1. Mở bài:
- Giới thiệu về câu nói: Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.
2. Thân bài:
a) Giải thích:
- "Đừng xấu hổ khi không biết": Không nên buồn bã, tự ti khi thấy người khác hiểu biết hơn mình mà hãy lấy đó làm động lực để cố gắng hơn nữa trong tương lai.
- "Chỉ xấu hổ khi không học": Hãy tự biết ngại với người khác khi bản thân không biết tìm tòi, học hỏi những kiến thức mới.
- Cả câu nói nhằm khuyên nhủ ta hãy chủ động tìm cách lĩnh hội tri thức chứ đừng lười biếng, phê phán con người không chịu học hỏi, làm mới kiến thức của mình.
b) Vì sao "Đừng xấu hổ khi không biết":
- Tri thức là vô hạn mà sự hiểu biết của con người có giới hạn, chúng ta không thể biết hết mọi điều trong cuộc sống.
- Học thật nhiều, có nhiều kiến thức thì người khác sẽ không thể đánh giá, chê bai gì ta.
- Trở nên tự tin, bản lĩnh để đối diện với nhiều vấn đề trong cuộc sống.
c) Vì sao lại "chỉ xấu hổ khi không học":
- Nếu không chủ động học tập, con người sẽ trở nên nông cạn, kém hiểu biết.
- Thế giới đang thay đổi từng ngày, nếu không học thì sẽ thụt lùi, bị xã hội đào thải.
d) Bài học nhận thức và hành động:
- Học tập suốt đời, "Học, học nữa, học mãi".
- Không chê cười người kém hiểu biết hơn mình mà phải khích lệ họ cố gắng hơn.
- Thấy người tài giỏi hơn thì không được tự ti mà phải cố gắng để được như họ.
3. Kết bài:
- Khái quát lại về câu nói.
Tri thức là kho tàng quý báu và vô cùng rộng lớn của nhân loại. Không có một ai dám khẳng định rằng mình am hiểu hết tất cả các lĩnh vực. Vậy nên chúng ta "Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học". Xấu hổ là cảm giác ngại ngùng, thể hiện sự nhút nhát của con người khi phải đối diện với một vấn đề nào đó. Câu nói trên có hai vế. "Đừng xấu hổ khi không biết" là không nên buồn bã, tự ti khi thấy người khác hiểu biết hơn mình mà hãy lấy đó làm động lực để cố gắng hơn nữa trong tương lai. Vế "chỉ xấu hổ khi không học" dùng để phê phán con người không chịu học hỏi, làm mới kiến thức của mình. Cả câu nói muốn cổ vũ, khuyên răn mọi người hãy chủ động tìm cách lĩnh hội tri thức chứ đừng lười biếng, học tập thụ động. Nếu không học tập một cách chủ động, con người sẽ thiếu kiến thức, không đủ tự tin để đối mặt với thử thách trong cuộc đời. Chúng ta phải chăm chỉ học tập thì mới giúp cho bản thân ngày càng phát triển, tiến bộ. Học tập là con đường ngắn nhất và dễ dàng nhất để dẫn đến thành công. Thế nên hãy cố gắng tiếp thu thật nhiều điều mới mẻ để có thể hoàn thiện bản thân hơn từng ngày.
Câu ngạn ngữ Nga: "Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học" đã chỉ ra thái độ đúng đắn để đối diện với việc học. Không biết có nghĩa là chưa biết, chưa tìm hiểu về một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, chỉ như vậy thì ta vẫn có thể chủ động tìm kiếm thông tin để tiếp thu thêm kiến thức. Không học là tình trạng lười biếng, chây ỳ, thụ động, không chịu học hỏi, thu nạp kiến thức. Từ "xấu hổ" trong hai vế của câu ngạn ngữ đều có nghĩa là tự ti, ngại ngùng khi gặp phải vấn đề gì đó nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân. Cả câu nói này có thể được giải thích rằng: tri thức là vô hạn, không ai có thể hiểu hết được. Thế nên, nếu bạn không biết điều gì đó thì đừng tự ti, ngại ngùng. Hãy nỗ lực học tập thật nhiều, biến điều mình chưa biết thành điều mình am hiểu. Cứ như vậy, chúng ta sẽ bước đến nhiều chân trời mới của tri thức. Sẽ không có ai đánh giá việc "không biết" của ta nữa. Còn ngược lại, những người "không học", không có sự cố gắng trong cuộc sống mới là người phải xấu hổ. Vì cuộc sống không ngừng phát triển, người không học sẽ thụt lùi, lạc hậu rồi phải cảm thấy ngượng ngùng, nhút nhát vì sự kém cỏi của mình. Có tinh thần cầu tiến học hỏi, con người sẽ ngày một phát triển, đóng góp nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Tri thức trong cuộc đời này là vô hạn. Một người có dùng cả cuộc đời để học cũng chỉ được coi là nhà thông thái chứ không thế khẳng định rằng mình hiểu biết hết về mọi điều trên đời. Mà người bình thường chúng ta không phải nhà thông thái, lượng kiến thức tiếp thu được chỉ có hạn. Vậy nên hãy nhớ: "Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học".
Câu nói này được chia làm hai về. Vế thứ nhất "Đừng xấu hổ khi không biết" có ý muốn khuyên răn mọi người đừng nên buồn bã, ngượng ngùng vì những kiến thức mình chưa có mà hãy cố gắng học tập để làm chủ được những kiến thức ấy. Còn vế thứ hai "chỉ xấu hổ khi không học" nhằm nhắc nhở mọi người về chuyện lười biếng, không có tinh thần cầu tiến thì mới đáng xấu hổ. Trong thời đại mọi ngành nghề đều phát triển như vũ bão, nếu không chịu học tập thì sẽ trở thành kẻ thụt lùi, lạc hậu, tự tạo ra nhiều khó khăn cho chính mình. Cả câu nói này khuyên con người phải luôn luôn học tập, trải nghiệm để phát triển bản thân, có nhiều kiến thức áp dụng vào trong đời sống.
Mỗi ngày trôi qua, thế giới có biết bao nhiêu biến động, có bao điều mới mẻ chờ được ta khám phá, học tập. Việc học cẩn phải được diễn ra thường xuyên, liên tục thì con người mới làm chủ được cuộc sống. Không học chính là khước từ xã hội, không có trách nhiệm với bản thân, phí hoài cuộc sống. Thậm chí, có những người đã lười biếng còn tự kiêu, giấu dốt, coi mình là người tài giỏi nhất thế gian. Họ ích kỷ, bảo thủ không chịu tiếp thu những điều mới mẻ. Sau cùng, những người đó cũng chỉ là con ếch ngồi trong đáy giếng. Đến khi thật sự bước ra thế giới, "chú ếch" kia sẽ bị choáng ngợp, bị "con trâu giẫm bẹp", bị đào thải ngay lập tức.
Tuy nhiên, nói không biết thì phải học không đơn giản chỉ là học lí thuyết suông, phải biết học đi đôi với hành. Học có chọn lọc, đãi cát để tìm ra những hạt vàng của tri thức, học những điều tinh hoa mới là cách học đúng đắn. Khi thấy người tài giỏi hơn mình thì không nên xấu hổ mà phải tích cực rèn luyện, phấn đấu để một ngày được đứng ngang hàng với người đó.
Học là sự nghiệp cả đời mà mỗi người theo đuổi. Chúng ta hãy học tập một cách đúng đắn. Đừng tự ti về những điều mình chưa biết mà phải biến nó trở thành động lực, thành mục tiêu phấn đấu của bản thân mình.
Con người ta có thể phân hơn thua nhau ở học vấn, trình độ một cách rạch ròi, nhưng khó thể chắc rằng hiểu biết hơn nhau, bởi tri thức của nhân loại là vô tận, có vô vàn thứ trên đời mà có người biết về lĩnh vực này, người lại biết về lĩnh vực khác, khó có thể so bì. Chính vì vậy, chúng ta không ngại việc không biết cái người ta đã biết, chỉ ngại ta không chịu học để biết được cái đó, người xưa đã có câu "Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học". Tri thức vô biên của nhân loại đang chờ đợi chúng ta tìm đến, ai cũng phải học mới biết đến chúng, chúng ta không thể trách mình không biết, chỉ trách bản thân chúng ta không chịu học.
"Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học", trong câu nói này, "xấu hổ" được nhắc đến trong hai hoàn cảnh khác nhau nhưng lại cùng mang một ý nghĩa, đó là một trạng thái của cảm xúc tự thấy khó chịu, thẹn thùng trước một điều gì đó, các cảm xúc này thường liên quan đến những đánh giá, nhận xét tiêu cực về bản thân hoặc tự bản thân nhận thấy kém cỏi hơn so với những người khác. Sự xấu hổ thường bắt nguồn từ việc so sánh hành động của bản thân với tiêu chuẩn của bản thân hay tiêu chuẩn của bối cảnh xã hội đương thời. Trong câu nói, "không biết" được hiểu là kém hiểu biết, chưa có kiến thức về một vấn đề, lĩnh vực nào đó, "không học" là trạng thái không muốn tìm hiểu, học hỏi và tiếp thu tri thức, kiến thức. Như vậy, câu nói trên đã chỉ ra rõ sự khác nhau giữa không biết và không học, không nên xấu hổ nếu không biết, nhưng đã không học thì nên xấu hổ, đồng thời nhắc nhở con người về ý nghĩa của việc học, đừng để bản thân phải xấu hổ vì không học. Vậy tại sao lại "đừng xấu hổ khi không biết"? Thực ra rất dễ hiểu, bởi tri thức của nhân loại suốt hàng nghìn năm nay rất bao la vô tận, ngược lại khả năng nhận thức và tiếp thu của con người lại có hạn, không ai có thể biết hết được tất cả những tri thức. Con người cũng không tự nhiên nắm được tri thức nếu không học, tri thức không tự đi vào đầu nếu con người không tiếp thu, ghi nhớ và học hỏi, nếu chưa học thì điều dĩ nhiên là chưa biết, và đó là một điều phù hợp với lẽ tự nhiên, không có gì khiến ta phải xấu hổ. Nhưng đặt vào trường hợp không học, quả thực chúng ta rất đáng phải tự xấu hổ về bản thân mình. Học là quá trình tự tìm kiếm, thu nhận và tiếp thu tri thức, nó có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thiện con người và đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Toàn bộ những tri thức của nhân loại đều có thể tiếp thu được nếu con người chịu học hỏi, chỉ khi không học mới nằm ngoài luồng tri thức, khi người ta đã học và biết đến còn ta vì không học mà "mù thông tin", "mù tin tức" đó mới là lỗi ở chính ta, ta phải xấu hổ vì bản thân quá lười nhác, không có ý thức học tập. Việc chúng ta không học đồng nghĩa với việc chúng ta mãi tụt hậu, không có sự tiến bộ, không theo kịp được xu thế của xã hội thì sớm muộn chúng ta cũng bị đào thải bởi xã hội. Bản thân chúng ta muốn phát triển, cầu tiến và có tương lai xán lạn, bắt buộc phải không ngừng học tập, nếu không học là ta đang vô trách nhiệm với chính mình. Xã hội đang thay đổi từng ngày, nếu ta không học cũng không thể biết được tầm hiểu biết của mình đến đâu, đang thiếu sót những gì và cần phải học tập thêm những gì. Khi không biết cái gì phải học cái đó, không được bỏ qua, không được giấu dốt, tuy nhiên, cũng phải biết lựa chọn cái hay, cái tốt để học tập, tránh học tập những thứ tiêu cực, đồi bại và vô văn hóa. Có nghĩa là phải học tập một cách có chọn lọc, có phương pháp và toàn diện.
Câu tục ngữ như một lời động viên và nhắc nhở chúng ta hãy tự tin thú nhận những thứ mình chưa biết và phải cố gắng học tập để tìm đến với những thứ đó. Người học sinh chúng ta đang được đặt trên vai nghĩa vụ học tập cao cả, nếu như không chịu học tức là chối bỏ nghĩa vụ đó, khi ấy chính chúng ta khiến mình phải xấu hổ với bạn bè, thầy cô, có lỗi với chính mình, gia đình và xã hội.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Nghị luận về câu nói Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học đã giới thiệu cho chúng ta một câu ngạn ngữ hay, một lời khuyên rất hữu ích. Em hãy tham khảo thêm các bài văn mẫu khác do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn nhé: Suy nghĩ về câu nói: Lao động là vinh quang, Dàn ý suy nghĩ về sự lạc quan, nghị lực qua câu nói: Cõi đời hôn lên hồn tôi nỗi đau thương..., Suy nghĩ về câu nói: Cảm thông là chiếc chìa khoá mở cửa trái tim người khác, Suy nghĩ về câu nói: Khó khăn hôm qua nhào nặn nên con người bạn hôm nay.