhân vật tiêu biểu cho người anh hùng thuở hồng hoang: Người quấn khố, tay cầm gươm. Mặc dù biết rằng đối phương rất mạnh nhưng vẫn không từ bỏ ý chí, chiến đấu bằng tất cả niềm tin đến hơi thở cuối cùng.
Bởi vậy mà đến cuối cùng, Thạch Sanh được đền đáp bằng hôn lễ với công chúa còn Lý Thông thì bị trời trừng phạt. Đó là kết cục đẹp của ác giả ác báo, những người tử tế sẽ được phần thưởng còn những kẻ độc ác phải chịu phạt. Hình tượng Thạch Sanh là hình tượng người anh hùng vừa bình thường lại vừa phi thường trong một con người. Phải đặt con người vào từng hoàn cảnh cụ thể thì vẻ đẹp cùng tài năng của họ mới được phát quang và tỏa sáng một cách đúng nghĩa nhất. Giống như mỗi người chúng ta, đều có mặt bình thường và phi thường. Điều quan trọng là mỗi người phải đi tìm "hòn ngọc" tỏa sáng trong chính bản thân mình.
Quả thật, những câu chuyện cổ tích tuy đã ra đời và truyền miệng từ đời này qua đời khác, thế nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị cốt lõi của nó. Mỗi nhân vật với từng hoàn cảnh, tính cách khác nhau đã mang đến những cảm xúc, suy tư khác nhau cho độc giả. Đó là những bài học đầu đời vô cùng ý nghĩa mà con người ta khó mà quên được.