Đề bài: Chất thơ trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Chất thơ trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Bài làm:
Truyện ngắn của Thạch Lam thường không có cốt truyện độc lập, mỗi câu chuyện mang âm điệu của một bài thơ trữ tình nhẹ nhàng, đượm buồn. Nhà văn thường đi sâu vào khai thác thế giới nội tâm nhân vật với những xúc cảm mơ hồ mong manh và tinh tế. Và nét văn phong ấy ta sẽ gặp qua Hai đứa trẻ, một truyện ngắn giàu chất thơ.
Thạch Lam (1910-1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Linh, người gốc Hà Nội, xuất thân trong nhóm Tự lực văn đoàn, sau đó ông tách riêng ra sáng tác, bởi văn phong của ông ngoài những yếu tố lãng mạng, trữ tình thì ông còn đưa vào những yếu tố hiện thực, để văn chương không thoát li khỏi cuộc sống. Thạch Lam quan niệm rằng: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có thể có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn” .
Hai đứa trẻ được in trong tập truyện ngắn Nắng trong vườn, truyện có sự kết hợp giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn trữ tình, khắc họa bức tranh phố huyện nghèo, cảm thông sâu sắc trước cuộc sống cơ cực, của những con người quẩn quanh sau lũy tre làng trước cách mạng. Tác giả luôn luôn trân trọng những hy vọng đẹp đẽ, dẫu rất mong manh, hàm súc.
Phải nói Hai đứa trẻ một truyện ngắn giàu chất thơ vừa lãng mạn, vừa cuốn hút bởi sự nhẹ nhàng, truyền cảm trong từng câu chữ. Thạch Lam chẳng chú tâm khai thác một câu chuyện, hay biến cố bất ngờ nào cả, ông thích đi sâu vào miêu tả nội tâm nhân vật, vào những quang cảnh, kiếp sống con người, những thứ vốn tưởng bình thường mà lại sâu sắc, và đậm chất nhân văn. Bằng lối tự sự, miêu tả trữ tình đầy rung động, sâu lắng, bằng những hình ảnh giàu xúc cảm, truyền tải được những thông điệp đầy yêu thương của một hồn văn đôn hậu và rất đỗi tinh tế.
Đọc truyện ngắn Hai đứa trẻ, ta thấy hiện lên ba chữ “tàn”, ngày tàn, chợ tàn và những kiếp người tàn. Trước hết chất thơ được thể hiện trong khung cảnh ngày tàn, được nhà văn miêu tả bằng một âm thanh rất đặc trưng của miền Bắc thuở trước cách mạng, “tiếng trống thu không”, thời gian cứ chầm chậm trôi một cách bình lặng, rồi tiếng ếch nhái, vắng lặng đến mức nghe được cả tiếng muỗi vo ve trong cửa hàng. Đêm vắng một tiếng đàn bầu bật lên trong yên lặng, một âm thanh thoáng qua của đoàn tàu, một tiếng trống cầm canh hiu hắt, một tiếng chó cắn xa xăm. Những âm thanh tan loãng vào cuối chiều, khắc họa sâu sắc không khí im ắng của buổi chiều tàn, buồn bã, vắng lặng của khu phố tỉnh lẻ. Tất cả những âm thanh cộng hưởng lại làm người ta liên tưởng ngay đến bút pháp nghệ thuật độc đáo lấy động tả tĩnh, mà chỉ thường xuất hiện trong thi ca phương đông.
Khoảng thời gian dịch chuyển từ chiều đến đêm thật từ từ, chậm rãi, hiện lên qua sự biến đổi màu sắc của sự vật “phương tây đỏ rực như lửa cháy” rồi dần phai nhạt đi, hoàng hôn phủ xuống, “những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”, rồi dần ngập tràn trong màu đen của bóng đêm. Thời gian thay đổi qua ngòi bút đầy chất thi vị và tinh tế của Thạch Lam, không cần đi sâu vào ấn định một khoảng thời gian nhất định, nhưng qua những chi tiết miêu tả về âm thanh, màu sắc, người đọc đã cảm nhận được khoảnh khắc khi hoàng hôn lịm tắt, bóng đêm bao trùm cảnh vật. Không gian vô cùng yên ả, tĩnh lặng, có thứ buồn man mác, len lỏi đâu đây. Khung cảnh chợ tàn, nghèo xơ xác, buồn hiu hắt, người về hết, thứ còn bỏ lại chỉ là rác rưởi.
Cả đoạn văn mang một nhịp điệu chậm rãi, giàu tính nhạc, giàu hình ảnh. Câu từ vừa chân thực, lại mang màu lãng mạn, da diết, hình ảnh mang màu sắc thơ mộng, như một bức tranh thiên nhiên cùng phố thị u buồn, chẳng biết là cảnh thấm vào hồn người, hay nỗi lòng con người đang vận vào cảnh sắc, nhưng rất hài hòa ăn nhịp với nhau như một bài thơ lặng lẽ. Những nét vẽ không cầu kỳ kiểu cách, chân thực đã lột tả được cái thần và cái hồn của bức tranh phong cảnh làng quê Việt Nam lúc bấy giờ. Trong bức tranh đậm chất thơ buồn ấy, có sự xuất hiện của những kiếp người tàn. Hình ảnh cô bé Liên và cậu em An với cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, sơ sài, mấy đứa trẻ con nhà nghèo, chị Tý, bà cụ Thi hơi điên điên, và hình ảnh của mẹ Liên thấp thoáng hiện ra qua suy lời của hai chị em.
Chất thơ còn thể hiện qua việc tác giả đi sâu vài miêu tả bức tranh tâm hồn của nhân vật Liên. Một cô bé có tâm hồn ngây thơ, non nớt, nhưng lại đầy tinh tế và nhạy cảm trước sự biến chuyển của thiên nhiên. Liên cảm nhận được cái mùi vị riêng của đất quê, sau một cái phiên chợ tàn “một mùi âm ẩm bốc lên”, mang theo cái sức nóng còn sót lại của ban ngày, khó chịu mà quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi của đất, của quê hương. Rồi chi tiết “Liên ngồi lặng lẽ bên mấy quả thuốc sơn đen lúc chiều muộn với đôi mắt ngập đầy dần bóng tối, và cái buồn của buổi chiều khuya thấm thía vào cái tâm hồn ngây thơ của chị”, cái buồn của cảnh màn đêm sập xuống xuyên thấm vào tâm hồn của Liên, hay cũng có thể là nỗi buồn của Liên làm buồn thêm cảnh, chúng tương hỗ cho nhau, cân xứ nhịp nhàng, tạo nên một khung cảnh trữ tình, nên thơ, man mác u buồn. Một nét đẹp nữa trong tâm hồn Liên là tấm lòng trắc ẩn đầy yêu thương, quan tâm đối với người xung quanh, hỏi han ân cần với chị Tý, cách Liên kể về hoàn cảnh của chị thể hiện đầy ái ngại, thương xót cho cuộc đời khổ cực của chị. Với bà cụ Thi là sự thơm thảo, nắm bắt rõ được thói quen, cùng ánh mắt nhìn dõi theo cho đến khi cụ khuất bóng đầy buồn bã, cảm thông cho một kiếp người tàn tạ. Tình thương, lòng nhân hậu của nhân vật Liên càng được thể hiện rõ trong khi cô quan sát những đứa trẻ con nhà nghèo, Liên “động lòng thương, nhưng chính chị cũng không có tiền để cho chúng” bởi gia cảnh của chị nào có hơn gì chúng đâu. Dù tuổi đời còn nhỏ nhưng Liên đã thể hiện mình là một con người có tâm hồn sâu sắc, hiểu biết.
Và đỉnh điểm của chất thơ trong Hai đứa trẻ đó là cảnh chờ đoàn tàu khuya của những con người phố huyện, họ chờ đợi một cái gì đó tươi sáng hơn, chuyến tàu như “mang một chút thế giới khác đi qua”. Với người dân phố huyện nó có một ý nghĩa vô vùng sâu sắc, mang lại một chút ánh sáng, một chút vui tươi trong khoảnh khắc thoáng qua, như một món quà của cuộc sống. Bởi trong cái đói khát, tối tăm ấy ít ra vẫn còn có điều gì đó khiến họ chờ đợi, hy vọng được. Ánh sáng lấp lánh ấy tượng trưng cho khao khát sâu thẳm trong tâm hồn con người về một cuộc sống tươi đẹp hơn. Riêng với chị em Liên chuyến tàu còn mang ý nghĩa khác. Với An chuyến tàu như một niềm vui thú, thỏa mãn cái trí tưởng tượng phong phú của cậu bé tuổi ăn tuổi lớn, chẳng được tiếp xúc với thứ đồ chơi, hay cảnh sắc huy hoàng mới lạ bao giờ. Còn Liên lặng lẽ mơ tưởng về một Hà Nội xa xăm, sáng sủa, vui vẻ và huyên náo khác hẳn cái phố huyện nghèo nàn tối tăm này. Tâm hồn Liên là sự yên tĩnh, cảm xúc mơ hồ mong manh, con tàu gợi nhắc về một thời dĩ vãng đẹp đẽ tuy đã xa lắm rồi, giúp Liên nhận thức rõ ràng hơn về cuộc sống bế tắc, khốn khổ của mình và những người xung quanh.
Hai đứa trẻ là bài ca êm đềm về tình yêu quê hương đất nước, gợi nhắc nên một vùng quê Việt Nam ở Bắc Bộ, một vùng quê nghèo, buồn nhưng thấm đẫm chất thơ. Thạch Lam đã viết: "Chiều, chiều rồi, một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”, “một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”. Chắc hẳn phải có một tình yêu quê hương đất nước sâu sắc và sự gắn bó sâu nặng với quê hương thì nhà văn mới viết ra được những câu văn giàu chất thơ và đẹp đẽ như một bản tình ca man mác buồn. Nội dung của truyện ngắn đậm chất thơ, chất trữ tình, tiêu biểu cho bút pháp nhân đạo của nhà văn Thạch Lam. Là niềm cảm thông sâu sắc trước cuộc sống cơ cực của người dân nghèo giai đoạn trước cách mạng tháng tám. Hình ảnh đoàn tàu là tượng trưng cho sự khao khát về một cuộc sống tươi sáng hơn khi “mang một chút thế giới khác đi qua”, khơi gợi cho Liên về những ký ức tươi đẹp của Hà Nội. Thông qua nhân vật Liên tác giả muốn gởi gắm thông điệp đầy tính nhân văn: Trong cuộc sống, tình yêu thương là quan trọng nhất, nó gắn kết mọi thứ lại với nhau, đem đến một cuộc sống có ý nghĩa hơn. Biểu trưng cho tấm lòng nhân đạo của nhà văn Thạch Lam, cho văn phong bình dị, gần gũi nhưng giàu chất thơ trữ tình độc đáo.
Bằng văn phong độc đáo, viết truyện nhưng không có cốt truyện, ngôn ngữ giàu cảm xúc, hình ảnh gần gũi và bình dị, nhưng nhìn thấy trong đó là chất thơ đong đầy, lãng mạn và dịu êm. Cả câu chuyện như một bức tranh làng quê buồn bã, nhưng len lỏi đâu đây là niềm khát khao về một cuộc sống tươi đẹp hơn, thoát khỏi cái bế tắc, tăm tối của cuộc sống nơi phố thị nghèo nàn.
--------------------------HẾT------------------------
Trên đây chúng tôi đã cùng các em tìm hiểu về Chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, để mở rộng thêm vốn hiểu biết về giá trị tác phẩm, các em có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu khác như: Phân tích tâm trạng chị em Liên trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Giá trị hiện thực và nhân đạo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, Phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm chạy qua phố huyện trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, Phân tích tâm trạng của nhân vật Liên trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam.