1. Mở đầu:
- Lời chào và giới thiệu.
- Giới thiệu sơ lược về bài hát "Làng tôi" của Văn Cao.
2. Nội dung chính:
a, Sơ lược vài nét về nhạc sĩ Văn Cao:
- Văn Cao là một trong những cái tên có tầm ảnh hưởng nhất đối với nền âm nhạc hiện đại của nước nhà trong thế kỉ XX.
- Ông vừa là nhạc sĩ, vừa là nhà thơ, họa sĩ, chiến sĩ biệt động ái quốc.
- Tuy không được đào tạo bài bản nhưng tất cả những sáng tác của ông đều rất giàu ý nghĩa, được đông đảo quần chúng đón nhận.
- Một vài các sáng tác tiêu biểu của Văn Cao:
+ "Tiến quân ca" - bài quốc ca chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
+ Những bài hát mang âm hưởng hào hùng để cổ vũ kháng chiến: "Trường ca Sông Lô", "Tiến về Hà Nội",...
b, Giới thiệu bài hát "Làng tôi":
- Khái quát chung:
+ Được sáng tác năm 1947.
+ Được con trai nhạc sĩ giới thiệu là tác phẩm của Văn Cao dành tặng cho vợ thay quà cưới.
- Giá trị nội dung:
+ Mô tả cảnh làng quê Việt Nam yên vui, thanh bình.
+ Kể lại sự tàn phá của giặc Pháp.
+ Tái hiện tinh thần dũng cảm của nhân dân Việt Nam khi chiến đấu chống lại quân thù, bảo vệ quê hương.
+ Thể hiện niềm tin mãnh liệt vào tương lai thắng lợi.
- Giá trị nghệ thuật:
+ Bài hát được viết ở nhịp 6/8; điệu van-xơ nhịp nhàng, sâu lắng, giàu tình cảm; theo nhịp của tiếng chuông nhà thờ.
+ Bố cục gọn gàng, chặt chẽ.
c, Đánh giá:
- Bài hát như một sự tổng hòa giữa thi ca, âm nhạc và hội họa.
- Đem đến cái nhìn đầy xúc cảm về cuộc sống, cuộc chiến đấu của con người.
- Bài hát đạt được nhiều thành tựu đáng kể, minh chứng cho tài năng của tác giả.
3. Kết thúc:
- Khái quát lại vấn đề đã trình bày.
- Lời kết.
Xin chào cô và các bạn!
Trong buổi thuyết trình ngày hôm nay, mình xin phép giới thiệu đến mọi người một bài hát vô cùng ý nghĩa. Đó chính là "Làng tôi" của nhạc sĩ Văn Cao.
Cái tên Văn Cao đã không còn quá xa lạ đối với những người dân Việt Nam. Ông chính là tác giả bài "Tiến quân ca" - bản quốc ca chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy chưa từng được đào tạo bài bản trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng các tác phẩm của ông đều rất giàu giá trị, nhận được sự đón nhận của đông đảo quần chúng nhân dân.
Bài hát "Làng tôi" ra đời năm 1947. Nhạc phẩm đã thành công tái hiện khung cảnh làng quê Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp. Nơi ấy thanh bình, yên ả với lũy tre, con sông, bến đò, tiếng chuông nhà thờ vang vọng trong chiều tà,... Thế nhưng giặc Pháp đã đến và tàn phá hết thảy. Bằng lòng dũng cảm cùng tình yêu nước, yêu quê hương da diết, cháy bỏng, nhân dân ta đã đứng lên đánh giặc. Từ đó giành lại độc lập, tự cho cho Tổ quốc.
Nhạc phẩm này không chỉ mang giá trị nội dung sâu sắc mà còn thể hiện được tài năng nghệ thuật của tác giả. Văn Cao đã tận dụng nhịp 6/8 cùng tiếng chuông nhà thờ để đem âm hưởng quen thuộc, thân thương thổi vào tác phẩm. Bài hát như điệu van-xơ nhịp nhàng, sâu lắng, đầy cảm xúc. Bên cạnh đó, với bố cục mở - thân - kết rõ ràng, chặt chẽ, "Làng tôi" cũng thành công truyền tải một câu chuyện hoàn chỉnh.
Chỉ một bài hát đơn giản nhưng "Làng tôi" lại mang đến nhiều suy tư, cảm xúc cho người nghe. Mình rất mong mọi người có thể thử trải nghiệm, lắng nghe bài hát này ít nhất một lần để cảm nhận rõ hơn thông điệp Văn Cao muốn gửi gắm.
Rất cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe!
Xin chào cô và các bạn!
Như mọi người đã biết, Văn Cao là một trong những cái tên có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với nền âm nhạc Việt Nam vào thế kỉ XX. Các sáng tác của ông cho đến tận bây giờ vẫn còn giữ nguyên được giá trị sâu sắc. Một vài nhạc phẩm tiêu biểu có thể kể đến "Tiến quân ca" - bài quốc ca chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hay những bài hát mang âm hưởng hào hùng để cổ vũ kháng chiến như "Trường ca Sông Lô", "Tiến về Hà Nội",...
Trong số đó, bản thân mình cảm thấy ấn tượng nhất với bài hát "Làng tôi". Được sáng tác vào năm 1947, đây là tác phẩm Văn Cao dành tặng cho vợ thay cho quà cưới.
Bài hát đã thành công mô tả khung cảnh thanh bình của làng quê Việt Nam. Đó là những bóng tre xanh, bóng cau với con thuyền, với dòng sông yên ả. Nơi ấy còn văng vẳng tiếng chuông nhà thờ vào ban chiều. Bức tranh đồng quê đã được nhạc sĩ cảm nhận bằng cả thị giác và thính giác. Không chỉ vậy, Văn Cao còn nói lên được những tội ác của quân Pháp. Chúng "tới làng triệt thôn", "phá tan nhà thờ xưa", khiến cho "đường ngập bao xương máu", "đồng không nhà trống tan hoang". Và như một lẽ tất yếu, nhân dân ta đã đứng lên chống trả, "cướp súng quân thù trả thù xưa". Đến cuối cùng, Cách mạng thắng lợi. Con người một lần nữa "chào đón ngày mai" độc lập, hòa bình. "Làng tôi" lấy lại được vẻ thanh bình. Tiếng chuông nhà thờ lại vang lên đầy rộn rã.
Bên cạnh thành công về mặt nội dung, bài hát còn ẩn chứa giá trị nghệ thuật đặc sắc. "Làng tôi" có nhịp 6/8 vô cùng uyển chuyển, mang lại nhiều cảm xúc cho người nghe. Thêm vào đó, bài hát dựa theo điệu van-xơ cùng nhịp của tiếng chuông nhà thờ, tạo cảm giác quen thuộc, thân thương vô cùng. Bằng tài năng của mình, Văn Cao đã sắp xếp bố cục bài nhạc hết sức gọn gàng, chặt chẽ.
Có thể nói, "Làng tôi" như một sự tổng hòa giữa các môn nghệ thuật. Từ âm nhạc, thi ca đến cả hội họa. Nó đã đem lại cái nhìn đầy xúc động về cuộc sống, về sự đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc thân yêu. Thu về nhiều thành tựu đáng ngưỡng mộ, tác phẩm chính là minh chứng cho tài năng của nhạc sĩ Văn Cao.
Trên đây là những chia sẻ của mình về bài hát "Làng tôi". Các bạn hãy thử tự mình nghe để cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa tác phẩm nhé.
Rất cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe!
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Khi giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật, em hãy chú ý đưa các thông tin vào một cách khách quan và logic nhất. Từ đó, làm nổi bật lên cái hay, cái giá trị mà tác phẩm mang lại. Mời em tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 11 khác trên Taimienphi.vn như: Trình bày suy nghĩ về vẻ đẹp của một bức tranh hoặc pho tượng; Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, vở kịch hoặc bài hát; Phân tích một đoạn trích trong Truyện Kiều...