Thảo luận về một vấn đề xã hội có ý kiến khác nhau

Đề bài: Thảo luận về một vấn đề xã hội có ý kiến khác nhau

Dàn ý và bài văn mẫu Thảo luận về vấn đề xã hội có ý kiến khác nhau

 

A. Dàn ý chung thảo luận về một vấn đề xã hội có ý kiến khác nhau:

1. Mở đầu:
- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận.

2. Triển khai:
- Nêu ý nghĩa của vấn đề đối với đời sống xã hội.
- Nêu ra quan điểm, suy nghĩ của bản thân.
- Trình bày các lí lẽ, dẫn chứng để chứng minh cho quan điểm của mình.

3. Kết luận:
- Khẳng định vấn đề cần bàn luận.
- Nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giải quyết vấn đề đó.

 

B. Dàn ý và bài văn mẫu thảo luận về một vấn đề xã hội có ý kiến khác nhau:

 

Đề số 1: Thảo luận về vấn đề xã hội có ý kiến nhau: tình yêu tuổi học trò.

I. Dàn ý thảo luận về vấn đề xã hội có ý kiến khác nhau: tình yêu tuổi học trò.

1. Mở đầu:

- Giới thiệu về vấn đề cần thảo luận: tình yêu tuổi học trò.

2. Triển khai:

- Ý nghĩa của tình yêu tuổi học trò:

+ Là động lực thúc đẩy các bạn học tập, phấn đấu, vươn lên.

+ Giúp chúng ta có thêm một người để chia sẻ, niềm vui, nỗi buồn. Từ đó, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi sau những giờ học và trong cuộc sống.

- Trình bày quan điểm của cá nhân: Không đồng ý với tình yêu tuổi học trò.

- Nêu các lí lẽ, dẫn chứng để chứng minh quan điểm của bản thân: Bên cạnh những mặt tích cực, khi yêu quá sớm sẽ dẫn đến một số hệ lụy, hậu quả khôn lường:

+ Làm xao nhãng, chểnh mảng việc học, ảnh hưởng đến kết quả, điểm số.

+ Các bạn học sinh yêu không đúng cách, có suy nghĩ chưa chín chắn nên làm ra những việc không phù hợp với độ tuổi.

+ Thúc đẩy tình trạng bạo lực học đường (bắt nguồn từ việc ghen tuông, bất hòa,...).

+ Ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lí, khiến học sinh có những hành vi, suy nghĩ sai lệch, thậm chí tự tử.

3. Kết luận:

- Khẳng định vấn đề cần bàn luận.

- Nhấn mạnh vai trò của cá nhân, xã hội trong việc định hướng, giáo dục các em học sinh.

II. Bài nói mẫu thảo luận về vấn đề tình yêu tuổi học trò:

Em chào cô và các bạn, em xin tự giới thiệu em là Minh An. Đến với tiết Nói và nghe ngày hôm nay, em xin được đưa ra ý kiến, quan điểm của mình xung quanh chủ đề tình yêu tuổi học trò. Em kính mong cô và các bạn cùng theo dõi, chú ý lắng nghe!

Cô và các bạn thân mến, tình yêu tuổi học trò là thứ tình cảm trong trẻo nhất của con người tuổi đôi mươi. Tình yêu tuổi học trò không giống với tình cảm gia đình, cũng chẳng giống tình yêu dành cho quê hương đất nước hay tình yêu khi đã trưởng thành. Tình yêu tuổi học trò luôn là những cảm xúc khó phai, là cái thẹn thùng, e ấp buổi ban đầu. Chính vì vậy, tình cảm ấy chất chứa biết bao xúc cảm, say mê. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, dưới sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, tình yêu tuổi học trò không còn giữ được sự hồn nhiên, trong trắng mà đã biến tướng đi ít nhiều. Bởi vậy, em không đồng ý với câu chuyện tình yêu tuổi học trò.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc yêu quá sớm sẽ dẫn đến một số hệ lụy, hậu quả khôn lường. Thứ nhất, do quá mải mê, đắm chìm vào những cảm xúc khi yêu mà các bạn chểnh mảng, xao lãng việc học tập. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, điểm số.

Thứ hai, nhiều bạn học sinh do không kiểm soát, làm chủ được bản thân đã dẫn đến việc quan hệ tình dục sớm. Hiện nay, đa số học sinh tại Việt Nam không có kiến thức về tình dục, sinh sản dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Để tránh sự nhiếc móc của gia đình và phán xét của xã hội, nhiều bạn đã đến các cơ sở y tế để nạo phá thai, dẫn đến gia tăng tình trạng nạo phá thai ở nước ta. Rất nhiều câu chuyện câu chuyện đáng tiếc, đau lòng xảy ra.

Thứ ba, tình yêu tuổi học trò cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng bạo lực học đường. Vì những mâu thuẫn, ghen tuông cá nhân, các bạn học sinh sẵn sàng dùng đến vũ lực để giải quyết vấn đề.

Tóm lại, tình yêu tuổi học trò nếu không nhận thức được một cách rõ ràng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lí, khiến học sinh có những hành vi, suy nghĩ sai lệch, thậm chí tự tử.

Tình yêu tuổi học trò không đáng lên án nhưng cách bản thân mỗi người yêu đã khiến tuổi học trò đánh mất đi sự hồn nhiên ban đầu. Mình hi vọng các bạn ngồi đây sẽ ý thức và có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này để tuổi học trò của chúng ta luôn tươi vui, ý nghĩa.

Trên đây là ý kiến của em xung quanh vấn đề này. Em rất mong nhận được sự góp ý cũng như lắng nghe suy nghĩ, quan điểm của các bạn. Em xin cảm ơn.

Bài văn mẫu Thảo luận về một vấn đề xã hội có ý kiến khác nhau
 

Đề số 2. Thảo luận về vấn đề có ý kiến khác nhau: xu hướng sống đơn giản.

I. Dàn ý thảo luận về vấn đề xu hướng sống đơn giản:

1. Mở đầu:

- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: xu hướng sống đơn giản.

2. Triển khai:

- Giải thích khái niệm "sống đơn giản":

+ Sống đơn giản là không làm cầu kì, phức tạp mọi thứ trong cuộc sống.

- Nêu quan điểm của bản thân: đồng tình với xu hướng sống đơn giản bởi:

+ Sống đơn giản giúp con người đạt được trạng thái cân bằng trong mọi việc.

+ Sống đơn giản khiến bản thân mỗi người biết trân quý cuộc sống hơn.

- Đề xuất cách để sống đơn giản:

+ Không suy nghĩ quá nhiều, "chuyện bé xé ra to", biết dừng đúng lúc, đúng thời điểm.

+ Cân đối thời gian giữa công việc, gia đình với các thú vui giải trí.

+ Sống hòa hợp với tự nhiên.

3. Kết luận:

- Khẳng định vấn đề cần bàn luận.

II. Bài nói mẫu thảo luận về vấn đề: xu hướng sống đơn giản:

Xin chào cô và các bạn, em là Hải Châu. Sau đây, em xin được nêu một số suy nghĩ, ý kiến của mình về vấn đề: xu hướng sống đơn giản. Kính mong cô và các bạn chú ý lắng nghe để buổi thảo luận của chúng ta diễn ra một cách sôi nổi, tốt đẹp.

Các bạn thân mến, theo các bạn thì thế nào được coi là sống đơn giản? Đối với mình, sống đơn giản có nghĩa là không làm phức tạp hóa mọi vấn đề trong cuộc sống của chúng ta. Tức là, chúng ta sẽ biến mọi thứ từ phức tạp thành giản đơn, từ to thành bé, từ bé thành "không có gì". Hiện nay, xu hướng sống đơn giản đang là một lối sống phù hợp với thời đại và sự phát triển của loài người. Hàng ngày, chúng ta đã phải mệt mỏi, đau đầu khi đi học, đi làm. Vậy thì tại sao, chúng ta không chọn một cách sống đơn giản khi trở về nhà hoặc trong chính lúc lao động?

Theo mình, có hai lí do khiến chúng ta nên chọn lối sống đơn giản. Thứ nhất, sống đơn giản giúp con người đạt được trạng thái cân bằng trong cuộc sống. Khi bạn không còn suy nghĩ quá nhiều thì tự khắc những vấn đề, áp lực sẽ được giải tỏa. Lúc đó, tâm trí bạn sẽ được giải phóng khỏi trường năng lượng tiêu cực và tiếp nhận, hình thành những ý tưởng mới mẻ, tốt đẹp khác.

Thứ hai, sống đơn giản khiến bản thân mỗi người biết trân quý cuộc sống hơn. Chọn lối sống đơn giản, bạn sẽ có thêm thời gian để làm được những điều mình yêu thích, bên cạnh những người mình yêu thương. Mỗi phút giây trôi qua, bạn đều được cảm nhận sự tươi đẹp, hứng khởi của cuộc đời, những điều mà trước nay bạn luôn bỏ lỡ vì quay cuồng trong công việc, học tập.

Nói thì hay nhưng để sống đơn giản lại không phải chuyện giản đơn các bạn à. Để sống một cách không phức tạp, các bạn cần phải rèn luyện cho mình một ý chí to lớn, biết cách buông bỏ những điều không vui và đón nhận mọi thứ với một thái độ cầu thị, vui vẻ. Tiếp đến, chúng ta không nên suy nghĩ quá nhiều, "chuyện bé xé ra to" và biết dừng đúng lúc, đúng thời điểm.

Đó là những ý kiến của mình xung quanh vấn đề này? Còn các bạn, các bạn nghĩ sao về xu hướng này? Các bạn có đồng tình với ý kiến của mình hay không? Hãy chia sẻ cho mình và mọi người cùng biết để buổi thảo luận ngày hôm nay được tốt đẹp hơn nhé! Cảm ơn mọi người đã lắng nghe!

 

Đề số 3. Thảo luận về vấn đề có ý kiến khác nhau: việc dùng xen tiếng nước ngoài trong giao tiếp thông thường.

I. Dàn ý thảo luận về vấn đề: dùng xen tiếng nước ngoài trong giao tiếp thông thường:

1. Mở đầu:

- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: việc dùng xen tiếng nước ngoài trong giao tiếp thông thường.

2. Triển khai:

- Nêu quan điểm của bản thân: Không đồng ý với việc dùng xen tiếng nước ngoài trong giao tiếp thông thường, bởi:

+ Tạo ra sự khó hiểu đối với người tiếp nhận, nghĩa không được tường minh.

+ Làm mất đi bản sắc, văn hóa truyền thống của dân tộc.

- Đề xuất giải pháp:

+ Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

+ Tuân thủ đúng quy tắc về chính tả, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt.

+ Hạn chế sử dụng tiếng "lóng", những từ ngữ nước ngoài trong hoạt động giao tiếp thường ngày khi không thật sự cần thiết.

+ Thường xuyên rèn luyện, trau dồi vốn từ vựng tiếng Việt.

3. Kết luận:

- Khẳng định vấn đề cần bàn luận.

II. Bài nói mẫu thảo luận về vấn đề: việc dùng xen tiếng nước ngoài trong giao tiếp thông thường:

Xin chào cô và các bạn, trong bài thảo luận ngày hôm nay, em xin được trình bày ý kiến của mình về việc dùng xen tiếng nước ngoài trong giao tiếp thông thường. Em mong cô và các bạn sẽ chú ý lắng nghe.

Như cô và các bạn đã biết, ngày nay, thật không khó để có thể bắt gặp những người thường xuyên chêm xen, sử dụng tiếng nước ngoài khi trò chuyện, giao tiếp với mọi người. Đối với em, em không đồng tình với hành vi này. Bởi theo em, tiếng Việt của chúng ta vô cùng phong phú, đủ để có thể diễn tả hết được ý nghĩa và lời mà mọi người muốn biểu đạt. Hơn nữa, khi giao tiếp, việc chêm xen quá nhiều các từ tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài vào câu nói sẽ gây khó hiểu cho người tiếp nhận. Nếu đối tượng trò chuyện, giao tiếp của chúng ta là những bạn trẻ, có nền tảng, vốn hiểu biết tiếng nước ngoài thì không sao. Nhưng nếu đó là ông bà, bố mẹ, thầy cô khi nghe chúng ta nói thế thì liệu họ sẽ nghĩ như thế nào và cảm thấy ra sao? Chắc chắn là mọi người sẽ cảm thấy khó hiểu và kệch cỡm đúng không nào? Rõ ràng, ông cha ta từ ngàn đời vẫn luôn cố gắng giữ gìn thứ tiếng của dân tộc. Hơn một nghìn năm Bắc thuộc mà tiếng nói dân tộc còn nguyên vẹn thì không có lí do nào để chúng ta không yêu, không tự hào và sử dụng tiếng mẹ đẻ.

Chúng ta - những chủ nhân tương lai của đất nước cần nhận thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Mỗi người cần tuân thủ đúng quy tắc về chính tả, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt. Đồng thời, hạn chế sử dụng tiếng "lóng", những từ ngữ nước ngoài trong hoạt động giao tiếp thường ngày khi không thật sự cần thiết và thường xuyên rèn luyện, trau dồi vốn từ vựng tiếng Việt.

Phạm Quỳnh đã từng nói: "Tiếng ta còn, nước ta còn". Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Mong rằng, mỗi chúng ta sẽ ý thức được điều này.

Thưa cô và các bạn, bài thuyết trình của em đến đây là hết. Em cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe, theo dõi.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Khi thảo luận về một vấn đề có ý kiến khác nhau, các em cần xác định rõ vấn đề được thảo luận; nêu nhận xét, đánh giá về ý kiến của những người khác và trình bày được quan điểm của bản thân. Đội ngũ của Taimienphi.vn luôn cố gắng đem tới cho các em bài văn mẫu lớp 10 hay và chất lượng như:
- Phân tích Chiếc lá đầu tiên
- Phân tích một nét đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong Dục Thúy sơn
- Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề
- Phân tích Ngôn chí, bài 3
- Phân tích Bạch Đằng hải khẩu

Trước một vấn đề có nhiều ý kiến, các em sẽ làm thế nào để bày tỏ quan điểm của mình và thuyết phục người khác? Hãy tìm một số gợi ý và luyện tập kĩ năng nói, nghe qua bài văn mẫu Thảo luận về một vấn đề xã hội có ý kiến khác nhau, Ngữ văn 10, Kết nối tri thức, học kì II dưới đây do Tamienphi.vn biên soạn dưới đây!
Link tải Sách giáo khoa lớp 4 Kết nối tri thức PDF
Giải bài tập trang 65 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải Toán lớp 7 sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 95 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 91, 92 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 30, 31, 32, 33, 34 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống

ĐỌC NHIỀU