Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát Ngữ văn 6, Cánh Diều

Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát Ngữ văn 6, Cánh Diều

Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát Ngữ văn 6, Cánh Diều
 

A. Dàn ý chung viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát:

1. Mở đoạn:
- Giới thiệu chung về bài thơ/ bài ca dao, tác giả (nếu có).
- Nêu cảm xúc của em về bài thơ/ bài ca dao.
2. Thân đoạn:
- Chỉ ra nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể của bài thơ/ bài ca dao khiến em yêu thích và có nhiều cảm xúc, suy nghĩ.
- Nêu một số lí do khiến em yêu thích.
3. Kết đoạn:
- Khái quát cảm xúc, suy nghĩ của em về bài thơ/ bài ca dao.
 

B. Dàn ý chi tiết và đoạn văn mẫu nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát

 

Đề 1: Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ À ơi tay mẹ.

I. Dàn ý đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ À ơi tay mẹ:
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu về tác phẩm, tác giả.
- Nêu cảm xúc về bài thơ.
2. Thân đoạn:
* Nêu cảm xúc về nội dung:
- Tình yêu thương, che chở, chăm sóc của mẹ dành cho con.
+ Bàn tay mẹ che chở, bảo vệ con trước mọi bão giông cuộc đời.
+ Mẹ dùng những lời ru ngọt ngào, chan chứa tình yêu thương đưa con vào giấc ngủ.
- Sự hi sinh của mẹ: mẹ ru con suốt đời nhưng "chẳng một câu ru mình".
* Nêu cảm xúc về nghệ thuật:
- Thể thơ lục bát truyền thống.
- Các biện pháp tu từ: điệp ngữ, nhân hóa, ẩn dụ.
3. Kết đoạn:
- Khái quát cảm xúc, suy nghĩ về bài thơ.

II. Đoạn văn mẫu phát biểu cảm nghĩ về bài thơ À ơi tay mẹ:

Có biết bao bài thơ viết về tình mẫu tử nhưng em đặc biệt ấn tượng với bài thơ "À ơi tay mẹ" của tác giả Bình Nguyên. Hình ảnh "bàn tay mẹ" đã khắc họa tình yêu thương sâu sắc, vô bờ của mẹ dành cho con. Đôi bàn tay ấy đã bảo vệ, che chắn con khỏi những bão giông của cuộc đời "Bàn tay mẹ chắn mưa sa/ Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng.". Biện pháp tu từ ẩn dụ "cái trăng vàng", "cái trăng tròn", "cái trăng còn nằm nôi", "cái Mặt Trời bé con" được sử dụng trong đoạn thơ đã thể hiện tình cảm thương yêu và sự nâng niu của mẹ đối với đứa con. Câu thơ "Mai sau bể cạn non mòn/ À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru" như một lời khẳng định về tình mẫu tử bất diệt, đi cùng năm tháng. Tình yêu thương cùng lời ru của mẹ khiến cho cả cây cối, vạn vật cũng phải mềm lòng "Ru cho mềm ngọn gió thu/ Ru cho tan đám sương mù lá cây". Từ láy "chắt chiu", "dãi dầu" trong câu "Bàn tay mang phép nhiệm màu/ Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi" cho ta thấy được sự tần tảo cùng nỗi khổ cực, vất vả của mẹ. Dòng thơ cuối cùng của toàn bài càng làm em xúc động trước tình cảm cao đẹp mà mẹ dành cho con. Mẹ hi sinh tất cả mà không hề nghĩ cho riêng mình. Bằng thể thơ lục bát truyền thống, hình ảnh thơ trong sáng, tươi đẹp kết hợp với biện pháp điệp "À ơi cái này", nhân hóa "cái trăng vàng ngủ ngon" đã khiến bài thơ, sâu lắng như lời hát ru thân thương. Từ đây, nhà thơ gợi nhắc tới chúng ta tình yêu thương vô bờ, không gì sánh nổi của mẹ dành cho con. Đọc bài thơ, em càng thêm yêu và trân trọng người mẹ kính mến của mình.

Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát Ngữ văn 6, Cánh Diều
 

Đề 2: Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Về thăm mẹ.

I. Dàn ý đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ À ơi tay mẹ:
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu về tác phẩm, tác giả.
- Nêu cảm xúc về bài thơ.
2. Thân đoạn:
* Nêu cảm xúc về nội dung:
- Cảm động trước hình ảnh người mẹ và tình cảm của mẹ dành cho con:
+ Tảo tần, giàu đức hi sinh.
+ Chắt chiu, dành cho con những điều tốt đẹp cho con.
- Xúc động trước tình cảm thương nhớ của người con dành cho mẹ trong một lần trở về thăm nhà.
+ Cảm xúc: ngẩn ngơ, xúc động không thể nói thành lời, không thể kìm nén những giọt nước mắt của mình.
* Nêu cảm xúc về nghệ thuật:
- Thể thơ lục bát truyền thống.
- Sử dụng trường từ vựng giàu sức gợi hình, gợi cảm.
3. Kết đoạn:
- Khái quát cảm xúc, suy nghĩ về bài thơ.

II. Đoạn văn mẫu phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Về thăm mẹ:

Mỗi lần đọc bài thơ "Về thăm mẹ" của tác giả Đinh Nam Khương, lòng em lại dâng lên cảm xúc bồi hồi, nghẹn ngào khó tả. Tình cảm nhớ thương của người con dành cho mẹ đã thực sự chạm đến trái tim em. Nhân vật trữ tình về thăm mẹ vào một chiều đông. Qua những lời thơ đầy tâm tình, hình ảnh người mẹ tảo tần, giàu đức hi sinh được tác giả khắc họa một cách vô cùng chân thực, gần gũi. Bóng dáng mẹ nhọc nhằn, lam lũ quanh năm suốt tháng được miêu tả ở khổ thứ hai. Hình ảnh "cái nón mê" "dãi nắng dầu mưa", "cái áo tơi" đã mục đi sau những buổi "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" càng làm cho em thấu hiểu được nỗi vất vả của người mẹ trong bài thơ. Không những vậy, mẹ còn là một người chắt chiu, luôn dành cho con những điều tốt đẹp nhất: "Trái na cuối vụ mẹ dành phần con". Có đồ ăn ngon, có trái cây ngọt, mẹ luôn nhớ tới đứa con bé bỏng. Mẹ dành dụm mọi thứ cho con mà không giữ lại bất cứ điều gì cho riêng mình. Chính tình cảm yêu thương của mẹ đã làm cho nhân vật trữ tình xúc động, "thơ thẩn vào ra". Tác giả sử dụng trường từ láy giàu sức gợi để thể hiện tình yêu dành cho mẹ. Chủ thể trữ tình thoáng buồn tủi, ngẩn ngơ lại càng không thể giấu nổi nỗi xúc động trước những việc mẹ làm trong ngôi nhà thân thương. Dường như cảm xúc ấy được đẩy lên cao trào khi người con không thể kìm nén nổi những giọt nước mắt. Bằng thể thơ lục bát truyền thống, hình ảnh thơ gần gũi quen thuộc kết hợp với từ ngữ giàu cảm xúc, tác giả đã bày tỏ lòng kính trọng, thương yêu sâu sắc dành cho mẹ của mình. Đối với em, đây là một bài thơ hay và giàu ý nghĩa!
 

Đề 3: Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về một bài ca dao đã học.

I. Dàn ý đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài ca dao Công cha như núi ngất trời:
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu về bài ca dao.
- Nêu cảm xúc về bài ca dao.
2. Thân đoạn:
* Nêu cảm xúc về nội dung:
- Công lao to lớn của cha mẹ:
+ "Công cha như núi ngất trời": công lao sinh thành, dưỡng dục của cha được sánh với ngọn núi. Công cha vô cùng to lớn, không thể đong đếm.
+ "Nghĩa mẹ như nước ở ngoài Biển Đông": tình yêu thương của mẹ mênh mông như nước ở ngoài Biển.
=> So sánh công cha nghĩa mẹ với non, nước cho thấy tình yêu thương của cha mẹ dạt dào, rộng lớn như tự nhiên.
=> Khẳng định công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
- Nhắc nhở về đạo làm con:
+ Ghi nhớ, biết ơn công lao dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ: "Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!".
* Nêu cảm xúc về nghệ thuật:
- Thể thơ lục bát truyền thống.
- Hình ảnh, từ ngữ giàu sức gợi.
- Biện pháp so sánh độc đáo.
3. Kết đoạn:
- Khái quát cảm xúc, suy nghĩ về bài ca dao.

II. Đoạn văn mẫu phát biểu cảm nghĩ về bài ca dao Công cha như núi ngất trời:

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có biết bao bài ca dao viết về tình cảm gia đình nhưng em đặc biệt ấn tượng và yêu thích bài ca dao "Công cha như núi ngất trời". Đọc hai dòng thơ đầu, em cảm thấy biết ơn cũng như xúc động trước công lao to lớn của mẹ, cha: "Công cha như núi ngất trời,/ Nghĩa mẹ như nước ở ngoài Biển Đông". Để khẳng định công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tác giả dân gian đã ví công cha nghĩa mẹ với núi và biển. Công lao của cha to lớn như núi, không thể đong đếm còn tình yêu thương của mẹ mênh mông, rộng lớn như nước ở ngoài Biển Đông. Đây là cách ví von thật độc đáo, tài tình khi tác giả dân gian đã cụ thể hóa công cha, nghĩa mẹ với những sự vật cụ thể trong đời sống. n nghĩa to lớn, sâu nặng ấy chỉ có thể sánh ngang với sự kì vĩ, vô tận của tự nhiên. Đến hai câu sau: "Núi cao biển rộng mênh mông/ Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi", tác giả dân gian khơi gợi cho em suy ngẫm về bổn phận, trách nhiệm của đạo làm con. Cha mẹ nuôi con khổ cực, gian truân. Chính vì vậy, con cái cần ghi nhớ ơn dưỡng dục, sinh thành của mẹ cha. Bằng thể thơ lục bát truyền thống, hình ảnh thơ, từ ngữ giàu sức gợi và biện pháp so sánh "như núi ngất trời", "như nước ở ngoài Biển Đông", tác giả dân gian đã gửi gắm cho chúng ta bài học về lòng biết ơn, khắc ghi ơn cha nghĩa mẹ. Bài ca dao khiến em thêm yêu và trân trọng tình cảm gia đình nhiều hơn!

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Thể thơ lục bát là thể thơ truyền thống của dân tộc. Mỗi bài thơ hay bài ca dao đều chan chứa biết bao tình cảm yêu mến, sâu sắc dành cho gia đình. Taimienphi.vn luôn đem đến cho các em những bài văn mẫu lớp 6 hay và chất lượng khác như:
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát
- Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ À ơi tay mẹ
- Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Về thăm mẹ
- Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về một bài ca dao Việt Nam đã học

Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát, Cánh Diều, học kì I là dạng bài tập quan trọng trong chương trình Ngữ văn 6. Dưới đây là dàn ý chung, dàn ý chi tiết và đoạn văn mẫu cho một số đề cụ thể, mời các em tham khảo.
Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Về thăm mẹ
Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về bài thơ À ơi tay mẹ
Viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ À ơi tay mẹ
Đóng vai chim sâu viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về nhân vật "chiếc lá" siêu hay tuyển chọn
Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về một văn bản nghị luận đã học
Đoạn văn nêu cảm nghĩ về hình ảnh cây tre trong bài Cây tre Việt Nam

ĐỌC NHIỀU