a) Mở đầu:
+ Giới thiệu chung về thơ Đường luật trung đại và ý nghĩa của việc tìm hiểu hình thức thơ Đường luật.
+ Nêu cách thức tiến hành nghiên cứu.
b) Nội dung:
+ Giới thiệu về thể thơ.
+ Giới thiệu bố cục của bài thơ Đường luật.
+ Giới thiệu cách gieo vần, đối, niêm, luật trong thơ Đường luật.
+ Giới thiệu về thơ Nôm Đường luật.
c) Kết luận:
+ Khái quát, tổng hợp lại vấn đề đã được trình bày.
BÀI LÀM THAM KHẢO
Xin chào cô và các bạn, em tên là.... Sau đây, em xin trình bày bài báo cáo kết quả nghiên cứu của mình về đặc điểm hình thức thơ Đường luật.
Lý do em chọn đề tài này để thuyết trình là bởi việc tìm hiểu hình thức thơ Đường luật đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận và phân tích những nét đặc sắc về mặt nội dung trong mỗi tác phẩm.
Để tìm hiểu đặc điểm hình thức thơ Đường luật, em sẽ vận dụng phương pháp phân tích và tổng hợp lí thuyết làm cơ sở cho những lập luận của mình.
Ở trong phần Nội dung, em tập trung vào chỉ rõ các đặc điểm của hình thức thơ Đường luật.
Trước hết, về thể thơ, thơ Đường luật bao gồm một số thể thơ chủ yếu như: thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt. Trong chương trình Ngữ văn, số lượng các sáng tác thơ Đường luật khá nhiều. Có thể kể đến một số bài thơ thuộc thể thất ngôn bát cú như "Cảm xúc mùa thu" (Đỗ Phủ), "Câu cá mùa thu" (Nguyễn Khuyến),... Những bài thơ thuộc thể thất ngôn tứ tuyệt là "Sông núi nước Nam"(chưa rõ tác giả), "Rằm tháng giêng" (Hồ Chí Minh)... và một số bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt là "Phò giá về kinh" (Trần Quang Khải), "Tĩnh dạ tứ" (Lý Bạch). Các bài thơ nêu trên được phân loại theo thể thơ, dựa trên số câu và số tiếng. Cụ thể là, thể thất ngôn bát cú gồm có 8 câu, mỗi câu có 7 tiếng; thể thất ngôn tứ tuyệt gồm bốn câu, mỗi câu 7 tiếng; thể ngũ ngôn tứ tuyệt gồm bốn câu, mỗi câu 5 tiếng.
Tiếp theo, về bố cục, việc xác định bố cục sẽ giúp người đọc có thể dễ dàng hơn trong việc hiểu nội dung của tác phẩm. Thể thơ thất ngôn bát cú truyền thống được triển khai theo bố cục bốn phần là đề, thực, luận, kết. Còn với thể thất ngôn tứ tuyệt và ngũ ngôn tứ tuyệt được triển khai bốn phần là khai, thừa, chuyển, hợp.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý quy định cách gieo vần trong thơ Đường luật. Thơ Đường luật thường gieo vần bằng: thể thất ngôn bát cú gieo vần các câu: 1, 2, 4, 6, 8; thể thất ngôn tứ tuyệt gieo vần ở các câu: 1, 2, 4.
Kế đến là phép đối. Trong thể thơ bát cú Đường luật, hai câu thực và hai câu luận thường đối nhau. Phép đối có thể xuất hiện giữa hai vế trong một câu hoặc đối vế ở câu trên với vế ở câu dưới. Căn cứ vào sự tương phản hay thuận chiều về ý và lời, có thể chia thành hai loại: đối tương đồng, đối tương phản.
Ngoài ra, thơ Đường luật có sự quy định chặt chẽ về niêm và luật. Trong thơ bát cú, câu 1 niêm với câu 8, câu 2 niêm với câu 3, câu 4 niêm với câu 5 và câu 6 niêm với câu 7 nhằm tạo ra âm điệu và sự kết dính giữa các câu với nhau. Còn luật là sự đối nhau về âm thanh bằng - trắc, đối nhau trong cùng một liên. Tiếng thứ nhất, ba, năm tự do về luật; tiếng hai, bốn sáu nhất định phải đối về mặt âm thanh. Đối với thơ tứ tuyệt, tuân thủ quy định niêm, luật như thể thơ bát cú.
Thông qua việc tìm hiểu đặc điểm hình thức thơ Đường luật, em nhận thấy văn học nước ta cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc và thừa hưởng di sản này dưới nhiều hình thức khác nhau. Nổi bật là thể thơ Nôm Đường luật được hình thành dựa trên cơ sở của thơ Đường và ngôn ngữ dân tộc. Ngoài việc tuân thủ những quy định của thơ Đường luật, thơ Nôm vẫn có những sự thay đổi về nhịp điệu và sử dụng các hình ảnh, từ ngữ gắn liền với đời sống thường ngày.
Tóm lại, đặc điểm của hình thức thơ Đường luật tạo nên sự chặt chẽ, hài hòa cho cấu trúc của toàn bộ bài thơ. Chúng có tác dụng quan trọng trong việc thể hiện nội dung của tác phẩm cũng như thể hiện được quan niệm sáng tác của nhà thơ.
Phần báo cáo về kết quả nghiên cứu đặc điểm hình thức thơ Đường luật của em đến đây là kết thúc, em xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Qua quá trình chuẩn bị bài soạn và thực hành trên lớp, các em đã có thêm những kĩ năng cần thiết khi viết bài và thuyết trình trước đám đông. Để chuẩn bị cho tiết học sau, em có thể tham khảo thêm bài soạn văn mẫu lớp 10 khác:
- Hãy viết một đoạn văn miêu tả hình ảnh "trang nam nhi" với "hào khí Đông A" (hào khí thời Trần) trong bài thơ Tỏ lòng
- Soạn bài Tỏ lòng
- Soạn bài Chiến thắng Mtao Mxây