1. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm "Làng" của Kim Lân.
- Giới thiệu về tình huống truyện độc đáo trong tác phẩm.
2. Thân bài:
a, Khái quát chung:
* Khái niệm "tình huống truyện":
- Là sự kiện, tình huống đặc biệt, đẩy câu chuyện lên cao trào hoặc để đổi hướng câu chuyện.
- Góp phần bộc lộ tính cách, phẩm chất của nhân vật cũng như tư tưởng, chủ đề mà tác giả muốn gửi gắm.
* Tình huống truyện trong tác phẩm "Làng" - Kim Lân:
- Hoàn cảnh mở đầu:
+ Theo lệnh của Ủy ban, ông Hai buộc phải rời làng Chợ Dầu để tản cư sang nơi khác.
+ Ông Hai luôn tự hào và nhung nhớ về ngôi làng nơi mình đã gắn bó suốt bao nhiêu năm.
- Tình huống truyện được chia ra để góp phần diễn tả sự biến chuyển trong nội tâm nhân vật:
+ Tình huống 1: Ông Hai ở nơi tản cư nghe được tin làng Chợ Dầu theo giặc.
+ Tình huống 2: Tin tức làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính.
b, Phân tích tình huống truyện trong tác phẩm "Làng":
* Tình huống 1: Ông Hai nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc:
- Tin tức như sét đánh ngang tai, khiến ông Hai bàng hoàng, xót xa, nhục nhã, dần rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán nản và tuyệt vọng.
- Ông Hai lo lắng, bất an vì mang tiếng "quân phản quốc", sợ bị mụ chủ đuổi ra khỏi làng.
- Đã từng có suy nghĩ "Hay là về làng" nhưng rồi tự gạt phăng đi, quyết tâm "Làng thì yêu thật đấy. Nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù".
=> Tình huống giúp khẳng định lòng yêu nước, sự trung thành với cách mạng của người nông dân thời chiến.
=> Tình huống tạo nút thắt cho câu chuyện.
* Tình huống 2: Tin làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính:
- Ông Hai như được hồi sinh, vui vẻ, hạnh phúc khôn xiết.
- Ông mua quà bánh cho các con, đi khoe khắp nơi rằng giặc đã đốt nhà mình.
- Ông kể về quá trình đấu tranh của dân làng mình một cách đầy tự hào.
=> Tình yêu làng hòa chung với tình yêu nước sâu đậm.
=> Tình huống mở nút, hòa giải những xung đột bên trong nội tâm nhân vật.
c, Đánh giá chung:
- Tình huống truyện được xây dựng một cách gay cấn.
- Thể hiện được diễn biến và những đấu tranh nội tâm phức tạp của nhân vật.
- Góp phần làm rõ tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của tình huống truyện đối với toàn bộ tác phẩm.
- Liên hệ mở rộng.
Với truyện ngắn "Làng", Kim Lân đã đem đến cho người đọc những tình huống truyện vô cùng độc đáo. Từ đó, làm nổi bật lên tính cách của nhân vật cũng như tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Tình huống đầu tiên bắt nguồn từ tin đồn làng Chợ Dầu theo giặc. Là một người yêu làng, luôn đi khoe khoang về làng mình, ông Hai như "chết đứng" trước cái tin đó. Ông không tin vào tai mình, bàng hoàng và đau xót khi nghe người ta mắng chửi lũ "Việt gian". Điều này khiến ông khép chặt mình lại, không dám ra ngoài vì xấu hổ. Đến khi tuyệt vọng, ông nghĩ rằng sẽ đưa gia đình trở lại làng. Nhưng lí trí đã cản ông lại: "Làng thì yêu thật. Nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Đó chính là chi tiết chứng tỏ lòng trung thành của nhân vật với Tổ quốc, với Cụ Hồ. Để rồi đến tình huống truyện thứ hai: tin tức được cải chính, ông Hai như được hồi sinh, không thể kiềm chế sự vui sướng trong lòng. Một loạt các hành động mua quà, phát quà cho các con, đi khắp nơi khoe việc giặc đốt nhà mình đã chứng minh cho tình yêu cùng niềm tự hào vô bờ của ông về cái làng đã gắn bó cả đời người. Hai tình huống ấy như những chi tiết thắt nút - mở nút. Chúng đẩy câu chuyện lên cao trào rồi giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng, đem đến sự hài lòng cho độc giả. Qua đó, người đọc cũng thấy rõ được những biến chuyển trong nội tâm nhân vật. Từ đó, hiểu hơn về tư tưởng chủ đề mà nhà văn muốn truyền tải.
---------------------
Mời em ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm nhiều bài viết cùng chủ đề nhé: Ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Làng của Kim Lân; Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân; Đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân.
Cái thu hút nhất ở một tác phẩm văn xuôi chính là tình huống truyện. Bằng ngòi bút tài hoa của mình, nhà văn Kim Lân đã đem đến truyện ngắn "Làng" - tác phẩm với những tình huống độc đáo, thú vị. Chính điều đó đã góp phần dựng nên bức chân dung toàn diện về nhân vật, đồng thời thể hiện rõ tư tưởng, chủ đề mà tác giả muốn gửi gắm.
Nhắc đến tình huống truyện, có thể hiểu đó là một chi tiết, tình huống, sự kiện đặc biệt được nhà văn xây dựng để đẩy câu chuyện lên cao trào. Đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp bộc lộ tính cách, phẩm chất của nhân vật cũng như chủ đề của tác phẩm. Đối với "Làng", Kim Lân đã xây dựng đến hai tình huống khác nhau. Truyện mở đầu với chi tiết ông Hai - nhân vật chính, tuy ở nơi tản cư nhưng vẫn luôn mong nhớ về cái làng Chợ Dầu thân thương. Ông tự hào về làng mình lắm, đi đâu cũng khoe. Vậy nên Kim Lân tạo nên tình huống thứ nhất: ông Hai nghe được tin làng Chợ Dầu theo giặc. Và sau khi khai thác chi tiết tâm trạng của nhân vật, tác giả đã đem đến tình huống thứ hai, giúp nhân vật gỡ bỏ nút thắt trong lòng: tin tức làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính. Cũng nhờ hai chi tiết vô cùng độc đáo, gay cấn này, nhân vật của Kim Lân đã hiện lên một cách vô cùng chân thực, rõ nét.
Tình huống truyện đầu tiên giúp độc giả thấy được những biến chuyển, giằng xé trong nội tâm nhân vật, từ đó làm bật lên lòng yêu nước của người nông dân. Vốn là một người có tình yêu và niềm tự hào sâu sắc dành cho làng Chợ Dầu, cái tin làng theo giặc như một tin sét đánh ngang tai đối với ông Hai. Hàng loạt cảm xúc nối tiếp nhau ập đến: bàng hoàng, xót xa, nhục nhã, chán chường, mệt mỏi, bất an. Ông không còn dám ra ngoài, sợ người ta nhìn vào rồi chỉ trỏ "quân bán nước", "người làng Việt gian". Nhân vật còn tuyệt vọng đến mức nảy ra suy nghĩ "Hay là về làng", nhưng rồi lại gạt phăng đi vì "Làng thì yêu thật đấy. Nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Vậy có thể nói đây chính là tình huống thắt nút, tạo cơ hội để khẳng định được lòng yêu nước cùng sự trung thành với cách mạng của nhân vật ông Hai nói riêng và tầng lớp nông dân trong kháng chiến chống Pháp nói chung.
Tình huống truyện thứ hai như một chi tiết mở nút, giúp cho tình yêu làng và lòng trung với nước được hòa quyện cùng nhau. Các hành động của ông Hai sau khi tin tức làng Chợ Dầu theo giặc được đính chính dường như thay đổi hoàn toàn. Ông vui vẻ, hớn hở như được hồi sinh. Ông mua quà bánh về phát cho các con, đi gõ cửa từng nhà để kể về việc Tây đốt nhà mình. Nhân vật lúc này tràn đầy sức sống và niềm tin, hi vọng, khác hẳn so với sự chán nản, tuyệt vọng khi trước. Chính điều này đã giúp hóa giải mâu thuẫn, bứt dứt trong lòng người nông dân thật thà, chất phác kia, giúp ông trở lại đường đường chính chính là một phần của cộng đồng, dân tộc.
Với hai tình huống vô cùng gay cấn như vậy, Kim Lân đã thành công đem đến một nhân vật ông Hai với rất nhiều đức tính, phẩm chất tốt đẹp. Ông chính là đại diện cho tầng lớp nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp oanh liệt. Việc xây dựng đến hai tình huống truyện cũng góp phần khắc họa rõ nét hơn những đấu tranh nội tâm phức tạp của nhân vật. Từ đó, làm rõ chủ đề tác phẩm muốn đề cập tới: lòng yêu nước.
Tựu chung lại, không thể phủ nhận sự tài hoa cùng cái nhìn độc đáo của Kim Lân về con người và cuộc sống. Chính nhờ tài năng của mình, nhà văn đã đem đến cho độc giả những câu chuyện thú vị và tràn đầy ý nghĩa.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Với hai tình huống truyện đặc sắc, Kim Lân đã thành công vẽ nên hình ảnh ông Hai - một người nông dân với tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc. Hy vọng với bài Phân tích tình huống truyện độc đáo trong tác phẩm Làng trên đây, các em đã có thể làm bài dễ dàng.