Đề bài: Cảm nhận về hình bóng quê nhà và con người nơi quê cha đất tổ trong Cố hương
Cảm nhận về hình bóng quê nhà và con người nơi quê cha đất tổ trong Cố hương
Bài làm:
Lỗ Tấn (1881- 1936) là nhà văn cách mạng nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Ông sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước Trung Hoa đang trì trệ và lạc hậu cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Cố Hương là một tác phẩm nổi bật được in trong tập Gào thét. Đây là một tác phẩm thấm đẫm tình cảm quê hương của tác giả, không chỉ là sự xót xa ở vẻ đìu hiu của quê hương, của ngôi nhà cần đổi chủ mà còn là những suy ngẫm về sự thay đổi của bản tính con người và niềm hi vọng vào một con đường, một tương lai nào khác của Lỗ Tấn.
Ngay từ đầu tác phẩm, hình ảnh "quê hương" đã được đặt trong một bầu không khí u ám với bầu trời "đang độ giữ đông","gió lạnh lùa vào khoang thuyền". Mang tâm trạng náo nức của một người con xa quê hơn 20 năm về thăm lại quê cũ,"không ngại trời giá lạnh, đi đường hơn hai ngàn dặm". Thế nhưng khi vừa nhìn thấy "xa gần thấp thoáng mấy thôn xóm tiêu điều", lòng tác giả "se lại". Ông cảm thấy hoài nghi chính những ký ức tốt đẹp về quê hương của mình hơn 20 năm trước. Bởi trong kí ức của Lỗ Tấn, làng quê ngày xưa rất đẹp chứ không tiêu điều như bây giờ. Tác giả đã phải tự chấn an mình rằng "do tâm hồn mình đang đổi khác" và "lòng mình vốn đã không vui". Ngay từ đoạn đầu của câu truyện, hình ảnh quê hương của Lỗ Tấn đã hiện lên thật buồn và đem lại ít nhiều sự hụt hẫng.
Chuyến về thăm quê lần này của tác giả thật là đặc biệt, bởi đây lần từ giã cuối cùng ngôi nhà cũ nơi mà không biết bao đời nhà tác giả đã sinh sống, nơi chôn nhau cắt rốn để đến nơi đất khách quê người làm ăn sinh sống. Chuyến về thăm quê mang nặng ý nghĩa như vậy, nhưng cảnh đầu tiên mà tác giả thấy lại là căn nhà hiu quạnh, không còn chút ấm áp, thân thuộc nào. Đó là "mấy cọng tranh khô phất phơ trước gió", ngôi nhà được dọn hết đồ lại làm cảnh "càng thêm hiu quạnh".
Mẹ của tác giả cùng cháu Hoằng chạy ra đón. Người mẹ thì vẫn vậy, sau hơn 20 năm chỉ được trò chuyện qua những cánh thư thì đã được gặp con, mẹ "rất mừng rỡ" ân cần chăm sóc, bảo con "nghỉ ngơi, uống trà" và đặc biệt là không đả động đến câu chuyện dọn nhà làm tác giả buồn, thế nhưng chính tác giả cũng nhận ra "nét mặt ẩn một nỗi buồn thầm kín" của bà. Có thể nói đây là một bà mẹ chu đáo. Bà lo con đi đường xa mệt, sắp xếp thời gian thư thả rồi hãy lên đường, còn viết thư trước vài ngày báo cho Nhuận Thổ - người bạn thân tuổi thơ của con, đến để gặp mặt và chia tay con. Bà cũng lo tươm tất chuyện dọn nhà, không để tác giả phải phiền lòng và cũng rất hạn chế nhắc đến chuyện này để tránh buồn cho người con.
Nhân vật mẹ còn là một người hiền lành và giàu lòng trắc ẩn, gặp hai bố con Nhuận Thổ, bà ân cần, vồn vã hỏi han. Bà còn bàn với con trai của mình: "Cái gì không cần chở đi thì cho anh ta hết. Cứ để tùy ý chọn, lấy cái nào thì lấy". Có một nhà thơ Việt Nam đã từng viết" Quê hương là cầu tre nhỏ/Mẹ về nón là nghiêng che". Không có mẹ thì làm sao có quê hương? Mà hình ảnh người mẹ hiền từ, ấm áp và chu đáo khiến cho hình ảnh quê hương trong tác giả có những nét đẹp và êm đềm đến vậy.
Về quê hương sau hơn 20 năm trời xa cách, không chỉ có cảnh vật, ngôi nhà mà đến cả những con người cũng làm tác giả cảm thấy xa lạ. Nhân vật tôi không còn nhận ra chị Hai Dương - "nàng Tây Thi đậu phụ" ở xế cưa năm nào nữa. Giờ chị đã thành "mụ com - pa" hay tức giận, miệng liên tục xỉa xói. Cô thiếu nữ xinh đẹp ngày nào đã trở thành một người xấu tính, hay bòn rút và cơ hội, "ngày nào chị ta cũng sang" để nhặt nhạnh đồ đạc nhà tác giả mang về, "lấy ngay cái cẩu sát khí rồi chạy biến", hoặc "giật luôn đôi bít tất" giắt vào lưng quần rồi cút thẳng. "Mụ com - pa" hay những người dân thường xuyên đến nhặt nhạnh, xin đồ nhà nhân vật tôi hiện lên cùng với sự đói rách, cực khổ. Nhưng, cái cực khổ và đổi thay rõ nhất ở con người quê hương tác giả lại hiện lên rõ ràng hơn cả khi tác giả kể về cuộc gặp gỡ với nhân vật Nhuận Thổ, người bạn thân thiết của tuổi thơ.
Ngay khi người mẹ nhắc về Nhuận Thổ, kí ức của tác giả đã "sáng bừng lên trong chốc lát". Chỉ từ một Nhuận Thổ mà tác giả có thể cảm nhận "quê hương tôi đẹp ở chỗ nào rồi" Có thể nói đây là người bạn vô cùng quan trọng đại diện cho vẻ đẹp thời ấu thơ cũng như vẻ đẹp của cả quê hương cho nhân vật tôi, là "vành trăng non trên bầu trời xanh miền thơ ấu". Những ký ức ngày xưa của tác giả về Nhuận Thổ càng đẹp bao nhiêu, sáng rõ bao nhiêu thì đến lúc gặp lại càng làm hai người xa cách và đau khổ bấy nhiêu.
Hình ảnh Nhuận Thổ của hiện tại chỉ có buồn đau và lam lũ. Khoảng thời gian 20 năm đã thay đổi hoàn toàn một con người, "khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật" được thay bằng màu "vàng xạm, lại có thêm những nếp răn sâu hóm". Đôi mắt "viền đỏ húp mọng lên". Chiếc mũ lông chiên bé tí tẹo năm nào đã được thay bằng "mũ lông chiên rách tươm", trên người chỉ có "chiếc áo bông mỏng dính, người co ro cúm rúm". Cậu bé Nhuận Thổ rắn rổi, nước da bánh mật khỏe khắn cầm cây đinh ba ngày xưa đã không còn nữa mà thay vào đó là sự già nua, đau khổ, gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai.
Biết bao nhiêu năm được gặp lại người bạn thân cũ, vậy mà Nhuận Thổ "vừa hớn hở vừa thê lương", chỉ có thể mấp máy đôi môi nói không ra tiếng, sau mới "cung kính" nói được "Bẩm ông!". Lễ giáo, trật tự của xã hội phong kiến đã đẩy đôi bạn ra xa nhau, xây lên giữa họ "một bức tường khá dày ngăn cách". Nhân vật "tôi" đã "điếng người" khi nghe người bạn thân thiết khi xưa của mình nói vậy. Gặp lại Nhuận Thổ, tác giả nặng trĩu trong lòng bởi người bạn của mình đã quá khác xưa, thay đổi đến độ tác giả cảm thấy xa cách, "trông anh ta phảng phất như một pho tượng đá " vô hồn và vô cảm. Nhuận Thổ của ngày xưa đẹp đẽ, hồn nhiên bao nhiêu thì giờ lại xơ xác, đau khổ bấy nhiêu. Sự thay đổi của Nhuận Thổ cũng có lẽ là đại diện cho sự thay đổi của một miền quê. Ở đó mọi thứ xơ xác tiêu điều, người nông dân bị bần cùng hóa, sưu cao thuế nặng chồng lên nhau. Nào là "mất mùa, thuế nặng, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thân hào... chốc nào cũng hỏi tiền, cũng có luật lệ".
Thông qua chuyến thăm quê lần cuối cùng, nhân vật "tôi" đã khắc họa rõ nét sự thay đổi của quê hương mình, từ cảnh vật đến con người. Đặc biệt là sự thay đổi của nhân vật Nhuận Thổ. Qua đó, tác giả đã lên án tội ác của chế độ lúc bấy giờ đối với nhân dân, từ đó đặt ra vấn đề về quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của những người dân.
Ở phần cuối cùng của truyện ngắn, tác giả có đề cập đến chuyện con đường: "Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi". Con đường ở đây có thể chỉ là con đường thoát nghèo, đường đi tìm hạnh phúc, nhưng cũng có thể đó là con đường đi đến tương lai. Tác giả đã liên hệ giữa hi vọng và con đường. Phải chăng tác giả đang hi vọng, tin tưởng rằng sẽ có một con đường nào đó đến với số phận của những người dân nghèo, một con đường cách mạng để đi đến tương lai? Câu cuối cùng đã làm tăng sức nặng triết lí của truyện ngắn và thể hiện tầm nhìn, nỗi đau đáu đi tìm hạnh phúc cho dân tộc của Lỗ Tấn.
Có lẽ sau khi đọc xong Cố hương của Lỗ Tấn, người ta sẽ không thôi ám ảnh về những ảm đạm, đìu hiu, về sự thay đổi của con người nơi miền quê cực khổ đó. Nhưng có lẽ cũng không ai quên hi vọng về một tương lai tốt đẹp để tìm ra những "con đường" mới.
-------------HẾT--------------
Cố hương là tác phẩm nổi tiếng của Lỗ Tấn, đây cũng là bài văn nổi bật trong chương trình ngữ văn lớp 9. Bên cạnh bài làm văn Cảm nhận về hình bóng quê nhà và con người nơi quê cha đất tổ trong Cố hương, thầy cô và học sinh tham khảo thêm những bài làm văn mẫu khác như Phân tích truyện ngắn Cố hương, Cảm nghĩ khi đọc bài Về thăm cố hương trích trong tác phẩm Thượng kinh kí sự, Cảm nhận của em về hình bóng quê nhà và con người trong Cố hương, hay cả phần Soạn bài Cố hương.