Bài văn Cảm nhận về 8 câu thơ cuối của bài Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du siêu hay tuyển chọn

Đề bài: Cảm nhận về 8 câu thơ cuối của bài Kiều ở lầu Ngưng Bích.

Top bài văn, đoạn văn ngắn cảm nhận 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích ngắn gọn, hay nhất

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Đoạn văn mẫu.
III. Bài văn mẫu.

 

I. Dàn ý Cảm nhận 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích ngắn gọn:

1. Mở bài:
- Giới thiệu về đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích".
- Giới thiệu 8 câu thơ cuối bài.
2. Thân bài:
a) Nội dung:
- Cặp câu lục bát đầu tiên:
+ Thời gian: Chiều hoàng hôn -> Gợi buồn.
+ Không gian: Cửa bể -> Mênh mông, rộng lớn.
+ Cánh buồm: Gợi nỗi nhớ nhà.
+ Thấp thoáng, xa xa: từ láy thể hiện sự nhỏ bé của con thuyền, càng tô đậm thêm cho không gian bao la.
=> Nỗi buồn cô đơn, lẻ loi trước khung cảnh rộng lớn.
- Cặp lục bát thứ hai:
+ Hoa trôi: Ẩn dụ cho thân phận người con gái lênh đênh, chìm nổi, trôi vô định không biết bến bờ.
+ Man mác: Từ láy chỉ nỗi buồn.
+ Biết là về đâu: Câu hỏi tu từ gợi lên tương lai mù mịt, không xác định.
=> Nỗi buồn về số phận lênh đênh chìm nổi của người con gái.
- Cặp lục bát thứ ba:
+ Rầu rầu: từ láy chỉ sự ảm đạm, héo úa của tâm trạng và cảnh vật.
+ Chân mây mặt nước: Không gian rộng lớn kéo dài vô tận.
+ Xanh xanh: Từ láy chỉ màu xanh tẻ nhạt, nhàm chán.
=> Tâm trạng mệt mỏi, vô vọng, chán chường của nàng Kiều.
- Cặp lục bát thứ tư:
+ "Gió cuốn mặt duềnh": Những biến đổi nhỏ báo hiệu cơn bão lớn.
+ "Ầm ầm": Âm thanh chỉ tiếng bão dữ dội, ẩn dụ cho những khó khăn sắp tới trong cuộc đời kiểu.
=> Dự cảm, lo âu về tương lai của chính mình sẽ có điều gì đó chẳng lành.
b) Nghệ thuật:
- Điệp từ "Buồn trông" nhấn mạnh tâm trạng của Thúy Kiều.
- Tám câu thơ là tuyệt bút về tả cảnh ngụ tình.
- Từ láy được chọn lọc, sử dụng khéo léo.
3. Kết bài:
- Nêu cảm nhận về tám câu thơ cuối đoạn trích.
 

II. Đoạn văn mẫu Cảm nhận 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích ngắn nhất hay:

"Kiều ở lầu Ngưng Bích" là một trong những đoạn trích đặc sắc của Nguyễn Du viết về tâm trạng của nàng Kiều. Nhất là ở tám câu thơ cuối đoạn trích, tác giả đã thể hiện thành công nỗi cô đơn cùng những dự cảm không lành về tương lai của nàng Kiều. Ở cặp lục bát đầu tiên, Thúy Kiều ở nơi đài son gác tía nhìn ra nơi cửa bể mênh mông rộng lớn. Trong buổi chiều hoàng hôn đầy nỗi buồn, con thuyền bé nhỏ, thấp thoáng càng khiến cho không gian thêm mờ ảo, mênh mông hơn. Hình ảnh "hoa trôi" ở cặp lục bát thứ hai chính là sự ẩn dụ cho cuộc đời người con gái chìm nổi, lênh đênh. Câu hỏi tu từ "biết là về đâu" thể hiện sự bơ vơ, vô định, mất phương hướng của nhân vật trữ tình. Nàng không thể đoán trước được tương lai mình sẽ lại có những bi kịch gì xảy ra tiếp theo. Cặp câu tiếp theo đã diễn tả không gian ảm đạm xung quanh lầu Ngưng Bích. Khắp nơi đâu đâu cũng là một màu xanh, từ ngọn cỏ đến chân mây, mặt đất nối liền một dải cũng vậy. Nàng Kiều đang kiếm tìm một màu sắc, một sự vật khác làm cho khung cảnh trở nên tươi tắn hơn, nhưng càng tìm kiếm, nàng càng vô vọng, chán chường. Sắc thái của cặp lục bát cuối cùng trở nên dữ dội hơn với tiếng sóng "ầm ầm". Đây chính là hình ảnh ẩn dụ cho những khó khăn mà Thúy Kiều sắp gặp phải. Câu thơ thể hiện nỗi sợ vô hình, dự cảm về tương lai chẳng lành của chính bản thân mà không làm gì được. Từ đó, ta thấy tâm trạng cô đơn, lạc lõng và lo sợ trong bất lực của Kiều. Ngoài nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, Nguyễn Du còn sử dụng điệp từ "buồn trông" kết hợp với các từ láy, nhịp thơ linh hoạt để nhấn mạnh nỗi cô đơn, nỗi bất lực của Kiều về chính số kiếp mình.

------------------------------

Các em có thể tìm đọc thêm một số văn mẫu lớp 9 khác trên Taimienphi.vn như: Phân tích tâm trạng của Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích; Cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật Thúy Vân trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều.

Viết đoạn văn ngắn cảm nhận của em về 8 câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích siêu hay

 

III. Bài văn mẫu Cảm nhận về 8 câu thơ cuối của bài Kiều ở lầu Ngưng Bích hay nhất:

Nguyễn Du là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ và các biện pháp, bút pháp nghệ thuật để miêu tả con người, cảnh vật thông qua thơ. Một trong những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật xuất sắc nhất của ông chính là tám câu thơ cuối đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích".

"Kiều ở lầu Ngưng Bích" là đoạn trích thuộc phần "Gia biến và lưu lạc" của tác phẩm "Truyện Kiều". Đoạn thơ này có nội dung diễn tả tâm trạng nàng Kiều khi bị Tú Bà giam lỏng trong lầu Ngưng Bích vì không chịu tiếp khách. Đó là sự cô đơn, nhớ nhà, nỗi bất lực khi phải chôn vùi tuổi xuân ở nơi son phấn. Và trong tám câu cuối, Thúy Kiều đã bộc lộ những nỗi đau đớn, buồn tủi, tâm trạng bất an về tương lai của chính mình.

Ở cặp thơ lục bát đầu tiên, Nguyễn Du viết:

"Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa"

Ở nơi lầu son gác tía cô quạnh, lại vào khi hoàng hôn xuống, nỗi cô đơn như bủa vây tâm hồn Thúy Kiều. Nàng nhìn ra phía biển xa thấy có cánh buồm thấp thoáng đâu đó. Nỗi nhớ nhà trào lên quặn thắt trong lòng. Thế nhưng, nàng lại bị giam lỏng trong lầu Ngưng Bích, không thể trở về được nữa. Đứng trước không gian bao la, rộng lớn, con thuyền phía "xa xa" càng trở nên bé nhỏ hơn bao giờ hết.

"Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu"

Cặp thơ lục bát thứ hai đã nhắc đến hình ảnh "hoa trôi". Bông hoa trôi trên mặt nước thường để chỉ những người con gái đẹp nhưng lại có số phận lênh đênh, chìm nổi. Cũng như chính nàng Kiều tài sắc vẹn toàn nhưng lại không thể tự quyết định cuộc đời của mình, chỉ có thể để mặc cho dòng đời đưa đẩy. "Man mác" là từ láy gợi buồn, kết hợp với câu hỏi tu từ "biết là về đâu?" tạo cho ta cảm giác về một tương lai mù mịt như một làn sương, không thể xác định hay đoán trước được bất cứ điều gì sẽ xảy đến.

"Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt nước một màu xanh xanh"

Ở cặp thơ này xuất hiện những hai từ láy. "Rầu rầu" chỉ sự ảm đạm, tàn úa của hoa cỏ. "Xanh xanh" ở đây không phải là sắc màu hi vọng như ta vẫn thường nghĩ mà lại chỉ sự tẻ nhạt. Trời đất nối liền một dải màu xanh. Trong buổi chiều buồn, hoa cỏ héo úa, màu xanh ấy càng trở nên vô vị, nhàm chán, đại diện cho sự ảm đạm từ trong lòng của Thúy Kiều. Có phải là sự tẻ nhạt của sắc màu không gian khiến cho nàng Kiều cảm thấy chán nản. Hay chính tâm trạng ủ dột của nàng đã phủ lên không gian một lớp ảm đạm, không có sức sống? Bởi vì "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" nên cảnh vật xung quanh nàng mới trở nên hiu hắt, buồn chán đến vậy. Cả không gian mênh mông rộng lớn ấy đều mang một màu xanh tang thương, khiến lòng Kiều trở nên mệt mỏi, tuyệt vọng.

Ở cặp lục bát cuối cùng, những dự cảm không lành về tương lai dần dần hiện ra rõ ràng:

"Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi"

Sắc thái biểu cảm của câu thơ này đã trở nên mạnh mẽ hơn nhờ từ láy "ầm ầm". Đây là âm thanh của những cơn sóng dữ dội, những trận mưa lớn trong thiên nhiên. Khi nhìn về phía cửa biển, nàng đã thấy có gió bắt đầu nổi lên. Đáng lẽ, tiếng "ầm ầm" phải xuất phát từ phía đằng xa đó nhưng nàng Kiều lại tưởng tượng như âm thanh ấy "quanh ghế ngồi". Đây chính là sự ẩn dụ cho những sóng gió tiếp theo trong cuộc đời Thúy Kiều. Nàng đã dự cảm được trước những điều không may sẽ đến với mình trong tương lai nhưng lại chẳng làm được gì. Đây là một cảm giác rất khó chịu, đáng sợ, biết những tai ương sẽ đến nhưng lại chẳng thể tránh, chỉ có thể ngồi chờ cho qua cơn sóng dữ qua đi mà thôi.

Qua tám câu thơ cuối đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích", Nguyễn Du đã cho ta thấy tâm trạng cô đơn, lạc lõng của Kiều cùng những nỗi lo sợ không tên về tương lai mù mịt. Thi nhân đã sử dụng phép điệp ngữ "Buồn trông" được lặp lại ở đầu từng cặp câu thơ để thể hiện nỗi lòng nhân vật. Ngoài ra, tác giả còn lồng ghép rất nhiều từ láy gợi hình, gợi cảm, khiến cho câu thơ trở nên độc đáo, đặc biệt khó quên.

Có thể nói, tám câu thơ cuối đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là những câu thơ tả cảnh ngụ tình hay nhất, đặc trưng nhất trong văn chương Việt Nam. Qua đó, ta cảm thấy thấu hiểu hơn cho nỗi lòng cô đơn, đau khổ của Kiều khi không thể chọn lựa những bước đi của mình dù biết phía trước là cơn sóng dữ.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Tám câu cuối đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" đã khắc họa rất rõ nét tâm trạng của nàng Kiều thông qua những hình ảnh thiên nhiên và từ láy được chắt lọc kĩ càng. Qua đó, ta thấy được sự tài hoa trong ngòi bút Nguyễn Du.

"Kiều ở lầu Ngưng Bích" là đoạn trích nổi bật trong kiệt tác "Truyện Kiều". Đặc biệt, tám câu cuối chính là tuyệt bút về tả cảnh ngụ tình. Em hãy tham khảo bài Cảm nhận về 8 câu thơ cuối của bài Kiều ở lầu Ngưng Bích, Ngữ văn 9, học kì I trên Taimienphi.vn để hiểu rõ hơn về đoạn thơ này nhé.
Phân tích tám câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
Dàn ý phân tích tám câu thơ cuối trong bài Kiều ở lầu Ngưng Bích
Phân tích tám câu thơ cuối trong bài Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du hay, ngắn gọn
Phân tích 8 câu thơ giữa đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
Viết đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối của bài Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du hay nhất
Cảm nhận về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

ĐỌC NHIỀU