I. Dàn ý Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Cái cầu của Phạm Tiến Duật
a. Mở đoạn:
- Giới thiệu tác giả, bài thơ "Cái cầu".
- Nêu cảm nhận chung của em về bài thơ.
b. Thân đoạn:
- Cảm nhận yếu tố tự sự trong thơ: Từ bức thư cha gửi, người con kể lại kỉ niệm tuổi thơ gắn bó với những chiếc cầu.
- Nêu ấn tượng của em về những chi tiết miêu tả những cây cầu tuổi thơ (cầu tơ nhỏ, cầu tre, cầu ngọn gió,...)
- Đánh giá tác dụng của việc sử dụng yếu tố tự sự, chi tiết miêu tả đó trong việc thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của nhà thơ.
c. Kết đoạn: Nêu cảm nhận của em về yếu tố tự sự và miêu tả trong bài thơ.
1. Đoạn văn mẫu số 1
Bài thơ "Cái cầu" của Phạm Tiến Duật khiến cho người đọc không khỏi hứng thú với câu chuyện sinh động mà người con kể lại sau khi nhận được thư của cha. Từ hình ảnh cây cầu trong thư cha, người con nhớ tới những cây cầu khác gắn với bao kỉ niệm thân thuộc: cầu tơ nhỏ, cầu ngọn gió, cầu lá tre, cầu vồng, cầu tre, cầu treo. Mỗi chiếc cầu đều được tác giả miêu tả với những nét đặc sắc khác nhau. Điệp từ "yêu" được lặp lại sáu lần càng nhấn mạnh tình cảm trân trọng, yêu thương của bạn nhỏ với những cây cầu. Những cây cầu gắn với kỉ niệm tuổi thơ, tô điểm cho vẻ đẹp của quê hương đất nước. Bằng nghệ thuật kể chuyện độc đáo, các chi tiết miêu tả những cây cầu đặc sắc và cách triển khai bài thơ bằng câu chuyện, nhà thơ đã khiến người đọc hình dung ra những cây cầu giản dị, thân thương, nơi cậu bé gửi gắm tình yêu thương quê hương, đất nước. Bài thơ đã gợi cho em những tình cảm mến yêu quê hương, đất nước sâu sắc qua câu chuyện người con kể lại sau khi nhận được thư cha.
2. Đoạn văn mẫu: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Cái cầu của Phạm Tiến Duật số 2
Bài thơ "Cái cầu" của nhà thơ Phạm Duật đã đem lại cho em những rung động sâu sắc. Bài thơ là câu chuyện sinh động mà người con kể lại sau khi nhận được thư cha. Hình ảnh cái cầu trong thư cha gợi lên những cái cầu thân thuộc trong tuổi thơ. Cầu tơ nhỏ nhện bắc qua chum nước, cầu gió con sáo sang sông, cầu lá tre con kiến qua ngòi, cầu vồng khi trời nổi gió, cầu tre bắc qua sông, cầu treo bắc qua nhà bà ngoại,... được hiện lên sống động, chan chứa kỉ niệm qua suy nghĩ của người con. Điệp từ "yêu" được tác giả sử dụng nhằm nhấn mạnh tình cảm thiết tha của bạn nhỏ với những cây cầu. Qua câu chuyện của người con kể lại, ta thấy được người cha là người đi xây cầu, người mẹ là nông dân, cả cha và mẹ của em bé đều đang góp phần xây dựng quê hương đất nước tươi đẹp. Với nghệ thuật kể chuyện độc đáo, các chi tiết miêu tả những cây cầu đặc sắc và cách triển khai bài thơ bằng câu chuyện, tình cảm yêu thương của người con được nhà thơ khắc họa một cách rõ nét. Bài thơ đã để lại trong em những suy nghĩ sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước.
3. Đoạn văn mẫu: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Cái cầu của Phạm Tiến Duật số 3
Đọc bài thơ "Cái cầu" của Phạm Tiến Duật, ta không khỏi ấn tượng bởi câu chuyện người con kể lại sau khi nhận được thư cha. Hình ảnh chiếc cầu trong thư cha khơi nguồn trong con kỉ niệm về những chiếc cầu tô đẹp quê hương "Những cái cầu ơi, yêu sao yêu ghê". Nhà thơ đã sử dụng điệp từ "yêu" sáu lần trong bài để nhấn mạnh tình cảm gắn bó của bạn nhỏ với những cây cầu và tuổi thơ. Bằng nghệ thuật kể chuyện độc đáo, những cây cầu dần dần được xuất hiện qua lời kể của người con một cách tự nhiên. Các chi tiết miêu tả và cách triển khai bài thơ bằng câu chuyện đã bộc lộ tình cảm của người con với quê hương một cách sâu sắc. Qua đó, tác giả cũng thể hiện tình yêu tha thiết của mình với quê hương, đất nước. Bài thơ đã để lại cho em những rung động sâu sắc về những cây cầu tô đẹp quê hương.
Các em có thể xem thêm các bài văn mẫu lớp 6 để rèn luyện cách đặt câu và cách viết đoạn văn:
- Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Chuyện cổ tích về loài người
- Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình