Một lần, em được mẹ cho phép đến nhà bạn chơi. Trò chơi đang vui và em rất muốn chơi tiếp thì đến giờ mẹ dặn phải trở về nhà. Khi ấy, em sẽ làm gì?
- HS trả lời theo trải nghiệm và suy nghĩ của bản thân.
* Gợi ý:
- Khi ấy, em sẽ tạm biệt bạn để trở về nhà theo lời dặn của mẹ. Em có thể hẹn bạn đó đến chơi tại nhà mình vào thời gian sắp tới.
1. Hình dung: Cảnh em bé trò chuyện với những người "trên mây" và "trong sóng".
- HS tưởng tượng và trình bày suy nghĩ của bản thân.
* Gợi ý:
- Cảnh em bé trò chuyện với những người "trên mây":
+ Em bé được những người bạn trên mây mời gọi đi chơi với "bình minh vàng", "vầng trăng bạc".
+ Sau khi hỏi những người "trên mây" cách để lên đó, họ nói rằng chỉ cần đưa tay lên trời, em bé sẽ có thể ở tận tầng mây cao xa.
+ Cuối cùng, em bé từ chối những người trên mây để trở về nhà cùng mẹ.
- Cảnh em bé trò chuyện với những người "trong sóng":
+ Những người "trong sóng" mời gọi em bé cùng ca hát và ngao du khắp nơi.
+ Em bé hỏi cách để đến với biển cả rộng lớn. Nhận được lời đáp của những người "trong sóng", em bé đã khéo léo từ chối. Em bé luôn muốn sống bên mẹ "làm sao có thể rời mẹ mà đi được?".
2. Hình dung: Niềm vui của em bé trong trò chơi với mẹ.
- Niềm vui của em bé trong trò chơi:
+ Em bé luôn cảm thấy hạnh phúc khi được ôm lấy mẹ.
+ Em bé sẽ cười nói, chơi đùa vui vẻ cùng mẹ khi cả hai hóa thân thành mây, trăng hay sóng, bến bờ.
+ Khuôn mặt của em bé trở nên rạng rỡ, tươi tắn vì được sống bên người mẹ kính yêu.
1. Đọc bài thơ Mây và sóng, ta như được nghe kể một câu chuyện. Theo em, ai đang kể chuyện với ai và kể về điều gì?
Trả lời:
- Em bé kể chuyện với mẹ.
- Em bé kể về cuộc trò chuyện với những người "trên mây" và "trong sóng".
2. Qua lời trò chuyện của những người "trên mây" và "trong sóng", em thấy thế giới của họ hiện lên như thế nào?
Trả lời:
- Thế giới của những người "trên mây" hiện lên:
+ Vui vẻ và hạnh phúc vì được "chơi từ khi thức dậy đến lúc chiều tà".
+ Là một thế giới lung linh, rực rỡ bởi những ánh sáng của "bình minh vàng", "vầng trăng bạc".
- Thế giới của những người "trong sóng" hiện lên:
+ Vui tươi và tràn ngập sức sống khi được "ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn".
+ Là một thế giới rộng lớn, bao la, chứa đựng nhiều điều bí ẩn "ngao du từ nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nào".
3. Câu hỏi "Nhưng làm thế nào mình lên đó được?", "Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?" thể hiện tâm trạng gì của em bé?
Trả lời:
Câu hỏi "Nhưng làm thế nào mình lên đó được?", "Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được" thể hiện tâm trạng háo hức, hân hoan của em bé. Em bé tha thiết được ngao du khắp mọi miền, khám phá những vùng đất mới, chơi các trò chơi thú vị.
4. Vì sao em bé từ chối lời mời gọi của những người "trên mây" và "trong sóng"?
Trả lời:
- Em bé từ chối lời mời gọi của những người "trên mây" và "trong sóng" vì:
+ Ở nhà, mẹ vẫn luôn trông ngóng, mong đợi em bé.
+ Em bé luôn mang trong mình tấm lòng yêu thương, hiếu thảo đối với mẹ. Em chỉ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi được vui chơi, ôm ấp trong vòng tay của mẹ.
5. Em bé đã sáng tạo ra những trò chơi gì? Em cảm nhận được gì về tình cảm của mẹ con được thể hiện qua những trò chơi ấy?
Trả lời:
* Em bé đã sáng tạo ra những trò chơi:
- Em bé là mây, mẹ là trăng => em bé dang đôi bàn tay bé nhỏ để ôm lấy mẹ.
- Em bé là sóng, mẹ là biển cả => em bé như ngọn sóng nhỏ, lăn vào lòng người mẹ.
* Em cảm nhận được tình cảm của mẹ con:
- Tình cảm em bé dành cho mẹ:
+ Em luôn muốn ở bên người mẹ kính yêu của mình. Em sẵn sàng từ chối những lời mời hấp dẫn để trở về bên mẹ.
+ Khi ở bên mẹ, em bé đã sáng tạo ra những trò chơi thú vị.
+ Qua những trò chơi ấy, em bé được thỏa mãn ước mơ làm mây, làm sóng mà không cần rời xa mẹ.
- Tình cảm của mẹ dành cho em bé:
+ Mẹ luôn là người chăm sóc, yêu thương em bé "Mẹ mình đang đợi ở nhà", "Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà".
+ Mẹ sẵn sàng chiều theo những mong ước của con về các trò chơi thú vị.
+ Mẹ giống như vầng trăng soi bước con trong đêm tối, như bến bờ an yên, vỗ về con suốt cuộc đời => mẹ sẽ mãi yêu thương, đồng hành cùng em bé.
6. Văn bản "Mây và sóng" có hình thức khác với văn bản "Chuyện cổ tích về loài người" (Số tiếng trong các dòng không bằng nhau, không vần,...). Vì sao nó vẫn được coi là văn bản thơ?
Trả lời:
- Văn bản "Mây và sóng" có hình thức khác với văn bản "Chuyện cổ tích về loài người":
+ Số tiếng trong một dòng không bằng nhau, có câu 8 tiếng, có câu 19 tiếng.
+ Các câu thơ không được gieo vần.
- Văn bản "Mây và sóng" vẫn được coi là văn bản thơ vì:
+ Hình thức thơ của tác phẩm mang đặc trưng của thể thơ văn xuôi.
+ Ngôn ngữ trong tác phẩm giàu nhạc điệu và hình ảnh.
+ Bài thơ sử dụng nhiều biện pháp tu từ gợi hình, gợi cảm: nhân hóa (các sự vật như mây, sóng có thể trò chuyện cùng con người), điệp từ "lăn".
+ Qua bài thơ, tác giả đã khắc họa tình cảm mẫu tử sâu nặng, thiêng liêng, đồng thời bày tỏ tình cảm yêu mến với trẻ thơ.
Hãy tưởng tượng em đang là người trò chuyện với mây và sóng. Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) về cuộc trò chuyện ấy.
Gợi ý:
Vào một buổi chiều, trời trong xanh, gió thổi nhè nhẹ trên những ngọn cây xanh mướt, em đã xin phép mẹ cho mình dạo chơi trên bãi biển. Tại nơi đấy, em gặp được hai người bạn đặc biệt. Đầu tiên là bạn mây ở phía bầu trời cao. Bạn nói rằng bạn được đi chơi cả một ngày dài, từ khi thức dậy đến lúc chiều tà. Mây ngỏ ý rủ em đi chơi cùng bình minh vàng và ánh trăng bạc. Tiếp đến là sóng, sóng khoe với em là bạn được ca hát từ sáng sớm đến lúc hoàng hôn. Sóng cũng rủ em chơi với bạn. Hai chúng em sẽ ngao du đây đó, khám phá những miền đất mới. Nhưng cuối cùng, em đã từ chối lời mời gọi của cả hai bạn vì em cần quay trở về nhà. Mẹ đang đợi em tại ngôi nhà thân thương, ấm cúng ấy. Và quan trọng hơn hết, em không muốn rời xa người mẹ dấu yêu của mình.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Để có thể trả lời chính xác các câu hỏi trong SGK, em cần nắm chắc các tri thức về thể loại và nội dung chính của tác phẩm. Taimienphi.vn luôn cập nhật những bài văn mẫu lớp 6 mới để phục vụ nhu cầu học tập của em khi học Ngữ văn 6, hãy theo dõi để không bỏ sót bất kì nội dung nào nhé.
- Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 43
- Mây và sóng: tác giả, thể thơ, bố cục, nội dung, nghệ thuật, dàn ý
- Tóm tắt Mây và sóng
- Cảm nghĩ về bài thơ Mây và sóng hay nhất