1. Mở đoạn:
- Giới thiệu chi tiết "Thằng Cúc, thằng Xuân, con Tý, con Túc sán gần giương đôi mắt ngắm bộ quần áo mới của Sơn".
2. Thân đoạn:
- Đánh giá vai trò của chi tiết trong việc xây dựng nhân vật:
+ Khắc họa sự thiếu thốn của trẻ trong cuộc sống.
+ Thể hiện tấm lòng yêu thương của Thạch Lam với trẻ em.
- Thông điệp mà tác giả muốn truyền tải qua chi tiết: tình yêu thương, sự sẻ chia trong cuộc sống.
3. Kết đoạn:
- Khẳng định lại ý nghĩa chi tiết.
Trong truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa" của Thạch Lam, em ấn tượng nhất với chi tiết "Thằng Túc, thằng Xuân, con Tý, con Túc sán gần giương đôi mắt ngắm bộ quần áo mới của Sơn". Chi tiết này thể hiện sự ngưỡng mộ của đám trẻ trước chiếc áo bông mới. Những đứa trẻ nghèo mặc trang phục "màu nâu bạc đã vá lại nhiều chỗ", môi chúng và những chỗ quần áo rách đều tím tái. Mỗi cơn gió đến, lũ trẻ lại run rẩy trước cái lạnh. Hình ảnh này khắc họa hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn của những đứa trẻ nghèo. Qua chi tiết "Thằng Cúc, thằng Xuân, con Tý, con Túc sán gần giương đôi mắt ngắm bộ quần áo mới của Sơn" ta cũng cảm nhận được tấm lòng xót thương của Thạch Lam với trẻ em.
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu chi tiết Lan và Sơn về lấy áo bông cho Hiên mặc.
2. Thân đoạn:
- Đánh giá vai trò của chi tiết trong việc xây dựng nhân vật: Cho thấy tấm lòng nhân hậu của hai chị em Lan và Sơn.
- Thông điệp mà tác giả muốn truyền tải qua chi tiết: Tầm quan trọng của tình yêu thương trong cuộc sống.
3. Kết đoạn:
- Khẳng định lại ý nghĩa chi tiết.
Trong tác phẩm "Gió lạnh đầu mùa" của nhà văn Thạch Lam, chi tiết Lan và Sơn mang áo của em mình cho Hiên mặc đã để lại cho em những suy nghĩ sâu sắc. Khi thấy Hiên "co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay", Lan và Sơn quan tâm, hỏi han và chạy về lấy áo cho Hiên mặc. Điều này thể hiện tấm lòng nhân hậu của hai chị em trước những người có hoàn cảnh khó khăn. Hành động của Lan và Sơn tuy nhỏ nhưng chan chứa tình yêu thương. Qua chi tiết hai chị em mang áo cho Hiên, tác giả gửi gắm đến người đọc bài học về tình yêu thương trong cuộc sống.
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu chi tiết Hiên đứng co ro bên cột quán.
2. Thân đoạn:
- Đánh giá vai trò của chi tiết trong việc xây dựng nhân vật: Chi tiết thể hiện sự hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn của Hiên.
- Thông điệp mà tác giả muốn truyền tải qua chi tiết: Trẻ em cần được quan tâm, yêu thương.
3. Kết đoạn:
- Khẳng định lại ý nghĩa chi tiết.
Khi đọc tác phẩm "Gió lạnh đầu mùa" của nhà văn Thạch Lam, chúng ta không khỏi ấn tượng với chi tiết miêu tả nhân vật Hiên đứng co ro bên cột quán. Hiên sinh ra trong một gia đình nghèo. Mẹ cô bé vất vả mò cua, bắt ốc hằng ngày để mưu sinh. Hiên chỉ mặc "manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay" trong tiết trời lạnh giá. Chi tiết ấy đã góp phần khắc họa hình ảnh một cô bé nghèo khổ. Hoàn cảnh của Hiên cũng như số phận của bao đứa trẻ khác thời kì bấy giờ. Qua chi tiết Hiên co ro đứng bên cột quán, Thạch Lam đã thể hiện cái nhìn cảm thông, thương yêu với trẻ em.
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu chi tiết miêu tả ngoại hình của lũ trẻ nghèo.
2. Thân đoạn:
- Đánh giá vai trò của chi tiết trong việc xây dựng nhân vật: Chi tiết thể hiện sự hoàn cảnh sống khó khăn của lũ trẻ.
- Thông điệp mà tác giả muốn truyền tải qua chi tiết: Những đứa trẻ cần được sống trong sự yêu thương, chăm sóc.
3. Kết đoạn:
- Khẳng định lại ý nghĩa chi tiết.
Trong tác phẩm "Gió lạnh đầu mùa" của nhà văn Thạch Lam, chi tiết miêu tả ngoại hình lũ trẻ nghèo đã để lại suy ngẫm sâu sắc cho bạn đọc. Từ quan sát của Sơn, lũ trẻ nghèo hiện lên với những thiếu thốn. Trong tiết trời lạnh lẽo, bọn trẻ phải mặc quần áo vá nhiều chỗ nên không thể sưởi ấm cho cơ thể bé bỏng. Chúng cảm nhận được cái lạnh đang len lỏi khắp cơ thể nhưng không thể làm gì ngoài việc chịu đựng "Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau". Hình ảnh này đã khắc họa chân thực cuộc sống khó khăn của trẻ em lúc bấy giờ. Qua đây, Thạch Lam đã thể hiện cái nhìn xót thương trước những số phận bất hạnh. Từ đó, nhà văn cũng gửi gắm tới chúng ta bài học về tình thương yêu trẻ em.
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu chi tiết "Chúng nó thấy chị em Sơn đến đều lộ vẻ vui mừng, nhưng chúng vẫn đứng từ xa, không dám vồ vập".
2. Thân đoạn:
- Đánh giá vai trò của chi tiết trong việc xây dựng nhân vật: Chi tiết thể hiện tâm hồn non nớt, ngây thơ của lũ trẻ.
- Thông điệp mà tác giả muốn truyền tải qua chi tiết: Tất cả trẻ em cần được yêu thương.
3. Kết đoạn:
- Khẳng định lại ý nghĩa chi tiết.
Truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa" của Thạch Lam đã để lại cho người đọc nhiều suy tư trăn trở về cuộc sống của trẻ em qua chi tiết "Chúng nó thấy chị em Sơn đến đều lộ vẻ vui mừng, nhưng chúng vẫn đứng từ xa, không dám vồ vập". Chỉ với một câu văn ngắn gọn, chúng ta không khỏi xót xa trước suy nghĩ ngây thơ, non nớt của lũ trẻ nghèo. Mặc dù biết Sơn là người hòa đồng, lương thiện chứ "không kiêu kì và khinh khỉnh như các em họ của Sơn" nhưng chúng vẫn không dám đến gần hai chị em. Cái nghèo khó bủa vây cuộc sống khiến lũ trẻ trở nên tự ti, mặc cảm. Qua chi tiết này, tác giả đã khắc họa chân thực sự đối lập giữa tâm hồn trong sáng của trẻ với cái nghèo khó, thiếu thốn. Từ đây, nhà văn thể hiện tấm lòng yêu thương, trân trọng trẻ em.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Để có thể làm dạng đề trên, các em cần lựa chọn chi tiết miêu tả trẻ em mà mình ấn tượng. Tiếp đó, các em hãy đánh giá vai trò của chi tiết trong việc xây dựng nhân vật và chỉ ra thông điệp mà nhà văn gửi gắm. Để luyện tập viết đoạn văn trình bày cảm xúc, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu lớp 6 khác:
- Đoạn văn cảm nhận về một nhân vật trẻ em trong Gió lạnh đầu mùa
- Viết đoạn văn nói về cảm xúc của em lúc giao mùa, trong đó có ít nhất một cụm động từ hoặc một cụm tính từ làm thành phần chính của câu
- Viết đoạn văn miêu tả hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp được em lưu giữ trong kí ức