Phân tích truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải

Đề bài: Phân tích truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
 1. Mở bài
 2. Thân bài
 3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

Phân tích truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải
 

I. Dàn ý Phân tích truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải


1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm.


2. Thân bài

a. Số phận của nhân vật trung tâm - chị Đào:
- Ngoại hình xấu xí "hai con mắt hẹp và dài đưa đi đưa lại rất nhanh, gò má cao đầy tàn hương, và hàm răng đen nhờ nhờ hơi nhô ra ngoài môi", dáng "sồ sề", chân ngắn.
- Lấy chồng sớm, chồng bỏ đi biền biệt, nghiện rượu chè, cờ bạc, rồi chết sớm, đứa con trai hai tuổi thế nhưng nó cũng bỏ chị mà đi nốt vì bệnh sài, chị trở thành người đàn bà cô độc, không nhà không cửa, bơ vơ trên đời với nhiều nỗi đau khổ.
- Chị sống với kiếp lênh đênh "đòn gánh trên vai, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường" khốn khổ, thiếu thốn với "Mùa hè vài cái áo cánh nâu vá vai, mùa đông một chiếc áo bông đã bạc", chân đi khắp chốn.
- Muốn chết cho đời hết nặng nhọc, khốn khổ ấy thế nhưng "đời còn dài nên phải sống".
=> Chị Đào là một người phụ nữ kiên cường, mạnh mẽ và có sức sống tiềm tàng mãnh liệt, trải qua nhiều bất hạnh thế nhưng chị chưa từng buông xuôi cuộc đời mình, vẫn miệt mài chăm chỉ lao động để nuôi sống bản thân.
- Những bất hạnh, mất mát và thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần đã khiến chị có cái vẻ "táo bạo và liều lĩnh, ghen tị với mọi người và hờn giận cho thân mình".

b. Cánh cửa cuộc đời mở ra khi chị Đào lên nông trường Điện Biên:
- Chị Đào không còn phải chịu cảnh lênh đênh nay đây mai đó, bốn bể là nhà, chị được hòa vào cái niềm vui lao động, phấn đấu và thi đua, tâm hồn chị đã bứt đi được cái cảm giác lạc lõng và cô độc.
- Thân thiết được với Huân một anh chàng kém chị 25 tuổi, đẹp trai nhất nông trường. Sự khỏe mạnh, vui tính, khéo léo, đa tài của Huân đã thắp lên cho cuộc đời chị nhiều niềm vui trong lao động.
- Chị vẫn mang trong mình nhiều mặc cảm tự ti cái nỗi buồn lòng của một người đàn bà xấu, sắp qua tuổi xuân thì, mà lại cứ độc lai độc vãng, không chồng con, không được ai ngó ngàng yêu thương.

- Không khuất phục trước số phận, có niềm tin mãnh liệt vào tương lai:
+ Chị mạnh mẽ bác lại và dường rất bình thản trước cuộc đời lắm chông gai của mình, không buồn nhún nhường, chị tự tin mà thành thơ, thành vần rằng "Huê thơm bán một đồng mười. Huệ tàn nhị giữa giá đôi lạng vàng".
+ Có ý thức về cái giá trị của mình, có lòng tự tôn của một người đàn bà dù không đẹp nhưng tâm hồn đẹp, hăng say lao động, chăm chỉ cần cù hơn bất cứ ai.
+ Khao khát hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc, được yêu thương, đùm bọc.
=> Biểu hiện rõ nét nhất về sự hồi sinh sự sống trong tâm hồn chị Đào.

b. Bước ngoặt trong cuộc đời chị Đào:
- Có một người đàn ông mới gặp vài lần viết thư ngỏ lời với chị bằng những lời lẽ mà chị cho là "táo bạo", là "coi thường". Những lá thư ngỏ lời ấy đã khiến chị vui một "nỗi vui sướng kỳ lạ rào rạt không thể nén lại nổi...".
- Chị xúc động và hạnh phúc vì cái chuyện vui đột ngột đến trong đời, và tâm hồn chị đã bắt đầu "thức tỉnh những nỗi khao khát yêu đương, khao khát hạnh phúc mà chị cố hắt hủi, vùi nén một cách bất lực từ ngót chục năm trời nay".
- Tưởng đến cảnh chung đụng với con riêng của chồng, những tính toán về cuộc sống sau kết hôn,...
- Chị có một cái nhìn rất thiện cảm với mối tình của Huân và Duệ, chị thấy họ thật xứng đôi phải lứa, và chị ra sức vun vén, đắp đầy cho cái tình cảm ngỡ suôn sẻ mà nhiều chông gai.
- Chị cảm thấy vừa lòng với ông thiếu úy, và cuộc đời họ đã gắn với nhau khi vào vụ gieo ngô, chị đã có một gia đình mới, một bàn tay đàn ông che chở, yêu thương, chị lấy đó là hạnh phúc và hợp tình.

c. Tư tưởng truyện:
- Sự hồi sinh của con người: Một người phụ nữ kém sắc, góa chồng, sắp hết tuổi xuân như chị Đào, đến anh Huân với "những khát khao, những ước mơ đốt cháy trái tim", đến cả anh thiếu úy Dịu góa vợ, có đứa con riêng, đã lớn tuổi nhưng vẫn dám mạnh mẽ viết thư ngỏ lời "táo bạo" cho chị Đào nhằm vun vén một hạnh phúc mới.
- Sự sống hồi sinh của đất nước trên mảnh đất Điện Biên: Mấy năm trước còn là bãi chiến trường hoang lạnh đầy mảnh vỏ bom đạn, dây thép gai, hầm hào,... Nay thay vào đó là "khu nhà nữ công nhân rộn rịp người ra vào, nhộn nhạo những tiếng cười, tiếng mời chào, tiếng đấm tay thùm thụp", cùng với những cánh đồng lạc, ngô tươi tốt, những con người lao động miệt mài, hăng say.
=> Tất cả những biểu hiện rõ rệt ấy đã cho thấy sự hồi sinh mạnh mẽ, thay da đổi thịt của cả đất nước và con người sau mấy chục năm trời nghiệt ngã và thực sự "cuộc sống vĩ đại đã trở lại rồi".


3. Kết bài

Nêu cảm nhận.


II. Bài văn mẫu Phân tích truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc đứng lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong không khí sôi nổi lao động và kiến thiết đất nước, nhiều thanh niên đã tình nguyện rời xa quê hương đi đến những vùng đất mới bước vào công cuộc khẩn hoang canh tác đầy vất vả nhưng vinh quang, biến những mảnh đất khô cằn, bị bom đạn tàn phá suốt mấy chục năm thành những khu nông trường màu mỡ góp phần dựng xây kinh tế nước nhà. Hòa chung với không khí xung phong ấy, giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ cũng nảy ra những quan niệm mới trong sáng tác, phải tích cực xung phong đi đến những vùng đất mới của đất nước để khai thác được hết những vẻ đẹp của quê hương, của con người trong thời khắc mới của Tổ quốc. Chính vì thế Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân và Nguyễn Khải đã cùng nhau mạnh mẽ tiến bước về nông trường Điện Biên. Sau chuyến đi thực tế ấy mỗi tác giả đều có cho riêng mình những trải nghiệm đáng giá và những tác phẩm sâu sắc. Trong khi Nguyễn Huy Tưởng cho ra đời nhiều tiểu thuyết, Nguyễn Tuân có riêng mình tập tùy bút Sông Đà, thì Nguyễn Khải cũng có truyện ngắn Mùa lạc. Dù rằng cái thời khắc mang tính thời sự của đất nước đã qua được mấy chục năm, thế nhưng những nội dung nhân văn trong tác phẩm này của Nguyễn Khải vẫn tồn tại và sống mãi trong lòng người đọc.

Mùa lạc không phải là một truyện ngắn phức tạp, mà chủ yếu tập trung vào đời sống của con người sau ngày kháng chiến chống Pháp, những đau thương tạm qua đi, nhân dân Việt Nam bước vào một khởi đầu mới, nhiều khó khăn, nhưng cũng nhiều hy vọng, bỏ lại sau lưng nhiều đau thương, mất mát. Câu chuyện tập trung vào nhân vật Đào, một người đàn bà có số phận bất hạnh, chông chênh cũng như nhiều kiếp đàn bà của thế kỷ trước. Một trong những cái bất hạnh lớn nhất của đời chị ấy là cái ngoại hình kém duyên "hai con mắt hẹp và dài đưa đi đưa lại rất nhanh, gò má cao đầy tàn hương, và hàm răng đen nhờ nhờ hơi nhô ra ngoài môi", khuôn mặt không ưa nhìn, dáng vóc của chị cũng không lấy làm dịu dàng mấy với một cái dáng "sồ sề", chân ngắn. Thế nhưng chị Đào cũng đã từng có được chồng, chị đã nên vợ nên chồng với người ta từ thuở 17, bẻ gãy sừng trâu, cái thuở còn ngô nghê hồn nhiên. Cứ nói rằng hồng nhan bạc mệnh, nhưng ít nhất như vậy chị cũng được vui vì cái nhan sắc của mình, còn đằng này chị đã buồn vì bản thân kém xinh, lại khốn khổ với một người chồng bỏ đi biền biệt, nghiện rượu chè, cờ bạc, khiến đời chồng con của chị lận đận. Rồi cái người chồng ấy cũng ra đi sớm, để lại cho chị đứa con trai hai tuổi thế nhưng nó cũng bỏ chị mà đi nốt vì bệnh sài, chị trở thành người đàn bà cô độc, không nhà không cửa, bơ vơ trên đời với nhiều nỗi đau khổ. Chị sống với kiếp lênh đênh "đòn gánh trên vai, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường" khốn khổ, thiếu thốn với "Mùa hè vài cái áo cánh nâu vá vai, mùa đông một chiếc áo bông đã bạc", đời người đàn bà vốn ưng được êm đềm, lặng gió thế mà với chị "bàn chân đã từng đi khắp mọi nơi không dừng lại một buổi nào".Có biết bao nỗi cay đắng, tủi nhục đã trùm lên cuộc đời của người đàn bà này, để rồi nó hiện hẳn ra cái ngoại hình của chị "Mái tóc óng mượt ngày xưa qua năm tháng đã khô lại, đỏ đi như chết, hàm răng phai không buồn nhuộm, soi gương thấy gò má càng cao, tàn hương nổi càng nhiều". Rồi những lúc đau ốm chị lại nương nhờ người này người kia một chút để vượt qua, chị Đào đôi lúc đã nghĩ muốn về quê, nhưng quê chị làm gì có ai nữa, rồi muốn chết cho đời hết nặng nhọc, khốn khổ ấy thế nhưng "đời còn dài nên phải sống". Có thể nhận ra rằng chị Đào là một người phụ nữ thật kiên cường, mạnh mẽ và có sức sống tiềm tàng mãnh liệt đến nhường nào, chị đã trải qua nhiều bất hạnh thế nhưng chị chưa từng buông xuôi cuộc đời mình, vẫn miệt mài chăm chỉ lao động để nuôi sống bản thân. Nhưng đồng thời những bất hạnh, mất mát và thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần đã khiến chị có cái vẻ "táo bạo và liều lĩnh, ghen tị với mọi người và hờn giận cho thân mình". Phải hờn trách chứ, bởi đời chị nó khổ quá, mà chị thì có tội tình chi.

Những tưởng cuộc đời chị Đào sẽ mãi phải chịu cảnh lênh đênh, bốn bể là nhà thì "tâm lý con chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi cũng chồn chân, muốn tìm một nơi hẻo lánh nào đó, thật xa những nơi quen thuộc để quên đi cuộc đời đã qua" đã đưa cuộc đời chị đi vào một bước ngoặt khác, tươi sáng và nhiều hứa hẹn. Ở nông trường Điện Biên, chị Đào không còn phải chịu cảnh lênh đênh nay đây mai đó, bốn bể là nhà, chị được hòa vào cái niềm vui lao động, phấn đấu và thi đua, tâm hồn chị đã bứt đi được cái cảm giác lạc lõng và cô độc. Bởi lẽ lúc đầu dù chị chưa quen thân với tất cả mọi người, nhưng chí ít chị cũng thân thiết được với Huân một anh chàng kém chị 25 tuổi, đẹp trai nhất nông trường. Sự khỏe mạnh, vui tính, khéo léo, đa tài của Huân đã thắp lên cho cuộc đời chị nhiều niềm vui trong lao động, bởi lẽ ít ra chị cũng có một người cùng lao động, cùng nói chuyện và cũng là để thi đua. Tuy nhiên, chị Đào vẫn chưa mở khóa được tất cả những mặc cảm tự ti trong lòng mình, cái nỗi buồn lòng của một người đàn bà xấu, sắp qua tuổi xuân thì, mà lại cứ độc lai độc vãng, không chồng con, không được ai ngó ngàng yêu thương. Thành thử ra khi phải nghe cái sự gán ghép kỳ quặc giữa chị và Huân, của anh chàng tên Lâm nó đã vô tình khía mạnh vào nỗi mặc cảm, buồn lòng mà chị cất giữ bấy lâu. Thế nhưng Đào không phải là một người phụ nữ dễ xấu hổ, hay khuất phục trước những lời trêu chọc tinh quái của người khác, chị mạnh mẽ bác lại và dường rất bình thản trước cuộc đời lắm chông gai của mình. Lúc đầu chị thành thật giãi bày "Các anh đã biết đời em rồi đấy. Mỗi năm một tuổi, cái tuổi nó đuổi xuân đi. Nồi nào vung ấy, em đã có bố cháu dưới xuôi rồi, mai nay bố cháu cũng lên đây xây dựng xã hội chủ nghĩa cùng với em đấy". Nhưng sau nhiều lần đối mặt với cái trò đùa độc ác thích xoáy vào nỗi bất hạnh của người khác chị đã không buồn nhún nhường, thành thật mà làm gì nữa, chị đã 28 tuổi, chứ chẳng phải bé bỏng để người ta bắt nạt mãi thế chị tự tin mà thành thơ, thành vần rằng "Huê thơm bán một đồng mười. Huệ tàn nhị giữa giá đôi lạng vàng". Giá đôi lạng vàng chứ chưa vị tất đã bán đâu anh Huân ạ". Đến đây người ta bắt đầu nhận ra, chị Đào không hẳn đã tắt hẳn những hy vọng về một cuộc đời được yêu thương, chẳng phải chị vẫn rất có ý thức về cái giá trị của mình hay sao. Chị vẫn có lòng tự tôn của một người đàn bà dù không đẹp nhưng tâm hồn đẹp, hăng say lao động, chăm chỉ cần cù hơn bất cứ ai. Và những lúc nhìn thấy cái vẻ trẻ trung khỏe khoắn của Huân, một chàng trai như ánh dương giữa cuộc đời, thì cái niềm khao khát hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc, được yêu thương, đùm bọc nó lại âm ỉ cháy trong trái tim nhiều thương tổn. Chị "muốn quên hết, lại ao ước mình được trẻ lại, như không bao giờ có cuộc đời đã qua, mà chỉ có lúc này, một nữ công nhân trên nông trường Điện Biên Phủ, một người có quyền được hưởng hạnh phúc như mọi người con gái may mắn khác". Đó là một trong những biểu hiện rõ nét nhất về sự hồi sinh sự sống trong tâm hồn người đàn bà này, bởi lẽ rằng nếu người ta đã không tha thiết gì thì chắc người ta đã chẳng phải hờn giận, ghen tỵ, hay có những lúc đanh đá, đấu tranh cho bản thân mình, mà chỉ việc lầm lũi cho qua ngày đoạn tháng như cô Mị trong Vợ chồng A Phủ. Và cũng có những lúc "chị lại bừng bừng nghĩ tới một cảnh gia đình hạnh phúc, lại hy vọng cuộc đời của mình chưa phải đã tắt hẳn, một cái gì đó chưa rõ nét lắm nhưng đầm ấm hơn, tươi sáng hơn những ngày đã qua cứ lấp ló ở phía trước". Những hy vọng ấp ủ ấy chắc chắn sẽ nuôi dưỡng tâm hồn chị Đào và sẽ dẫn chị đến những hạnh phúc chị xứng có được.

Và thật may rằng cuộc đời vẫn không bạc đãi chị Đào, đã cho chị những tia sáng, những niềm hy vọng mới mẻ, khi có một người đàn ông mới gặp vài lần viết thư ngỏ lời với chị bằng những lời lẽ mà chị cho là "táo bạo", là "coi thường". Nhưng thực tế đó là những điều chị dối lòng, bởi chị bất ngờ và "bàng hoàng" trước cái cơ hội được yêu thương săn sóc tự dưng tràn đến cuộc đời chị trong hoàn cảnh này, giữa cái cuộc đời hạn hán vì thiếu thốn tình cảm và mất mát quá nhiều. Và sự thực là chỉ một lá thư ngỏ lời ấy đã khiến chị vui một "nỗi vui sướng kỳ lạ rào rạt không thể nén lại nổi, khiến người chị ngây ngất, muốn cười to một tiếng, nhưng trong mi mắt lại như đã mọng đầy nước chỉ định trào ra". Chị xúc động và hạnh phúc vì cái chuyện vui đột ngột đến trong đời, và tâm hồn chị đã bắt đầu "thức tỉnh những nỗi khao khát yêu đương, khao khát hạnh phúc mà chị cố hắt hủi, vùi nén một cách bất lực từ ngót chục năm trời nay". Thậm chí chưa có gì xác định nhưng chị đã bắt đầu tưởng đến cảnh chung đụng với con riêng của chồng, những tính toán về cuộc sống sau kết hôn,... Đó là những diễn tiến tâm lý thật bình thường của con người, hy vọng và vui sướng dễ dẫn người ta đi xa trong tưởng tượng, và tâm hồn chị Đào đã thực sự sống lại, tươi sáng như cái cách mà chị nghĩ về tương lai.

Đôi lúc người ta hỏi chị Đào có yêu anh Huân không, thiết nghĩ rằng chị Đào mơ ước được người như anh Huân, chị thích anh, nhưng chị cũng ý thức được rõ khoảng cách giữa hai người, đồng thời chị cũng hài lòng với những gì mình đang có được. Thế nên chị chỉ dừng lại ở cái việc ngưỡng mộ và thân thiết với Huân, xem Huân là ánh mặt trời rọi sáng những tối tăm trong lòng chị, cũng là người thấu hiểu chị. Chính vậy nên chị có một cái nhìn rất thiện cảm với mối tình của Huân và Duệ, chị thấy họ thật xứng đôi phải lứa, và chị ra sức vun vén, đắp đầy cho cái tình cảm ngỡ suôn sẻ mà nhiều chông gai. Bởi lẽ người trẻ, ít trải đời họ thường có những cái suy nghĩ vẩn vơ, rụt rè và sợ hãi trước hạnh phúc, trước tương lai, đặc biệt ở đây là cô Duệ, một cô gái trẻ tuổi, mong manh. Còn chị chị cảm thấy vừa lòng với ông thiếu úy, và cuộc đời họ đã gắn với nhau khi vào vụ gieo ngô, chị đã có một gia đình mới, một bàn tay đàn ông che chở, yêu thương, chị lấy đó là hạnh phúc và hợp tình. Và hạnh phúc của chị cũng nhận được những lời vun đắp từ những anh em trên công trường, những con người từ nhiều miền của Tổ quốc mà mới chỉ nửa năm trước chị còn xa lạ.

Tư tưởng chính mà Nguyễn Khải muốn truyền đạt thông qua truyện ngắn Mùa lạc ấy chính là sự hồi sinh của con người, của đất nước. Sau giải phóng miền Bắc, có nhiều cuộc đời đã theo đổi theo những chiều hướng tích cực, sự vận động diễn ra một cách âm thầm, âm ỉ trong trái tim mỗi người. Họ sống với nhiều hy vọng về một tương lai tươi sáng, những khát khao hạnh phúc sau những năm tháng đau thương của đất nước và của cả cuộc đời mình. Từ một người phụ nữ kém sắc, góa chồng, sắp hết tuổi xuân, đến anh Huân với "những khát khao, những ước mơ đốt cháy trái tim", đến cả anh thiếu úy Dịu góa vợ, có đứa con riêng, đã lớn tuổi nhưng vẫn dám mạnh mẽ viết thư ngỏ lời "táo bạo" cho chị Đào nhằm vun vén một hạnh phúc mới. Rồi rộng hơn nữa người ta còn thấy sự sống hồi sinh trên mảnh đất Điện Biên mà chỉ mấy năm trước còn là bãi chiến trường hoang lạnh đầy mảnh vỏ bom đạn, dây thép gai, hầm hào,... thì nay thay vào đó là "khu nhà nữ công nhân rộn rịp người ra vào, nhộn nhạo những tiếng cười, tiếng mời chào, tiếng đấm tay thùm thụp", cùng với những cánh đồng lạc, ngô tươi tốt, những con người lao động miệt mài, hăng say. Người ta đã nhanh chóng đặt lại đau thương, mất mát từ chiến tranh vào quá khứ để dựng lại cuộc sống mới khi mà "Trong những buổi lễ cưới người ta tặng nhau một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giá bút, một quả lựu đạn cối tiện đầu làm bình hoa, một ống khối thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giá thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này, và những cái võng nhỏ của trẻ con tết bằng ruột dây dù rất óng mượt",... Tất cả những biểu hiện rõ rệt ấy đã cho thấy sự hồi sinh mạnh mẽ, thay da đổi thịt của cả đất nước và con người sau mấy chục năm trời nghiệt ngã và thực sự "cuộc sống vĩ đại đã trở lại rồi".

Truyện ngắn Mùa lạc là một câu chuyện ngắn cấu tứ đơn giản, viết về cuộc sống của nhiều số phận con người sau chiến tranh, dẫu chịu nhiều đau thương vất cả, thế nhưng trong trái tim họ vẫn tràn trề một sức sống tiềm tàng mãnh liệt và hồi sinh một cách mạnh mẽ sau những đổi thay của cuộc sống. Từ đó bộc lộ một cảm hứng mới trong văn học Việt Nam giai đoạn những năm sau kháng chiến chống Pháp ấy là sự hồi sinh của đất nước, con người, với một niềm tin tích cực rằng chỉ cần cố gắng, nỗ lực vượt lên trên số phận thì cả con người và cả đất nước chắc chắn sẽ được hưởng những hạnh phúc, những thành tựu mà chúng ta hằng mong ước.

Mùa lạc không phải là tác phẩm tập trung sâu sâu sắc vào vấn đề cảm thông cho số phận bất hạnh của con người, mà chủ yếu nói về sự hồi sinh mạnh mẽ của sự sống, niềm tin mãnh liệt vào tương lai khiến con người qua bất hạnh và khó khăn để tiến tới hạnh phúc thông qua nhân vật trung tâm là chị Đào. Các em có thể tìm hiểu rõ hơn về nhân vật này qua bài viết Phân tích hình tượng Đào trong truyện ngắn Mùa lạc nhé.

Qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước, văn học Việt Nam lại cho ra đời những tác phẩm phản ánh thời cuộc mang tính thời sự khác nhau phản ánh rõ được sự biến chuyển của đời sống xã hội và số phận con người. Đặc biệt sau kháng chiến chống Pháp chủ đề sự hồi sinh cuộc sống sau chiến tranh được khai thác nhiều hơn cả. Các em hãy tham khảo bài viết Phân tích truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải để hiểu rõ hơn về chủ đề này nhé.
Phân tích tác phẩm Một người Hà Nội của Nguyễn Khải
Dàn ý phân tích đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Ái Quốc trong truyện ngắn Vi hành
Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Ái Quốc thể hiện ở truyện ngắn Vi hành
Phân tích hình tượng nhân vật Đào trong truyện ngắn Mùa Lạc
Phân tích cách kể chuyện của tác giả truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng
Phân tích nhân vật Sơn trong truyện Gió lạnh đầu mùa ngắn gọn

ĐỌC NHIỀU