1. Mở đầu:
- Giới thiệu vấn đề nêu ra ý kiến.
2. Triển khai:
- Nêu ý kiến của bản thân về việc đồng tình hay không đồng tình với vấn đề được đưa ra.
- Giải thích lí do đồng tình với quan niệm không nên lạm dụng thuốc kháng sinh và không đồng tình với việc sử dụng thuốc kháng sinh cho nhanh khỏi bệnh:
+ Giải thích thuốc kháng sinh.
+ Nêu thực trạng việc lạm dụng thuốc kháng sinh.
+ Nêu hậu quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh.
+ Đề xuất một số giải pháp khắc phục.
3. Kết luận:
- Khái quát, khẳng định lại vấn đề.
Trong buổi thực hành Nói và nghe: Thảo luận về một vấn đề có những ý kiến khác nhau ngày hôm nay, em xin gửi tới cô và các bạn phần trình bày của mình về vấn đề: "Có người quan niệm không nên lạm dụng thuốc kháng sinh, nhưng nhiều người lại cho rằng: khi ốm đau, tốt nhất là dùng kháng sinh cho nhanh khỏi bệnh." Kính mời cô và các bạn cùng lắng nghe.
Chắc hẳn mỗi chúng ta đều biết trong bối cảnh thế giới xuất hiện ngày càng nhiều dịch bệnh như hiện nay, mọi người không khỏi hoang mang lo lắng. Để phòng bệnh, các bạn sẽ làm gì? Tăng cường sức đề kháng bằng các loại tổng hợp vitamin hay ăn uống đủ chất? Vậy nếu trong trường hợp, chúng ta đã làm mọi cách mà vẫn nhiễm bệnh thì các bạn sẽ làm gì để chữa khỏi bệnh cho mình? Bao nhiêu bạn ngồi đây sẽ đi đến bệnh viện? Và bao nhiêu bạn ra các cửa hàng thuốc tự ý mua và sử dụng thuốc khi chưa được bác sĩ kê đơn? Thật bất ngờ vì con số này nhiều hơn mình nghĩ. Chính thói quen ấy vô tình dẫn đến việc lạm dụng thuốc kháng sinh đó nha!
Giống như các bạn, không ít người cho rằng khi ốm đau, tốt nhất là dùng kháng sinh cho nhanh khỏi và mình không hề đồng tình với ý kiến trên. Bởi việc lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ gây ra những hậu quả khó lường đối với cá nhân cũng như cộng đồng và xã hội.
Trước hết, chúng ta cần phải làm rõ khái niệm thuốc kháng sinh là gì? Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa: "Thuốc kháng sinh là những chất kháng khuẩn (antibacterial substances) tạo ra bởi các chủng vi sinh vật (nấm, vi khuẩn, Actinomycetes) có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi sinh vật khác". Do vậy, thuốc kháng sinh không thể tự tiện uống khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
Tuy nhiên, rất nhiều người dân vẫn có thói quen mua thuốc kháng sinh khi có những biểu hiện bệnh vì họ cho rằng nó là loại "thần dược" có thể chữa được bách bệnh. Dù được phổ biến về tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc nhưng nhiều dược sĩ vẫn bất chấp bán thuốc theo yêu cầu của bệnh nhân. Ngay cả bác sĩ cũng kê đơn cho người bệnh không nhiễm khuẩn và chỉ định sử dụng kéo dài, không cần thiết. Nó cho thấy lỗ hổng lớn về mặt nhận thức cũng như sự buông lỏng trong quản lí cấp, phát thuốc kháng sinh.
Hiện nay, rất nhiều nhà khoa học và người làm y tế lo ngại trước sự hiện diện của các loại siêu vi khuẩn bởi chúng có khả năng đánh bại mọi loại thuốc kháng sinh hiện hành. Nếu chúng ta sử dụng thuốc kháng sinh quá mức thì chỉ cần một vết dao nhỏ cũng có thể nhiễm trùng huyết mà tử vong.
Vậy nên, các bạn hãy nâng cao ý thức của mình về việc sử dụng thuốc kháng sinh và tuyên truyền đến tất cả mọi người trong xã hội nhé! Chỉ khi chúng ta có hiểu biết đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh dịch, bản thân mỗi người mới coi trọng sức khỏe của chính mình. Chúng ta không nên giao phó tính mạng cho những người không có chuyên môn, trình độ; đi khám khi có bệnh và chỉ mua, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Mọi người hãy chung tay vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng nhé!
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Kính mong nhận được sự góp ý của cô và các bạn để bài chuẩn bị của em ngày một hoàn thiện hơn. Em xin cảm ơn ạ!
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Từ những gợi ý trên, các em có thể viết bài văn nghị luận theo văn phong của mình. Chúc các em đạt kết quả cao trong học tập và đừng quên tham khảo thêm bài văn mẫu lớp 10 khác như:
- Em hãy trình bày ý kiến của mình về hai quan niệm không nên lạm dụng thuốc kháng sinh và nên dùng kháng sinh cho nhanh khỏi bệnh
- Trình bày ý kiến của em về các ý kiến cho rằng nhân vật Thị Mầu là người lẳng lơ, xấu tính và Thị Mầu là người dám sống thực với mình, đáng thương hơn đáng trách