Đoạn văn phân tích hình ảnh Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng hay nhất

Đề bài: Đoạn văn phân tích hình ảnh Chiếc lược ngà

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Đoạn văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.
3. Bài mẫu số 3.
4. Bài mẫu số 4.
5. Bài mẫu số 5.

Viết đoạn văn cảm nhận về Chiếc lược ngà  hay ngắn gọn


I. Dàn ý Đoạn văn phân tích hình ảnh Chiếc lược ngà ngắn gọn (Chuẩn)

1. Mở đoạn:

- Giới thiệu tác giả , tác phẩm, hình ảnh chiếc lược ngà.

2. Thân đoạn:

a. Là biểu tượng của tình phụ tử sâu nặng của cha con ông Sáu:

- Đối với ông Sáu:
+ Chiếc lược ngà là lời hứa với đứa con gái bé bỏng ông yêu thương hết lòng trước khi trở lại chiến trường.
+ Là kỉ vật chứa đựng tình cha con sâu nặng mà ông tạo ra bằng tất cả yêu thương dành cho con.

- Đối với bé Thu:
+ Chiếc lược là kỉ vật duy nhất mà ba của cô - ông Sáu để lại cho cô
+ Nó là biểu tượng cho tình cảm sâu nặng mà ba cô dành tới cho cô.

b. Hình ảnh chiếc lược ngà còn gợi ra những đau thương do chiến tranh gây ra:

- Chiếc lược ngà là minh chứng cho sự ác liệt của chiến tranh mà đế quốc Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam.
- Chiến tranh đã khiến cho bao gia đình Việt Nam phải chia cắt, xa lìa vĩnh viễn như cha con ông Sáu.

3. Kết đoạn:

- Khẳng định ý nghĩa của hình ảnh Chiếc lược ngà.


II. Bài văn mẫu Đoạn văn phân tích hình ảnh Chiếc lược ngà hay nhất


1. Đoạn văn phân tích hình ảnh Chiếc lược ngà hay ngắn, mẫu 1 (Chuẩn)

Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn nổi tiếng của Nam Bộ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông có nhiều tác phẩm hay viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong đó phải kể tới truyện ngắn "Chiếc lược ngà". Hình ảnh chiếc lược ngà là một trong những chi tiết đặc sắc nhất trong tác phẩm, đó không chỉ là món quà của ông Sáu tặng cho bé Thu mà còn là biểu tượng cho tình phụ tử sâu nặng. Chiếc lược ngà là kỉ vật cuối cùng mà ông Sáu - một chiến sĩ người Nam Bộ gửi lại cho con gái của mình. Đối với ông Sáu, chiếc lược ấy chứa đựng tình yêu thương, niềm mong mỏi và cả "nỗi hối hận đánh con" của ông. Nó là thứ kỉ vật ông đã hứa mang về cho đứa con gái nhỏ mà ông chỉ mới được gặp có hai lần. Khi nhặt được "khúc ngà", ông Sáu đã "hớn hở như một đứa trẻ được quà". Và từ hôm đó, "những lúc rỗi", ông Sáu lại "thận trọng, tỉ mỉ và cố công" cưa từng chiếc răng lược. Đến khi hoàn thành chiếc lược nhỏ, ông Sáu còn "gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: Yêu nhớ tặng Thu con của ba". Có thể thấy, chiếc lược ấy chứa đựng bao nhiêu là tình yêu thương của người cha dành cho con mình. Còn với bé Thu, chiếc lược ngà ấy là biểu tượng, là kỉ vật tượng trưng cho tình thương của cha. Chiếc lược ấy là hiện thân của người cha mà bé Thu đã phải xa cách lâu ngày. Không chỉ biểu tượng cho tình phụ tử thắm thiết của cha con ông Sáu, bé Thu, nó còn là hình ảnh gợi cho ta những khốc liệt, đau thương của chiến tranh. Chiến tranh đã cướp đi của bé Thu người cha mà bé yêu quý, cướp đi tuổi thơ, hạnh phúc bên người cha của cô, khiến gia đình cô phải chia cắt vĩnh viễn. Hình ảnh chiếc lược ngà là chi tiết hay và đắt giá trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng. Nó là minh chứng cho tình phụ tử mãnh liệt, không thể chia cắt, là biểu tượng cho những đau thương của chiến tranh gây nên.


2. Đoạn văn phân tích hình ảnh Chiếc lược ngà siêu hay, mẫu 2 (Chuẩn)

Những chi tiết nhỏ có thể tạo nên thành công cho một tác phẩm và chi tiết hình ảnh chiếc lược ngà trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một chi tiết như thế. Không chỉ thể hiện tình cảm cha con thắm thiết sâu nặng giữa hai cha con ông Sáu và bé Thu, hình ảnh chiếc lược ngà trong tác phẩm còn gợi ra cho ta những đau thương mà chiến tranh gây ra cho con người, nhân dân Việt Nam. Trong giây phút chia tay, ông Sáu đã hứa làm tặng cho bé Thu một chiếc lược ngà. Chính vì thế khi nhặt được một khúc ngà ở trong rừng, ông Sáu đã "hớn hở như một đứa trẻ được quà". Tình phụ tử sâu nặng làm động lực cho ông ngày đêm "thận trọng, tỉ mỉ và cố công" để "cưa từng chiếc răng lược". Và khi chiếc lược đó được hoàn thành, nó là cầu nối cho tình cha con của ông, để mỗi lần nhớ con, ông đều mang nó ra ngắm. Chiếc lược ấy đã phần nào "gỡ rối" cho tâm trạng nhớ con của ông Sáu, cũng phần nào làm ông bớt đi niềm "hối hận đánh con" ngày trước. Chiếc lược ấy chứa được tất cả những yêu thương, mong nhớ xa cách lâu ngày ông dành cho con gái nhỏ của mình. Thế nhưng, chiến tranh tàn nhẫn đã không để ông được trao tận tay con gái chiếc lược yêu thương ấy. Đến tận khi hi sinh, trong lòng ông Sáu "tình cha con là không thể chết được", ông "móc cây lược", nắm chặt trong tay cho tới khi bác Ba hứa sẽ mang về cho bé Thu, ông mới "nhắm mắt đi xuôi". Chiếc lược ngà là thứ kỉ niệm, là cầu nối, là tình yêu thương hết lòng của người cha dành cho con. Và không chỉ thế, khi nhìn thấy chiếc lược ngà ấy, chúng ta còn thấy được những đau thương, chua xót mà chiến tranh đế quốc Mỹ đã gây ra cho dân tộc Việt Nam. Chiếc lược ấy là minh chứng cho sự tàn ác, khốc liệt của những bom đạn kẻ thù đã chia cắt đi tình phụ tử sâu nặng giữa cha con ông Sáu. Chiến tranh đã khiến ông Sáu phải rời xa đứa con gái yêu thương mãi mãi và bé Thu vĩnh viễn mất đi người cha yêu quý của mình. Hình ảnh chiếc lược ngà trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã để lại cho ta nhiều ấn tượng sâu sắc.


3. Đoạn văn phân tích hình ảnh Chiếc lược ngà ngắn gọn của HSG, mẫu 3 (Chuẩn)

Hình ảnh chiếc lược ngà là một trong những chi tiết hay và đắt giá nhất trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng. Chiếc lược ngà xuất hiện ở phần cuối của tác phẩm, đó là món quà đặc biệt mà ông Sáu làm tặng cho bé Thu. Chiếc lược ngà được ông Sáu "thận trọng, tỉ mỉ và cố công" "cưa từng chiếc răng" trên khúc ngà. Và khi chiếc lược được hoàn thành, ông đã "gò lưng, tỉ mẩn khắc" lên thân lược dòng chữ "Yêu nhớ tặng Thu con của ba". Dòng chữ đó chứa đựng tất cả những nỗi niềm yêu thương, mong nhớ trong xa cách của ông dành cho con gái bé bỏng của mình. Thế nhưng, chiến tranh ác liệt, ông Sáu đã chẳng kịp trao tận tay con gái của mình chiếc lược chứa đựng yêu thương đó. Đến tận lúc hi sinh, trong lòng ông Sáu vẫn chỉ có "tình cha con là không thể chết được", ông đã "móc cây lược" trao lại cho bác Ba - người bạn thân của mình rồi mới có thể ra đi. Còn với con gái của ông - bé Thu, chiếc lược ấy là thứ kỷ vật duy nhất của người ba thân của cô để lại, là minh chứng chứng minh cho tình yêu con tha thiết mà ba cô muốn dành đến cho cô con gái nhỏ. Hình ảnh chiếc lược ngà đó còn in đậm trong tâm trí người đọc chúng ta bởi nó là kí ức của những đau thương chiến tranh đế quốc Mỹ đã gây nên cho dân tộc Việt Nam. Nó là bằng chứng, là lời tố cáo cho những tang thương, đau đớn, cho sự chia cắt gia đình, chia cắt tình cảm phụ tử sâu nặng. Có thể nói chi tiết hình ảnh chiếc lược ngà là một chi tiết vô cùng đặc sắc trong tác phẩm Chiếc lược ngà. Nó đã giúp tác giả làm sáng rõ tình cảm cha con thắm thiết, sâu nặng của tình phụ tử trong chiến tranh.
 

4. Đoạn văn phân tích hình ảnh Chiếc lược ngà hay ngắn, mẫu 4

4.1. Dán ý Phân tích ý nghĩa chi tiết chiếc lược ngà trong truyện ngắn Chiếc lược ngà:

4.1.1. Mở đoạn: Giới thiệu hình ảnh chiếc lược ngà trong truyện ngắn cùng tên.

4.1.2. Thân đoạn:
- Đối với bé Thu: Chiếc lược ngà là lời hứa về món quà khi trở về của ông Sáu dành cho bé Thu trong ngày hai người chia tay. Đó chính là lời hứa trở về của ông Sáu dành cho bé Thu.
- Đối với ông Sáu: Chiếc lược ngà là kỉ vật cuối cùng của người cha trước lúc hi sinh. Nó chứa đựng bao nhiêu tình cảm yêu mến, thương nhớ, mong đợi của người cha đối với đứa con đã xa cách lâu ngày.
- Đối với bác Ba: Chiếc lược ngà là đồ vật trao tay khiến cho mối quan hệ cha - con giữa bác Ba và bé Thu được nảy nở.
- Chiếc lược ngà là kết tinh của tình phụ tử mộc mạc, đằm thắm mà sâu xa, đơn sơ mà kì diệu biết bao.
- Chiếc lược ngà cũng là chứng tích nỗi đau do chiến tranh và kẻ thù xâm lược gây ra. 

4.1.3. Kết đoạn: Khái quát lại ý nghĩa của hình ảnh chiếc lược ngà.

4.2. Viết đoạn văn phân tích ý nghĩa hình tượng Chiếc lược ngà

Mỗi một tác phẩm sẽ có một hoặc nhiều hình ảnh biểu tượng đại diện cho tư tưởng, chủ đề của tác phẩm ấy. Hình ảnh chiếc lược ngà trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Quang Sáng cũng vậy. Đó chính là kết tinh của tình phụ tử sâu nặng. Chiếc lược xuất hiện đầu tiên trong lời chia tay của bé Thu: "Ba về! Ba mua cho con một chiếc lược nghe ba!". Đó chính là lời hẹn của hai cha con về ngày đoàn tụ. Khi quay lại chiến trường, ông Sáu tình cờ tìm được một khúc ngà voi, bèn quyết định tự tay làm một chiếc lược ngà tặng con. Ông đã dồn rất nhiều tâm huyết vào việc chế tác chiếc lược: "cưa từng chiếc răng thân trọng, tỉ mỉ như người thợ bạc", biến nó trở thành một vật báu thiêng liêng, chứa đựng biết bao niềm thương, nỗi nhớ của ông dành cho con gái. Mỗi lần ngắm nhìn chiếc lược ngà thì nỗi nhớ con lại càng dâng trào trong ông nhưng cũng chính nó đã phần nào xoa dịu nỗi ân hận khi đã đánh con lúc trước. Nhưng trớ trêu thay, vật báu đó chưa kịp đến tay bé Thu thì ông Sáu đã hi sinh. Trước lúc nhắm mắt, ông không còn sức trăn trối mà chỉ dành được chút hơi tàn cuối cùng để trao chiếc lược cho người đồng đội. Từ đó, tác giả Nguyễn Quang Sáng đã lên án chiến tranh đã khiến cho con người phải chia lìa, xa cách với gia đình mình. Sau đó, chiếc lược ngà đã biến người đồng đội của ông Sáu – bác Ba, trở thành người cha thứ hai của bé Thu. Qua đó, ta thấy rõ được chiếc lược ngà là biểu tượng cho tình phụ tử thiêng liêng, bất diệt.

5. Cảm nhận của em về hình tượng Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng - mẫu số 5

Nguyễn Quang Sáng là nhà văn nổi tiếng trong mặt trận Nam Bộ. Từ những trải nghiệm quý báu, ông đã viết nên rất nhiều áng văn hay, cảm động về cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân, trong đó có truyện ngắn "Chiếc lược ngà". Hình ảnh chiếc lược do nhà văn sáng tạo ra trong tác phẩm này mang rất nhiều ý nghĩa. Đầu tiên, chiếc lược ngà đại diện cho tình phụ tử thiêng liêng, cao cả, bất diệt. Đó chính là ý nghĩa quan trọng, rõ ràng nhất, cũng là nội dung chính mà tác phẩm muốn đề cập. Đối với mỗi nhân vật khác nhau, chiếc lược lại mang những giá trị riêng. Bé Thu sau khi chấp nhận chia tay để ba ra chiến trường đã nói: "Ba về! Ba mua cho con một chiếc lược nghe ba!". Đây chính là một lời hẹn ước, một sự cam kết cho ngày mà cả gia đình được đoàn tụ bên nhau. Sau này, cây lược cũng trở thành kỉ vật duy nhất mà giữa hai cha con. Ông đã tự tay làm chiếc lược ngà để tặng con gái Ông đã gửi tất cả nỗi nhớ, tình yêu thương con của mình vào chiếc lược ngà, ngày đêm mong được gặp con. Thế nhưng niềm mong ước ấy chưa thành hiện thực thì anh đã hi sinh. Ngoài ra, thông qua hình tượng chiếc lược ngà, tác giả Nguyễn Quang Sáng còn phản ánh những đau thương do chiến tranh gây nên, khiến cho bao gia đình phải chia lìa, li tán. Tóm lại, chiếc lược ngà trong truyện ngắn cùng tên chính là hình ảnh mang theo nhiều ý nghĩa biểu tượng cao đẹp, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. 

- - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Ngoài hình ảnh chiếc lược ngà mang ý nghĩa đặc biệt thì tác phẩm còn rất nhiều khía cạnh khác cũng rất đáng để quan tâm. Em hãy tham khảo một số bài mẫu liên quan trên Taimienphi.vn nhé: Phân tích nhân vật bé Thu trong đoạn trích truyện ngắn Chiếc lược ngà; Tình huống truyện Chiếc lược ngà; Đoạn văn nêu cảm nhận của em về tình cảm cha con ông Sáu trong Chiếc lược ngà.

 

---------------HẾT----------------

Để tìm hiểu thêm về truyện ngắn Chiếc lược ngà, về những chi tiết ý nghĩa và ấn tượng như chi tiết chiếc lược ngà trong tác phẩm, mời các bạn cùng tìm đọc, tham khảo thêm các bài viết khác của chúng tôi như: Đoạn văn phân tích nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, Đoạn văn nêu cảm nhận của em về tình cảm cha con ông Sáu trong Chiếc lược ngà, Đoạn văn phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, Phân tích chi tiết vết sẹo trong truyện Chiếc lược ngà.

Mỗi một tác phẩm đều có các hình ảnh độc đáo được tác giả trao cho những ý nghĩa riêng biệt nhằm thể hiện tư tưởng, tình cảm, chủ đề của tác phẩm. Hình ảnh chiếc lược ngà trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng mang một nét nghĩa riêng đặc biệt, thiêng liêng. Em hãy đọc Đoạn văn phân tích hình ảnh Chiếc lược ngà để tìm hiểu điều đó nhé
Mở bài truyện ngắn Chiếc lược ngà
Phân tích cách kể chuyện của tác giả truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng
Cảm nhận của em về nhân vật Thu trong truyện Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Cảm nhận tình cha con qua truyện ngắn Chiếc lược ngà hay nhất ngắn gọn
Phân tích nhân vật bé Thu trong đoạn trích truyện ngắn Chiếc lược ngà
Tình huống truyện Chiếc lược ngà

ĐỌC NHIỀU