Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề văn hóa truyền thống Việt Nam

Đề bài: Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề văn hóa truyền thống Việt Nam

Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề văn hóa truyền thống Việt Nam

 

Vấn đề nghiên cứu: Quan họ trong không gian văn hóa đương đại tại làng Diềm - Bắc Ninh


I. Đề cương nghiên cứu:

1. Mở đầu:
a. Lí do chọn đề tài:
- Quan họ chứa đựng nét đẹp văn hóa truyền thống, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Bắc Ninh nói riêng và người Việt nói chung.
- Làng Diềm là mảnh đất thủy tổ của quan họ. Chính vì vậy, cần đặt quan họ trong không gian văn hóa làng Diềm để thấy được nét độc đáo, hấp dẫn.
b. Mục đích nghiên cứu:
- Thấy được nét đặc sắc của quan họ làng Diềm.
c. Phương pháp nghiên cứu:
- Phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp.
2. Nội dung bài nghiên cứu:
a. Đôi nét về quan họ Bắc Ninh:
- Dân ca quan họ Bắc Ninh nổi tiếng với bạn bè gần xa bởi âm điệu ngọt ngào, trong trẻo, mượt mà, tha thiết.
- Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, quan họ cũng có sự thay đổi, bổ sung, có thể chia thành: quan họ truyền thống và quan họ mới.
+ Quan họ truyền thống: ra đời đầu tiên, đòi hỏi người hát phải am hiểu luật lệ, cách hát; khi hát không có nhạc đệm.
+ Quan hệ mới: đã có sự cải biên, hình thức biểu diễn phong phú hơn.
b. Mảnh đất và con người làng Diềm:
- Làng Diềm thuộc địa phận phường Hòa Long, nơi đây lưu giữ rất nhiều nét đẹp văn hóa của làng quê xứ Kinh Bắc.
- Từ trong cách ứng xử, nói năng, đi lại, người dân làng Diềm đều toát lên vẻ mộc mạc, nhẹ nhàng.
- Sự duyên dáng được di truyền từ đời này sang đời khác, tạo nên chất trữ tình trong các làn điệu dân ca.
- Một số bài "Bóc thư", "Tình thư", "Bóng giăng loan", "Ăn ở trong rừng" không được chia thành trổ ở Diềm.
c. Dân ca Quan họ trong không gian văn hóa làng Diềm - phường Hòa Long - Thành phố Bắc Ninh - tỉnh Bắc Ninh:
* Sự khác biệt trong lối hát ở làng Diềm:
- Lối hát ở Diềm có điểm khác biệt, "cổ" hơn so với những nơi khác.
- Các liền anh, liền chị thường sử dụng lối hát chậm rãi, khoan thai, ít các bài lí có tiết tấu nhanh.
- Khi nhắc đến quan họ làng Diềm, không thể không nhắc đến bốn trụ cột chính hay bốn nghệ nhân kì cựu của quan họ làng Diềm. Đó là các cụ Ngô Thị Nhị, Trần Thị Phụng, Nguyễn Thị Bản, Ngô Thị Lịch.
* Sự phát triển, gìn giữ dân ca quan họ tại làng Diềm:
- Giữ nếp sinh hoạt tại các câu lạc bộ trong thôn xóm.
- Đưa vào giảng dạy trong nhà trường.
- Xây dựng nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh.
3. Kết luận:
- Khẳng định ý nghĩa, giá trị của dân ca quan họ làng Diềm nói riêng và dân ca quan họ Bắc Ninh nói chung.
- Nêu bài học nhận thức để giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp.

Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề văn học dân gian Kết nối tri thức
 

II. Bài nghiên cứu mẫu về một vấn đề văn hóa truyền thống Việt Nam:

1. Mở đầu

a. Lí do chọn đề tài:

"Anh có về Kinh Bắc quê em, mà nghe quan họ mà xem làng nghề

Con sông Cầu in bóng trăng thề người đi người ở người về với ai..."

Những câu ca ngọt ngào, đằm thắm ấy chính là dân ca quan họ Bắc Ninh. Làn điệu dân ca quan họ từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân Bắc Ninh nói riêng và người Việt Nam nói chung. Tại kì họp lần thứ tư của Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ngày 30 tháng 9 năm 2009, dân ca quan họ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể chỉ sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và ca trù. Điều này chứng tỏ dân ca quan họ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hiện nay, dân ca quan họ xuất hiện ở rất nhiều nơi trên cả nước nhưng nhiều nhất vẫn là Bắc Ninh. Hầu hết các làng ở Bắc Ninh đều có những địa điểm sinh hoạt hát quan họ. Tuy nhiên, cái nôi đầu tiên của quan họ bắt nguồn từ Làng Diềm hay còn gọi là làng Viêm Xá, thuộc phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Đây là nơi bà Thủy tổ của quan họ xuất hiện và truyền dạy lời ca cho mọi người. Qua năm tháng, quan họ không những giữ được nguyên vẹn lối hát truyền thống mà còn xuất hiện thêm nhiều lối hát mới phong phú và đa dạng.

Hiện tại, không ít những bài nghiên cứu, đánh giá của những nhà nghiên cứu đầu ngành về dân ca quan họ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu quan họ trong không gian văn hóa đương đại tại làng Diềm.

b. Mục đích nghiên cứu đề tài:

Tìm hiểu dân ca quan họ tại làng Diềm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh để thấy được nét độc đáo, đặc sắc và đặc biệt của quan họ trong không gian văn hóa làng Diềm.

c. Phương pháp nghiên cứu:

Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp so sánh, phân tích - tổng hợp.

2. Nội dung:

a. Đôi nét về quan họ Bắc Ninh:

Khác với các loại hình diễn xướng khác, dân ca quan họ Bắc Ninh nổi tiếng với bạn bè gần xa bởi âm điệu ngọt ngào, trong trẻo, mượt mà, tha thiết. Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào ghi chép chính xác về thời gian ra đời của làn điệu này. Có người cho rằng quan họ xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỉ XI, ý kiến khác lại nói vào thế kỉ XVII. Dù là thời gian nào thì quan họ vẫn được coi là phương tiện lưu giữ hồn cốt của văn hóa xứ Kinh Bắc. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, quan họ cũng có sự thay đổi, bổ sung. Chúng ta có thể chia thành quan họ truyền thống và quan họ mới.

Trước hết, quan họ truyền thống là lối hát quan họ ra đời đầu tiên. Nó chỉ tồn tại ở 49 làng quan họ gốc tại xứ Kinh Bắc. Quan họ truyền thống đòi hỏi người hát phải am hiểu luật lệ, cách hát. Lúc bấy giờ, người ta không gọi là "hát quan họ" mà là "chơi quan họ" bởi cho rằng quan họ là một thú vui tao nhã, thanh tao. Quan họ truyền thống không có nhạc đệm, chủ yếu là sự đối đáp của các liền anh liền chị vào độ "xuân thu nhị kì".

Khác với quan họ truyền thống, quan họ mới ít nhiều đã có sự cải biên. Hình thức diễn xướng cũng trở nên đa dạng hơn bao gồm hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa,...

Tính đến năm 2016, có tất cả 67 làng quan họ được xếp vào danh sách bảo tồn và phát triển, trong đó có 44 làng quan họ thuộc tỉnh Bắc Ninh.

b. Mảnh đất và con người làng Diềm:

Làng Diềm thuộc địa phận phường Hòa Long, nơi đây lưu giữ rất nhiều nét đẹp văn hóa của làng quê xứ Kinh Bắc. Lớn lên trên đất tổ của quan họ, người dân cũng rất ngọt ngào, đằm thắm. Từ trong cách ứng xử, nói năng, đi lại, người dân làng Diềm đều toát lên vẻ mộc mạc, nhẹ nhàng. Họ hiền lành, chất phác và đặc biệt hiếu khách như những câu quan họ mà ta đã từng nghe:

"Khách đến nhà là hát

Khách uống trà là pha"

hay

"Người ơi, người ở đừng về..."

Dường như người con của miền quê quan họ đều rất tình - một cái tình ngọt ngào như những lời ca. Không chỉ các liền anh, liền chị khi hát mới duyên dáng mà cái duyên ấy hiện hữu ngay cả trong đời sống hàng ngày. Đó là nét duyên được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bởi vậy, quan họ mới trở nên đằm thắm, mượt mà đến như vậy.

c. Dân ca Quan họ trong không gian văn hóa làng Diềm - phường Hòa Long - Thành phố Bắc Ninh - tỉnh Bắc Ninh:

Đặt dân ca quan họ trong không gian văn hóa làng Diềm, ta có thể thấy được nét độc đáo, hấp dẫn của làn điệu quan họ nơi đây. Ngày xưa, do hạn chế khi di chuyển nên sự giao lưu giữa Diềm và các làng khác gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, lối hát ở Diềm có điểm khác biệt, "cổ" hơn so với những nơi khác. Các liền anh, liền chị thường sử dụng lối hát chậm rãi, khoan thai, ít các bài lí có tiết tấu nhanh. Chính vì thế, những luyến láy hay tiếng đệm trong lời ca như "Dôông ôi à tô ông tang" "Dôông tang tết, tết tang" "tềnh tếnh"... cũng bị tiết chế. Một số bài "Bóc thư", "Tình thư", "Bóng giăng loan", "Ăn ở trong rừng" không được chia thành trổ ở Diềm.

Khi nhắc đến quan họ làng Diềm, không thể không nhắc đến bốn trụ cột chính hay bốn nghệ nhân kì cựu của quan họ làng Diềm. Đó là các cụ Ngô Thị Nhị, Trần Thị Phụng, Nguyễn Thị Bản, Ngô Thị Lịch. Họ đều là những nghệ nhân lâu đời, thuộc cả trăm ngàn làn quan họ cổ, đã được nhà nước phong danh nghệ nhân ưu tú.

Tại đây, cứ mỗi độ xuân về, ngày hội hay ngày rằm sẽ là ngày họp câu lạc bộ quan họ của làng. Nhiều lúc, chẳng cần nhạc đệm, tự lời đối đáp đã mang nét nhạc du dương. Từng làn điệu như rót vào tâm hồn người nghe nhờ các lời ngân: "Hừ la, hừ la a la..em hỡi hà, ơi hội hừ...".

Đặc biệt, dân làng cũng như chính quyền và các cấp địa phương rất chú trọng giữ gìn, bảo tồn dân ca quan họ. Ở trường Tiểu học Hòa Long, bên cạnh việc trau dồi, rèn luyện kĩ năng, kiến thức, nhà trường đã đưa quan họ vào dạy như một môn học trong các tiết học ngoại khóa. Đây là hoạt động thiết thực giúp bồi dưỡng tình yêu thương, tấm lòng nhân hậu, thủy chung ở các em học sinh. Từ đó, giúp các em phát triển nhân cách, đạo đức tốt đẹp và thêm yêu quê hương, đất nước.

Với mục đích giữ gìn, bảo tồn dân ca quan họ và phát triển du lịch, chính quyền đã cho xây dựng nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh. Công trình có tổng diện tích là 19.400 mét vuông, với mức kinh phí hơn 178 tỉ đồng. Điều này cho thấy dân ca quan họ nhận được sự quan tâm, sát sao của người dân và các cấp chính quyền. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn. Đồng thời, tạo động lực cho mỗi nghệ sĩ không ngừng nỗ lực sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật.

Mặc dù xã hội phát triển nhưng những giá trị văn hóa, tinh thần của quan họ làng Diềm vẫn được gìn giữ, phát huy. Tiếng hát quan họ thiết tha, nghĩa tình của các liền anh, liền chị vẫn làm say đắm biết bao du khách thập phương trong và ngoài nước. Đây chính là sức hút, nét hấp dẫn của quê hương quan họ.

3. Kết luận:

Mỗi một làng quan họ đều mang những nét riêng nhưng nếu đã nghe quan họ thì không thể bỏ qua làn điệu làng Diềm. Làn điệu dân ca mượt mà đằm thắm là một nét đẹp văn hóa và có tầm ảnh hưởng to lớn đối với không gian văn hóa làng Diềm. Quan họ không chỉ là niềm tự hào của người dân làng Diềm mà còn là toàn thể người dân Việt Nam. Chúng ta cần phải cố gắng, nỗ lực để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống như dân ca quan họ làng Diềm.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Để viết được một bài nghiên cứu hoàn chỉnh, các em cần xây dựng được đề cương chi tiết. Trong quá trình làm đề cương, em cần xác định đề tài, hướng nghiên cứu và trình bày được những điểm nổi bật. Ngoài bài viết trên, em có thể xem thêm bài văn mẫu lớp 10 khác như:
Viết báo cáo kết quả nghiên cứu có sử dụng trích dẫn, cước chú và phương tiện hỗ trợ
- Đoạn văn về chủ đề: Múa rối nước - món quà kì diệu từ đồng ruộng Việt Nam
- Đoạn văn trình bày suy nghĩ về tiếng cười châm biếm của tác giả dân gian thể hiện qua đoạn trích Huyện đường

Văn hóa truyền thống là phong tục, tập quán, tín ngưỡng,... được ông cha ta giữ gìn, phát huy và bảo vệ suốt hàng ngàn đời nay. Các em có thể đọc bài Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề văn hóa truyền thống Việt Nam, Ngữ văn 10, Kết nối tri thức với cuộc sống, học kì I do Taimienphi.vn biên soạn dưới đây để hiểu thêm về văn hóa của dân tộc mình.
Link tải Sách giáo khoa lớp 4 Kết nối tri thức PDF
Giải bài tập trang 65 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải Toán lớp 7 trang 108, 109 tập 1 sách Kết Nối Tri Thức
Giải Toán lớp 7 sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 95 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 91, 92 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống

ĐỌC NHIỀU