Câu 1.
- Nguyễn Du đồng cảm với nàng Tiểu Thanh bởi lẽ ông nhìn thấy sự tương đồng trong số phận của nàng Tiểu Thanh và chính mình.
- Tiểu Thanh là người tài sắc vẹn toàn thế nhưng số phận nàng lại gặp đầy những bất công ngang trái. Nàng lấy chồng nhưng chỉ với thân phận vợ lẽ, tài năng văn chương của nàng cũng bị người đời chà đạp, thiêu rụi. Từ bi kịch của nàng Tiểu Thanh Nguyễn Du đã nghĩ đến bi kịch của cuộc đời mình – một cuộc đời lênh đênh với nghiệp văn chương.
Câu 2.
“Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi” tức nỗi oan của Tiểu Thanh cũng là nỗi uất ức của cả người xưa và người nay, nỗi uất ức từ xưa đến nay mà chưa giải quyết được. Đây là nỗi hận của những con người tài mệnh tương đố, nỗi hận về nghiệp văn chương.
Câu 3.
Nguyễn Du thương xót và đồng cảm với người phụ nữ có tài văn chương mà bất hạnh đã cho thấy tinh thần nhân đạo của Nguyễn Du. Ông trân trọng tài năng của nàng Tiểu Thanh đồng thời ông cũng bộc lộ niềm thương cảm đối với số phận của những con người: tài hoa bạc mệnh.
Câu 4.
Hai câu đề:
- Câu 1: tác giả hình dung ra những thay đổi của cảnh vật, từ hiện tại trở về với quá khứ 🡪 tiếng thở dài xót xa
- Câu 2: tác giả hình dung những thay đổi của đời người 🡪 sự cô đơn của Nguyễn Du, sự ít ỏi của hậu thế, sự cảm thương cho những thân phận trôi nổi, lênh đênh.
Hai câu thực: khái quát 2 nỗi oan lớn
- Son phấn: tượng trưng cho nhan sắc 🡪 hồng nhan bạc mệnh
- Văn chương: tượng trưng cho tài năng 🡪tài mệnh tương đố
Hai câu luận:
- Câu 5: từ nỗi oan của nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã khái quát về số phận bất hạnh của những con người trong xã hội phong kiến.
- Câu 6: từ khóc người mà quay ra thương mình. Thương cho số mệnh và tài năng của chính mình
Hai câu kết: khóc thương mình
- Tác giả cất tiếng hỏi hậu thế sau 300 năm
- Nỗi đau tận cùng không cất lên lời
A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Tiểu Thanh
- Là một cô gái người Trung Quốc có tài có sắc, sống vào đầu đời Minh.
- Là người thông minh, am hiểu nhiều môn nghệ thuật như thi ca, âm nhạc.
- Làm vợ lẽ cho một gia đình quyền quý. Vợ cả là người hay ghen, bắt cô sống riêng một mình. Đau buồn, cô sinh bệnh rồi mất ở tuổi 18.
- Nỗi niềm của cô được gửi vào trong thơ nhưng phần lớn bị vợ cả đốt. Chỉ còn một số bài còn sót lại. Người ta in số thơ đó và đặt tên là Phần dư (bị đốt còn sót lại).
2. Nguyên nhân Nguyễn Du đồng cảm với Tiểu Thanh
- Vì thương xót cho số phận bất hạnh của những người phụ nữ tài sắc.
- Vì cuộc đời của Nguyễn Du cũng ba chìm bảy nổi, long đong như Tiêu Thanh.
- Vì ý nghĩ không biết có ai hiểu, đồng cảm với mình như sự thấu hiểu của mình đối với Tiểu Thanh.
3. Nội dung hai câu thơ đầu
- Hai câu này miêu tả sự việc cụ thể. Nhưng sự việc đó là do Nguyên Du hình dung ra.
- Cảnh vật Tây Hồ trong tưởng tượng đó là điểm tựa để tạo nên cảm xúc trong lòng nhà thơ. Đây là một trong những đặc trưng của thi pháp trung đại: tình do ngoại cảnh khơi gợi, tình do cảnh vật gợi hứng, bùng phát.
- Âm hưởng của hai câu thơ là vọng tưởng, thương xót, trân trọng một tâm hồn thơ tài hoa gặp truân chuyên trong cuộc đời.
4. Hai câu 3, 4 luận bàn về vấn đề:
- Từ sự xót xa trước cảnh đời Tiểu Thanh, Nguyễn Du hướng suy tưởng của mình về sự khái quát hóa số mệnh của người tài sắc và giỏi văn chương.
“Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương”.
- Hai câu thơ được xây dựng theo thế đối:
+ Son phấn có thần - Văn chương không mệnh
+ Chôn vẫn hận - Đốt còn vương
- Đối nhưng thực chất vẫn là sự tiếp ý. Tất cả đều toát lên ý tưởng: cái đẹp và văn chương sẽ không bao giờ chết. Tuy nhiên dẫu thế giới người sở hữu chúng (cái đẹp và văn chương) thì luôn long đong, lận đận, thậm chí là chết trong buồn tủi cô đơn.
- Bốn câu thơ đầu này tác giả tập trung vào điều có thực, có thể kiểm nghiệm trong cuộc sống và những suy nghĩ dựa trên điều có thật đó.
6. Đối tượng được hướng tới trong bốn câu thơ cuối
- Câu 5 diễn tả tiếp ý của bốn câu thơ đầu (chủ yếu là của hai câu 3, 4):
+ Nhà thơ nhận thức ra điều phi lí: (Hồng nhan bạc phận, Chữ tài liền với chữ tai một vần (Truyện Kiều), không chấp nhận nó nhưng không thể tìm ra nguyên nhân lẫn cách cắt nghĩa sự phi lí đó nên đã than rằng: “Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi”.
Như thế ở câu thơ này tác giả vẫn hướng đến Tiểu Thanh.
- Câu thứ 6 xuất hiện một đối tượng nữa, đấy chính là chủ thể của bài thơ: ta (ngã). Con người này cũng mang cái án phong lưu.
- Cái án phong lưu là cái án về sự tài hoa của nghệ sĩ và sự thăng trầm của văn chương:
+ Nghệ sĩ có tài thì không được hưởng hạnh phúc sung sướng.
+ Văn chương trác tuyệt thì chưa hẳn được người đời ca ngợi.
- Như thế, nghệ sĩ và văn chương siêu việt thì thường cô độc, ít người thấu
hiểu.
- Nguyễn Du xót thương Tiểu Thanh đồng nghĩa xót thương với bản thân
- Tiểu Thanh may mắn được nhiều người biết đến, trong đó có Nguyễn Du.
- Nguyễn Du thì không biết rồi đây ai sẽ khóc mình như mình khóc Tiểu Thanh này?
- Tâm sự của Nguyễn Du là tâm sự u hoài của một tài năng văn chương, của một nhân cách lớn. Ngay chỉ việc thấu hiểu và xót thương Tiểu Thanh không thôi cũng đã nói lên được tấm lòng nhân đạo bao la của Nguyễn Du.
7. Vấn đề “Con người cá nhân”.
- Nguyễn Du là một trong những nhà thơ đầu tiên của văn học trung đại viết về “con người cá nhân”, đặc biệt là về thân phận nghệ sĩ.
- Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du được tôn cao hơn khi ông viết về nỗi bất hạnh của một nữ nghệ sĩ.
8. Giá trị nghệ thuật của bài thơ
- Là việc thể hiện dòng vận động nội tâm của tác giả.
- Từ mối xúc động trước thân phận của người phụ nữ tài hoa, bạc mệnh, Nguyễn Du khái quát lên thành vấn đề lớn của xã hội, nhân sinh rồi bày tỏ suy nghĩ về chính bản thân mình.
- Đỉnh cao của dòng tâm trạng đó đặt ở câu cuối, câu thơ kết thúc bằng dấu hỏi mà không có lời đáp (trong văn bản), thể hiện tâm sự về nỗi cô đơn của một nghệ sĩ lớn. Nó vừa cho thấy sự khiêm tốn nhưng đồng thời cũng ngầm khẳng định tài năng của chính nhà thơ.
9. Tín hiệu thời gian “ba trăm năm lẻ”
- Đây là tín hiệu chủ yếu mang tính phiếm chỉ. Tác giả dùng để chỉ một thời gian dài sau này, có thể là 200 năm, 100 năm,... chứ không nhất thiết là hơn 300 năm.
- Tín hiệu này cho thấy khát vọng được lưu danh hậu thế, được người đời sau thấu hiểu của Nguyễn Du.
10. Ý nghĩa của bài thơ
- Đây là một trong những bài thơ hay bậc nhất của văn học Việt Nam.
- Bài thơ nằm trong mạch cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du: xót thương cho thân phận người phụ nữ tài hoa, bạc mệnh vì những qui phạm của xã hội phong kiến.
- Bài thơ đặt vấn đề sâu sắc về mối quan hệ: nghệ sĩ, văn chương và cuộc đời.
- Là tiếng nói đồng cảm của Nguyễn Du về các mối “hờn kim cổ” trong xã hội phong kiến và trong cả cuộc sống nhân sinh.
--------------------HẾT-------------------
Qua bài viết trên, các em cũng đã phần nào nắm được những chi tiết chính cho nội dung cần học. Tiếp theo, các em nên tìm hiểu Cảm nhận về bài thơ Độc Tiểu Thanh kí để học tốt ngữ văn hơn.