Qua 2 câu thơ: "Muốn mù... bạc tình" hãy phân tích và nói lên những suy nghĩ về nỗi lòng Tú Xương

Đề bài: Qua 2 câu thơ: "Muốn mù... bạc tình" hãy phân tích và nói lên những suy nghĩ về nỗi lòng Tú Xương

 

Phần 1: Dàn ý qua 2 câu thơ: "Muốn mù... bạc tình" hãy phân tích và nói lên những suy nghĩ về nỗi lòng Tú Xương

Xem chi tiết Dàn ý qua 2 câu thơ: "Muốn mù... bạc tình" hãy phân tích và nói lên những suy nghĩ về nỗi lòng Tú Xương tại đây
 

Phần 2: Bài văn mẫu Qua 2 câu thơ: "Muốn mù... bạc tình" hãy phân tích và nói lên những suy nghĩ về nỗi lòng Tú Xương

Tú Xương, tên thật là Trần Tế Xương (1870-1907), là một trong những nhà thơ trào phúng hàng đầu của nền thơ ca Việt Nam. Cuộc đời Tú Xương tuy chỉ ngắn ngủi có 37 năm, nhưng suốt 37 năm ấy lại nằm trọn trong buổi đất nước nhiễu nhương, chính quyền thực dân nửa phong kiến, cực kỳ rối ren và phức tạp. Tuy là người có tài nhưng Tú Xương lại bất đắc chí trong con đường công danh vì sự thối nát của xã hội thời bấy giờ. Thế nên Tú thường lấy việc sáng tác thơ làm thú vui, giết thì giờ, vừa là đôi mắt hiện thực, mỉa mai ghi chép những gì diễn ra trong xã hội. Thơ của ông lấy yếu tố trữ tình là gốc, trong đó còn lồng ghép thêm cả yếu tố hiện thực và trào phúng tạo nên một nét rất riêng trong các tác phẩm còn lưu lại. Tiêu biểu trong số ấy có thể kể đến là tác phẩm Đau mắt mà hai câu thơ "Muốn mù trời chẳng cho mù nhỉ/Giương mắt trông chi buổi bạc tình!" phần nào cho ta thấy những tâm trạng và nỗi lòng của Tú trong buổi đương thời.

Như đã đề cập, cuộc đời của Tú Xương chỉ có 37 năm ngắn ngủi, và trong quãng đời ấy, ông đã chứng kiến tận mắt hết thảy những rối ren, những bất công của xã hội. Nửa đầu cuộc đời là cảnh triều đình vào buổi suy tàn, đang trên đà sụp đổ, vua quan chỉ biết ăn chơi sa đọa, thối nát, tư tưởng lạc hậu cổ hủ, bác bỏ hết những đổi mới, cách tân của nhiều trí thức đương thời. Tú Xương vốn là người có tư tưởng tiến bộ, nên trong việc thi cử phần nhiều có đưa vào trong ấy, chính vì lý do vậy mà bài ông tuy rất đặc sắc, rất hay nhưng toàn bị đánh rớt không thương tiếc. Sau tám lần thi cử, Tú Xương cũng miễn cưỡng đỗ được tú tài, và mãi ông chỉ dừng bước ở đó. Cuộc đời bất đắc chí trong con đường công danh, cộng với cuộc sống bần hàn khổ sở luôn đeo bám, khiến Tú Xương nhiều lần vật vã và căm giận, căm giận cái xã hội phong kiến hủ bại đã khiến ông đau khổ. Đến nửa sau cuộc đời ông, lại là lúc thực dân Pháp tràn vào xâm lược nước ta, xã hội đã loạn càng thêm loạn, nhân dân một cổ hai tròng, trí thức có tài nhưng bất lực trước thời cuộc, khiến Tú Xương càng thêm đau đớn.

Với bài thơ Đau mắt, Tú Xương đau không chỉ đơn thuần là bệnh tật trên thân thể mà còn là nỗi đau trong lòng, xã hội có muôn cảnh bẩn thỉu mà Tú Xương chẳng muốn nhìn. Chúng khiến ông chướng tai gai mắt, nhưng lại chỉ có thể cam chịu, chúng hành hạ khiến ông phải "đau mắt". Trước hoàn cảnh bất lực ấy, Tú Xương đã có một mong muốn đó là "Muốn mù", trong câu "Muốn mù trời chẳng cho mù nhỉ". Tú Xương muốn mù bởi một lẽ đơn giản, mắt không thấy thì lòng không đau, không khó chịu, đó là cái cách phản kháng thật quyết liệt, có lẽ không phải đường cùng chẳng ai làm thế. Điều đó đã phần nào khẳng định được nhân cách cao đẹp trong con người Tế Xương, là nỗi bất hòa, là sự phản kháng gay gắt lại xã hội đương thời.

Vậy xã hội ấy đã xảy ra những điều nhiễu nhương gì mà lại khiến Tú Xương quyết liệt, chống đối đến vậy? Trước hết nếu đọc cả bài thơ Đau mắt có lẽ ta đã phần nào mường tượng ra. Tế Xương đã chán lắm rồi cái cảnh phải chứng kiến những "buổi bạc tình" của xã hội, kèn cựa làm cho cuộc đời Tú Xương, gia đình Tú Xương phải chịu bao nỗi vất vả, cực nhọc, đặc biệt là cuộc đời của Tú suốt mấy mươi năm cứ uất ức như thế. Đó là cảnh tình cảm gia đình gắn bó nay dần tan rã, dần dà người ta chẳng còn quan tâm đến nhau nữa, ốm đau cũng mặc đấy. Tiền bạc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, tiền bỗng trở thành vua và con người chính là nô lệ của chúng, người ta dùng tiền mua quan bán tước tựa như cầm tiền đi chợ mua mớ rau, thật dễ dàng! Con người bạc bẽo, sẵn sàng giẫm đạp lên nhau để sống, bao đạo đức luân lý cha ông vẫn gìn giữ bỗng chốc thành hư vô, ai còn quan tâm trong buổi loạn lạc. Trí thức trở thành người bất lực trước thời cuộc, giương mắt nhìn đất nước lụi tàn, kẻ hám danh lợi thì bán nước cầu vinh. Ôi, có lẽ chẳng có nỗi đau đớn nào hơn thế đối với một trí thức lớn như Tú Xương, ông muốn mù cũng là phải lẽ.

Qua hai câu thơ ngắn ngủi trong bài thơ Đau mắt của Tế Xương, vẫn một giọng điệu buông lơi, tưởng nói chơi nhưng lại là nỗi lòng thực của Tú Xương. Người ta thấy hiện diện trong hai câu thơ ấy là nỗi đau của cả một thời đại, là nỗi đau của cả một bộ phận trí lực phải bó tay bất lực trước thời cuộc, giương mắt nhìn đất nước điêu tàn. Riêng với những nhân cách lớn như Tú Xương, với những khổ đau đầy rẫy trong cuộc đời có lẽ mong muốn mù mắt, để không biết, không nhìn thấy nữa là lối thoát duy nhất, là một cách chống đối rất tàn nhẫn với bản thân, nhưng lại hợp lý với nỗi lòng của Tú Xương.

Trong bài thơ Đau mắt, nhà thơ Tú Xương đã thể hiện nỗi xót xa, đau đớn trước cục diện rối rắm xã hội đương thời. Qua 2 câu thơ: Muốn mù... bạc tình hãy phân tích và nói lên những suy nghĩ về nỗi lòng Tú Xương được gửi gắm qua bài thơ Đau mắt.

ĐỌC NHIỀU