Thuyết minh về hình tượng nhân vật khách trong đoạn đầu bài Phú Sông Bạch Đằng

Đề bài: Thuyết minh về hình tượng nhân vật khách trong đoạn đầu của văn bản Phú Sông Bạch Đằng

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
 1. Mở bài
 2. Thân bài
 3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

Thuyết minh về hình tượng nhân vật khách trong đoạn đầu của văn bản Phú Sông Bạch Đằng


I. Dàn ý Thuyết minh về hình tượng nhân vật khách trong đoạn đầu của văn bản Phú Sông Bạch Đằng


1. Mở bài:

- Giới thiệu về tác phẩm và hình tượng nhân vật khách.


2. Thân bài:

a. Giải thích
- Khách là hình tượng nhân vật được tác giả hư cấu, xây dựng theo hình thức đối đáp với một nhân vật trong bài thơ( ở đây là các bô lão)
- Tác phẩm được viết theo cấu trúc cơ bản của thể phú (mở, giải, bình, kết) nhưng toàn mạch cảm xúc đều nương theo xúc cảm của nhân vật khách.
- Nội dung: Bộc lộ tráng chí bốn phương và nỗi niềm về một thời oanh liệt của dân tộc trên dòng Bạch Đằng.
- Hình tượng khách là cái tôi của tác giả, sự hóa thân của người thi sĩ, người anh hùng đang đau đáu những nỗi niềm về đất nước.

b. Phân tích
- Hình tượng khách xuất hiện trong tâm thế của một kẻ phóng khoáng, tao nhân, với tráng chí bốn phương "Khách có ...tiêu dao":
+ Hình ảnh ước lệ "giương buồm lướt gió, lướt bể chơi trăng, ...": Hình ảnh của một con người với tâm hồn phóng khoáng, thích thú với công việc ngao du bốn bể.
+ Biện pháp liệt kê: liệt kê một loạt những thắng cảnh nổi tiếng của Trung hoa, đưa người đọc đi thăm thú khắp nơi "Cửu Giang ...Việt".
+ Dù là những vùng đất chưa hề đặt chân đến nhưng người khách có thể tường tận kể, trình bày, cho thấy kiến thức uyên thâm, đồ sộ, cái trí muốn ngao du cho thỏa cái tầm nhìn và mở rộng tri thức
+ Cách nói "Sớm ... Vũ Huyệt": cách nói cường điệu, khiến cho không gian, thời gian co ngắn lại, nâng tầm người khác lên.
+ Người khách còn chỉ ra tích "Tử Trường" (Tư Mã Thiên): thú tiêu dao của ông ta.
+ Thế nhưng, dù có đi qua bao thắng cảnh, nhưng vẫn dừng lại ở dòng Bạch Đằng giang lịch sử: cho thấy một tình yêu quê hương tha thiết, một niềm tự hào dân tộc mãnh liệt, đặc biệt với những chiến công trong quá khứ.
=> Hình tượng khách xuất hiện thật cao lớn, lồng lộng, điều đó được làm nên bởi cái tráng chí bốn phương, với cái thú tiêu dao, khát vọng thưởng ngoạn bốn phương mà mở mang tri thức.

- Hình tượng khách qua những dòng cảm xúc trước dòng sông Bạch Đằng:
+ Cảnh sắc hùng vĩ của sông Bạch Đằng: "Bát ngát ...một màu": cảnh sắc vừa lãng mạn, lại vừa hùng vĩ, tráng lệ - sự quạnh quẽ, đìu hiu "Bờ lau ...xương khô".
+ Tác giả sử dụng bút pháp tả thực vẽ lên khung cảnh đối lập: ngày trước là dòng sông lừng lẫy - bây giờ lại ảm đạm, thê lương.
+ Bầu trời và dòng sông hòa cùng vào một sắc trong tiết trời thu =>khủng cảnh tuyệt đẹp.
+ Trong khung cảnh đó, còn chứa chan tâm trạng của khách: Sự phấn khích khi được thưởng ngoạn sự hùng vĩ, thơ mộng, trữ tình nơi dòng sông lịch sử xưa kia - sự hoài niệm, tiếc nuối về sự thay đổi cảnh vật, tiếc thương những người ngã xuống.
+ "Đứng ...lâu": Niềm cảm khái xúc động buồn thương của tác giả.
=> Trương Hán Siêu đã có những phát hiện thú vị về cảnh sắc của sông Bạch Đằng vừa thơ mộng, lại hùng vĩ, cảnh sắc đa dạng, đa chiều.
=> Thể hiện niềm yêu thiên nhiên tha thiết cùng với niềm tự hào dân tộc với những chiến công xưa trên dòng sông này, dù giờ đây đã chẳng còn được như trước.

- Kết luận chung:
+ Hình tượng khách là niềm cảm hứng của tác giả với lối kể, tả mang đậm tính ước lệ, cường điệu, pha lẫn là xúc cảm, tình yêu thiên nhiên, đất nước và niềm tự hào dân tộc.
+ Nhân vật khách đã khơi dậy tâm thế của một kẻ tráng chí bốn phương, khơi dậy những xúc cảm về dòng sông Bạch Đằng lịch sử.


3. Kết luận:

- Khẳng định lại ý nghĩa hình tượng khách.


II. Bài văn mẫu Thuyết minh về hình tượng nhân vật khách trong đoạn đầu của văn bản Phú Sông Bạch Đằng
 

Mẹo Cách làm bài văn thuyết minh hay

Lịch sử dân tộc Việt Nam chứng kiến biết bao những chiến công lừng lẫy của dân tộc, đặc biệt là những chiến công trên những dòng sông anh hùng. Và trong số đó, không thể không kể đến dòng Bạch Đằng giang lẫy lừng với bao chiến công oanh liệt, vang dội. Hơn năm mươi năm sau ngày chiến thắng quân Nguyên Mông trên dòng Bạch Đằng, Trương Hán Siêu đã đứng ở đây mà hoài niệm về những bi tráng của dòng sông lịch sử ấy qua bài Phú sông Bạch Đằng. Và để bộc lộ rõ hơn những hoài niệm, nhớ thương và trăn trở của mình cùng cái tráng chí của mình, ông đã sử dụng hình tượng nhân vật khách - một sự sáng tạo đầy nghệ thuật để giúp bài Phú sông Bạch Đằng trở thành áng thơ xuất sắc trong văn học trung đại Việt Nam.

Được sáng tác theo lối phú cổ thể, tác giả đã dựng lên hình tượng một người khách đến thăm dòng sông lịch sử Bạch Đằng đồng thời giãi bày những nỗi niềm suy tư trong lòng. Hình tượng khách vốn là một nhân vật được các nhà thơ hư cấu, sáng tạo lên thông qua hình thức đối đáp với một nhân vật khác mà ở trong bài phú này là các bô lão. Với bài phú của Trương Hán Siêu, hình tượng khách trở thành nhân vật trung tâm của tác phẩm, tuy vẫn được viết theo cấu trúc cơ bản của một bài phú (mở, giải, bình, kết), thế nhưng, những xúc cảm trong toàn mạch thơ đều nương theo cảm xúc của nhân vật khách này. Cảm xúc đó là nỗi niềm nhớ thương về một thời oanh liệt của dân tộc ta trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử và cái tráng chí bốn phương đau đáu khôn nguôi. Đọc bài phú, người ta nhận ra rằng, vị khách trung tâm của tác phẩm là cái tôi của nhà thơ, là sự hóa thân của người thi sĩ, người anh hùng đang tha thiết những nỗi niềm về đất nước.

Bước vào bài phú, người khách xuất hiện với tâm thế của một kẻ tao nhân, phóng khoáng, bộc lộ cái tráng chí bốn phương của mình:

"Khách có kẻ:
...
Học Tử Trường chừ thú tiêu dao"

Trương Hán Siêu đã dùng ở đây một loạt những hình ảnh ước lệ vốn rất thường thấy trong thơ cổ như "giương buồm giong gió, lướt bể chơi trăng", để thể hiện cái tâm thế của một kẻ khoáng đạt, thích thú được ngao du muôn nơi. Người khách ấy như thể đang chơi vơi giữa biển lớn, vi vu với gió, với trăng suốt tháng ngày trong niềm vui bất tận. Hai từ láy "chơi vơi, mải miết" thể hiện một niềm vui phơi phới, niềm say mê bất tận của người khách đang trong mộng hải hồ. Tiếp sau đó, người khách lại liệt kê một loạt những địa danh nổi tiếng của Trung Hoa như "Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt", đây là những cảnh đẹp ở Trung Quốc mà người khách thích thú muốn viễn du đến thăm. Những địa danh ấy nổi tiếng nhưng lại ở nơi xa xôi, người khách chưa thể đặt chân tới nhưng lại biết rõ, hiểu rõ, cho thấy một bộ óc với kiến thức uyên thâm về văn hóa, tri thức và cái thú muốn được tiêu dao khắp mọi nơi trên đất trên bể và hơn hết là cái tráng chí bốn phương đang tha thiết trong tim. Khát vọng được đi muôn nơi của khách thể hiện trong từng câu chữ của bài thơ "nơi có người đi, đâu chẳng biết", chỉ cần có người đi, chắc chắn có người biết đến. Đi để mở mang tầm mắt, mở mang nguồn tri thức của mình!

Đang kể đến những địa danh nổi tiếng bên Trung Quốc, Trương Hán Siêu lại chợt liệt kê vào đây tích "Tử Trường". Tử Trường tức Tư Mã Thiên là một nhà biên sử ký nổi tiếng của Trung Quốc nhưng người khách không phải muốn học cách ghi chép sử mà là muốn học thú tiêu dao của ông.

"Học Tử Trường chừ thú tiêu dao".

Cách nói cường điệu "Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương/ Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt", hai địa điểm ở cách xa nhau, ấy vậy mà lại chỉ đi trong vòng một ngày sớm chiều, cách nói này đã nâng tầm cao người của khách lên một vị thế mới, khi mà không gian và thời gian được rút ngắn lại.

Thế nhưng, dù có trải qua bao nhiêu cái thắng cảnh đẹp nổi tiếng của Trung Quốc thì cuối cùng, địa danh mà khiến cho khách phải dừng lại đó là dòng Bạch Đằng giang. Ta thấy được ở đây một niềm xúc cảm mãnh liệt, một tình yêu quê hương tha thiết và một niềm tự hào về một quá khứ oanh liệt của dân tộc ta. Tác giả cũng liệt kê một loạt những địa danh nổi tiếng như "Đại Than, Đông Triều, Bạch Đằng" để đối lại những địa danh phía trên của Trung Quốc. Đây là những địa danh đã làm nên những chiến thắng oanh liệt, rạng danh cho dân tộc Đại Việt xưa.

"Qua Đại Than, ngược bến Đông Triều
...
Nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu"

Lướt trên chiếc thuyền nhỏ, vị khách già lướt qua từng địa điểm rồi dừng lại ở dòng Bạch Đằng - con sông với bao chiến tích lừng lẫy. Hiện ra trước mắt khách là một cảnh tuyệt đẹp tới ngỡ ngàng, bầu trời, mặt nước cùng một sắc xanh, phong cảnh xung quanh là sắc trời thu đẹp tuyệt. Tác giả đã dựng lên một bức tranh thủy mặc đặc sắc đến từng đường nét, đẹp đến từng góc cạnh. Dòng Bạch Đằng cuồn cuộn chảy, với những con sóng nhấp nhô "sóng kình", tỏa đi khắp chốn như đuôi một chú chim trĩ đang xòe rộng. Cảnh sắc nơi con sông huyền thoại vẫn hùng vĩ như ngày nào, trong lòng khách chợt dâng lên niềm cảm khái sâu sắc. Sắc trời sắc nước hòa làm một, hòa với tình cảm dạt dào của người thi sĩ.

Bức tranh mùa thu được dựng lên giữa dòng sông mênh mông không khỏi khiến người ta liên tưởng tới phong vị mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến:

"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc cần câu bé tẻo teo"

Hay là trong thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm:

"Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao"

Đọc đến đây, hẳn chúng ta phải nhận ra rằng, vị khách kia phải yêu thiên nhiên tha thiết mới có được cái nhìn thi họa đến vậy!Ngay từ những dòng thơ đầu, người ta nhận ra cái tráng chí của vị khách thì ở đây, người ta lại nhận thấy thêm rằng, khách còn là người có tâm hồn lãng mạn, thi nhân đến chừng nào!

Trương Hán Siêu đến với thiên nhiên cho thỏa cái chí lãng du khắp chốn, cho thỏa nỗi lòng mong mỏi hiểu biết sâu xa hơn về đất nước mình và cũng để giãi bày một tấm lòng yêu nước sâu nặng. Niềm cảm xúc trong thi nhân là nỗi niềm của một người trí thức đang có nỗi trăn trở với đời.

Thế nhưng, những dòng tiếp theo miêu tả về Bạch Đằng giang, khách lại làm hiện lên một Bạch Đằng khác hẳn, một Bạch Đằng lặng lẽ, đìu hiu:

"Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu
...
Tiếc thay dấu vết còn lưu"

Ở đây, Trương Hán Siêu đã sử dụng bút pháp tả thực, tả lại khung cảnh của dòng Bạch Đằng hiện tại. Nếu ngày xưa, Bạch Đằng nổi tiếng với những khung cảnh hào hùng, oanh liệt thì giờ đây, nó lại lặng lẽ đến đìu hiu, dòng sông sóng cuộn năm nào, giờ chỉ là "sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô". Dâng tràn trong lòng khách là một cảm xúc thê lương khó tả, tâm trạng chợt trùng xuống, bùi ngùi đầy thương tiếc. Thời gian đã xóa nhòa đi tất cả, những chiến tích năm xưa giờ chỉ còn lại "cảnh thảm". Khách thốt lên lời đau xót, luyến tiếc, hoài niệm:

"Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá
Tiếc thay dấu vết còn lưu!"

Bao cảm xúc dâng tràn trong lòng khách, vừa là niềm tự hào khi thấy dòng Bạch Đằng thơ mộng, hào hùng khi xưa, vừa là niềm hoài niệm, tiếc thương khi nay đã chẳng còn được như trước, mà hiu quạnh vô cùng. Có thể nói, khách là người vừa có tình yêu thiên nhiên mãnh liệt vừa là người có tấm lòng tự hào tự tôn dân tộc mạnh mẽ.

Hình tượng nhân vật khác trong đoạn đầu Phú sông Bạch Đằng là niềm cảm hứng của tác giả, vừa thể hiện cái tráng chí sâu trong lòng ông, vừa thể hiện một niềm yêu thiên nhiên tha thiết. Lối kể của ông vừa đậm chất ước lệ, cường điệu lại vừa pha lẫn những xúc cảm, những yêu ghét, những nỗi tự hào dân tộc, và cái tráng chí của một người anh hùng, người thi sĩ. Đứng trước dòng Bạch Đằng, khách chẳng khỏi bồi hồi suy tưởng những trăn trở, nỗi niềm với đất nước, cái chí khí của bản thân.

Bằng bút pháp đặc trưng của thể phú, Trương Hán Siêu đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật khách trong đoạn đầu của tác phẩm Phú sông Bạch Đằng. Khách có thể nói, chính là cái tôi của tác giả đã dùng để chuyển tải những giá trị, những tư tưởng lớn lao của mình, đồng thời khẳng định niềm yêu thiên nhiên, niềm tự hào dân tộc mãnh liệt.

---------------------HẾT------------------------

Phú sông Bạch Đằng là áng thơ trung đại xuất sắc, không chỉ thể hiện tấm lòng của người thi sĩ mà còn là nỗi lòng của một con người nặng lòng với quê hương. Các bạn hãy tham khảo thêm các bài viết Thuyết minh bài thơ Phú Sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu, Cảm nhận về lòng yêu nước của Trương Hán Siêu, Phân tích cảm hứng yêu nước trong bài Phú sông Bạch Đằng, Phân tích bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu  trong bài Phú sông Bạch Đằng để hiểu rõ hơn về nỗi lòng của tác giả.

Các em hãy cùng xem bài viết Thuyết minh về hình tượng nhân vật khách trong đoạn đầu của văn bản Phú Sông Bạch Đằng để hiểu rõ hơn về hình tượng nhân vật khách được xây dựng trong bài phú.
Cảm nhận đoạn 3 Phú sông Bạch Đằng
Trận Bạch Đằng qua sự hồi tưởng của nhân vật tập thể các bô lão
Thuyết minh bài thơ Phú Sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu
Phân tích bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu
Phân tích đoạn 2 Phú sông Bạch Đằng
Soạn bài Phú sông Bạch Đằng, Ngữ văn lớp 10

ĐỌC NHIỀU