Đến với mỗi vùng miền khác nhau của đất nước, ta lại được thưởng thức những cái riêng mà chỉ có vùng đất ấy mang lại.Ai đã qua miền Tây Nam Bộ, không thể quên những vườn cây trĩu trái, những món cá sông nước đặc sản của vùng miền.Ai đã một lần tới với Hà Nội không thể không thưởng thức món bún chả nổi tiếng nhất nhì cả nước.Còn đến với Thái Bình - một tỉnh đồng bằng nhỏ ở miền nông thôn Bắc Bộ, chúng ta không thể bỏ qua món bánh cáy làng Nguyễn đã sớm vang danh khắp cả nước.
Khi nhắc tới Thái Bình, hẳn ai cũng sẽ nhớ ngay tới chùa Keo, một trong những ngôi chùa với lối kiến trúc đẹp và cổ kính bậc nhất Việt Nam hay vùng đồng bằng với những cánh đồng lúa rộng bát ngát, thẳng cánh cò bay. Nhưng đến với Thái Bình, người ta không chỉ biết và thương nhớ riêng chùa Keo mà còn thương nhớ cả một món ăn - món đặc sản - nét văn hóa ẩm thực đặc sắc nhất mà người Thái Bình vô cùng tự hào, đó là món bánh cáy làng Nguyễn.
Bánh cáy đã xuất hiện từ lâu đời, khoảng hai trăm tới ba trăm năm trước, từ thời đất nước ta còn trong chế độ phong kiến. Loại bánh này đã trở thành một món ăn truyền thống và trở thành đặc sản vùng miền để dâng lên vua chúa ngày xưa. Chính sự lan tỏa rộng rãi của món bánh này đã giúp hình thành nên một làng nghề làm bánh cáy nổi tiếng ở Thái Bình, đó là làng Nguyễn, Đông Hưng, Thái Bình. Và cũng chỉ ở tại ngôi làng này, người ta mới có thể được thưởng thức hương vị nguyên chất nhất của chiếc bánh cáy từ thời xưa.
Đối với nhiều bạn, có thể món bánh cáy này còn khá lạ lẫm.Món bánh cáy được làm từ những nguyên liệu chính là gạo nếp, nhưng lại tạo nên một nét hương vị riêng không nơi nào có thể làm ra được. Để làm ra một chiếc bánh cáy thơm ngon, người ta cần dùng rất nhiều nguyên liệu, không thể thiếu trong số các nguyên liệu chính là gạo nếp, mỡ lợn, lạc, gấc, vừng, dừa, ... và điều quan trọng không thể thiếu đó là phải chọn lựa nguyên liệu thật cẩn thận. Vậy nên, ngay từ trước khi chuẩn bị làm bánh khoảng nửa tháng, người thợ làm bánh đã phải chọn ra những lạng mỡ lợn tươi ngon nhất để đem muối.Mỡ lợn được cho là ngon phải có độ tươi, dẻo, đàn hồi và có độ trắng nhất định, được lấy từ con lợn ngon nhất.Sau đó, mỡ lợn được đem ướp muối và đường trong vòng nửa tháng để tạo nên thành phần ngon nhất của chiếc bánh cáy.Đến khi mỡ lợn đạt được độ chín nhất định, người ta mới lấy ra mà bắt đầu công đoạn làm một chiếc bánh cáy.Ngoài mỡ lợn, việc chọn các nguyên liệu khác cũng là một công đoạn cực kì quan trọng. Gạo nếp được chọn để làm bánh phải là loại gạo nếp cái hoa vàng - một loại nếp đặc sản của vùng đồng bằng, được xay xát và vo cẩn thận. Người ta sẽ vo gạo nếp từ đêm hôm trước,ngâm trong nước lạnh qua một đêm để gạo có được độ mềm và nở. Sau đó, gạo nếp được vớt lên để ráo nước, một phần được cho lên chảo bung lên thành các hạt bỏng gạo.Trong bước này, người làm bánh sẽ cẩn thận loại bỏ hết các lớp vỏ trấu còn sót lại trên những hạt gạo, để có được những hạt bỏng gạo trắng và sạch sẽ nhất.Phần còn lại của gạo nếp sẽ được nấu thành xôi, gồm xôi gấc và xôi nghệ. Trong lúc nấu xôi, người nghệ nhân làm bánh phải canh giờ để xôi vừa chín tới sẽ được mang ra ngay, sau đó được cho vào cối đá giã đều tay cho thật nhuyễn và mịn. Xôi sau khi được giã sẽ được đem đi cán mỏng thành từng miếng nhỏ rồi đem sấy cho thật khô. Trong thời gian chờ xôi được sấy, người thợ bánh sẽ bắt tay ngay vào việc chuẩn bị nốt những nguyên liệu còn lại của chiếc bánh cáy. Đó là những thành phần phụ tạo nên mùi thơm cũng như nét đặc trưng của chiếc bánh. Không thể thiếu trong chiếc bánh cáy mà mùi thoang thoảng của vỏ quýt thơm, mùi gừng đậm đà nồng nồng, vị ngọt mát của đường mía, cái giòn giòn của cà rốt. Bởi vì từ gừng, người thợ bánh đã khéo léo giã nát, rồi pha thành một thứ nước gừng, cùng với đó là nước đường pha đặc, được cho lên bếp đảo đều cùng với cà rốt và vỏ quýt. Chắc hẳn ai đã từng được nếm thử bánh cáy sẽ không thể quên được hương vị của những nguyên liệu độc đáo này.
Tiếp theo, khi đã được sấy khô, những lát xôi lại được đem đi nghiền nát thành bột mịn. Còn mỡ lợn được đem ra từ thùng muối, thái thành miếng kiểu hạt lựu rồi cho lên bếp xào cùng đường cho đến khi mỡ chuyển màu và vàng giòn thì người ta sẽ trút hết bột xôi vào đó, khuấy thật đều tay để tạo nên mùi thơm. Tiếp đó, tất cả các nguyên liệu sẽ được trộn đều cùng. Trong bước này, người thợ bánh phải là người có đôi tay thật dẻo, thật khéo léo thì mới có thể tạo nên được một chiếc bánh với màu sắc và độ sánh thật đẹp được.
Cuối cùng trong các công đoạn là rắc vừng và lạc. Lạc và vừng sau khi được người thợ làm bánh khéo léo rang vàng lên, tỏa ra một mùi thơm bùi béo đặc trưng thì được đem rải thật đều vào mặt đáy của khuôn bánh. Người thợ làm bánh cứ vậy mà trút những nguyên liệu đã được làm tỉ mỉ ở trên vào khuôn rồi dùng tay ấn bánh xuống cho thật chặt. Để chờ cho tới khi bánh trong khuôn nguội và kết dính lại với nhau, đem ra ngoài, ta đã có được món bánh cáy truyền thống - đặc sản của người dân Thái Bình.
Ngày xưa, trong lớp nguyên liệu còn có cả trứng của loài cáy biển nữa.Vậy nên, bánh mới có cái tên rất đặc biệt - bánh cáy. Sau này, nguyên liệu này dần không còn phổ biến và không còn được sử dụng nữa, nhưng cái tên bánh cáy đã trở thành một món bánh ngon không thể thiếu của người dân quê hương Năm Tấn.Bánh cáy của Thái Bình chỉ có một loại duy nhất làm nên thương hiệu cho đặc sản của xứ này. Đó là bánh cáy được làm ra từ làng Nguyễn.Loại bánh này đã được phổ biến rộng rãi khắp cả nước, tạo nên một thương hiệu riêng mang tên bánh cáy làng Nguyễn nổi tiếng khắp cả nước ta.
Kì công là vậy để tạo nên một chiếc bánh cáy, nhưng để thưởng thức cho đúng cái vị bánh thì không phải ai cũng rành. Để có thể thưởng thức được trọn vẹn hương vị và độ ngon của bánh, người ta phải cắt thành từng miếng nhỏ, vừa ăn vừa nhâm nhi một chén trà nóng thì quả thực mới nếm hết được cái hồn của bánh cáy Thái Bình. Bánh cáy xưa kia chỉ được làm mỗi dịp tết đến, đón xuân về, người ta mới được dịp ngồi lại cùng nhau thưởng thức nó. Nhưng ngày nay, khi cuộc sống càng ngày càng đủ đầy, người ta lúc nào cũng có thể thưởng thức được món bánh ngon này.Và không thể thiếu trong túi quà của những ai đã từng tới Thái Bình là món bánh cáy truyền thống này để làm quà cho mọi người. Bánh cáy cũng là món bánh được những người con Thái Bình xa xứ thương nhớ gửi làm quà cho các bạn từ phương xa.
Bánh cáy từ lâu đã trở thành một phần văn hóa tinh thần của người dân Thái Bình. Đi tới đâu, gặp bất cứ ai, khi hỏi về những món ăn ngon của quê hương mình, mỗi người con Thái Bình sẽ tự hào nói tên món bánh cáy. Không chỉ trong đời sống hàng ngày của người dân, bánh cáy đã trở thành món đặc sản không thể thiếu của những ai đã từng một lần tới thăm mảnh đất này.Bởi vì trong đó chứa đựng tất cả những tinh hoa, những phong tục, và nét văn hóa ẩm thực riêng, không nơi nào có của vùng đất đồng bằng này.
Giờ đây, khi tới với Thái Bình, các bạn sẽ không chỉ thăm quan những cảnh đẹp, những thắng cảnh tuyệt sắc mà chắc chắn sẽ không thể nào quên thưởng thức món bánh cáy truyền thống ở nơi đây. Trải qua bao thăng trầm, bao biến cố, món bánh này sẽ mãi là một món quà đặc biệt, một nét văn hóa ẩm thực, một đặc sản không thể nào quên của quê hương Thái Bình.
Ngoài Thuyết minh về một làng nghề truyền thống, cùng xem thêm các bài văn mẫu thuyết minh khác:
- Thuyết minh về bánh chưng
- Thuyết minh một danh lam thắng cảnh
- Thuyết minh cái phích nước