Phân tích vẻ đẹp của Thuý Vân và Thuý Kiều trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều

Đề bài: Phân tích vẻ đẹp của Thuý Vân và Thuý Kiều trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Phân tích vẻ đẹp của Thuý Vân và Thuý Kiều trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều
 

I. Dàn ý Phân tích vẻ đẹp của Thuý Vân và Thuý Kiều trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều (Chuẩn)


1. Mở bài

- Truyện Kiều là tác phẩm thuộc hàng kinh điển trong văn học Việt Nam.
- Biệt tài tả người, tả cảnh của Nguyễn Du ấn tượng nhất là ở bút pháp ước lệ tượng trưng, tiêu biểu là trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều.

2. Thân bài

* Vị trí, nội dung, nghệ thuật đoạn trích:
- Nằm ở phần mở đầu của Truyện Kiều.
- Nội dung khắc họa một cách cụ thể rõ nét và sinh động và độc đáo chân dung của chị em Thúy Kiều, qua đó Nguyễn Du bộc lộ cảm hứng nhân văn rất sâu sắc của mình.
- Nghệ thuật sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng, thể thơ lục bát, ngôn ngữ chọn lọc, trau chuốt...(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích vẻ đẹp của Thuý Vân và Thuý Kiều trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều tại đây

 

II. Bài văn mẫu Phân tích vẻ đẹp của Thuý Vân và Thuý Kiều trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều (Chuẩn)

Nền văn học trung đại Việt Nam từ thế kỷ X-XIX được đánh dấu bằng nhiều tác phẩm thơ văn xuất sắc, mà tiêu biểu nhất phải kể đến Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Nhắc đến Truyện Kiều người ta không chỉ đơn giản nhớ đến một tác phẩm vang danh một thời, mà Truyện Kiều được xem là kiệt tác văn học được xếp vào hàng kinh điển của cả nền văn học Việt Nam, chứ không của riêng thời đại nào. Truyện Kiều đã quá đỗi quen thuộc và đi vào đời sống của nhân dân ta một cách tự nhiên nhất, từ đó hình thành nên những nét sinh hoạt văn hóa thú vị và đặc sắc ví như bói Kiều, ngâm Kiều, tranh Kiều, rồi vịnh Kiều,... Phải nói hiếm có tác phẩm văn học Việt Nam nào lại được truyền bá rộng rãi và thậm chí được dịch sang hơn hai mươi thứ tiếng khác nhau trên thế giới như Truyện Kiều. Dẫu nhiều câu nhiều chữ, nhưng tựu chung lại giá trị của tác phẩm nằm ở hai điểm lớn đó là cảm hứng hiện thực và tư tưởng nhân đạo xuyên suốt trong cả tác phẩm. Đọc Truyện Kiều người ta thường dễ dàng nhận ra Nguyễn Du có một biệt tài tả người, tả cảnh rất hay, rất độc đáo ấy là ở bút pháp ước lệ tượng trưng, trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du đã xuất sắc phác họa nên hai thiếu nữ tài sắc vẹn toàn với những hình ảnh tượng trưng, so sánh rất tinh tế, rất tài hoa.

Đoạn trích Chị em Thúy Kiều nằm trong phần mở đầu của tác phẩm, khi mà lúc này đây chị em Thúy Kiều vẫn đang sống cuộc sống êm ấm, nhung lụa. Phần mở đầu chủ yếu giới thiệu gia cảnh và thành viên trong gia đình Thúy Kiều, trong đó trọng tâm là miêu tả nhan sắc của hai chị em Vân, Kiều. Toàn bộ đoạn trích khắc họa một cách cụ thể rõ nét và sinh động và độc đáo chân dung của chị em Thúy Kiều, qua đó Nguyễn Du bộc lộ cảm hứng nhân văn rất sâu sắc của mình. Ông ca ngợi vẻ đẹp tài năng và nhan sắc của con người, đồng thời dự cảm về số phận tài hoa nhưng bạc mệnh của Thúy Kiều, cũng như cuộc sống có phần êm đềm, tĩnh lặng của Thúy Vân. Nghệ thuật chủ yếu trong cách miêu tả vẻ đẹp nhân vật là bút pháp miêu tả cổ điển, hết sức ước lệ tượng trưng, lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để nói lên vẻ đẹp và tài năng của con người. Ngôn ngữ trau chuốt, chọn lọc, lời thơ lục bát có vần có nhịp rất trôi chảy và hàm súc.

Bốn dòng thơ đầu của đoạn trích là những khái quát chung nhất về hai nhân vật Thúy Vân và Thúy Kiều.

"Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười"

Vân và Kiều là hai người con gái lớn của Vương ông, Nguyễn Du dùng "tố nga" vốn có nghĩa là loài thiên nga xinh đẹp, điều đó nhằm phiếm chỉ vẻ đẹp thanh cao và duyên dáng của hai chị em Kiều. Tiếp đó Nguyễn Du lại lấy hình dáng cây mai làm "cốt cách", bởi mai từ xưa đến nay vẫn được xếp vào hàng "tứ quân tử", với vẻ đẹp thanh cao, ngay thẳng, sức sống mãnh liệt và kiên cường. "Tuyết tinh thần", tức là tâm hồn luôn luôn trong sáng, trắng đẹp tựa như những hạt tuyết mùa đông, điều đó cũng dễ khiến người ta liên tưởng đến vẻ đẹp của hai cô gái kiêu sa, lòng không vướng nổi một hạt bụi trần. Kết lại, Nguyễn Du chốt rằng "Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười", hai cô gái ấy có những nét tính cách cao đẹp giống nhau, nhưng luận về tài năng và nhan sắc thì không hề giống nhau, ai cũng có những vẻ đẹp rất riêng, không dám so rằng ai hơn ai, đó là cách mà Nguyễn Du nhấn mạnh và cá thể hóa từng nhân vật để làm tiền đề cho đoạn sau.

Đến 14 câu thơ tiếp, mỗi một độc giả hoàn toàn nhận ra rằng Nguyễn Du chủ yếu tập trung vào nhân vật người chị là Thúy Kiều với 12 câu thơ đặc tả Kiều và với chỉ bốn câu thơ để nói về người em là Vân. Trước tiên nói về những câu thơ tả Thúy Vân.

"Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da"

Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp ước lệ cổ điển, chủ yếu là gợi nhiều hơn tả, vẽ nên dáng hình Thúy Vân với những nét đẹp rất độc đáo, có thể nói là khuôn vàng thước ngọc cho người con gái này. Nàng Vân với dáng vẻ "trang trọng" quý phái và cao sang, khuôn mặt thì tròn đầy phúc hậu như vầng trăng, nét mày ngài "nở nang", nàng cũng có khuôn miệng duyên dáng, tiếng nói, tiếng cười như "ngọc thốt", hết sức đoan trang nền nã. Thúy Vân cũng được ưu ái cho làn tóc mượt mà đến mây cũng không dám tranh, làn da trắng đến tuyết cũng phải nhường. Có thể nói vẻ đẹp của Thúy Vân là một vẻ đẹp rất hài hòa và lý tưởng, không nằm ngoài khuôn thước thẩm mỹ truyền thống trong xã hội cũ, điều đó đã định sẵn cũng như báo trước về một cuộc đời an nhàn và bình yên của nàng Vân trong Truyện Kiều, khác biệt hẳn so với chị mình.

Nói về nhan sắc và tài năng của Kiều, Nguyễn Du đã dùng một số lượng câu thơ gấp 3 lần so với khi tả Vân, thế nhưng vẻ đẹp của Kiều lại không được chỉ ra một cách cụ thể từ khuôn mặt, tóc tai, mày ngài, giọng nói, màu da giống như Vân mà Nguyễn Du thiên về hướng gợi bằng những hình ảnh thiên nhiên đặc sắc đem đến những ấn tượng chung và để độc giả tự suy ra vẻ đẹp khác biệt của nàng Kiều.

"Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn:
Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một tài đành họa hai."

Có nhiều thắc mắc rằng vì sao Kiều là nhân vật chính nhưng lại được xếp tả sau, thì đến đây người ta mới vỡ lẽ ra rằng hóa ra tả Thúy Vân, để từ đó mà suy ra cái nhan sắc của Thúy Kiều. Nguyễn Du viết "Kiều càng sắc sảo mặn mà/So bề tài sắc lại là phần hơn", đó là ý ngầm so sánh với Thúy Vân, nàng Vân có đẹp nhưng so ra Kiều lại vẫn hơn ở chỗ "sắc sảo, mặn mà". Như vậy phần miêu tả nhan sắc của Vân chính là bệ phóng làm nền cho phần tả vẻ đẹp của Thúy Kiều, Vân càng đẹp bao nhiêu thì càng khẳng định được cái nhan sắc rực rỡ của nàng Kiều bấy nhiêu. Phải nói "sắc sảo mặn mà" đều là những từ khái quát một cách ngắn gọn về cả tâm hồn lẫn hình thể của nàng Kiều, nàng sắc sảo về trí tuệ, nàng mặn mà về tâm hồn, nhan sắc. Cách tả của Nguyễn Du đặc sắc là ở chỗ ấy. "Làn thu thủy nét xuân sơn", là miêu tả đôi mắt của người con gái đẹp và trong như nước mùa thu, còn "nét xuân sơn" chính là đôi mày cong tựa như núi mùa xuân, cách đặc tả đôi mắt của người thiếu nữ khiến người đọc dễ dàng liên tưởng đến một trang tuyệt thế giai nhân mà chỉ cần một ánh mắt thôi, thì đã đủ làm người người say đắm. Đồng thời người ta vẫn ví đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, người có đôi mắt mà sóng mắt lại trong như nước mùa thu thì hẳn tâm hồn nàng phải trong trẻo và đẹp đẽ đến nhường nào. Câu "Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh", phần để chỉ đôi môi đỏ, cùng làn tóc xanh của Kiều, mà nó quá đỗi rực rỡ xinh đẹp khiến thiên nhiên cũng phải hờn, phải ghen. Nghiên cứu kỹ câu thơ dường như ta đã nhận ra một dự báo về tương lai đầy gian nan và trắc trở của nàng Kiều. "Một hai nghiêng nước nghiêng thành" cũng là câu thơ để chỉ vẻ đẹp đến độ kinh diễm của Thuý Kiều, vẻ đẹp ấy có thể khiến cho nước mất nhà tan, vốn vẫn thường gọi là hồng nhan họa thủy. Như vậy Nguyễn Du không tả một cách cụ thể vẻ đẹp của Thúy Kiều mà lại chỉ ra sự ghen ghét, đố kỵ của thiên nhiên, cùng với lòng say mê ngưỡng mộ của cả thành trì, đất nước để tôn lên cái vẻ đẹp động lòng người của nàng Kiều. Câu thành ngữ cổ "nghiêng nước nghiêng thành" đã được tác giả sử dụng một cách sáng tạo để miêu tả vẻ đẹp tuyệt thế thiên tiên của nàng Kiều. Vẻ đẹp của Kiều không chỉ là vẻ đẹp rực rỡ bề ngoài mà còn thể hiện ở những vẻ đẹp có chiều sâu khác đó chính là vẻ đẹp tài năng, trí tuệ của nàng.

"Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân."

Nguyễn Du viết "Sắc đành đòi một tài đành họa hai", như vậy Kiều ngoài cái vẻ đẹp kinh động lòng người, thì còn có một thân tài nghệ. Nàng sinh ra đã được trời phú một dung mạo tuyệt mỹ, lại thêm bản tính vốn thông minh, học đâu biết đấy, thế nên cầm kỳ thi họa chẳng có thứ nào mà nàng không tinh thông, đặc biệt là trong cầm kỹ, nàng đã rèn riêng cho mình một thân hồ cầm tuyệt kỹ, phải nói khó có ai sánh bằng. Có thể nói Thúy Kiều đã đạt đến mức lý tưởng trong quan niệm truyền thống, tài sắc đều là bậc nhất, trăm năm mới có một người. Thúy Kiều ngoài khả năng đánh đàn, nàng còn biết cả sáng tác nhạc, thế nhưng những bản nhạc của nàng lúc nào cũng ai oán, như buồn, như thương cho số kiếp hồng nhan bạc mệnh, điều đó đã phần nào nói nên tâm hồn đa sầu đa cảm, đồng thời cũng là dự báo về một số kiếp trái ngang của Thúy Kiều.

"Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai."

Sau khi miêu tả về nhan sắc và tài năng hai chị em Thúy Kiều, thì Nguyễn Du đã có những dòng thơ để nhận xét chung về cuộc sống cũng như tình trạng hiện tại của hai mỹ nhân nhà họ Vương. Có thể nhận ra rằng Kiều và Vân là con gái của viên ngoại thế nên hai nàng có cuộc sống khá sung túc, đủ đầy, quần là áo lụa, không phải lo nghĩ. "Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê" là đề cập đế tuổi tác của hai nàng đã sắp đến tuổi gả chồng, xuân sắc phơi phới, đặc biệt với nhan sắc và tài năng như thế nhưng hai nàng lại có một nề nếp gia phong nghiêm cẩn "Êm đềm trướng rủ màn che", quanh quẩn chốn khuê phòng. Hai nàng cũng chưa từng một lần màng đến chuyện yêu đương nam nữ dù biết bao thanh niên tài tuấn đang dòm ngó, thế nên mới có câu "Tường đông ong bướm đi về mặc ai".

Qua đoạn trích Chị em Thúy Kiều đặc tả hai người con gái tài sắc mười phân vẹn mười, Nguyễn Du đã bộc lộ sự trân trọng, đề cao giá trị vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, từ vẻ đẹp nhan sắc đến vẻ đẹp tâm hồn, tài năng, đó chính là biểu hiện cực kỳ sâu sắc trong tư tưởng nhân văn của Nguyễn Du. Việc sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng trong việc miêu tả nhân vật rất phù hợp với tư tưởng ca ngợi, ngưỡng mộ đề cao giá trị của con người trong tác phẩm, lấy vẻ đẹp của con người làm lý tưởng cho mọi vẻ đẹp của thiên nhiên rộng lớn. Đồng thời qua đoạn trích Nguyễn Du cũng đã hé lộ những dự cảm đầy xót thương về cuộc đời bi ai, bạc mệnh của nàng Kiều, cũng như của người phụ nữ trong xã hội phong kiến hủ lậu.

-----------------------HẾT---------------------------

Đoạn trích Chị em Thúy Kiều không chỉ miêu tả sống động vẻ đẹp "mười phân vẹn mười" của chị em Thúy Vân, Thúy Kiều mà còn thể hiện thái độ trân trọng của tác giả đối với tài sắc của những người con gái tài hoa này. Khám phá thêm về đặc sắc nội dung đoạn trích, bên cạnh bài Phân tích vẻ đẹp của Thuý Vân và Thuý Kiều trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều, các em không nên bỏ qua: Sơ đồ tư duy Chị em Thúy Kiều, Miêu tả tài sắc của kiều qua 12 câu thơ trong bài Chị em Thúy Kiều, Phân tích nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều, Cảm nhận về vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều trong Chị em Thúy Kiều.

Nếu các em vẫn chưa biết cách phân tích vẻ đẹp của Thuý Vân và Thuý Kiều trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều như thế nào cho hay, vậy em có thể tham khảo bài viết mẫu dưới đây của chúng tôi để hoàn thiện bài làm của mình.
Phân tích đoạn trích Chị em Thuý Kiều
So sánh tài sắc của Thuý Vân và Thuý Kiều được thể hiện qua đoạn trích Chị em Thúy Kiều
Dàn ý cảm nhận về vẻ đẹp và tài năng của Thuý Kiều trong Chị em Thuý Kiều
Nghị luận văn học đoạn trích Chị em Thúy Kiều
Dàn ý phân tích đoạn trích Chị em Thuý Kiều
Đoạn văn miêu tả vẻ đẹp của Thuý Vân

ĐỌC NHIỀU