Đề bài: Đoạn văn Phân tích số phận bi kịch và vẻ đẹp của Vũ Nương
Đoạn văn Phân tích số phận bi kịch và vẻ đẹp của Vũ Nương
I. Dàn ý:
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ, tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương", vấn đề cần phân tích: số phận bi kịch và vẻ đẹp của Vũ Nương.
2. Thân đoạn:
a. Số phận bi kịch:
* Gia đình chia ly vì chiến tranh:
- Vũ Nương và chồng "sum vầy chưa được bao lâu" thì Trương Sinh bị "bắt lính đi đánh giặc Chiêm".
→ Đây là nguyên nhân gián tiếp gây ra số phận đau khổ của Vũ Nương
* Bị chồng nghi oan là thất tiết:
- Trương Sinh đi lính 3 năm là 3 năm Vũ Nương ở nhà một mình lo con nhỏ, chăm mẹ già.
- Vì một lời nói của con nhỏ, Trương Sinh một mực nghi oan cho nàng là thất tiết.
- Trương Sinh "nói bóng gió này nọ" và "mắng nhiếc", "đánh đuổi nàng đi".
→ Đây là nguyên nhân trực tiếp gây nên số phận bi kịch của nàng.
b. Vẻ đẹp của Vũ Nương:
- Nàng là một người con dâu hiếu thảo, một người vợ thuỷ chung, một người mẹ yêu thương con sâu sắc:
+ Chồng vắng nhà, Vũ Nương vừa sinh con, vừa chăm mẹ già yếu.
+ Nàng là một người vợ thuỷ chung: ba năm chồng chinh chiến xa nhà, nàng luôn một lòng chờ chồng, mong ngóng chồng trở về.
+ Nàng cũng rất yêu thương con: Lo con thiếu vắng tình yêu thương của cha nên nàng đã cùng con chơi trò "trỏ bóng" trên vách rồi bảo đó là "Cha Đản" để con nàng luôn cảm nhận được có cha ở bên.
- Nàng cũng là một người phụ nữ trọng danh dự:
+ Khi bị chồng nghi oan là thất tiết, Vũ Nương đã vô cùng đau khổ, hết lời "biện bạch" với chồng.
+ Đến khi chồng nàng không tin, nhất quyết "đánh đuổi đi", Vũ Nương đánh chọn cách "gieo mình xuống sông mà chết" để chứng minh sự trong sạch của bản thân.
- Nàng cũng là người phụ nữ rất trọng tình nghĩa:
+ Dù ở thuỷ chung nhưng Vũ Nương vẫn luôn hướng về quê cũ. Khi nghe Phan Lang kể về quê cũ, nàng đã "ứa nước mắt" mà nói rằng "tất tìm về có ngày".
+ Nàng luôn nhớ ơn cứu mạng của Đức Linh Phi, vậy nên dù có thể trở về nhân gian nhưng nàng quyết giữ trọn lời thề với Linh Phi "sống chết cũng không bỏ".
c. Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Vũ Nương được xây dựng trên cảm hứng lãng mạn: Ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp của người phụ nữ, tố cáo những bất công đã gây nên số phận bi kịch của họ.
3. Kết đoạn:
- Khẳng định vấn đề, tài năng của tác giả.
II. Bài văn mẫu:
1. Bài văn mẫu 1:
"Chuyện người con gái Nam Xương" là một trong những câu chuyện hay nhất tác phẩm "Truyền kì mạn lục" của nhà văn Nguyễn Dữ. Nhân vật chính trong tác phẩm là Vũ Nương, một người con gái nết na, xinh đẹp nhưng lại có một số phận bi kịch. Số phận bi kịch của nàng mở đầu bằng việc chồng nàng bị bắt đi lính "đánh giặc Chiêm". Một gia đình nhỏ vừa "sum vầy chưa được bao lâu" đã phải chia ly vì chiến tranh. Chồng Vũ Nương đi lính 3 năm là 3 năm nàng ở nhà một tay gánh vác gia đình, chăm con nhỏ mới sinh lại chăm mẹ già yếu ớt. Thế nhưng khi chồng nàng trở về, chỉ vì một câu nói ngây dại của đứa con nhỏ "Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư?...Trước đây, thường có một người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả" mà đã nghi oan cho nàng là thất tiết. Mặc dù nàng hết lời biện bạch, hàng xóm cũng hết lời "bênh vực" nhưng Trương Sinh - chồng nàng vẫn nhất mực "mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi". Đó chính là hai nguyên nhân đã tạo nên số phận bi kịch và cái chết của Vũ Nương. Mặc dù có số phận bi kịch nhưng Vũ Nương vẫn mang trong mình những vẻ đẹp, những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Nàng hiện lên trong trang văn là một người vợ thủy chung, một người con có hiếu và một người mẹ giàu lòng thương con. Khi chồng phải đi lính xa nhà, Vũ Nương đã thay chồng lo lắng cho mẹ già, khi mẹ ốm "hết sức thuốc thang lễ bái thần phật" và "lấy lời ngọt ngào khuyên lơn". Đến khi mẹ chồng mất. nàng cũng trọn đạo hiếu "ma chay, tế lễ, lo liệu như với cha mẹ đẻ của mình". Ba năm chồng đi xa, nàng một lòng ở nhà sinh con, chờ đợi chồng. Nàng thương con nên đã "trỏ bóng" trên vách và bảo với con là "cha Đản" để con không thấy thiếu vắng tình yêu thương của cha. Thế nhưng tất cả mọi công sức của nàng đều bị chồng nàng vứt bỏ, hắn đã "một mực nghi oan" cho nàng là thất tiết. Là một người phụ nữ trọng danh dự, Vũ Nương đã quyết lấy cái chết "gieo mình xuống sông" Hoàng Giang để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Sống ở chốn cung điện nguy nga dưới sông nhưng nàng vẫn mong nhớ về quê cũ, "ứa nước mắt" khi được Phan Lang kể về chuyện quê nhà. Và cũng chính vì tấm lòng nghĩa tình ấy, nàng đã chọn ở lại thuỷ cung vì đã nhận ơn cứu sống của Đức Linh Phi, "thể sống chết cũng không bỏ" người. Nguyễn Dữ đã xây dựng Vũ Nương là một người phụ nữ mang những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Vẻ đẹp cũng như số phận oan nghiệt của nàng là tiêu biểu cho những người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến xưa.
2. Bài văn mẫu 2
Những người phụ nữ trong xã hội xưa thường phải chịu nhiều bất công, định kiến nghiệt ngã của xã hội. Họ có số phận bi kịch dù họ có tài năng, có vẻ đẹp hơn người. Nhân vật Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của tác giả Nguyễn Dữ là một người phụ nữ như thế. Nàng xinh đẹp và có những phẩm chất tốt đẹp, đáng quý nhưng lại có số phận bi kịch vô cùng. Bi kịch đầu tiên của Vũ Nương là bi kịch phải chia ly gia đình vì chiến tranh. Vợ chồng nàng vừa "sum vầy chưa được bao lâu" thì chồng nàng - Trương sinh vì "ít học" mà bị "bắt lính đi đánh giặc Chiêm". Một gia đình hạnh phúc bị chia cắt bởi cuộc chiến tranh phi nghĩa và đó cũng là nguyên nhân gây ra bi kịch thứ hai, bị nghi oan của Vũ Nương. Ba năm Trương Sinh đi lính trở về nhưng lại vì một lời nói ngây thơ của con trẻ "Ô hay! Ông cũng là cha tôi ư?" mà nghi ngờ vợ mình đã thất tiết. Chàng chẳng hề kể cho vợ, chỉ một mực "lấy chuyện bóng gió này nọ mà mắng nhiếc, và đánh đuổi nàng đi". Hai bi kịch của cuộc đời Vũ Nương bắt nguồn từ chiến tranh phi nghĩa và "tính đa nghi" của chồng nàng gây ra. Dù số phận của nàng có oan trái, khắc nghiệt nhưng ở Vũ Nương ta vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của một người phụ nữ truyền thống. Nàng là người con dâu hiếu thảo, là người vợ thuỷ chung và cũng là một người mẹ yêu thương con vô cùng. Ba năm Trương Sinh đi lính, Vũ Nương vừa sinh con vừa lo chăm sóc mẹ già đau ốm. Nàng không chỉ "hết sức thuốc thang lễ bái thần phật" mà còn luôn "lấy lời ngọt ngào khôn khéo" mà khuyên mẹ chồng. Đến khi mẹ chồng mất, nàng cũng lo đủ "ma chay tế lễ" như với "cha mẹ đẻ mình". Chồng đi lính xa nhà nhưng nàng một lòng chờ chồng, gánh vác việc gia đình. Vì sợ con trai thiếu vắng tình yêu thương của cha mà nàng mới cùng con chơi trò "trỏ bóng" trên vách rồi bảo con là "cha Đản" để con nàng không cảm thấy thiếu vắng cha. Thế nhưng đó lại chính là nguyên nhân gây ra bi kịch cho cuộc đời nàng. Đến khi bị chồng "mắng nhiếc", "đánh đuổi đi", Vũ Nương đã dùng những lời lẽ hết lòng đẻ "biện bạch" nhưng vô tác dụng. Vậy nên, nàng đành thề với trời rồi "gieo mình xuống sông mà chết" để chứng minh cho sự trong sạch của mình cũng là giữ lấy danh dự của một người phụ nữ. Vũ Nương còn là một người phụ nữ trọng nghĩa tình vô cùng. Sống trong cảnh lầu son gác tía chốn thuỷ cung, nhưng nàng không lúc nào nguôi nhớ về quê cũ. Khi gặp Phan Lang, nghe Phan Lang nhắc về quê nhà, Vũ Nương đã "ứa nước mắt" mà nói "tất phải tìm về có ngày". Nhưng cũng vì là một người phụ nữ trọng tình trọng nghĩa mà Vũ Nương đã quyết không bỏ Linh Phi vì nàng đã nhận ơn cứu giúp của Linh Phi cũng như lập lời "thề sống chết không bỏ". Vũ Nương đã được tác giả Nguyễn Dữ dựng lên với vẻ đẹp và số phận đại diện cho những người phụ nữ trong xã hội phong kiến đương thời. Qua nhân vật Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã bày tỏ sự cảm thương sâu sắc cho số phận cũng như ca ngợi vẻ đẹp của những người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến xưa.
3. Bài văn mẫu 3
Qua tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của tác giả Nguyễn Dữ, ta có thể thấy được những đức tính, vẻ đẹp truyền thống của những người phụ nữ Việt Nam cũng như số phận oan trái của họ dưới chế độ phong kiến thông qua nhân vật Vũ Nương. Vũ Nương là một người con gái không chỉ "thuỳ mị, nết na" mà còn có "tư dung" tốt đẹp. Vậy nhưng nàng lại phải gánh lấy số phận vô cùng bi kịch và phải lấy cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Nàng và Trương Sinh "sum vầy chưa được bao lâu" thì chồng nàng bị "bắt lính đi đánh giặc Chiêm". Đây chính là nguyên nhân gián tiếp gây nên nỗi bi kịch đầy nước mắt của Vũ Nương. Trong thời gian Trương Sinh đi lính, Vũ Nương đã một mình gánh vác gia đình, làm tròn bổn phận của người con, người vợ, người mẹ. Hơn ba năm chồng chinh chiến xa nhà, nàng vừa sinh con, lo cho con, lại vừa chăm mẹ già đang đau buồn vì nhớ con trai. Mẹ chồng bệnh, Vũ Nương "hết sức thuốc thang lễ bái thần phật", lại thêm "lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn" để mẹ già được an lòng. Tới khi mẹ chồng mất, nàng cũng "hết lời thương xót", lo "việc ma chay tế lễ" như đối với "cha mẹ đẻ mình". Và không chỉ thế, nàng còn là người chinh phụ chờ chồng đầy thuỷ chung, son sắt. Với con, nàng yêu con, lo con thiếu tình thương của cha nên đã bày trò "trỏ bóng" trên tường rồi gọi là "cha Đản" để con nàng cảm nhận luôn được sống trong tình yêu của cha. Bi kịch thay, lời nói ngây thơ của con trẻ cùng sự đa nghi của Trương Sinh đã đẩy nàng vào bi kịch không lối thoát. Trương Sinh đi lính xa nhà, khi về vì tin lời ngây thơ của con trẻ thì một mực nghi oan cho nàng, thậm chí "mắng nhiếc, và đánh đuổi đi" mặc cho Vũ Nương có giải thích thế nào. Đây là bi kịch trực tiếp đã dồn Vũ Nương vào tới đường cùng. Để bảo trọng danh dự của mình, để chứng minh cho sự trong sạch của bản thân, Vũ Nương đã chọn "gieo mình xuống sông mà chết" sau bao lời "biện bạch" với chồng nhưng đều vô ích. Thế nhưng khi chết đi, Vũ Nương vẫn là người phụ nữ trọng nghĩa tình. Nàng không chỉ luôn nhớ về quê cũ mà còn luôn ghi nhớ ơn nghĩa của Đức Linh Phi đã cứu sống mình. Vậy nên khi nghe Phan Lang kể về quê nhà, Vũ Nương đã "ứa nước mắt" mà nói rằng "tất tìm về có ngày". Và nàng dù có thể trở về nhân gian sau khi được minh oan, nhưng vì lời thề "sống chết cũng không bỏ" nên nàng chọn ở lại chốn thuỷ cung này mãi mãi bên cạnh Linh Phi. Nguyễn Dữ đã xây dựng nhân vật Vũ Nương bằng cảm hứng nhân đạo sâu sắc. Qua "Chuyện người con gái Nam Xương", nhà văn Nguyễn Dữ đã ca ngợi những đức tính tốt đẹp của họ, đồng thời tố cáo xã hội đã đẩy họ vào bi kịch đau khổ.
---------------HẾT----------------
Để tìm hiểu thêm về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương cũng như tác phẩm Truyền kì mạn lục của nhà văn Nguyễn Dữ, mời các bạn đón đọc thêm các bài viết khác của chúng tôi như: Phân tích lời thoại của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, Cảm nhận về bi kịch của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, Thuyết minh về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích nhân vật Trương Sinh trong Chuyện người con gái Nam Xương.