Bài văn trình bày cảm xúc về một lỗi lầm của bản thân

Bài văn trình bày cảm xúc về một lỗi lầm của bản thân

Bài văn trình bày cảm xúc về một lỗi lầm của bản thân ngắn gọn

Trình bày cảm xúc về lỗi lầm của bản thân thuộc vào chủ đề Viết bài văn biểu cảm về con người, sự việc Ngữ văn 7. 
 

I. Dàn ý Trình bày cảm xúc về một lỗi lầm của bản thân:

1. Mở bài: Dẫn dắt và giới thiệu về lỗi lầm của bản thân.

2. Thân bài:
- Kể lại ngắn gọn kỉ niệm gắn liền với lỗi lầm đó.
- Cảm xúc của em sau khi mắc lỗi.
- Những bài học mà em rút ra được thông qua lỗi lầm.

3. Kết bài: Khẳng định lại cảm xúc về lỗi lầm của bản thân.
 

II. Bài viết tham khảo trình bày cảm xúc về lỗi lầm gây ra của bản thân


1. Bài văn mẫu trình bày cảm xúc về một lỗi lầm của bản thân - mẫu số 1

Mỗi khi nhớ về lỗi lầm mà bản thân gây ra, em cảm thấy có lỗi với em trai của mình vô cùng. Và nhờ lỗi lầm đó, em đã biết suy nghĩ, hành động chín chắn và trưởng thành hơn.

Do bố mẹ thường đi làm đến tối muộn mới về nên em được giao nhiệm vụ đón em trai vào mỗi buổi chiều. Thế nhưng, ngày hôm ấy, chỉ vì mải chơi mà em quên mất việc đón em ấy. Đến lúc nhớ ra, em vội vàng tới trường thì chỉ thấy mỗi mình em trai đứng đó chờ đợi mình. Khi ấy, em trai đã khóc nức nở và trách em vô tâm vì không nhớ đến đón mình. Thế nhưng, vốn là một người bảo thủ, cố chấp, không chịu nhận sai về mình, em đã lớn tiếng quát lại em trai. Thậm chí còn giận ngược lại em trai vì đã có thái độ không đúng với mình.

Mấy ngày sau đó, em với em trai chẳng nói chuyện với nhau. Em vẫn luôn nghĩ mình không sai nên không cần phải áy náy hay day dứt. Thế nhưng, khi nghe em trai tâm sự với mẹ, em nhận ra là mình đã sai. Chính sự vô tâm, hời hợt và cố chấp của mình đã khiến em trai bị tổn thương. Lúc ấy em đã rất hối hận và day dứt. Trong bản thân luôn mang một trạng thái cảm xúc nặng nề đến khó tả. Có lẽ đó là cảm giác của một người mắc phải sai lầm và nhận ra mình đã sai. Cho đến tận bây giờ, mỗi lần nhắc về chuyện này, em vẫn cảm thấy thật xấu hổ và thất vọng về chính mình.

Em hiểu rằng cuộc sống này, ai ai cũng sẽ mắc phải những lỗi lầm riêng. Vậy nên, thay vì luôn trách mình hay chôn vùi bản thân trong đống cảm xúc tiêu cực, con người nên học cách đối diện lỗi lầm và tìm cách khắc phục.

------------------------------

Để củng cố thêm kỹ năng làm văn biểu cảm, các em cùng xem thêm bài văn biểu cảm về cây tre Việt Nam, biểu cảm về mùa xuân mà Taimienphi.vn đã chia sẻ trước đó nhé. 


2. Bài viết trình bày cảm xúc về một lỗi lầm của bản thân - mẫu số 2

Trong cuộc sống này, việc mắc sai lầm là điều không thể tránh khỏi đối với tất cả chúng ta. Bản thân em cũng từng mắc phải một lỗi lầm khiến em không thể nào quên. Sau lần đó, em đã rút ra được rất nhiều bài học về giao tiếp, ứng xử cho bản thân.

Em còn nhớ lúc đó là lớp 5. Vì được cô giáo phân công trực nhật nên em đã vội vàng đi thực hiện mà quên không cất tiền vào cặp. Đáng bất ngờ là chỉ 15 phút sau, khi quay lại thì em đã không thấy tiền nữa. Quả thực, lúc đó, em rất lo lắng vì đó không chỉ là tiền ăn mà còn là tiền nộp học phí mà mẹ đưa cho em. Và rồi theo cảm giác tự nhiên, em bắt đầu nghi ngờ về mọi người trong lớp. Nhất là Huy, người bạn ngồi cạnh em. Thay vì tìm kĩ lại một lần nữa thì em lại nghi ngờ và chỉ trích Huy về việc dám lấy cắp tiền của em. Khi ấy, em đã nói những câu rất nặng nề, khiến Huy bị tổn thương dẫu cho cậu ấy cố gắng giải thích. Và tới cuối giờ, em mới biết được số tiền ấy không phải là Huy lấy mà nó được gấp gọn trong cuốn vở trên bàn. Hoá ra, lúc nãy vì muốn nhanh chóng ra sân làm trực nhật nên em đã cất tiền vào đấy.

Quả thực, trong khoảnh khắc ấy, em nhận ra mình đã sai vì hiểu lầm và trách nhầm Huy. Thậm chí, em còn buông những lời nói trách tội hết sức nặng nề dành cho Huy. Suốt buổi học hôm ấy, em thấy Huy rất buồn và im lặng mãi cho đến lúc ra về. Thực sự, khi thấu rõ mọi chuyện, em đã rất áy náy và hối hận. Cảm giác tự trách cũng vì thế càng sâu sắc hơn bên trong em. Đáng lẽ ra, khi đó, em nên bình tĩnh hơn, không nên để bản thân nóng giận như thế. Em nên tìm kiếm lại một lần nữa thay vì vội quy tội cho Huy.

Buổi sáng hôm sau, em tới lớp rất sớm. Trong lúc rảnh rỗi, em đã tranh thủ hoàn thiện chiếc thiệp nhỏ xinh để gửi lời xin lỗi đến Huy. Em cứ mải mê trang trí mà không hề biết Huy đến từ lúc nào. Khuôn mặt của bạn ấy hơi đượm buồn, không còn nét tươi cười như bao ngày trước. Nhìn bạn, em lại cảm thấy ân hận và xấu hổ vô cùng. Em nhanh chóng thoát khỏi những cảm xúc ấy rồi nhẹ nhàng cầm chiếc thiệp đến trước mặt Huy. Em nói lời xin lỗi và mong sẽ nhận được sự tha thứ từ bạn. Huy nhận lấy chiếc thiệp và mỉm cười nhè nhẹ, nói rằng không sao đâu, mọi chuyện đã qua rồi.

Đối với em, ngày hôm ấy thực sự là một ngày tồi tệ. Em đã rất buồn và thất vọng về chính mình. Đến cuối cùng, chỉ vì sơ suất của bản thân mà lại làm tổn thương đến những người yêu mến. Tuy nhiên, mỗi khi nhìn về lỗi lầm ấy, em rút ra cho mình nhiều bài học sâu sắc và không quên nhắc nhở bản thân cần phải biết sửa chữa lỗi lầm.

Bài văn trình bày cảm xúc về một lỗi lầm của bản thân
 

3. Bài viết trình bày cảm xúc về lỗi lầm của bản thân - mẫu số 3

Đôi khi, lỗi lầm mà chúng ta gây ra bắt nguồn từ những suy nghĩ sai lệch của bản thân. Lỗi lầm khiến em không thể nào quên cũng bắt nguồn từ việc quá đề cao chính mình. Sau lần ấy, em đã tự rút ra cho bản thân những bài học quý báu về tính khiêm tốn.

Là một học sinh nổi bật trong lớp, em luôn được thầy cô yêu mến và ấn tượng. Đặc biệt, trong lớp học, mọi người ai nấy cũng trầm trồ và thán phục trước thành tích học tập đáng nể của em. Cứ như thế, dần dần, bên trong em hình thành một tính cách tự đề cao chính mình. Em luôn nghĩ sẽ chẳng ai có thể tài giỏi hơn mình. Và rồi, vì chính tính tự phụ, chủ quan của bản thân nên em đã gặp một thất bại lớn.

Em còn nhớ đó là vào lớp 6, trường tổ chức cuộc thi học sinh giỏi môn Ngữ văn. Với những thành tích đạt được trước đó, em được cô giáo đề xuất đi thi. Tuy nhiên, thay vì học tập cần mẫn, chăm chỉ thì em lại lười biếng. Thậm chí, em còn dành toàn bộ thời gian ôn thi ấy để đi chơi và xem phim mà không mảy may nghĩ đến việc học. Em cho rằng với những kiến thức mà mình đã có, chắc chắn em sẽ đạt được giải cao trong kì thi này. Hơn thế, em còn cho rằng đây chỉ là một cuộc thi nhỏ so với năng lực của bản thân. Em nghĩ mình có thể tham gia và giành được giải cao ở những cuộc thi tầm cỡ hơn.

Và rồi, chính tính tự cao ấy đã dạy cho em một bài học nhớ đời. Đến ngày thi, em vẫn chủ quan không ôn lại bài, để rồi sau đó em đã trượt cuộc thi ấy. Bất ngờ hơn nữa là khi bạn Hoa - một cô gái có học lực không quá nổi bật trong lớp đã đậu và đạt được giải cao trong cuộc thi. Tại giây phút ấy, em đã rất sốc và không thể nào tin nổi. Em không thể ngờ bản thân lại có lúc phải trải qua cảm giác này. Đó là sự thất vọng, xấu hổ, hổ thẹn và đặc biệt là sự nuối tiếc. Nuối tiếc vì đáng lẽ nên học tập chăm chỉ hơn, nỗ lực cố gắng nhiều hơn. Xấu hổ và thất vọng vì trước giờ vẫn luôn quá tự tin và đề cao chính mình, đôi khi còn khinh thường người khác.

Phải thừa nhận rằng, sau sai lầm lần ấy, em đã nghiêm khắc nhìn lại chính mình. Em rút ra bài học không được ngủ quên trên chiến thắng, phải luôn khiêm tốn học hỏi. Dẫu có là ai thì trong cuộc sống này chúng ta cần phải luôn nỗ lực, cố gắng hơn nữa. Đặc biệt, chúng ta phải luôn khắc ghi trong lòng rằng sự tự cao, kiêu ngạo sẽ giết chết ý chí, nghị lực của con người.


4. Bài văn trình bày cảm xúc về một lỗi lầm của bản thân - mẫu số 4

Khi dọn dẹp tủ sách hồi tiểu học, tôi vô tình tìm thấy một mảnh gốm nhỏ ở sâu trong ngăn kéo. Nhìn mảnh gốm, tôi lại nhớ tới kỉ niệm năm xưa. Đó chính là lần đầu tiên tôi nói dối mẹ.

Ngày ấy, tôi mới lên lớp ba, vẫn còn nghịch ngợm, mải chơi và hậu đậu. Có một hôm, bố mẹ về quê ăn giỗ. Trước khi đi, mẹ dặn tôi ở nhà lau dọn nhà cửa. Tôi nhanh chóng dạ vâng cho bố mẹ yên tâm. Tôi leo lên giường, ngủ một mạch tới chiều. Lúc tỉnh dậy, tôi vội vàng dọn dẹp mọi ngóc ngách. Xong xuôi đâu đấy, tôi thu đồ lau dọn vào một chỗ. Vì lười đi cất tận nơi nên tôi đứng từ xa quăng chổi quét vào góc. Và rồi, hậu quả của việc lười biếng đã tới ngay lập tức. Cây chổi đập vào chiếc bình gốm ngọc đắt tiền mà mẹ mới mua khiến nó lảo đảo, rồi đổ rầm xuống đất. Tôi nhanh chóng chạy lại đỡ bình nhưng đã muộn. Tiếng kêu khô khốc vang lên khiến tôi lạnh gáy. Bối rối không biết làm gì, tôi vội vàng nhặt hết mảnh vỡ để giấu bố mẹ, vừa nhặt tay vừa run lên vì sợ. Tôi tự trách bản thân quá lười nhác.

Vừa thu dọn các mảnh vỡ xong thì cũng là lúc tiếng xe của bố vang lên ngoài cổng. Tôi chạy ra ngoài đón bố mẹ, cố tỏ ra như không có chuyện gì xảy ra. Sau bữa cơm tối, mẹ đi tìm chổi quét nhà thì không thấy chiếc bình đặt ở gần đó. Mẹ gặng hỏi nhưng tôi chối quanh. Cuối cùng, cái bọc tôi giấu ở cầu thang đã bị bố phát hiện. Tôi sợ hãi, cúi gằm mặt xuống đất. Mẹ nhẹ nhàng hỏi rõ đầu đuôi mọi chuyện khiến nỗi sợ của tôi càng nhân lên gấp bội. Sau một hồi, tôi thành thật thú nhận và nói lời xin lỗi bố mẹ về việc mình đã làm.

Đến bây giờ, nhớ lại những kỉ niệm ngày thơ bé, tôi vẫn thấy vừa buồn cười, vừa đáng trách. Cảm thấy buồn cười bởi ngày nhỏ ngờ nghệch, lười nhác. Đáng trách vì đã lỡ nói dối bố mẹ để lấp liếm đi tội lỗi của mình.


5. Bài văn trình bày cảm xúc về một lỗi lầm của bản thân - mẫu số 5

Ai trên đời cũng phải đôi lần mắc phải lỗi. Nhưng hơn hết, sau lỗi lầm đó, con người phải rút ra được bài học cho bản thân để không tái phạm nữa. Tôi cũng không ngoại lệ, từng mắc phải lỗi lầm mà tới giờ vẫn còn hối hận. Nhờ sai lầm ấy, tôi đã khắc ghi cho mình những bài học quý giá.

Ngày còn nhỏ, cứ đi học về là tôi và lũ bạn cùng nhau đá bóng ở khoảng đất trống giữa hai ngôi nhà cuối phố. Bố mẹ tôi thường đi làm về muộn nên mọi việc cơm nước trong nhà đều do bà chuẩn bị. Vì thế, tôi toàn chơi tới khi tối mịt. Một ngày nọ, tôi cũng ở lại chơi bóng cùng các bạn như mọi ngày. Đến khi về đến nhà, tôi cảm thấy hôm nay ngôi nhà hơi khác lạ. Thường ngày, vào giờ này, bà đang ngồi trong nhà xem thời sự rồi. Thế nhưng, bữa nay, tôi không thấy hình bóng bà đâu. Tôi cũng không ngửi thấy mùi đồ ăn thơm phức như mọi khi. Cả căn nhà tối đen. Tôi lo lắng không biết chuyện gì đã xảy ra, chỉ biết cất tiếng gọi bà, gọi bố mẹ. Tôi phát hiện xe của bố mẹ không có ở trong sân. Chắc cả hai vẫn chưa đi làm về. Nhưng tại sao cửa bếp lại mở toang? Tôi chạy vào bếp, vừa bật đèn lên thì thấy bà đang nằm bất tỉnh trên đất, xung quanh vương vãi nào rau, nào thịt. Tôi tá hỏa chạy lại gần, lay bà dậy. Bà chỉ khẽ cựa mình một cách yếu ớt. Đang không biết phải làm sao thì có bác tổ trưởng tới nhà thông báo họp tổ dân phố. Tôi chạy ra nhờ bác giúp đỡ, nhanh chóng đưa bà đi cấp cứu. Ngồi trên xe cứu thương, tôi hối hận không dứt. Nếu không chỉ vì mải chơi, để bà ở nhà một mình thì bà đã không bị ngã như vậy. Tôi lo sợ bà sẽ rời xa gia đình.

Một lúc sau, bố mẹ tôi đã có mặt ở bệnh viện. Mặt bố mẹ hiện rõ sự lo lắng. Bố hỏi tôi sao bà lại bị như vậy, bà bị thế lâu chưa. Tôi không biết phải trả lời như thế nào nữa. Nếu tôi ở nhà thì có lẽ đã phát hiện ra bà sớm hơn, thậm chí sẽ không xảy ra tình trạng như vật. Tất cả là do tôi.

Lát sau, bác sĩ thông báo tình trạng của bà đã ổn định, rất may không nguy hiểm đến tính mạng. Tôi thở phào vì bà vẫn không sao. Nhưng hơn hết, tôi vẫn hối hận vì đã để bà một mình. Tôi chạy ùa vào gặp bà. Bà đang nằm trên giường cấp cứu, khuôn mặt mệt mỏi và tái nhợt. Nhìn thấy thế, tôi chực khóc nấc lên. Bà nhẹ nhàng xoa đầu rồi hỏi tôi đã ăn cơm, tắm rửa hay chưa. Nghe đến đây, tôi không cầm được nước mắt mà òa khóc. Tôi rối rít xin lỗi bà, xin lỗi bố mẹ vì đã mải chơi không quan tâm tới nhà cửa. Những ngày sau, bà hồi phục rất nhanh. Cũng từ hôm đó, tôi còn không la cà chơi bóng tới tối như trước nữa. Thay vào đó, tôi về nhà thật sớm để cùng nấu cơm với bà.

Tới bây giờ, thời gian đã thấm thoát trôi qua gần 5 năm, bà vẫn còn sống cùng gia đình tôi nhưng mỗi lần trái gió trở trời, những vết thương trước đây lại khiến bà bị đau. Dù vậy bà không hề trách mắng lấy một lần mà luôn yêu thương, chăm sóc tôi. Điều đó khiến tôi luôn tự trách bản thân. Tôi tự nhủ sẽ không bao giờ ham vui, vô trách nhiệm như trước kia nữa.


6. Bài văn trình bày cảm xúc về một lỗi lầm của bản thân - mẫu 6

Đã là con người sống ở trên đời thì ai cũng từng mắc phải một vài sai lầm. Lúc ấy, có người sẽ dũng cảm đối diện và sửa sai nhưng cũng có cá nhân chối bỏ, thoái thác trách nhiệm. Song, sau tất cả, những lỗi lầm ấy cũng phần nào giúp con người trưởng thành và suy nghĩ chín chắn hơn. Đó chính là lời dạy bảo của thầy khi tôi phạm phải lỗi lầm vào năm lớp 6.

Từ nhỏ, tôi đã có năng khiếu học toán. Đến năm lớp 6, thầy chủ nhiệm của lớp là giáo viên dạy toán. Vì thế, thầy thường giao rất nhiều bài tập nâng cao. Thấy tôi tiếp thu tốt, thầy quý tôi lắm. Tôi cũng nhận ra điều đó nên tỏ ra tự hào với đám bạn. Nhưng dần dần, tự hào trong tôi chuyển thành tự kiêu và tự phụ. Tôi cho rằng bản thân mình giỏi, trí nhớ tốt, không cần phải ôn luyện lại những kiến thức đã. Dần dà, kiến thức nền ngày càng rời rạc. Cho đến khi có buổi kiểm tra, sau khi nhận đề từ tay thầy, tôi cảm thấy đắc thắng, nghĩ thế nào bản thân cũng lại được điểm cao. Tuy nhiên, nhìn những dạng bài quen thuộc, tôi lại chẳng thể làm nổi. Vì không ôn tập, hệ thống lại kiến thức nên tôi không nhớ rõ lí thuyết và cách giải. Và rồi, tôi quyết định gian lận để hoàn thành bài kiểm tra. Vừa kịp nhìn thấy công thức trong sách thì lúc đó, tôi bị thầy phát hiện. Thầy chỉ nhìn tôi buồn rầu và nhắc tôi cất sách đi. Cả người tôi như chết điếng. Tôi đã xem được công thức nhưng lại gây thất vọng với chính người tin tưởng mình nhất. Tự nhiên, tôi cảm thấy hối hận vô cùng. Hối hận vì đã chủ quan không ôn bài, hối hận vì tính tự phụ của bản thân. Thấy thời gian sắp hết, tôi quyết định tiếp tục hoàn thành nốt bài kiểm tra. Đến lúc lên nộp bài, tôi xấu hổ tới mức không dám nhìn thẳng mặt thầy. Thầy cũng không hỏi han cười nói với tôi như mọi khi. Chắc có lẽ thầy đang buồn lòng về tôi lắm.

Ngày trả bài, như thường lệ tôi vẫn được điểm cao. Nhưng tôi không cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc nữa. Cuối buổi học hôm đó, tôi lên tìm gặp thầy để thú nhận và nói lời xin lỗi vì đã gian lận. Thầy chỉ nhẹ nhàng vỗ vai, dặn dò tôi đôi lời.

Kể từ ngày hôm đó, tôi luôn cố gắng thực hiện đúng như lời thầy dặn. Tôi không còn chủ quan, tự phụ về bản thân mình nữa. Thay vào đó, tôi luôn cố gắng chăm chỉ, cẩn thận và trung thực hơn.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Trước khi đi đến thành công, con người phải trải qua biết bao nhiêu vấp ngã, sai lầm. Ngoài Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc, để chuẩn bị tốt hơn cho bài đọc tiếp theo, các em có thể tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 7 như:
- Bài văn trình bày cảm xúc về lễ đón giao thừa quê em
- Bài văn trình bày cảm xúc về một kỉ niệm đáng nhớ với người thân yêu

Bài văn trình bày cảm xúc về một lỗi lầm của bản thân nằm trong chương trình Ngữ văn 7, Chân trời sáng tạo, học kì I. Với bài này, các em cần nêu được cảm giác của mình khi mắc phải lỗi lầm cũng như bài học cần rút ra cho bản thân để lần sau không mắc phải. Hãy cùng xem bài văn mẫu sau để có thể hình dung cách làm bài này nhé.
Bài văn trình bày cảm xúc về một kỉ niệm đáng nhớ với người thân yêu
Link tải Sách giáo khoa lớp 10 Chân trời sáng tạo PDF
Soạn bài Nói và nghe: Trình bày cảm xúc về một bài thơ lục bát ngắn gọn, Ngữ văn lớp 6, CTST
Bài văn trình bày cảm xúc về lần bản thân đạt được một thành tích đáng nhớ
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ Ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

ĐỌC NHIỀU