Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể, Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo

Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể, Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo

Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một truyện kể


I. Đọc ngữ liệu tham khảo

Đối chiếu ngữ liệu tham khảo với tri thức về kiểu bài và cho biết:
1. Mở bài, thân bài và kết bài của ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu của kiểu bài viết phân tích, đánh giá một truyện kể chưa? Vì sao?
Trả lời:
- Mở bài, thân bài và kết bài của ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu của kiểu bài viết phân tích, đánh giá một truyện kể.
- Vì:
+ Phần mở bài: giới thiệu được tác phẩm và nêu được định hướng của bài viết.
+ Phần thân bài: đã triển khai hai luận điểm chính cần hướng tới: chủ đề và ý nghĩa của chủ đề; những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.
+ Phần thân bài: đã đưa ra nhận xét về đặc sắc về chủ đề và hình thức nghệ thuật của tác phẩm và nêu những tác động của tác phẩm với bản thân người viết.
2. Các luận điểm trong ngữ liệu được sắp xếp theo trình tự nào, có hợp lý không?
Trả lời:
- Các luận điểm trong ngữ liệu được sắp xếp theo trình tự: phân tích, đánh giá chủ đề và ý nghĩa của chủ đề => phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.
- Các luận điểm được sắp xếp hợp lý.
3. Trong mỗi luận điểm, ngữ liệu đã có sự kết hợp giữa lí lẽ, bằng chứng như thế nào? Nêu ví dụ.
Trả lời:
- Trong mỗi luận điểm, ngữ liệu đã có sự kết hợp giữa lí lẽ, bằng chứng một cách hợp lý. Các lí lẽ được lập luận chặt chẽ và có sự gắn kết với bằng chứng, giúp tăng thêm tính thuyết phục cho ý kiến, quan điểm của bài viết.
- Ví dụ:
+ Để làm rõ cho luận điểm "phân tích, đánh giá nghệ thuật tạo tình huống", người viết đã đưa ra lí lẽ: "tác giả truyện ngụ ngôn sẽ đặt các nhân vật trước tình huống khó khăn, thử thách".
+ Để làm rõ cho lí lẽ trên, người viết đã đưa ra bằng chứng bằng cách tóm tắt khái quát tình huống của truyện "Trong truyện "Chó sói và chiên con", tình huống nguy hiểm ấy là chiên con đang uống nước thì gặp sói, sói kiếm cớ bắt tội để có lí do "trừng phạt" chú chiên tội nghiệp và hợp thức hóa hành động tàn bạo của mình".
4. Bạn có nhận xét gì về cách người viết phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị của chủ đề?
Trả lời:
- Cách người viết phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị của chủ đề: giới thiệu khái quát chủ đề => tóm tắt cốt truyện => rút ra chủ đề của truyện => phân tích chủ đề của truyện dựa trên sự kết hợp các lí lẽ và dẫn chứng => đánh giá lại ý nghĩa, giá trị chủ đề.
- Nhận xét:
+ Người viết đã xây dựng và triển khai hệ thống luận điểm, lí lẽ và bằng chứng có sự thống nhất, mạch lạc và liên kết với nhau để làm sáng tỏ ý nghĩa, giá trị của chủ đề.
+ Cách người viết phân tích, đánh giá như vậy giúp người đọc/nghe có thể dễ dàng tiếp nhận và hiểu rõ ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.
+ Giúp người viết thuyết phục được người đọc/người nghe những ý kiến, quan điểm trong bài viết.
5. Người viết đã phân tích, đánh giá những nét đặc sắc nghệ thuật nào của truyện kể? Chúng có tác dụng gì trong việc thể hiện chủ đề của truyện kể?
Trả lời:
- Người viết đã phân tích, đánh giá những nét đặc sắc nghệ thuật: tình huống truyện độc đáo, nhân vật giàu tính biểu trưng, kết cấu tương phản, lối kể chuyện bằng thơ.
- Tác dụng: những nét đặc sắc trong nghệ thuật truyện giúp khắc họa chủ đề trở nên sâu sắc, thấm thía hơn.
6. Từ ngữ liệu trên, bạn rút ra được những lưu ý gì khi viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện kể?
Trả lời:
Những lưu ý gì khi viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện kể:
* Về nội dung nghị luận:
- Cần chỉ ra chủ đề và phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị của chủ đề đó.
- Phân tích, đánh giá được một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và phân tích tác dụng của chúng trong việc thể hiện chủ đề của truyện kể.
* Về kĩ năng nghị luận, bài viết cần đáp ứng các yêu cầu:
- Cần lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, để thấy được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về truyện kể.
- Sử dụng những lí lẽ xác đáng, bằng chứng tin cậy lấy từ truyện kể.
- Có phương pháp liên kết các câu, các từ ngữ liên kết hợp lí để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận.
- Có các phần mở bài, thân bài, kết bài theo quy cách.
+ Mở bài: giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm. Nêu khái quát các nội dung chính hay định hướng của bài viết.
+ Thân bài: trình bày lần lượt các luận điểm về ý nghĩa, giá trị của chủ đề và những đặc sắc về hình thức nghệ thuật.
+ Kết bài: khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật; nêu ý nghĩa, bài học của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.

Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể, Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo


II. Thực hành viết theo quy trình

Đề bài: Hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện kể (thần thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện cổ tích) mà bạn yêu thích.

* Bài viết tham khảo:

Phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện thần thoại "Cuộc tu bổ lại các giống vật"

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có rất nhiều tác phẩm như: "Thần Trụ Trời", "Thần Mưa", "Thần Biển",... Trong đó, truyện "Cuộc tu bổ lại các giống vật" là một tác phẩm đặc sắc về chủ đề và độc đáo về hình thức nghệ thuật.

Tác phẩm kể về việc Ngọc Hoàng tạo ra các loài vật nhưng do một số yếu tố mà các con vật ấy chưa được hoàn chỉnh. Để bù đắp những thiếu sót ấy, ngài đã phái ba vị Thiên Thần xuống núi hoàn thiện cho những con vật có cơ thể chưa đầy đủ. Qua đó, câu chuyện đã thể hiện cách lí giải của con người buổi sơ khai về một số đặc tính, tập quán của loài vật.

Nếu như thần thoại giai đoạn trước tập trung vào giải thích nguồn gốc vũ trụ thì thần thoại giai đoạn sau tập trung vào việc giải thích các sự vật, hiện tượng gần gũi với con người. Với "Cuộc tu bổ lại các giống vật", các tác giả dân gian đã xây dựng hình ảnh Ngọc Hoàng và ba vị Thiên Thần với sức mạnh phi thường có khả năng "sáng tạo ra con người", "nặn ra con vật"để giải thích cho sự xuất hiện của loài vật. Và chủ đề của truyện trở nên hấp dẫn hơn nhờ những quan sát tỉ mỉ của người thời cổ về đặc điểm, tập tính của con vật. Họ phát hiện ra những điều lí thú ấy và mong muốn một đáp án chính xác. Cứ như vậy, họ tạo nên nên những câu chuyện gắn liền với chiếc chân sau của con chó, chiếc chân còn thiếu của vịt và thói quen chới với ba lần để thử đặt chân trước khi đậu của các loại chim. Không còn là hình ảnh đào non, lấp biển hay đẩy trời, chủ đề của tác phẩm đã trở nên gần gũi hơn với con người khi xoay quanh đời sống hàng ngày.

Để làm nổi bật chủ đề của truyện, chúng ta không thể nào phủ nhận những đóng góp về đặc sắc nghệ thuật về nhân vật, cốt truyện và ngôn ngữ. Nhờ có những sáng tạo trong hình thức nghệ thuật, câu chuyện được kể lại không còn sự khô khan, rời rạc mà chủ đề cũng được bộ lộ rõ nét hơn, gần gũi và thân thuộc hơn.

Truyện thần thoại là một trong những thể loại có cốt truyện hết sức đơn giản dựa trên sự tưởng tượng của con người. Tác giả dân gian đã vận dụng các yếu tố kì ảo để thể hiện nhận thức của mình về thế giới. Tưởng tượng kì ảo còn được sử dụng trong sáng tạo thế giới nhân vật một cách hấp dẫn. Trước hết, chúng ta bắt gặp hình ảnh các vị thần quen thuộc qua hình tượng Ngọc Hoàng và ba vị Thiên Thần. Các nhân vật này không chỉ nắm giữ sức mạnh siêu nhiên với nhiều khả năng phi thường mà họ còn có nét tính cách tương đồng với con người. Ta bắt gặp tính nóng vội của Ngọc Hoàng khi "vội vàng muốn có một thế giới ngay trong một sớm một chiều". Hình ảnh các con vật được nhân hóa, có thể đối đáp trò chuyện để thắc mắc về chính cơ thể của mình. Đặc biệt, truyện đã xây dựng những cuộc đối thoại, trò chuyện giữa ba vị thiên thần và các loài vật.

Thông qua những phân tích, đánh giá trên đây cho thấy "Cuộc tu bổ lại các giống vật" là một truyện thần thoại có nhiều sáng tạo. Chủ đề của truyện đã làm phong phú hơn nữa cho chủ đề lớn - quá trình tạo lập thế giới và con người và được thể hiện qua những sáng tạo về hình thức nghệ thuật.

Câu chuyện kể về thế giới và con người trong "Cuộc tu bổ lại các giống vật" đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc bởi cách lí giải thú vị, gắn liền với chính đời sống con người chúng ta. Và mong rằng những tác phẩm như vậy sẽ luôn sống mãi trong lòng bạn đọc, để nó luôn là những tác phẩm giá trị mang đặc trưng văn hóa dân gian của dân tộc ta.

Ngoài tài liệu Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể, Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo, các em cùng tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu lớp 10 khác:
- Viết văn bản nghị luận Phân tích đánh giá một truyện kể
- Soạn bài Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một truyện kể, Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo

Thực hiện Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể, Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo sẽ giúp các em học sinh đạt kết quả tốt hơn trong quá trình học tập môn Ngữ văn. Các em hãy cùng tham khảo bài soạn dưới đây.
Soạn bài Ôn tập bài 2, ngắn gọn, Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo
Soạn bài Mẹ ngắn nhất, Ngữ văn 7 - Chân trời sáng tạo
Soạn bài Sọ Dừa, ngắn gọn, Ngữ văn lớp 6 - Chân trời sáng tạo
Soạn bài Đợi mẹ ngắn nhất, Ngữ văn 7 - Chân trời sáng tạo
Soạn bài Ôn tập bài 10 ngắn gọn, Ngữ văn 6 - Chân trời sáng tạo
Soạn bài Viết đoạn văn tóm tắt văn bản ngắn nhất, Ngữ văn 7 - CTST

ĐỌC NHIỀU