Cảm nhận về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác

Mục Lục bài viết:
1. Bài mẫu số 1
2. Bài mẫu số 2
3. Bài mẫu số 3

Đề bài: Cảm nhận về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu

3 bài văn mẫu Cảm nhận về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác

 

1. Cảm nhận về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác, mẫu số 1:

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, đồng bào lầm than cực khổ, Phan Bội Châu rất đau lòng. Tấm lòng yêu nước thương dân thiết tha sâu sắc thôi thúc người thanh niên Phan Bội Châu quyết chí tìm đường cứu nước. Cuộc đời cách mạng đầy gian truân sóng gió, đầy bất trắc hiểm nguy vẫn không làm ông sờn lòng nản chí, mà càng hun đúc thêm cái khí phách anh hùng nơi ông. Và đây, một hình ảnh tuyệt đẹp về người anh hùng đó:

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Hai câu 1, 2 là hai câu đề: Giới thiệu vấn đề cần nói tới:

"Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù".

Những bài Cảm nhận về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác hay nhất

Cách vào đề rất khéo. Ở đây nhà thơ muốn nói tới hoàn cảnh mình bị bắt giam. Nhưng phong thái rất đường hoàng, tự tin, thật ung dung, thanh thản. Việc bị bắt trở thành sự chủ động dừng chân nghỉ ngơi trên chặng đường dài. Tiếng cười cất lên ngạo nghễ giữa song sắt nhà tù, bất chấp gông cùm xiềng xích, khắc tạc người anh hùng đứng cao hơn mọi sự cùm kẹp, đày đọa của kẻ thù, cảm thấy mình hoàn toàn tự do thanh thản về mặt tinh thần. Ý của hai câu có thể diễn đạt lại: Vào tù mình vẫn giữ được tài trí và cách sống của mình : là người có tài cao, chí lớn khác thường (hào kiệt), là người luôn giữ dáng vẻ lịch sự, trang nhã (phong lưu). Mình ở tù không phải do bị bắt mà vì chạy mỏi chân (tức hoạt động cách mạng đã nhiều), tạm thời nghỉ ở đây.

Tác giả có nói đến việc bị bắt vào nhà tù nhưng không nhấn mạnh khía cạnh rủi ro, đau khổ hoặc âu lo, khiếp sợ. Ngược lại, nhà thơ coi việc đó chẳng có gì khủng khiếp, đáng buồn, đó chỉ là những giây phút nghỉ ngơi sau những ngày hoạt động sôi nổi. Mặc dầu trong hồi tưởng cụ viết : "Thật từ lúc cha sanh mẹ để đến nay, chưa lúc nào nếm mùi thất bại chua xót như bây giờ". Giọng điệu thản nhiên pha chút đùa vui ở hai câu đầu đã được thể hiện ngay từ cách dùng điệp từ « vẫn" đi liền với hai tính từ thể hiện phẩm chất trước sau như một của nhà cách mạng (hào kiệt, phong lưu). Nó trở thành cái cười tủm tỉm khi nhà thơ hạ ở cuối câu thứ hai cụm từ "thì hãy ở tù", biến sự việc bị động, mất tự do thành việc chủ động do mình muốn thế.

Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.

Hai câu thơ này khác với giọng điệu cười cợt, vui đùa như hai câu đề. Ở đây như lời tâm sự không phải để than thân mà để nói lên nỗi đau đớn lớn lao trong tâm hồn người anh hùng. Tả người tù mà nói "khách không nhà", "người có tội" với "năm châu" thì thật đúng là cái cười nhạo báng đối với nhà tù của bọn quân phiệt tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Chữ "đã", chữ "lại" mở đầu hai câu thực càng nhấn mạnh thêm tình cảnh tù đày của người chiến sí cách mạng. Song gắn "khách không nhà" với "năm châu", nhà thơ như muốn vẽ chân dung một người tù một phong cách phóng đãng hơn. Nghệ thuật đối (trong hai câu 3, 4 là hai câu luận) không làm cho ý thơ đối chọi. Ngược lại, sự đối lập ấy lại càng tôn hơn lên chân dung khác thường của người tù : một con người của năm châu, bốn biển, của toàn thế giới.

Nỗi đau ấy của Phan Bội Châu trở thành nỗi đau lớn lao của bậc anh hùng, là nỗi đau thương của cả một đất nước.

Đến đây ta mới thấy hết khí phách anh hùng của Phan Bội Châu. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt khách không nhà, người có tội, ông vẫn giữ vững chí khí hào kiệt.

Và người anh hùng hào kiệt ấy còn nguyên vẹn khí phách và chí lớn:

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Ở đây tác giả khẳng định : chí lớn tài cao của người chiến sĩ cách mạng không cảnh tù đày nào có thể đè bẹp. Lối nói khoa trương ở đây thể hiện sự lãng mạn, anh hùng ca, khiến cho con người không còn nhỏ bé nữa mà có tầm vóc lớn lao như thần thánh. Tuy bị bắt nhưng người tù vẫn "dang tay", "mở miệng" thể hiện thái độ coi thường, coi khinh mọi khó khăn trước mắt.

Nhìn lại cuộc đời Phan Bội Châu, hoài bão cứu nước, cứu đời đã được ông ôm ấp từ khi còn là chàng thanh niên Phan Văn San:

Phùng xuân hội, may ra, ừ cũng dễ
Nắm địa cầu vừa một tí con con
Đạp toang hai cánh càn khôn,
Đem xuân vẽ lại trên non nước nhà.

Khát vọng ấy, chí lớn ấy không hề suy giảm ngay cả khi ông đã vào trong ngục tù. Cận kề với cái chết nhưng ông vẫn ngạo nghễ cười trước mọi thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù.

Tinh thần cách mạng lạc quan đã tạo nên sức mạnh để ông chiến thắng hoàn cảnh, giữ vững ý chí chiến đấu sắt son của mình:

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Trong bài thơ này, hai câu kết như một lời thề sắt son, như một lời tuyên ngôn của một người đang chịu cảnh lao tù tăm tối. Nhưng dường như chốn ngục tù ấy không thể giam cầm nổi một con người, một tấm lòng trung đối với đất nước. Ông khẳng định rằng chỉ còn mình đang sống thì sự nghiệp cứu đất nước sẽ vần còn đó. Ông sẽ dốc hết sức lực của mình để hoàn thành sự nghiệp đó. Những nguy hiểm, gian lao đối với Phan Bội Châu không là vấn đề gì. Tinh thần bất khuất, khảng khái, không sợ hiểm nguy ấy của Phan Bội Châu khiến người đọc cảm phục trước một tấm lòng trung cao thượng. Đồng thời khẳng định dứt khoát niềm tin của nhà thơ vào tương lai, thể hiện thái độ coi thường lao tù nguy hiểm. Hai tiếng "còn" đứng cạnh nhau tạo nên âm điệu khẳng định mạnh mẽ ý chí đấu tranh cho sự nghiệp cứu nước.

Bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của cụ Phan Bội Châu được làm ngay sau khi cụ bị bắt vào nhà ngục Quảng Đông, đã truyền vào tâm hồn chúng ta một niềm tự hào về truyền thống bất khuất, hiên ngang của các nhà cách mạng tiền bối. Tinh thần của bài thơ thể hiện sự đàng hoàng, hiên ngang, tràn đầy niềm lạc quan cách mạng. Cảm xúc chân thành của tác giả đã tạo nên sức sống bất diệt cho bài thơ.

-------------------HẾT BÀI 1----------------------

Bên cạnh Cảm nhận về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác các em cần tìm hiểu thêm những nội dung khác như Soạn bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác hay phần Phân tích bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác nhằm củng cố kiến thức của mình.

 

2. Cảm nhận về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác, mẫu số 2:

Trước hết đây là bài thơ thể hiện thái độ và khí phách của tác giả trong hoàn cảnh bị chính quyền Quảng Đông (Trung Quốc) bắt cầm tù: ngồi trong tù, người chiến sĩ cách mạng vẫn hiên ngang, bất khuất và giữ một niềm tin sắt son và sự nghiệp cứu nước.

Vì vậy bài thơ có sức truyền cảm lớn do nhiệt tình yêu nước sôi nổi, mãnh liệt của tác giả, do giọng thơ vui, yêu đời.

Bài thơ viết theo thể Đường luật thất ngôn bát cú tuân theo đúng các qui tắc về bố cục, vần, niêm, luật của thể thơ này.

Bốn câu thơ đầu có thể chia thành hai cặp: 1, 2 và 3, 4. Cặp 1, 2 theo bố cục của thơ Đường luật gọi là phần đề (thừa đề vừa phá đề) có nội dung nhằm giới thiệu vấn đề cần nói tới. Ở đây nhà thơ muốn nói tới hoàn cảnh mình bị bắt giam.

vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Ý của hai câu thơ có thể diễn đạt lại: mình ở tù không phải do bị bắt mà vì chạy mỏi chân (từ hoạt động cách mạng đã nhiều), tạm thời nghỉ ờ đây. Vào tù, mình vẫn giữ được tài trí và cách sống của mình: là người có chí lớn khác thường (hào kiệt), là người luôn giữ dáng vẻ lịch sự, trang nhã (phong lưu).

Cách vào đề khéo. Tác giả có nói đến việc bị bắt vào nhà tù nhưng không nhấn mạnh khía cạnh rủi ro, đau khổ hoặc âu lo, khiếp sợ. Ngược lại, bằng giọng điệu thản nhiên pha chút đùa vui ấy được thể hiện ngay từ cách dùng điệp từ "vẫn" đi liền với hai tính từ thể hiện phẩm chất trước sau như nhà cách mạng (hào kiệt, phong lưu). Nó trở thành nụ cười khi nhà thơ hạ câu thứ hai cụm từ "thì hãy ở tù", biến sự việc bị động, mất tự do thành chủ động do mình muôn thế.

Cảm nhận về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác, văn mẫu tuyển chọn

Câu ba, bốn là phần thực, có nhiệm vụ tả cảnh hay trình bày sự việc do phần đề đặt ra.

Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.

Tả người tù mà nói "khách không nhà", "người có tội" thì thật đúng. Chữ "đã", chữ "lại" mở đầu hai câu thực càng nhấn mạnh thêm tình cảnh tù đày của người chiến sĩ cách mạng. Song gắn "khách không nhà" với "năm châu", nhà thơ như muốn vẽ chân dung người tù một cách phóng khoáng hơn. Nghệ thuật bình đối trong hai câu này không làm cho ý thơ đối chọi. Ngược lại, sự đối lập ấy lại càng tôn hơn lên chân dung khác thường của người tù: một con người của năm châu, bốn biển, của toàn thế giới. Hai câu thơ này vẫn tiếp nối giọng điệu cười cợt, vui đùa như giọng điệu của hai câu đề.

Như vậy, từ ý thơ đến giọng thơ, bốn câu đầu bài thơ toát ra tinh thần lạc quan yêu đời, thái độ ngạo nghễ coi thường lao tù của người tù - chí sĩ Phan Bội Châu.

Chính thái độ ngạo nghễ, tinh thần lạc quan yêu đời đã phân tích ở trên là một biểu hiện của khí phách hiên ngang, bất khuất.

Nhưng bốn câu cuối thì thể hiện khí phách hiên ngang, bất khuất ở các khía cạnh:

Hai câu 5, 6 là hai câu luận, có nhiệm vụ bàn luận, mở rộng vân đề. Ở đây tác giả khẳng định: chí lớn tài cao của người chiến sĩ cách mạng không cảnh tù đày nào có thể đè bẹp. Do đó, bị bắt nhưng người tù vẫn tự chủ:

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Các động tác "bủa tay", "mở miệng" thể hiện thái độ coi thường, coi khinh mọi khó khăn trước mắt

Hai câu 7, 8 là hai câu kết, có nhiệm vụ nâng cao vấn đề hoặc bày tỏ cảm xúc của tác giả. Trong bài thơ này, hai câu kết khẳng định dứt khoát niềm tin của nhà thơ vào tương lai, thể hiện thái độ coi thường lao tù nguy hiểm.

Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sự gì đâu.

Hai tiếng "còn" đứng cạnh nhau tạo nên âm điệu khẳng định mạnh mẽ ý chí đấu tranh cho sự nghiệp cứu nước. Nó như hai tiếng trống chắc nịch, âm vang, kích động lòng người, kết thúc một bản tình ca.

Bài thơ có sức truyền cảm lớn, trước tiên do nhiệt tình yêu nước cháy bỏng của nhà thơ. Bị bắt, có nguy cơ Phan Bội Châu bị giao lại cho thực dân Pháp, kẻ đã kết án tử hình vắng mặt ông, song tác giả bài thơ không một chút bi quan, một chút chán nản. Từ đầu đến cuối, nhà thơ vẫn thể hiện tinh thần lạc quan, niềm vui sắt đá vào sự nghiệp đang theo đuổi: sự nghiệp cứu nước. Mặt khác, sức truyền cảm lớn của bài thơ được khơi dậy từ chính giọng thơ vui vui, yêu đời thể hiện một tâm hồn cứng cỏi, một thái độ hiên ngang. Nó kích thích ý chí quật cường của người đọc, nhất là của lớp thanh niên và trung niên.

 

3. Cảm nhận về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác, mẫu số 3:

Trong dòng vàn học yêu nước đầu thế kỷ XX bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một tác phẩm để lại khá nhiều ấn tượng trong lòng người đọc. Với cảm xúc trữ tình cách mạng, mang âm hưởng lãng mạn hào hùng, bài thơ đã để lại cho đời sau một hình ảnh tuyệt đẹp về tư thế của con người cách mạng lúc sa cơ lỡ bước lâm vào hoàn cảnh tù ngục hiểm nghèo.

Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh lao tù nghiệt ngã, gắn với tên tuổi của một bậc chí sĩ cách mạng, một bậc anh hùng hào kiệt là Phan Bội Châu.

Tư tưởng yêu nước thấm đẫm trong tâm hồn Nay ta hát một thiên cứu quốc ! Yêu gì hơn yêu nước nhà ta, đã thôi thúc chàng thanh niên Phan Văn San nuôi chí lớn:

Đúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng rửa vét nhơ nô lệ

(Bài ca chúc tết thanh niên)

Chí khí đó đã khiến Phan Bội Châu không quản gian lao, hi sinh cứu nước.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, cụ Phan chịu không ít gian khổ đắng cay: khi thì bị trục xuất khỏi Nhật, lúc bị truy lùng săn đuổi ở Xiêm la, và nay là cảnh lao tù trong nhà ngục của bọn quân phiệt Quảng Đông.

Đối với cụ Phan, bước chân vào nhà tù đồng nghĩa với việc cận kề cái chết bởi trước đó, chính quyền thực dân Pháp đã kết án tử hình cụ. Tuy nhiên, bài thơ không hề có một chút bi quan tuyệt vọng, mà ngược lại, bao trùm lên đó ià một âm hưởng hào hùng. Âm hưởng ấy được tạo nên bởi cảm xúc trữ tình cách mạng mãnh liệt.

Trước hết chúng ta hãy cùng nhau đọc lại bài thơ để cảm nhận được cái hào khí của một bậc anh hùng hào kiệt:

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Bài văn Cảm nhận về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu

Tám câu thất ngôn bát cú Đường luật giản dị, tự nhiên mà hàm chứa thật nhiều ý nghĩa.

Bài thơ mở đầu bằng hai câu với khẩu khí rất ngang tàng, ngạo nghễ:

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Chạy mỏi chân thì hãy ờ tù, ta nghe trong câu thơ dường như có tiếng cười của một con người coi thường mọi gông cùm xiềng xích, coi nhà tù của bọn đế quốc chỉ là nơi tạm nghỉ, tạm dừng chân trên chặng đường cách mạng dài dặc của mình. Với tư thế của một con người không bị trói buộc bởi gông cùm xiềng xích, ở cụ Phan toát lên một phong thái ung dung, thanh thản, đường hoàng tự tin. Phong thái ấy chỉ có thể cổ được ở những con người biết làm chủ hoàn cảnh. Con người ấy có quyền ngẩng cao đầu kiêu hãnh tự khẳng định mình: vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu.

Từ giọng ngang tàng, ngạo nghễ ở hai câu đề, bài thơ chuyển sang giọng trầm thống ở hai câu thực. Mạch cảm xúc trữ tình có pha chút chua xót, cay đắng;

Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người cố tội giữa năm châu.

Hai câu thơ giúp ta hình dung ra cuộc đời bôn ba chiến đấu đầy sóng gió, hiểm nguy mà cụ Phan từng nếm trải. Nhưng tại sao lại là Khách không nhà trong bốn biển? Mười năm trời lênh đênh lưu lạc khi Nhật Bản, lúc Trung Quốc, khi Xiêm La, hỏi làm gì có nhà. Vả lại nước đã mất thì nhà tan. Từ thế kỷ XIII, Trần Quốc Tuấn đã từng cảm nhận thấm thía điều này. Và với những bậc chí sĩ cách mạng thời nay Non sông đã mất sống thêm nhục thì khách không nhà là điều cũng dễ hiểu. Nhưng còn người có tội giữa năm châu? Câu thơ nghe thật đau xót! Một người yêu nước sâu sắc và manh mẽ như cụ Phan, thương xót đồng bào hơn cả bản thân mà bỗng trở thành người có tội, bị săn đuổi, truy lùng và bị kết án tử hình! Đối với bọn đế quốc thực dân, phàm những ai yêu nước, muốn cứu nước, cứu dân tộc đều bị coi là có tội. Cái tội đó chúng không chỉ gán cho riêng cụ Phan. Nhà cách mạng Hồ Chí Minh cũng đã từng phải chua xót thốt lên:

Phạm tội gì đây ta tự hỏi
Tội trung với nước, với dân à?

(Nhật ký trong tù)

Như vậy, đằng sau bi kịch riêng của những chí sĩ cách mạng là bi kịch của cả một dân tộc, là tình cảnh thương tâm của cả một đất nước. Nỗi đau của cụ Phan không còn là nỗi đau riêng mà trở thành nỗi đau lớn lao của cả dân tộc. Chính nỗi đau ấy đã nâng tầm vóc người tù yêu nước trở nên phi thường.

Đối với bậc anh hùng, đau thương nhưng không bi lụy. Người tù chỉ để lòng mình lắng lại một chút với cảm xúc đau thương, rồi lại quay trở lại với khí phách ngang tàng ban đầu:

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Hai câu luận đã bày tỏ được khát vọng mãnh liệt mà cụ Phan từng ôm ấp: Khát vọng kinh bang tế thế (lo nước cứu đời). Hình ảnh thơ có tính chất lãng mạn kiểu anh hùng ca khiến nhân vật trữ tình dường như không còn là con người thật, con người nhỏ bé bình thường trong vũ trụ nữa mà vụt lớn lên, từ tầm vóc đến năng lực đều trở nên hết sức lớn lao, thần thánh.

Nếu trước đây người đời đã từng ngưỡng mộ hoài bão và khí phách của nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, thì lúc này đây, họ càng thêm cảm phục bản lĩnh của cụ Người anh hùng ấy, dù trong cảnh tù đầy vẫn Dang tay ôm chặt bồ kinh tế và Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

Bài thơ khép lại bằng hai câu thơ khẳng định ý chí sắt son bất khuất:

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Một lần nữa ta cảm nhận được tư thế hiên ngang của con người đứng cao hơn cái chết. Lời thơ dõng dạc, dứt khoát như chính ý chí gang thép của người tù cách mạng. Kẻ thù có thể giam cầm, đầy đọa, thậm chí sát hại những người yêu nước, những người cách mạng, nhưng niềm tin sắt son của họ, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất của họ thì chúng làm sao có thể khuất phục. Đối với những người cách mạng như Phan Bội Châu, còn sống là còn chiến đấu.

Bài thơ khép lại mà âm hưởng hào hùng của nó như còn ngân vang mãi trong lòng độc giả. Càng đọc bài thơ, ta càng xúc động bởi nguồn cảm xúc trữ tình mãnh liệt của tác giả đã truyền sang ta. Chính nguồn cảm xúc này đã tạo nên vẻ đẹp kì diệu cho hình tượng thơ và tạo nên phong cách trữ tình cách mạng Phan Bội Châu. Và cũng chính nguồn cảm xúc này đã tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn không gì cưỡng lại được của thơ ca Phan Bội Châu.

------------------HẾT--------------------

Củng cố thêm kiến thức về các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 8, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích bài thơ đập đá ở Côn Lôn của Phan Bội Châu.

Đứng trước đề văn yêu cầu trình bày cảm nhận về bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu, nhiều em học sinh tỏ ra khá lúng túng không biết làm như thế nào cho đúng trình tự và nêu bật được những cảm xúc của bản thân trước giá trị nghệ thuật và nội dung của tác phẩm.
Phân tích hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác
Sơ đồ tư duy bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác
Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác
Hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác
Phân tích bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu
Dàn ý hình ảnh nhà cách mạng yêu nước qua bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác

ĐỌC NHIỀU