Đề bài: Cảm nhận về khổ thơ đầu bài Sang Thu
Cảm nhận về khổ thơ đầu bài Sang Thu
1. Mở bài:
- Hữu Thỉnh là nhà thơ viết nhiều về con người, thiên nhiên, đời sống thường ngày.
- “Sang thu” là tác phẩm ông viết về bức tranh mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ.
- Khổ 1 là những dấu hiệu, chuyển biến của đất trời cùng những cảm xúc của tác giả khi nhận ra thu về.
2. Thân bài:
a. Tín hiệu báo hiệu mùa thu về:
Tác giả sử dụng các hình ảnh bình dị, gần gũi như: hương ổi, gió se và sương để để báo hiệu mùa thu về
- Hương ổi - đặc trưng của mùa thu:
+ Hương vị gắn với làng quê Việt Nam.
+ “Phả”: hương ổi quấn quyện vào gió, lan tỏa trong không gian.
- Không khí mùa thu được khắc họa qua “gió se” - những cơn gió se se lạnh.
- Không gian được bao trùm bởi màn sương: “Sương chùng chình qua ngõ”
+ Từ láy “chùng chình”: cố ý chậm lại.
+ Tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa: sương như cố ý lững lờ, di chuyển chậm chạp, giăng mắc khắp không gian.
b. Cảm nhận của tác giả:
- Bất ngờ, ngạc nhiên khi nhận ra dấu hiệu của mùa thu: “bỗng nhận ra”
- Ngỡ ngàng, băn khoăn trước sự xuất hiện của thu:
+ Tình thái từ “hình như”: chỉ sự phỏng đoán, chưa chắc chắn.
+ Tình thái từ “hình như” kết hợp với lời thông báo về sự xuất hiện của thu - “thu đã về” cho thấy sự ngỡ ngàng, không dám tin, sự bối rối của nhà thơ khi thu sang.
c. Đặc sắc nghệ thuật:
- Sử dụng thể thơ năm chữ hàm súc.
- Sử dụng biện pháp tu từ, các từ láy đặc sắc.
- Ngôn ngữ thơ giản dị, hình ảnh thơ gần gũi.
3. Kết bài:
- Đoạn thơ đã cho thấy bức tranh đầu thu của làng quê Việt rất yên bình.
- Bài thơ đã góp phần làm phong phú kho tàng thơ ca Việt Nam.
Hữu Thỉnh là nhà thơ viết khá nhiều về con người, thiên nhiên, về những cảnh vật đời thường của cuộc sống. Tác phẩm "Sang thu" của ông là một trong những bài thơ hiện đại viết về bức tranh mùa thu của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ rất đặc sắc. Khổ thơ đầu bài thơ đã gợi tả những dấu hiệu biến chuyển của đất trời cùng cảm nhận của tác giả khi bất chợt nhận ra mùa thu đã về.
Một năm trời đất có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, thế nhưng dường như mùa thu là mùa mà các thi nhân dành cho nó một sự ưu ái riêng biệt. Và tác giả Hữu Thỉnh cũng vậy, ông đã vẽ lên bức tranh mùa thu về bằng những nét vẽ hết sức đặc sắc, mang đậm phong vị của vùng đồng bằng Bắc Bộ:
"Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se"
Ổi là thức quả quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Nó đại diện cho mùa thu, gợi nhắc đến đêm rằm trung thu với những mâm cỗ rực rỡ sắc màu. Vào khoảnh khắc buổi sáng giao mùa, nhà thơ bỗng bất chợt nhận ra mùi hương quen thuộc đang chờn vờn trong gió thu se lạnh. Từ "bỗng" gợi lên một cảm giác đột ngột, bất chợt bắt gặp một điều gì đó vô cùng quen thuộc, mà ở đây là "hương ổi" chín đang lặng lẽ lan tỏa vào trong làn gió mới se se lạnh. Rồi tiếp đó là động từ "phả" được đặt ở ngay đầu câu đã khắc họa hương ổi quấn quýt trong không gian. Những mùi hương thường được gió nâng niu, cuốn đi theo từng làn vậy mà ở đây, "hương ổi" chín, hương vị đầu tiên của mùa thu dường như lại đang chủ động "phả" mình vào làn gió lạnh đang lướt qua. Hai động từ đó được đặt ở đầu câu phải chăng thể hiện sự bất ngờ, ngạc nhiên đến ngỡ ngàng của nhà thơ khi bất chợt nhận ra những tín hiệu của mùa thu đất trời là hương ổi, là làn gió se lạnh và khô? Tất cả những tín hiệu ấy hoà với nhau, chạm tới những khứu giác nhạy bén của người nghệ sĩ để ông vừa kịp mở lòng, đón lấy và tận hưởng khoảnh khắc bắt đầu của mùa thu nơi đồng bằng Bắc Bộ này.
Không chỉ có "hương ổi", có "gió se", mùa thu con mang tới những màn sương mù mờ ảo: "Sương chùng chình qua ngõ". Câu thơ đã đạt tới mức tinh tế khi nhân hoá hình ảnh sương thu. Màn sương ấy không mạnh mẽ bao trùm mà nhẹ nhàng, e thẹn như một cô gái mới lớn. Sương "đi" qua ngõ mà còn cố tình chậm lại, cố tình "chùng chình" một chút, phải chăng là đang chờ mong một điều gì đó? Đường làng, ngõ xóm được bao quanh bởi một màn sương mờ ảo. Tất cả cảnh vật đều lặng im trong màn sương ấy, không hề có bất cứ chuyển động nào ngoài những bước đi chầm chậm, lặng lẽ của sương thu. Nó gợi cho chúng ta hình ảnh về một làng quê nông thôn thật yên bình. Tất cả những cảnh vật trong đó đều lung linh, kì diệu nhưng cũng thật mộc mạc, giản dị dưới làn sương mờ hư ảo.
Đọc ba câu thơ đầu, người ta như cảm nhận được sự vận động rất chậm rãi của mùa thu đang chuyển mình. Mọi thứ đều mờ hồ không rõ, "hương ổi", "gió se", "sương", nó khiến cho lòng người dường như cũng mơ hồ không rõ. Và chính tác giả cũng phải thốt lên trong sự mơ hồ, lưỡng lự rằng: "Hình như thu đã về". Không phải là một câu khẳng định, đó là một câu hỏi lòng tự hỏi lòng của nhà thơ rằng: thu liệu đã về chưa? Thu đã về từ bao giờ, từ khoảnh khắc nào? Đó là sự hoài nghi, là chút bối rối của thi nhân khi cảm nhận thời khắc chuyển giao của đất trời.
Ở thơ của Nguyễn Khuyến hay Xuân Diệu, ta thấy được một sự mạnh mẽ, một không khí mùa thu đậm đặc:
"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt"
(Thu điếu)
Hay như : "Đây mùa thu tới, mùa thu tới" (Đây mùa thu tới - Xuân Diệu) - một lời thông báo về sự xuất hiện của thu. Thì trong thơ Hữu Thỉnh, ta lại thấy một sự do dự, ngập ngừng khó tả bởi cảm nhận của ông là sự kín đáo, thâm trầm mà cũng rất tinh tế.
Khổ thơ đầu bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh chỉ với hai mươi chữ nhưng lại mang tới cho người đọc những cảm nhận riêng biệt về một mùa thu nơi đồng bằng Bắc Bộ. Cùng với đó là nghệ thuật nhân hoá được sử dụng hết sức tài tình khiến cho ta cảm nhận được những dấu hiệu của trời đất cùng những cảm xúc tinh tế của nhà thơ khi đất trời vào thu. Ngôn ngữ thơ trong sáng, mộc mạc, giản dị cùng những hình ảnh thơ giàu sức gợi cũng làm nên thành công cho khổ thơ này.
Đoạn thơ đã mang tới cho ta một bức tranh đầu thu bình dị của một làng quê yên bình. "Sang thu" của nhà thơ Hữu Thỉnh đã góp phần làm phong phú kho tàng những bài thơ về mùa thu của văn học nước nhà. Trải qua nhiều thế hệ nhưng nó vẫn luôn là một trong những tác phẩm mùa thu hay nhất của nền văn học Việt Nam.
----------------HẾT-----------------
Từ hạ sang thu là lúc mà đất trời có muôn vàn những biến chuyển và nhà thơ Hữu Thỉnh đã tinh tế năm bắt nó và gửi gắm qua tác phẩm Sang thu của mình. Cùng tìm hiểu về bài thơ Sang thu đặc sắc này thông qua các bài viết: Cảm nghĩ của em về 2 câu thơ cuối bài Sang thu, Cảm nhận của em về bài thơ Sang thu, Cảm nhận của em về bài thơ Sang Thu, Phân tích cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế của Hữu thỉnh trong bài Sang thu.