1. Mở bài:
- Dẫn dắt, giới thiệu về Lưu Trọng Lư và bài thơ "Nắng mới".
- Nêu khái quát cảm nhận của bản thân về tác phẩm.
2. Thân bài:
2.1. Xác định chủ đề, mạch cảm xúc chủ đạo của tác phẩm:
- Chủ đề: Tình cảm gia đình.
- Mạch cảm xúc: Tình yêu và nỗi nhớ của nhân vật trữ tình về người mẹ.
- Lời đề từ: "Tặng hương hồn thầy me".
=> Thể hiện sự nhớ thương của người con dành cho gia đình.
2.2. Phân tích, đánh giá chủ đề của tác phẩm:
2.2.1. Bức tranh thiên nhiên khơi gợi kí ức xưa:
- Hình ảnh:
+ "nắng mới", "gà trưa": Những hình ảnh quen thuộc, tượng trưng cho làng quê.
+ "hắt": Ánh sáng le lói xuyên qua song cửa.
-> Không gian hiu hắt, vắng lặng.
- Âm thanh: "xao xác", "gáy", "não nùng" -> Tiếng gà giữa ban trưa càng làm nổi bật không gian ảm đạm.
- Bức tranh thiên nhiên đã khơi gợi những kí ức cũ, ảnh hưởng đến tâm trạng của con người:
+ "lòng rượi buồn": Biện pháp đảo ngữ -> Nhấn mạnh nỗi buồn.
+ "thời dĩ vãng", "những ngày không": Sự hồi tưởng về quá khứ.
+ "chập chờn": Hình ảnh quá khứ hiện về mờ ảo, chưa quá rõ nét, lúc có lúc không.
2.2.2. Kí ức, nỗi nhớ và tình yêu dành cho mẹ của nhân vật trữ tình:
- Nhân vật trữ tình trực tiếp bày tỏ nỗi nhớ dành cho mẹ: "Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời/ Lúc người còn sống, tôi lên mười" -> Sự trân trọng dành cho mẹ cũng như tiếc nuối, đau buồn vì không còn mẹ ở bên.
- Hình ảnh của mẹ gắn liền với hình ảnh làng quê:
+ Hành động phơi áo trước giậu mỗi khi có nắng mới -> Màu áo đỏ cùng màu nắng "reo ngoài nội" tạo nên không gian ấm áp, tươi sáng.
+ "Nét cười đen nhánh sau tay áo/ Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa" -> Hình ảnh quen thuộc của người phụ nữ Việt Nam xưa với hàm răng đen, sự duyên dáng khi che miệng cười.
- "chửa xóa mờ", "hãy còn mường tượng": khẳng định hình ảnh người mẹ luôn in sâu trong tâm trí nhân vật "tôi".
=> Thể hiện tình yêu, nỗi nhớ khôn nguôi với người mẹ khi xưa.
2.3. Đánh giá tác phẩm:
2.3.1. Nội dung:
- Nói về chủ đề tình cảm gia đình một cách giản dị, thân thuộc, không cần quá cầu kì mà vẫn chiếm được vị trí trong lòng độc giả.
- Bài thơ chỉ như một lời tự sự, một dòng chảy tự nhiên của cảm xúc.
- Mang lại ấn tượng về cái bình dị, mộc mạc của thơ Lưu Trọng Lư.
2.3.2. Nghệ thuật:
- Ngôn từ giản dị, mộc mạc, giàu sức gợi.
- Giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết.
- Sự kết hợp xen kẽ giữa quá khứ và hiện tại càng khắc sâu hơn nỗi nhớ của nhân vật.
- Hình ảnh thơ quen thuộc, gần gũi, dễ khơi gợi sự đồng cảm.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại cảm nhận của bản thân về tác phẩm.
- Liên hệ mở rộng.
Trong chặng đường đi đến thành công, sẽ không ít lần ta thất bại, vấp ngã. Và khi ấy, luôn có một nơi dang rộng vòng tay đón ta trở về. Đó chính là gia đình. Biết bao tác phẩm viết về đề tài này và đạt được những thành tựu xuất sắc. Trong số đó, bài thơ "Nắng mới" của Lưu Trọng Lư đã để lại rất nhiều ấn tượng sâu đậm đối với tôi.
Gia đình không còn là chủ đề mới mẻ trong văn học và nghệ thuật. Nhưng bằng tài năng và những cảm nhận rất riêng, Lưu Trọng Lư đã làm mới và đưa nó vào tác phẩm của mình một cách vô cùng khéo léo. Ngay ở lời đề từ của bài thơ, độc giả đã có thể thấy được tình cảm cùng sự nhớ thương của một người con dành cho cha mẹ: "Tặng hương hồn thầy me".
Mở đầu tác phẩm, người đọc được đến với khung cảnh thiên nhiên làng quê bình dị mà hiu hắt, vắng lặng:
"Mỗi lần nắng mới hắt bên song.
Xao xác, gà trưa gáy não nùng,"
Những hình ảnh "nắng mới", "gà trưa" đều vô cùng quen thuộc, gần gũi. Chúng tượng trưng cho làng quê yên bình, thư thả nhưng cũng rất nên thơ. Vậy mà ở đây, tiếng gà ban trưa lại vang nên "xao xác", "não nùng". Nó đi kèm theo những tia "nắng mới" tươi sáng, tràn đầy sức sống, tạo ra sự đối lập kì lạ. Không gian giờ đây phủ một màu buồn rõ rệt của tâm trạng con người. Nhân vật trữ tình đã trực tiếp thể hiện nỗi buồn khi nhớ lại những hồi ức về quá khứ:
"Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không."
Những kí ức "thời dĩ vãng" sống lại trong lòng người con. Từ láy "chập chờn" khiến ta liên tưởng đến sự hồi tưởng không liên tục. Kỉ niệm quay về lúc gần lúc xa. Tâm trạng con người cũng từ đó mà lên xuống không ngừng.
Trong dòng chảy kí ức ấy, bóng hình người mẹ đã khuất hiện lên vô cùng chân thực dưới con mắt nhung nhớ cùng tình yêu thương của đứa con. Nhân vật trữ tình không ngần ngại mà trực tiếp bày tỏ nỗi nhớ của mình:
"Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời,
Lúc người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi."
Tiếng gọi "me" đầy dân dã mà lại vô cùng thân thương, gần gũi. Nó cũng gợi lên sự xót xa bởi giờ đây, hình ảnh của mẹ chỉ còn trong kí ức. Bà đã mất, đã rời xa nhân vật "tôi", để lại nỗi trống trải trong lòng người con cũng như chính độc giả. Bà hiện lên với công việc thân thuộc hàng ngày: phơi áo trước giậu. Màu "nắng mới" cùng sắc đỏ của chiếc áo khiến không gian như bừng sáng, tràn đầy sức sống. Nó trái ngược hẳn với ánh nắng "xác xơ" của những câu thơ đầu tiên. Phải chăng, đó cũng là sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại? Khi còn mẹ, mọi thứ đều tươi sáng, đẹp đẽ. Khi đã mất mẹ rồi, thứ còn lại chỉ là nỗi buồn khôn nguôi.
Không chỉ vậy, hình ảnh người mẹ còn hiện lên với:
"Nét cười đen nhánh sau tay áo,
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa."
Lúc này đây, hình ảnh người mẹ chính là tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam xưa với hàm răng đen. Nét cười ngại ngùng, dịu dàng được che bởi tay áo nhưng vẫn không che đi hết cái đẹp, cái duyên. Dưới cái nắng chói chang của trưa hè, người phụ nữ thôn quê ấy vẫn cần cù làm lụng. Một hình ảnh vừa gần gũi, vừa giản dị. Hình ảnh này đã in sâu trong tâm trí nhân vật trữ tình, được khẳng định chắc nịch bởi các cụm từ "chửa xóa mờ", "hãy còn mường tượng".
Những từ ngữ, hình ảnh nổi bật trong từng khổ thơ đã góp phần thể hiện tình yêu, nỗi nhớ da diết, khôn nguôi dành cho người mẹ đáng kính. Bài thơ không cầu kì, không cần những hình ảnh "đao to búa lớn" nhưng vẫn chiếm được cảm tình của độc giả. Nó đã góp phần bộc lộ cái bình dị, nhẹ nhàng, thân thuộc của thơ Lưu Trọng Lư. Đồng thời, khẳng định tài năng ở người nghệ sĩ.
Không chỉ thành công thể hiện tình cảm gia đình sâu nặng, nhà thơ Lưu Trọng Lư còn chứng tỏ được tài năng của mình với hình thức nghệ thuật đặc sắc. Ông đã đan xen những chi tiết ở hiện tại và quá khứ, giúp làm nổi bật nỗi nhớ khôn nguôi của người con. Ngôn từ được sử dụng giản dị, nhịp thơ chậm, giọng điệu tha thiết, nhẹ nhàng kết hợp với những hình ảnh mộc mạc, gần gũi. Tất cả đã làm nên một tác phẩm vô cùng ý nghĩa và dễ tiếp cận. Tác phẩm như một lời tâm tình, một dòng chảy tự nhiên của cảm xúc, dần dần tiến tới, đi sâu vào tâm trí và khơi gợi sự đồng cảm nơi người đọc.
Bằng ngòi bút tài hoa của mình, Lưu Trọng Lư đã mang đến cho nền văn học nước nhà thêm một tác phẩm hay và giàu ý nghĩa. Tuy viết về một chủ đề đã cũ nhưng bài thơ "Nắng mới" vẫn mang đến những giá trị sống vô cùng tốt đẹp. Đó chính là lí do tác phẩm sẽ mãi giữ vững vị trí của mình trong kho tàng văn học Việt Nam.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
"Nắng mới" là một bài thơ vô cùng ý nghĩa. Hi vọng qua mẫu trên, em đã có thể tự mình viết bài phân tích về tác phẩm này. Taimienphi.vn vẫn còn nhiều bài văn mẫu lớp 10 liên quan tới tác phẩm này, các em có thể cùng xem bài Phân tích Nắng mới để hiểu rõ hơn về tác phẩm cũng như làm bài dễ dàng khi gặp bài văn này. Ngoài ra, các em có thể xem thêm bài học tiếp: Đoạn văn kể về một kỉ niệm có ý nghĩa sâu sắc theo để chuẩn bị bài mới tốt và xem lại bài cũ: Phân tích Dưới bóng hoàng lan để củng cố kỹ năng viết đoạn văn kể.