Đề bài: Cảm nhận về hình ảnh đầu súng trăng treo trong bài thơ Đồng chí
Cảm nhận về hình ảnh đầu súng trăng treo trong bài thơ Đồng chí
1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và hình ảnh "Đầu súng trăng treo" trong bài thơ "Đồng chí".
2. Thân bài:
a. Khái quát về tác giả, tác phẩm:
- Chính Hữu (1926 - 2007) là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
- Bài thơ "Đồng chí" được sáng tác năm 1948 sau khi tác giả tham gia chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 và được in trong tập "Đầu súng trăng treo" năm 1966.
- Hình ảnh "đầu súng trăng treo" là hình ảnh đặc sắc nằm ở đoạn cuối của tác phẩm.
b. Cảm nhận về hình ảnh "Đầu súng trăng treo" trong bài thơ "Đồng chí":
- Hình ảnh "Đầu súng trăng treo" là hình ảnh độc đáo, bất ngờ vừa mang ý nghĩa tả thực lại vừa mang ý nghĩa lãng mạn:
+ Ý nghĩa tả thực: Đây là hình ảnh tả thực về những đêm phục kích giặc, ánh trăng như treo lơ lửng ở đầu mũi súng.
+ Ý nghĩa lãng mạn: Vầng trăng xuất hiện trong không gian căng thẳng, khắc nghiệt của cuộc chiến đấu mà lại như đang "treo" trên đầu ngọn súng như nối liền mặt đất với bầu trời.
- Hình ảnh "Đầu súng trăng treo" gợi cho người đọc nhiều liên tưởng độc đáo:
+ Súng là hình ảnh của chiến tranh khói lửa, trăng là hình ảnh của thiên nhiên trong mát được kết hợp hài hòa khiến cho người đọc có nhiều liên tưởng giữa hiện thực - ảo mộng, khắc nghiệt - lãng mạn, chiến tranh - hòa bình.
+ Hình ảnh súng và trăng được đặt cạnh nhau còn là biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí, đồng đội, làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ.
c. Đánh giá:
- Câu thơ "Đầu súng trăng treo" được coi như nhãn tự của bài thơ.
- Nhịp thơ 2/2, hình ảnh thơ đặc sắc, giọng thơ sâu lắng, xúc động đã góp phần truyền tải nội dung tư tưởng của toàn bài thơ.
3. Kết bài:
- Khái quát lại hình ảnh "Đầu súng trăng treo" trong bài thơ "Đồng chí".
Trăng vốn được coi là người bạn tri âm tri kỉ của thi sĩ cho nên chúng ta thường bắt gặp hình ảnh trăng xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm văn học. Trong bài thơ "Đồng chí" của nhà thơ Chính Hữu, vầng trăng ấy hiện lên thật đặc biệt "Đầu súng trăng treo". Qua hình ảnh này, chúng ta có thể thấy rằng trăng không chỉ là bạn của thi sĩ mà trăng còn là bạn của người chiến sĩ cách mạng, là biểu tượng cao đẹp của hòa bình, của tình đồng đội, đồng chí gắn bó, khăng khít.
Chính Hữu (1926 - 2007) là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp có phong cách sáng tác vừa bình dị vừa trí tuệ, ngôn ngữ giàu hình ảnh, giọng điệu thơ linh hoạt, lúc dồn nén, sâu lắng, khi lại tha thiết, hào hùng. Bài thơ "Đồng chí" được sáng tác năm 1948 sau khi tác giả tham gia chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 và được in trong tập "Đầu súng trăng treo" năm 1966. Hình ảnh "đầu súng trăng treo" là hình ảnh đặc sắc nằm ở đoạn cuối của tác phẩm và được coi là biểu tượng đẹp đẽ của tình đồng chí, đồng đội.
Hình ảnh "Đầu súng trăng treo" là hình ảnh độc đáo, bất ngờ, là điểm nhấn của cả ba phần và điểm sáng của toàn bài thơ. Hình ảnh thơ vừa mang ý nghĩa tả thực lại vừa mang ý nghĩa lãng mạn. Trong đêm đông buốt giá bởi "sương muối", những người lính không chỉ kề vai sát cánh bên nhau mà còn có một người "đồng đội" đặc biệt khác, đó chính là vầng trăng. "Đầu súng trăng treo" mang ý nghĩa tả thực bởi vì trăng là hình ảnh có thật trên bầu trời, nằm trong tầm ngắm của người chiến sĩ. Khi đêm về khuya, vầng trăng như sà xuống và treo trên mũi súng của những người lính. Không chỉ hoàn hảo ở ý nghĩa tả thực, hình ảnh thơ còn ẩn chứa đầy thi vị lãng mạn. Làm nhiệm vụ phục kích giặc trong hoàn cảnh khắc nghiệt của thời tiết "rừng hoang sương muối" và sự hiểm nguy rình rập của, nhưng những người chiến sĩ vẫn cảm nhận được vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng của vầng trăng. Vầng trăng xuất hiện trong không gian căng thẳng, khắc nghiệt của cuộc chiến đấu mà lại như đang "treo" trên đầu ngọn súng giống như chiếc cầu nối nối liền mặt đất với bầu trời.
Hình ảnh "Đầu súng trăng treo" đã gợi ra cho người đọc nhiều liên tưởng độc đáo. Súng và trăng được đặt cạnh nhau khiến cho người đọc có nhiều liên tưởng giữa hiện thực - ảo mộng, khắc nghiệt - lãng mạn, chiến tranh - hòa bình, chiến sĩ - thi sĩ. Sự đan cài giữa chất hiện thực và chất lãng mạn trong câu thơ không chỉ làm nổi bật lên hiện thực chiến tranh gian khó, khốc liệt mà còn làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn của những người lính. Họ vừa là chiến sĩ lại vừa là thi sĩ, họ cầm súng chiến đấu để bảo vệ quê hương, đem lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc thân yêu. Súng là biểu tượng của chiến tranh khói lửa, trăng là biểu tượng của thiên nhiên trong mát, cho niềm vui lạc quan, sự bình yên của cuộc sống tưởng chừng như đối lập với súng nhưng chúng được kết hợp với nhau một cách hài hòa. Hình ảnh súng và trăng được đặt cạnh nhau còn là biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí, đồng đội, làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ.
Khép lại bài thơ "Đồng chí" bằng hình ảnh "Đầu súng trăng treo" đã mở ra cho người đọc những liên tưởng đẹp đẽ và độc đáo. Không gian căng thẳng của cuộc kháng chiến được tô màu bởi ánh trăng hòa bình như tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ cách mạng. Qua đó ta thấy được một tâm hồn nhạy cảm trước cái đẹp của thiên nhiên và tinh thần anh dụng chiến đấu của nhà thơ vừa là thi sĩ vừa là chiến sĩ.
>> Xem thêm nhiều bài văn Cảm nhận về hình ảnh đầu súng trăng treo trong bài thơ Đồng chí hay khác tại đây.
-----------------HẾT-------------------
Trên đây là bài Cảm nhận về hình ảnh Đầu súng trăng treo trong bài thơ "Đồng chí". Để giúp các em tích lũy thêm nhiều kiến thức về môn Ngữ văn lớp 9 thì mời các em cùng tham khảo những bài viết sau: Phân tích 7 câu thơ đầu trong bài thơ Đồng chí, Phân tích hình ảnh người lính trong bài Đồng chí, Thuyết minh về bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, Phân tích vẻ đẹp của người lính qua hai bài thơ Đồng chí và Tiểu đội xe không kính.