Giải thích và bình luận câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm

Đề bài: Giải thích và bình luận câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Giải thích và bình luận câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm


I. Dàn ý Giải thích và bình luận câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm

1. Mở bài

Giới thiệu về câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm": Ông cha ta từ xa xưa đã nhắc nhở con cháu dù sống trong hoàn cảnh nào cũng phải sống cho trong sạch, thanh cao, điển hình là câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm"

2. Thân bài

- Giải thích:
+ Đói, rách: "Đói và rách" chính là tượng trưng cho hai yếu tố ăn và mặc, đói là trạng thái ăn không đủ no, thiếu thốn, lúc nào cũng phải lo miếng cơm ăn. Rách là biểu hiện ở quần áo mặc trên người không được lành lặn tươm tất, chắp chỗ này vá chỗ kia
+ Sạch, thơm: "Sạch và thơm" là tính từ nói chung về cách ăn uống sạch sẽ, hợp vệ sinh, mặc đồ gọn gàng, thơm tho
+ Nghĩa tường minh: Dù có đói đến đâu cũng phải tìm miếng ăn sạch sẽ để ăn, dù có phải mặc quần áo rách cũng phải giữ cho thơm tho, đừng để hôi hám bẩn thỉu...(Còn tiếp)

>> Dàn ý Giải thích và bình luận câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm đầy đủ tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Giải thích và bình luận câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm

Cuộc sống con người muôn màu muôn vẻ, biến hóa khôn lường, không ai có thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra trong cuộc đời của mình, những tai ương bất ngờ, sóng gió bất kì có thể khiến chúng ta rơi vào cảnh đường cùng, nghèo khổ, khốn khó. Trong hoàn cảnh đó, con người ta thường nghĩ đến miếng cơm manh áo nhiều hơn là quan tâm đến nhân phẩm đạo đức của mình, chính vì vậy, trở thành những người tha hóa đạo đức, suy đồi nhân cách, biến mình thành nạn nhân của cuộc sống. Ông cha ta từ xa xưa đã nhắc nhở con cháu dù sống trong hoàn cảnh nào cũng phải sống cho trong sạch, thanh cao, điển hình là câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm".

Những câu tục ngữ thường lấy những hình ảnh, vật dụng gần gũi với đời sống thường ngày của nhân dân để qua đó phản ánh quan niệm sống, răn dạy và khuyên bảo. Trong câu tục ngữ này, ông cha ta đã lấy từ cuộc sống con người hai yếu tố thiết yếu và quan trọng nhất là "ăn" và "mặc" để răn dạy chúng ta cách sống, cách làm người. Đói và rách chính là tượng trưng cho hai yếu tố ăn và mặc, đói là trạng thái ăn không đủ no, thiếu thốn, lúc nào cũng phải lo miếng cơm ăn. Rách là biểu hiện ở quần áo mặc trên người không được lành lặn tươm tất, chắp chỗ này vá chỗ kia. Sạch và thơm là tính từ nói chung về cách ăn uống sạch sẽ, hợp vệ sinh, mặc đồ gọn gàng, thơm tho. Theo nghĩa đen, câu tục ngữ nhắc nhở con người dù có đói đến đâu cũng phải tìm miếng ăn sạch sẽ để ăn, dù có phải mặc quần áo rách cũng phải giữ cho thơm tho, đừng để hôi hám bẩn thỉu. Xét theo nghĩa bóng, đói và rách ám chỉ cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn, khó khăn và bần hàn, còn sạch và thơm để chỉ lối sống trong sạch, lành mạnh, gìn giữ giá trị đạo đức con người. Dù ta có phải sống trong nghèo khổ, thiếu ăn thiếu mặc nhưng vẫn phải sống sao cho trong sạch, thanh cao và lành mạnh, hoàn cảnh càng tiêu cực bao nhiêu phải sống tích cực bấy nhiêu để giữ gìn phẩm giá con người. Câu tục ngữ đã khẳng định một quan niệm sống tốt đẹp mà mỗi người phải phấn đấu. Chúng ta ai dám chắc rằng cuộc đời mình không bao giờ rơi vào cảnh nghèo túng, khốn khó, tuy nhiên, đó chỉ là hoàn cảnh bên ngoài. Nghèo khổ có thể khiến ta thay đổi về vẻ bên ngoài không còn cao sang, đẹp đẽ, lộng lẫy nhưng không thể ảnh hưởng đến phẩm chất và nhân cách bên trong con người. Ông cha ta khuyên răn con cháu bằng mọi cách gìn giữ phẩm giá cao quý của mình, đừng để hoàn cảnh nghèo khó làm ô uế, vẩn đục và tha hóa. Dù có phải rơi vào hoàn cảnh đường cùng, bế tắc cũng không được làm điều gì trái với lòng mình, trái với đạo lý làm người. Con người ta khẳng định giá trị qua nhân cách và phẩm chất, có hơn thua nhau cũng không phải hơn thua về tiền bạc, địa vị mà hơn nhau ở cách sống, cách làm người. Sống trong hoàn cảnh nghèo hèn nhưng vẫn có được những phẩm chất đáng quý sẽ được mọi người coi trọng và kính nể hơn nhiều so với người sống trong giàu sang phú quý nhưng lại buôn gian bán lận, vi phạm pháp luật, mất đi nhân cách con người. Cùng được đặt vào hoàn cảnh túng thiếu, nghèo nàn, nợ nần chồng chất nhưng có người luôn cố gắng chăm chỉ làm ăn, tích cóp, có người lại vin vào sự nghèo đói đi trộm cắp, làm ăn bất lương chỉ cốt sao cho kiếm được nhiều tiền. Hoàn cảnh ta không thể lựa chọn nhưng ta có thể làm chủ cuộc sống, cách sống của mình sao cho không bị hoàn cảnh tha hóa. Giống như Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, dù lão sắp chết đói cũng chỉ tìm củ chuối để ăn chứ không tiêu đến tiền của con trai, đến khi chết cũng tìm cái chết đau đớn không phiền lụy đến ai, đến cả con chó khi bán đi lão cũng thấy có lỗi vì đã lừa nó. Ngược lại, nhân vật bị tha hóa tới cùng cực nhất chính là Chí Phèo, cái nghèo đói và bất công đã đưa đẩy cuộc đời Chí từ một kẻ lương thiện trở thành con quỷ của làng Vũ Đại. Ngày nay, cuộc sống của chúng ta đã được cải thiện và nâng cao hơn rất nhiều, cái nghèo cái đói không còn bủa vây khắp đất nước tuy nhiên, không vì thế mà giá trị câu tục ngữ giảm đi. Tuy chúng ta không phải ăn đói mặc rách nhưng lại gặp phải những khó khăn trong công việc và cuộc sống khiến ta rơi vào hoàn cảnh bế tắc, khi đó ta cần phải tỉnh táo, lựa chọn cho mình hướng đi và cách giải quyết khó khăn một cách phù hợp. Dù làm gì cũng phải nghĩ đến nhân cách và phẩm giá của mình, không thể bất chấp làm bất cứ việc gì để đạt được mục đích. Ví như học sinh học yếu kém không được lên lớp thì phải cố gắng chăm chỉ học tập để năm sau được lên lớp, tuyệt đối không được gian lận thi cử, hối lộ thầy cô để được lên lớp.

Câu tục ngữ "Đói cho sạch, rách cho thơm" dù ở thời đại nào vẫn giữ nguyên giá trị, có thể nói câu tục ngữ như đại diện cho nhân cách con người Việt Nam, giống như những bông hoa sen vẫn đẹp rạng rỡ thanh cao và ngát hương giữa bùn lầy. Đây là một quan niệm sống tốt đẹp, chúng ta phải gìn giữ và phát huy, luôn tự nhắc nhở bản thân mình và những người xung quanh.

-------------------HẾT--------------------

Cùng với bài Giải thích và bình luận câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm, để khám phá thêm ý nghĩa của những câu tục ngữ khác, các em có thể tham khảo thêm: Giải thích câu Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng, Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách, Giải thích câu tục ngữ Không thầy đố mày làm nên, Giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc sống ngay thẳng, trong sạch ông cha ta có câu Đói cho sạch, rách cho thơm. Để hiểu được ý nghĩa sâu sắc và thấy được tính đúng đắn của câu tục ngữ, các bạn hãy cùng tham khảo bài văn mẫu giải thích và bình luận câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm dưới đây nhé!
Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách
Rẻ rách hay giẻ rách, từ nào viết đúng chính tả?
Nghị luận xã hội Lá lành đùm lá rách
Bình luận câu tục ngữ Anh em khinh trước, làng nước khinh sau
Giải thích câu tục ngữ Có chí thì nên
Bình luận câu tục ngữ Ở hiền gặp lành

ĐỌC NHIỀU